LUẬN ĐÀM VỀ GỐM TRẮNG VĂN IN ĐẠI VIỆT
TS.Phạm Quốc Quân
1. Gốm men trắng, trong đó có gốm trắng văn in xuất hiện ở Việt Nam khá sớm, từ thời Lý, phát triển thành một dòng riêng biệt, kéo dài đến tận thời Lê Trung Hưng, qua bộ sưu tập có niên hiệu, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (1), với màu men trắng, rạn hạt ngô, do trung tâm gốm Bát Tràng sản xuất, sau đó, phai nhạt dần, nhưng cũng đủ tạo nên một dòng gốm khá ấn tượng trong phức hợp gốm Việt Nam đa sắc màu.
         Trong quãng đường dài gần một thiên niên kỷ, gốm men trắng có lúc hưng, lúc suy, có lúc biến đổi, cách tân, nhưng nhìn chung, màu men trắng độc sắc phủ trên toàn khí vật, được coi là một hằng số, để tạo nên một đặc trưng riêng biệt, không thể trộn lẫn với bất cứ loại gốm men trắng nào trong các cường quốc gốm sứ, ngay cả với Trung Hoa, được coi là “cái nôi” của gốm sữ thế giới, với sự xuất hiện khá sớm dòng men này – thời Đường – Ngũ Đại, thế kỷ VII – X.
         Và, trên con đường lần tìm sự biến chuyển của gốm men trắng Đại Việt, các đồng nghiệp và tôi, chợt nhận ra một hiện tượng khá nổi trội, đó là vào đầu thế kỷ 15, xuất hiện những sản phẩm gốm men trắng văn in, có xương mỏng như sứ, thấu quang, màu men trắng, chủ yếu là bát, đĩa, trang trí hoa văn khá phong phú: rồng, phượng, mây, sóng nước, hoa cúc, hoa sen…Những họa tiết chủ đạo này kết hợp với chữ Hán in nổi hoặc viết bằng men lam (quan, kính, từ, bính, lam, ngũ…), thể hiện đẳng cấp cao, khiến chúng ta khó nhận ra đó là gốm sứ Việt, nếu đặt chúng trong phức hợp của gốm sứ Đại Việt nói riêng và gốm sứ Việt Nam nói chung.
Gốm của Vua dùng
2. Gốm men trắng văn in ở nước ta tìm thấy ở hai trung tâm, đó là xứ Đông xưa (một phần Hải Dương ngày nay), với các địa điểm như Cậy, Chu Đậu, Hợp Lễ thông qua những cuộc khai quật khoa học của Viện Khảo cổ vào những năm 1989 và 2002(2). Trung tâm thứ hai là Đông Kinh với những phát hiện ở Hậu Lâu năm 1998, Bắc Môn năm 1999, hé mở cho các nhà khảo cổ học tìm kiếm một khu lò nung ở kinh thành, để rồi, sau ba năm, khu di tích Hoàng Thành Thăng Long được khai quật, chứng tích gián tiếp về lò nung gốm nói chung, gốm trắng văn in nói riêng được khẳng định (3) .
          Ngoài hai nơi sản xuất, gốm trắng văn in còn tìm thấy ở Lam Kinh(Thanh Hóa) (4), ở tàu cổ Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) (5) và trong các ngôi mộ cổ ở xứ Mường Hà Tây, Hòa Bình, Thanh Hóa…Đó là những nơi tiêu thụ và sử dụng gốm trắng văn in, cho dù, đã có một thời, người ta còn băn khoăn về khả năng sản xuất loại gốm này ở Lam Kinh, nhưng chưa đủ chứng cứ thuyết phục (6).
          Vậy là, từ chất lượng, chữ in và viết trên sản phẩm, cùng với những địa danh phát hiện ra gốm trắng văn in, có thể khẳng định, chúng là đồ dùng của vua và hoàng tộc, được sản xuất trong các lò quan ở ngay tại kinh thành và xứ Đông. Và, phải chăng, gốm trắng văn in còn là hàng hóa để xuất khẩu hay làm quà tặng của triều đình cho các tù trưởng địa phương và các hoàng gia ở các vương quốc lân bang?    
