Mấy điều giới thiệu về Kiếm và chắn tay kiếm Nhật Bản
Nguyễn Đình Chiến
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện còn lưu giữ một sưu tập Nhật Bản bằng chất liệu gốm sứ và kim loại. Đáng chú ý hơn cả là sưu tập kiếm và chắn tay kiếm. Theo các tài liệu văn hóa Nhật Bản nghề rèn kiếm ở Nhật có nhiều bí quyết và là một nghề đặc biệt trong xã hội. Dưới đây chúng tôi giới thiệu về kiếm và chắn tay kiếm hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Kiếm và bao kiếm, TK 17-18
1. Bao kiếm.
Bao kiếm được tạo bằng chất liệu gỗ và bạc, phần lưỡi hơi cong. Chuôi và vỏ bao chia nhiều ô hình chữ nhật, bên trong ô chạm bông hoa bốn cánh. Trên rìa cạnh bao kiếm có mấu nhỏ xuyên lỗ để buộc dây đeo. Dài 55 cm. Bao kiếm thuộc đời Giang Hộ, tk 17-18.Hiện vật (Hv) trao đổi sưu tập của Kokusai Bunka Chinkokaki, Nhật Bản.
2. Kiếm và vỏ kiếm.
Đây là loại kiếm bằng sắt dài có lưỡi dài hơi cong, mũi nhọn. Chắn tay kiếm hình hoa bốn cánh. Chuôi kiếm bằng gỗ có đoạn bọc đông trang trí hoa lá. Bao kiếm bằng gỗ một mặt trạm nổi hoa bốn cánh. Dài 76,5 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Hiện vật (Hv) trao đổi sưu tập của Kobusai Bunka Chinkokaki, Nhật Bản.
3. Chắn tay kiếm.
Chắn tay kiếm là bộ phận liên kết giữa chuôi và phần lưỡi. Trong sưu tập cổ vật Nhật Bản loại hình chắn tay kiếm khá phong phú như hình tròn dẹt, hình bầu dục gần tròn, hình bầu dục có gờ uốn lượn, hình bông hoa bốn cánh. Hình thức trang trí có loại hoa văn trổ thủng, hai mặt giống nhau, có loại đúc nổi hoa văn. Theo loại hình và đề tài trang trí.
a). Những chắn tay kiếm hình tròn dẹt được phân loại như sau:
+ Kiểu 1: Chắn tay kiếm hình tròn dẹt, chính giữa có khung hình ovan bên trong trổ thủng hình tam giác (là mặt cắt ngang của kiếm). Đk 8,8 cm. Đây là loại chắn tay kiếm đời Giang Hộ, tk 17-18. Hv trao đổi trong sưu tập Bảo tàng Hoàng gia Nhật.
+ Kiểu 2: Chắn tay kiếm có hình tròn dẹt. Chính giữa có ô hình bầu dục bên trong trổ thủng hình tam giác, hai bên có ô hình bầu dục theo kiểu đối xứng. Đk 8,3 cm. Đây là loại chắn tay kiếm đời Giang Hộ, tk 17-18. Hv trao đổi trong sưu tập Bảo tàng Hoàng gia Nhật.
+ Kiểu 3: Chắn tay kiếm loại tròn bằng đồng. Chính giữa trổ thủng ô hình tam giác, một bên trổ thủng ô gần hình lá đề, đk 8,6 cm. Đây là loại chắn tay kiếm đời Giang Hộ, tk 17-18, là Hv trao đổi trong sưu tập Bảo tàng Hoàng gia Nhật.
+ Kiểu 4: Chắn tay kiếm loại tròn bằng đồng. Đk 9,8 cm. Chắn tay kiếm này thuộc đời Đào Sơn năm 1568-1603 và là Hv trao đổi trong sưu tập Bảo tàng Hoàng gia Nhật.
+ Kiểu 5: Chắn tay kiếm loại tròn dẹt bằng đồng. Đk 7 cm. Đây là loại chắn tay kiếm đời Giang Hộ, tk 17. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 6: Chắn tay kiếm bằng đồng loại tròn dẹt chính giữa trong ô bầu dục trổ thủng hình tam giác, hai bên trổ hình chữ D cong rtong thế đối xứng. Trên ô bầu dục khắc năm chữ Hán: Thập danh trường nghệ tiền. Đk 7,6 cm. Đây là loại chắn tay kiếm đời Giang Hộ, tk 17. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 7: Chắn tay kiếm bằng sắt loại tròn dẹt, chính giữa trong ô bầu dục trổ thủng hình gần tam giác đúc nổi đầu chim hạc và hai cánh uốn cong trong hình tròn. Trên cánh thể hiện bộ lông vũ xếp lớp. Đk 8,0 cm. Đây là loại chắn tay kiếm đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 8: Chắn tay kiếm bằng sắt loại tròn dẹt. Chính giữa trổ thủng ô hình tam giác. Trên hai mặt khắc diềm trang trí dây lá và bốn loại trong bộ bát bảo được cẩn bạc. Đk 8,7 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Sưu tầm từ Kyoto Nhật Bản.
