MÙA DỊCH GHÉ CHƠI

 

                                                                                                Linh Giang

 

          Đã gần 2 tuần nay đại dịch nCovi giết người phát ra từ Vũ Hán, Trung Quốc lan nhanh ra khắp thế giới làm rối bung nhiều lĩnh vực hoạt động của các chính phủ và đời sống dân chúng. Con số người mắc do lây lan, người chết ở các quốc gia và ở Việt Nam được truyền thông đưa tin liên tục nên buổi đầu đã có lúc người dân hốt hoảng đổ xô đi tích trữ thực phẩm và tranh mua khẩu trang…

 Triều Tiên liền biên giới và thân thiết với Trung Quốc nhưng là nước đầu tiên ngay lập tức đóng cửa biên giới giữa hai nước. Còn Việt Nam ta cũng rất sớm hành động chống dịch. Chính phu tổ chức cả quân đội, công an, y tế, truyền thông, các cấp chính quyền… để chống lây lan dịch bệnh nguy hiểm này cho dân chúng. Thủ tướng đã kêu gọi mọi người cần có tinh thần và trách nhiệm “chống dịch như chống giặc!”, không tụ tập đông người, hạn chế ra đường…và đóng của hàng không quốc tế, kiểm soát chặt biên giới đường bộ, đường biển. Nhiều điểm cách ly tập trung được xây dựng gấp để gom những người từ vùng dịch về. Ở miền Bắc có cả một xã và nội thành Hà Nội có cả một con phố bị cách ly, khử trùng, khám, theo dõi sau 14 ngày nếu tốt mới cho giải tỏa. Hiện tại dịch đang phát triển hơn và diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn ở trong nước và trên thê giới.

         Thạp đồng Văn hóa Đông sơn, cách nay 2000 - 2500 năm.

        Thế là ở ta nhiều ngành kinh tế dịch vụ, bà con tiểu thương, làm xuất nhập khẩu, trường học, giao thông vận tải, du lịch, nông nghiệp, thể thao… đều lao đao. Quân đội, công an thì luôn trong tình trạng sẵn sàng và trực tiếp tham gia chống dịch. Sinh hoạt thường nhật của nhân dân thay đổi nhiều. Học sinh buộc phải nghỉ học dài kể từ sau Tết, các hoạt động nghệ thuật, thể thao, tụ tập đông người không được tổ chức…

         Không nằm ngoài cuộc, dân chơi và kinh doanh cổ vật cũng hết cửa vì phải nằm nhà. Nhất là dân làm ăn mua bán đồ cổ kiếm lời ngày ngày thường phải chạy rông và tụ bạ để lấy thông tin, để bàn tính tìm hàng, tìm khách mua mua, bán bán, đổi chác các bù.

          Buồn và bí bách chân tay làm cho Trần Lanh - một cao thủ có thâm niên trong nghề mua bán cổ vật đất Hà Thành - cảm thấy như bị giam lỏng. Hơn chục năm nay gã và một vài người nữa đã rất chịu khó thường xuyên bay đi các nước để dự đấu giá và tầm mua các loại hàng liên quan đến cổ vật (gồm cả đồ thật và đồ không thật) mang về bán cho khách quen trong đã nước. Thương hiệu tay nghề cao của Trần Lanh đã tạo cho gã có nhiều cửa ra ăn hàng thường xuyên gồm cả người chơi có tiền và người buôn cổ vật trong nước. Gã luôn chăm lo xây dựng các mối quan hệ liên kết làm ăn để tạo thị phần riêng của mình khá kín theo phương châm kinh doanh ngàn đời là “may mua không bằng may bán” và “thoát hàng tôi, trôi hàng bà”. Nhân loại đang ở thời 4.0 là thời kết nối nhanh và rộng nhờ công nghệ thông tin, do vậy  những người làm ăn quốc tế như gã chỉ cần với chiếc Smacphon quả táo lẹm là có thể chủ động xem hàng, xem tin, chuyển hình ảnh để khách xem, thương thảo trao đổi giá cả mua bán và chuyển tiền rất nhanh. Lẽ dĩ nhiên Trần Lanh rất hiểu muốn làm ăn bền được theo cách hiện đại này thì người bán hàng phải chịu trách nhiệm và có chữ tín rất cao với người mua hàng cho nên gã vận động đó đây luôn chân luôn tay. Với chút ít tiếng Anh, tiếng Tầu và cách sống sởi lởi theo phương châm hai bên cùng có lợi nên Trần Lanh đã xây dựng được quan hệ hữu hảo với nhiều người cả bên mua và bên bán các loại cổ vật trong ngoài nước. Gã khai thác triệt để phương châm làm ăn là sao cho “các bên cùng có lợi, cùng vui” không chỉ với người mua mà cả với người bán. Do vậy nhiều phi vụ với tài năng bẩm sinh của mình Trần Lanh đã buôn không cần vốn vì được người bán hàng cho gã (kể cả nước ngoài) chấp nhận cho thanh toán sau và người mua thì chuyển tiền trước.