          Đồ dùng của vua và hoàng gia thì đã rõ, khi các nhà khảo cổ học còn nhận ra rằng, ngay cả sản phẩm cung đình cũng được phân ra làm hai loại: loại dùng cho vua có chất lượng và đề tài trang trí khác hẳn. Loại dùng cho hoàng tộc có chất lượng thấp hơn (7). Gốm trắng văn in tìm thấy ở chính điện Lam Kinh đẹp và tinh tế hơn đồng loại tìm thấy ở Tả Vu, Hữu Vu (8). Nhận xét ấy xem ra là có cơ sở, khi so sánh những đồ dùng ở hoàng cung Đông Kinh, Lam Kinh với tàu cổ Cù Lao Chàm và mộ Mường, càng thấy sự khác biệt về độ dày, mỏng của xương gốm, độ trắng của men và đặc biệt là đề tài rồng năm móng không hề thấy ở tàu cổ Cù Lao Chàm và mộ Mường cổ. Điều này, dường như cũng giống với gốm sứ trắng Hàn Quốc của triều đại Choson, trong thời gian từ 1424-1432, với 139 lò sứ và 185 lò gốm, triều đình đã phân ra ba nhóm: nhóm cao cấp, nhóm trung bình và nhóm chất lượng thấp (9).
          Lò quan và phẩm cấp sản phẩm lò quan, đặc biệt là nhóm có chất lượng trung bình và thấp xem ra có liên quan tới gốm sứ thương mại!
3. Gốm lò quan ở Việt Nam có từ thời Trần, với những sản phẩm có ghi ở đáy bốn chữ “Thiên Trường phủ chế”. Nishino Noriko còn nhận ra thư pháp trên sáu tiêu bản được tìm thấy ở Thiên Trường là do một người viết và với văn tự chỉnh chu như thế, người viết phải từ triều đình cử về (10).
          Lò quan thời Lê sơ, cũng giống như thời Trần, chưa có một dòng ghi chép nào của sử thành văn, cho dù, có rất nhiều thông tin về Cục Bách tác, quản lý những nghành nghề thủ công Đại Việt, như Bách tác xây dựng miếu điện ở Lam Kinh,Tat tác xây chùa, Quan tác làm mũ. Tuyệt nhiên không có dòng nào về việc quản lý làm đồ gốm, trong đó có cả gốm lò quan.
          Rất có thể, sự quản lý thiếu chặt chẽ của Cục Bách tác đối với nghề thủ công này và những quy định không quá nghặt nghèo đối với lò quan đã khiến cho gốm trắng văn in trở thành hàng hóa, để đến hôm nay, chúng ta tìm ở nhiều nơi, trong đó có cả ở vùng Mường và trên con tàu chở hàng đi xuất khẩu. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc, đã là gốm lò quan, không được sử dụng vào bất cứ mục đích gì, ngoài vua và hoàng gia. Vua Sejong, triều Choson của Hàn Quốc đã ban hành một bộ luật cấm dân thường sử dụng loại gốm sứ này, mà chỉ được dùng trong triều đình và các cơ quan, chính quyền(11). Mặc dù có quy định như thế, nhưng hiện tượng sản xuất lén lút vẫn xảy ra thường xuyên. Ở Trung Quốc, tình hình cũng như thế, đối với các trung tâm sản xuất gốm ở phía Nam, do triều đình thời Minh, Thanh không thể với tới được.
          Phải chăng, gốm trắng văn in tìm thấy ở Cậy, Chu Đậu, Hợp Lễ là những sản phẩm sản xuất lén lút, khi những lò này ở xa Trung ương? Nhưng, cũng rất có thể đó là sự quy định thiếu chặt chẽ của Cục Bách tác đối với những sản phẩm gốm lò quan?