+ Kiểu 9: Chắn tay kiếm bằng sắt loại tròn dẹt. Chính giữa trong ô bầu dục trổ thủng hình tam giác. Trên hai mặt trổ thủng hình cây tùng và sóng nước. Đk 7.5 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 10: Chắn tay kiếm bằng sắt loại tròn dẹt. Trên một mặt đúc nổi hình người và khóm trúc. Đk 6,7 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 11: Chắn tay kiếm bằng đồng loại tròn dẹt. Trên cả hai mặt đúc nổi hoa lá và rồng mây. Đk 7,8 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Chắn tay kiếm này mua của Nguyễn Ngọc Lan tìm dưới đất làng Đại Vị, Bắc Ninh.
+ Kiểu 12: Chắn tay kiếm bằng đồng loại tròn dẹt. Đk 7cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 13:Chắn tay kiếm bằng đồng loại tròn dẹt. Gờ viền ngoài cắt khấc. Đk 7,2 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Sưu tầm tại Kyoto, Nhật Bản.
+ Kiểu 14: Chắn tay kiếm bằng đồng loại tròn dẹt. Gờ ngoài uốn lượn, chính giữa trong ô bầu dục trổ thủng hình tam giác, hai mặt đúc nổi hình rồng có vảy nhiều lớp như vảy rắn. Trên một mặt khắc trên ô bầu dục hai dòng chữ Hán: Ký nội tác và Việt tiền trụ. Đk 7,3 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Hv trao đổi trong sưu tập BT Hoàng gia Nhật 1950.
b). Những chắn tay kiếm hình bầu dục được phân loại như sau:
+ Kiểu 1: Chắn tay kiếm bằng đồng loại ovan dẹt. Trên một mặt khắc hai dòng chữ Hán: Kê nhị quán nghi trinh lưỡng thiện dung. Đk 7,5 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 2: Chắn tay kiếm bằng đồng loại bầu dục dẹt, gờ ngoài uốn lượn. Một mặt khắc bốn chữ Hán: Công đằng đình thọ. Mặt kia khắc bốn chữ hán: giáp tý sơ xuân ( nghĩa là tháng đầu mùa xuân năm giáp tý). Đk 8,6 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Hv trao đổi trong sưu tập BT Hoàng gia Nhật năm 1950.
+ Kiểu 3: Chắn tay kiếm bằng đồng loại ovan dẹt. Trên mặt đúc nổi khóm lá trúc. Đk 7,3 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 4: Chắn tay kiếm bằng đồng loại bầu dục dẹt. Trên mặt đúc nổi hình người đội mũ ngồi trên lưng ngựa và một người khác gánh hành lý. Có thể đây là đề tài: Đạp tuyết tầm mai tương tự đồ sứ Trung Quốc thế kỷ 18. Đk 8,6 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Hv trao đổi trong sưu tập BT Hoàng gia Nhật năm 1950.
+ Kiểu 5: Chắn tay kiếm bằng đồng loại bầu dục dẹt. Hai mặt đúc nổi mây trăng và khóm cây. Đk 7,2 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 6: Chắn tay kiếm bằng đồng loại bầu dục dẹt. Trên hai mặt đúc nổi cành hoa anh đào. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Peri 9/3/1923.
+ Kiểu 7: Chắn tay kiếm bằng sắt loại bầu dục. Trên mặt đúc nổi cành hoa anh đào. Đk 8,7 cm. . Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Peri 9/3/1923.
+ Kiểu 8: Chắn tay kiếm bằng đồng loại hình bầu dục dẹt. Bông hoa cúc thể hiện cánh hình dải quạt có màu đồng sáng. Dài 6,7 cm, rộng 5,5 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Chắn tay kiếm bằng đồng loại bầu dục dẹt, gờ viền uốn lượn. Trên mặt đúc nổi cành hoa anh đào và khắc hai chữ Hán: Trùng quang. Đk 5,3 cm. Đời Đào Sơn, tk 16-17. Mua của Bergeren 1/9/1910.
c). Chắn tay kiếm có hình bông hoa bốn cánh gồm 7 kiểu như sau.