Trống đồng Văn hóa Đông Sơn, cách nay 2000 - 2500 năm.

         Ở đời thường người có tài thì cũng có tật. Tật của Trần Lanh là không thể thiếu đàn bà và thiếu những sự tụ tập tào lao. Có thể nói đây là đặc trưng văn hóa sống của gã. Ngoài chuyện chơi bời hiện lão có 2 tập cùng chung sống hòa bình để sinh con cho gã. Quả là người tài trong thời buổi nam nữ bình quyền thời nay!

        Không chịu được cảnh phải quanh quẩn trong nhà mãi Trần Lanh bèn xách xe máy chạy tới nhà ông anh Khờ là người chơi cổ vật lâu năm và thân tình để tào lao và làm vài li cho đỡ buồn vì gã biết nhà lão này sẵn rượu ngon và lại biết nhiều chuyện. Tên Khờ là do anh em Làng đồ Hà Thành quý mến ông đã đặt cho ông vì giữa thời buổi bon chen này mà có người chơi đồ cổ lâu năm có kiến thức, dầy vốn sống và đặc biệt lại lãng tử không hám tiền, kèn cựa hại người - kể cả trong công việc ở cơ quan - và cả trong cuộc chơi cổ vật đầy phức tạp đâu có nhiều? Đáng ra anh em Làng đồ phải đặt tên cho ông ấy là Biết Tuốt mới đúng, song vì họ quý mến ông ấy nên đã chọn cái tên Khờ để nói lái nhằm khái quát tính khác người của ông ấy. Trần Lanh tự biết mình là dân buôn đồ cổ duy nhất có bằng đại học kỹ thuật và có quan hệ thân tình nhiều năm với ông Khờ, đã bán cho ông một số đồ hiếm, lạ ông thích với giá phải chăng nên được ông tin ông quý. Ông đã từng nói đa phần dân buôn cổ vật đất này thành đạt, kiếm tốt vì họ có bằng Havớt chợ trời, còn cậu thì khác… 

Thạp gốm Việt Hoa Nâu, Thế kỷ XII - XIII

-  Chào bác Khờ. Em đây. Trần Lanh đây. Bác cứ vắt vẻo lắc võng một mình mà không chán à?

-  Chào. Dịch dã thế này không nằm khèo lắc võng thì đi đâu? Chắc buồn quá không đó đây được nên mới tìm đến lão già này nhì?

- Vâng. Bác Khờ tinh thật. Thế bác cũng nằm nhà không đến nhiệm sở?

- Làm Ô lai. Tránh cho mình và cho cả mọi người. Mà mình làm thêm cho vui chứ lợi lộc gì mà phải lo, phải tính. Tiếp cậu là phải Usky thay trà nhỉ? Tớ có chai ngon xách tay mới được biếu. Ông Khờ đứng lên khỏi võng vui vẻ nói với khách.

- Qúy hóa quá. Số em son. Dịch bệnh tứ lung tung chẳng đi đâu được. Móm. Thế mà lại được đối ly với bác không phải chi thì sung sướng quá.

- Dạo này có kiếm được nhiều đồ ta đẹp ở nước ngoài mang về không?