          Gần đây, có một giả thiết cho rằng, gốm lò quan nói chung, gốm trắng văn in nói riêng, tìm thấy trên tàu cổ Cù Lao Chàm là quà tặng của vua Đại Việt dành cho vua và hoàng gia ở các quốc gia Đông Nam Á lúc đương thời (12). Giả thiết này cũng khiến tôi liên hệ tới bộ sưu tập ít ỏi trong con tàu cổ Cà Mau có ghi niên hiệu “Ung Chính niên chế”(13). Đó là gốm lò quan Cảnh Đức Trấn, không thể làm lén lút, bởi sự kiểm soát của triều đình khá chặt chẽ. Gốm trắng văn in, gốm lò quan, gốm có ghi niên hiệu thời Minh, Thanh tìm thấy ở xứ Mường cũng là quà tặng, của hồi môn của các công chúa về làm dâu vùng biên giới, khi chính quyền Trung ương thời Lê sơ muốn ràng buộc các tù trưởng địa phương, kể cả phong chức tước rất lớn cho họ, cho dù là “hữu danh vô thực” (14).
          Đồ gốm sứ nói chung, đồ gốm sứ lò quan nói riêng làm quà tặng được ghi chép rất nhiều trong sử sách, mà những tài liệu khảo cổ học ít ỏi trên đây là những minh họa sống động cho những quan hệ bang giao ấy trong quá khứ.
Gốm làm quà tặng của Hoàng Gia
4.  Gốm trắng văn in lóe sáng rồi vụt tắt sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, khiến chúng ta vô cùng băn khoăn, khi không có một lời giải thích nào của sử thành văn, buộc phải có những kiến giải qua việc nhận nhìn xu hướng phát triển của các dòng gốm, qua nhu cầu tiêu thụ mang tính thời thượng của hoàng gia và cung đình.
          Gốm trắng văn in là mặt hàng cao cấp, một thời được ưa chuộng trong hoàng gia. Đó là thời kỳ gốm độc sắc chiếm địa vị độc tôn, gốm vẽ lam chưa xuất hiện. Thế kỷ 15, gốm vẽ lam Việt bùng phát, gốm vẽ nhiều màu rực rỡ, với sự tham gia của kỹ thuật dát vàng mười, nung nhẹ lửa, được coi là phát kiến của thợ gốm Đại Việt, đã tạo nên sự tươi mới, hấp dẫn hơn rất nhiều so với gốm sứ độc sắc. Tuy nhiên trong buổi giao thời ấy, gốm độc sắc, trong đó có gốm trắng văn in, với truyền thống vốn có, với trào lưu phổ biến được sử dụng trong cung đình của các quốc gia lân bang (Trung Quốc, Hàn Quốc), theo đó hoàng gia Đại Việt vẫn sử dụng là lẽ đương nhiên. Cũng do giao thời, gốm hoa lam, gốm men nhiều màu chưa trở thành “thời thượng” đối với thị trường nói chung và hoàng gia nói riêng.
          Nói như thế là nói chung với gốm độc sắc Đại Việt. Sau thế kỷ 15, bắt đầu từ thời Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn, gốm độc sắc chỉ còn lại ít ỏi, mà ngày nay còn thấy trên các lư hương, chân đèn màu lam xám, trên gốm trắng men rạn hạt ngô, có sự hỗ trợ của kỹ thuật đắp và đúc nổi hoa văn để tạo nên sự đổi thay thẩm mỹ, được sử dụng chủ yếu làm đồ thờ tự trong đình, chùa, miếu mạo. Gốm men nâu, gốm men xanh lục, gốm celadon, gốm trắng không còn với tư cách là những dòng gốm men độc lập.
          Sáu mươi năm kế tiếp sau Lê sơ của vương triều Mạc, mặc dù đã tạo nên một phong cách đặc trưng, riêng biệt, vẫn giữ được mô hình gốm lò quan, nhưng, dường như không tạo được phong cách sử dụng gốm cung đình, thì lập tức, triều Lê-Trịnh thay ngôi, tiếp đến là triều Nguyễn, gốm hoàng cung chủ yếu được đặt hàng từ Cảnh Đức Trấn (Trung Hoa), dẫu rằng, lò quan vẫn tồn tại, sản xuất chủ yếu là đồ thờ tự.