+ Kiểu 1: Chắn tay kiếm bằng đồng loại hình bông hoa bốn cánh bao quanh, hai mặt đúc nổi chim phượng hoàng đậu trên cành hoa anh đào, phía dưới có những khóm lá trúc màu đồng xám trên nền đen. Dài: 6,8 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 2: Chắn tay kiếm bằng đồng loại hình hoa bốn cánh dẹt, xung quanh có gờ viền nổi. Trên mặt khắc hai cành hoa lá. Dài 6,7 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 3: Chắn tay kiếm bằng đồng loại hình hoa bốn cánh dẹt. Trong mỗi cánh hoa đúc nổi dây lá đối xứng theo từng cặp. Dài 5 cm. Đời Đào Sơn, tk 16-17. Mua của Leng Vall tại Nhật Bản 28/9/1936.
+ Kiểu 4: Chắn tay kiếm bằng đồng loại hình hoa bốn cánh dẹt có gờ viền nổi bao quanh, trên hai mặt đúc nổi bông hoa cách điệu đối xứng theo từng cặp. Dài 6,8 cm. Đời Đào Sơn, tk 16-17. Mua của Leng Vall 28/9/1936, Nhật Bản.
+ Kiểu 5: Chắn tay kiếm bằng đồng loại hình hoa bốn cánh dẹt. Trên hai mặt đúc nổi hai cành hoa lá cúc. Dài 8 cm. Đời Giang Hộ, tk 17-18. Mua của Bergeren 1/9/1910.
+ Kiểu 6: Chắn tay kiếm bằng đồng loại hình hoa bốn cánh dẹt. Hai mặt đúc nổi hình chiếc lá có khắc gân lá đối xứng. Dài 8,2 cm. Đời Đào Sơn, tk 16-17. Hv trao đổi trong sưu tập của BT Hoàng gia Nhật 1950.
+ Kiểu 7: Chắn tay kiếm bằng đồng loại hình hoa bốn cánh dẹt. Hai mặt đúc nổi hình hai chim hạc và hai cành lá theo kiểu trang trí trổ thủng. Dài 7,5 cm. Đời Đào Sơn, tk 16-17. Mua của Bergeren 1/9/1910.
Tuy chủng loại cổ vật bằng chất liệu kim loại, chúng ta chỉ biết số lượng hạn chế với các loại hình đỉnh, ấm, nắm đám cửa... giá đỡ, kiếm, chắn tay kiếm và gương đồng, nhưng đây là những tài liệu cho biết về kỹ thuật đúc đồng khá phát triển ở Nhật Bản. Các sản phẩm này chủ yếu cũng tập trung từ đời Giang Hộ đến Minh Trị đầu tk 17 đến đầu tk 20. Chúng ta vẫn thấy bao trùm trong các trang trí là đề tài hoa cúc, hoa lan, hình bát bảo, hình rồng phượng, chim hạc, hoa anh đào. Những đề tài này thể hiện rõ phong cách Nhật Bản. Nếu so sánh đề tài hoa cúc trên các chắn tay kiếm chúng ta còn thấy sự tương đồng trên rất nhiều những gương đồng Nhật Bản cùng thời (Kyoto National Museum, 1997: 26-31). Đặc biệt, tuy những thanh kiếm trong sưu tập không nhiều nhưng là tài liệu gợi ý cho việc tìm hiểu các loại hình kiếm Nhật còn lưu tồn ở Việt Nam. Theo các tài liệu nghiên cứu cho biết trong khoảng tk 16-18, có rất nhiều Châu Ấn thuyền của Nhật Bản được phép qua lại miền Bắc và miền Trung Việt Nam để trao đổi giao lưu hàng hóa với chúa Trịnh ở Đàng ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng trong. Trong số hàng hóa đó có sản phẩm kiếm Nhật rất được ưa chuộng ở đương thời. Từ sưu tập kiếm và chắn tay kiếm này sẽ là gợi ý cho việc nghiên cứu và sưu tầm tiếp theo của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong tương lai.
Một số hình ảnh về chắn tay kiếm:
Chắn tay kiếm, tk 17-18
Chắn tay kiếm, tk 16-17
Chắn tay kiếm, TK 16-17
Chắn tay kiếm, TK 16-17
Chắn tay kiếm, TK 16-17
Chắn tay kiếm, TK 17
Chắn tay kiếm, TK 17-18
Chắn tay kiếm, TK 17-18
Chắn tay kiếm, TK 17-18
Chắn tay kiếm, TK 17-18
Chắn tay kiếm, TK 17-18