- Ít. Trước đây mấy người Việt Kiều thấy có lời đem ra bán còn có kha khá. Nay hiếm rồi. Có chăng kiếm được vài món sứ ký kiểu Lê, Trịnh, Nguyễn nhưng đắt lắm vì trong nước tự thổi giá quá cao. Món nhẹ cũng gần chục ngàn đô, còn món đẹp phải vài trăm ngàn. Nhưng cũng hiếm ông anh ạ. Dân kiểu cũng khôn họ gửi bán qua đấu giá nên càng cao. Mà thế chó nào mấy món sứ ký kiểu chúng nó thổi lên cao vậy cơ chứ? Khuân toàn đồ sứ, đồ gỗ Tầu, tranh pháo mang về bán thôi. Trong nước có người vẫn thích mua ông anh ạ. Mà ông anh lạ gì những món đẹp, cao tuổi mình thi đấu sao nổi với dân Khựa đông tiền thời nay. Mua được loại tầm tầm là quý lắm rồi. Vất vả lắm. Mua được song lại phải tự đóng gói đi gửi chuyển về, bên ấy đi thuê tiền cao lắm nên phải tự làm tất. Hàng về đến Việt Nam lại phải chạy đi nhận, qua cửa Hải quan, chẳng may bị vỡ là tiêu đời… Vất vả lo lắng lắm đâu có dễ?

- Cậu quên tớ đã phân tích từ 10 năm trước về sự bất hợp lý giá mua bán của các món sứ ký kiểu với các món cổ vật Việt giá trị khác? Ấy vậy mà một vài trọc phú cậy đông tiền nhưng hiểu biết văn hóa có hạn giờ đây vẫn lao vào rơi tiền ầm ầm. Phi lý mà có thật.

Cậu biết tớ cũng đã đi công cán nhiều nước nên hiểu, còn cậu thì đi làm ăn nước ngoài qúa nhiều nên là người trong cuộc. Uống hết tự rót nhé. Mình nghĩ: Dân chơi cổ vật ở những nước giầu có văn minh chắc chắn sẽ có nhiều cách lựa chọn cuộc chơi sưu tập mà không phải chơi mò mẫm dẫn đến trả giá đắt như ở nước ta. Có đúng không nào?

- Vâng. Chính xác.

-  Đã từ lâu các nước Âu, Mỹ đã hình thành trong dân chúng và chính phủ  quan niệm cổ vật là một loại hàng hóa đặc biệt nên việc mua bán cổ vật cũng phải hình thành theo một cách riêng không như các loại hàng hóa thông dụng khác và cần được pháp luật thừa nhận. Nước họ có vài cách mua bán cổ vật như sau:

  • Mua bán qua sàn đấu giá công khai có hóa đơn, phí xác nhận,
  • Mua bán tại các cửa hàng có hóa đơn,
  • Mua bán trao tay theo thỏa thuận với giấy viết tay của người bán,
  • Và mua bán tự do ngoài chợ trời.

Đối với những cổ vật có giá trị của nước ngoài khi mua bán trên thị trường cũng phải tuân theo Công ước về tranh chấp cổ vật do Liên Hiệp quốc quy định để không vướng vào tranh chấp quốc tế có đúng không?

      - Vâng.

      - Đúng.

Bình sứ Trung Quốc, Thế kỷ XVII

- Trên thế giới trải bao cuộc chiến tranh, bên thắng thường thu chiến lợi phẩm là cổ vật, tranh, tượng, tác phẩm mỹ thuật quý hiếm và vàng bạc châu báu mang về nước. Họ đâu có khuân về những thứ khác? Do vậy tranh tụng quốc tế về cổ vật và đồ nghệ thuật có giá trị nhằm tránh mua đồ ăn cắp, ăn cướp phải có Luật quốc tế.

         Mình những tưởng sau khi Việt Nam ban hành Luật Di Sản năm 2000 thì nước ta cũng từng bước phải xây dựng thị trường mua bán trao đổi theo hướng trên, nhưng rất tiếc cho đến nay đã qua 2 thập niên Việt Nam vẫn chỉ có 2 hình thức mua bán cổ vật là thỏa thuận trao tay và mặc cả ngoài chợ. Việt Nam không hình thành được môt sân chơi, một thị trường mua bán cổ vật như các nước văn minh là điều rất đáng tiếc và đáng trách đối với các cơ quan quản lý văn hóa và thương mại ở các cấp. Họ đã không thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Dẫn đến các cổ vật mang dấu ấn văn hóa Việt có giá trị vẫn không được nâng cao so với các cổ vật nước ngoài rất tầm thường ngay trên thị trường Việt Nam và quốc tế.