5. Gốm trắng văn in, với công nghệ “nhập khẩu” không truyền thống, với kỹ thuật vô cùng tinh xảo và quy trình công nghệ khắt khe, vốn không phải là thói quen của người thợ gốm Việt, nhưng đã tạo được những sản phẩm, theo tôi, đạt đến trình độ của đồ sứ trắng, như là một sự khẳng định tài năng và trí tuệ của người thợ thủ công Đại Việt, muốn vươn lên, sánh ngang với con người và sản phẩm Trung Hoa, tạo nên một bước chuyển vô cùng ngoạn mục ở thế kỷ 15, trên tất cả các lĩnh vực của gốm sứ, chứ không chỉ có gốm trắng văn in. Tuy nhiên, do yêu cầu của cung đình không còn nữa, do thị trường xuất khẩu và trong nước không đủ sức cạnh tranh, gốm sứ trắng văn in thất truyền, gốm Việt lụi tàn, nhưng sức sống trường tồn của nó vẫn phát huy đến ngày hôm nay, được các nhà nghiên cứu gốm sứ thế giới vinh danh: Có một truyền thống riêng biệt - gốm Việt Nam.
Tài liệu dẫn:
(1)Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến và Nguyễn Quang Ngọc: Gốm Bát Tràng thế kỷ XV – XIX (Bat Trang ceramics 15th – 19th centuries), Hà Nội, 1995.
(2)Bùi Minh Trí, Nishimura Masanari, Đặng Đình Thế, Nguyễn Duy Cương: Khai quật lần thứ 6 di chỉ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương). Những phát hiện mới về khảo cổ học Việt Nam năm 2002, trang 378 – 382.
(3) Tống Trung Tín, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Văn Hùng: Khai quật địa điểm Hậu Lâu năm 1998. Tạp chí Khảo cổ học, số 2, năm 2000, trang 104 – 124.
 - Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Thị Đơn và Nguyễn Văn Hùng: Một số loại hình gốm men ở kinh đô Thăng Long qua các đợt khai quật Đoan Môn, Bắc Môn, Hậu Lâu. Tạp chí Khảo cổ học, số 4, năm 2000, trang 5 – 26.          
 - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Khảo cổ học: Hoàng thành Thăng Long, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2006.   
(4) Nguyễn Văn Đoàn: Khu trung tâm di tích Lam Kinh Thanh Hóa. Luận án Tiến sỹ. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
(5) Phạm Quốc Quân – Tống Trung Tín: Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
- Nguyễn Văn Đoàn, Đào Lê Quế Hương: Đồ gốm men trắng văn in ở tàu cổ Cù Lao Chàm lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt NamThông báo Khoa học Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, 2004, trang 102 – 106.
(6) Bùi Kim Đĩnh: Gốm men trắng văn in ở di tích Lam Kinh – Thanh Hóa. Luận văn Thạc sỹ, trang 51. Tư liệu Bảo tàng Nhân học
(7) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Khảo cổ học: Hoàng Thành Thăng Long, đã dẫn.
(8)  Bùi Kim Đĩnh: Gốm men trắng văn in ở di tích Lam Kinh, đã dẫn.
(9) Elegenz und Verzicht Weibe Keramik in Koreader Tosenon
                  - Dynastie. The Korean Organizing committee for the Guest of Honour at Frankfurt Book Fair 2005. Trích lại của Bùi Kim Đĩnh: Gốm men trắng văn in, đã dẫn, trang 46.
(10) Nishino Noriko: Phân tích gốm sứ “Thiên Trường phủ chế”. Những phát hiện mới về khảo cổ học, năm 2001, trang 617 – 621.
(11) Elegenz und Verzicht Weibe Keramik in Koreader Tosenon
                  - Dynastie. The Korean Organizing committee for the Guest of Honour at Frankfurt Book Fair 2005. Trích lại của Bùi Kim Đĩnh: Gốm men trắng văn in, đã dẫn, trang 46.
(12) Bùi Minh Trí: Gốm Thăng Long thời Lê sơ (Ceramic production of Thang Long during the early Le period). Hội thảo quốc tế khảo cổ học Việt Nam từ 29-2 đến 2-3-2012 (International Colloquium Archeology of Viet Nam).
(13) Nguyễn Đình Chiến: Tàu cổ Cà Mau (The Ca Mau Shipwreck 1723-1735), Hà Nội, 2002. Bản ảnh số 59, 60.
(14)  Phạm Quốc Quân: Gốm sứ trong mộ Mường: Nguồn gốc, niên đại và lý do về sự có mặt của chúng ở Mường. Ngã ba di sản, Hà Nội, 2011, trang 140.