Phần dưới chân đèn gốm Việt, Thế kỷ XVI

         Thế mà sau 20 năm kể từ ngày Luật Di Sản ra đời, kinh tế Việt Nam từng bước tăng trưởng, đời sống dân tình cũng khá giả lên, do vậy nhu cầu tìm chơi cổ vật cũng tăng lã lẽ thường tình. Nhiều cổ vật Việt cũng đã được người Việt Nam mua chơi và giữ lại trong nước. Nhiều cổ vật Việt chảy máu ra đi trước đây nay được các người buôn tự phát như các cậu bay đi mua về bán cho người chơi trong nước kiếm lời. Việc làm đó đáng hoan nghênh nhưng vẫn chưa được nhà nước ta khuyến khích như Trung Quốc đã làm với công dân của họ có đúng không?

Là người có ít nhiều am hiểu về giá trị cổ vật và cuộc chơi tại Việt Nam mình  chia sẻ nỗi buồn với cậu về cuộc chơi để xem có đồng tình không nhé.

      - Ông anh uống tí đã rồi hãy nói.

      - Nào thì uống.

        Một là các cổ vật Việt đỉnh cao thời Văn hóa Đông Sơn, Đại Việt, Chăm pa, Sa Huỳnh đáng ra phải được cơ quan quản lý văn hóa có thẩm quyền quy định cụ thể loại cổ vật nào được mua bán công khai trong nước và quốc tế, loại nào thì không? Dẫn đến tất cả cổ vật mang dấu ấn văn hóa Việt đều vô tình đã bị cho là cấm làm cho cả người chơi và người kinh doanh đều làm việc ngầm với nhau để thỏa thuận. Như vậy các cổ vật Việt làm sao có thị trường? Người trong nước phần lớn vẫn phải mua theo thỏa thuận trao tay, còn ở nước ngoài mặc dầu các Bảo tàng danh tiếng Âu, Mỹ đều có những đánh giá cao không kém cổ vật các nước Trung Hoa, Ấn Độ, Ai Cập, Nhật Bản… và trưng bầy trang trọng song không ai giám mua vì sợ Việt Nam sẽ kiện theo công ước quốc tế về sở hữu cổ vật. Như vậy làm sao cổ vật Việt có được giá cao trên thị trường trong nước và quốc tế!

        Hai là số người hiểu biết để sưu tập được nhiều cổ vật Việt có giá trị hiện ở ta không nhiều, có thể chỉ đếm đầu ngón tay. Cuộc chơi vẫn chỉ là tự phát. Đã lác đác có vài Bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên ra đời ở các tính, song kể cả về quy mô, cách quản lý, điều hành chưa đúng với một bảo tàng và đặc biệt hiện vật thì chưa có cổ vật đắt giá, cho nên khách thăm thưa thớt dẫn đến khó đứng vững và phát triển. Đáng tiếc.

        Ba là các trọc phú mới ở ta hiện bỏ tiền tấn ra mua đồ cổ chơi hy vọng vừa được chơi, được khoe sang và để lại núi tiền cho con cháu sau này song phần lớn là đồ mang dấu ấn văn hóa nước ngoài, rất ít dấu ấn văn hóa Việt. Chủ yếu họ mua đồ sứ, đồ gỗ Trung Quốc non tuổi và giả cổ tinh xảo để chơi. Có vậy các cậu mới kiếm được nặng đúng không nào?

-  Thôi ba là đủ, còn thêm 4, 5 vấn đề nữa làm gì cho não thêm. Ông anh làm tí đã. Rượu ngon lắm. Ông anh nói đúng, nhưng quản lý nhà nước và dân có tiền chơi kiểu này thì bọn em mới kiếm được nuôi vợ con chứ? Em can bác đừng lên tiếng nữa. Em đã đến nhiều nhà mấy tầng lầu la liệt đồ thấy cả, song ít người chơi hiểu được như bác Khờ đâu. Hãy Makeno bọn trọc phú đông tiền ông anh ạ. Rồi sẽ đến lúc họ ngộ ra thôi. Còn thời điểm nào ngộ ra thì em không biết vì cuộc sống hiện tại vẫn đang quay chóng mặt. Ai được Khờ như bác. Thôi bác cho em uống tiếp nhé.

- Xin mời. Người uống được như cánh ta không dễ bị Virust lạ xâm nhập nhỉ?

        Và rồi chủ khách tào lao đủ chuyện không dừng mời nhau uống sếc đối li nên chả mấy chốc chỉ còn 1/3 chai và họ quên ráo chuyện sợ dịch bệnh đang hoành hành ngoài đời cũng như chuyện chơi cổ vật đáng buồn ở ta như vừa nói ./.