Mường ma Đống Thếch
Hữu Tuấn  
Mường Động (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình ngày nay) có một nền văn hóa lâu đời, nhiều phong tục đặc sắc của người Mường ẩn chứa nhiều giá trị. Trong số các di chỉ khảo cổ, các di tích lịch sử có khu mộ cổ người Mường Đống Thếch luôn thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về văn hóa người Mường.
Khu mộ Mường cổ Đống Thếch - người dân địa phương còn gọi là Mường ma - (xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) là nơi thánh địa của dòng họ Đinh, một dòng họ quan lang có thế lực tại vùng này lúc bấy giờ. Khu mộ cổ Đống Thếch nằm ở đầu thung lũng Mường Động, với cái nhìn ban đầu ta cứ ngỡ đây là một danh lam thắng cảnh, một thung lũng nhỏ quang đãng bằng phẳng, trong đó nhấp nhô hàng trăm các hòn đá là các bia mộ cao thấp. Vây quanh ba mặt là những quả đồi thấp tạo nên một bồn địa nhỏ trong một thung lũng lớn.
Theo nhân dân địa phương truyền lại, khu đất Đống Thếch có địa thế hình dáng miệng Rồng - một thế đất quý theo thuật phong thủy ngày xưa – cho nên từ lâu dòng họ quan lang Mường Động đã độc chiếm làm nghĩa địa – nơi yên nghỉ cho dòng họ của mình. Với thế đất rộng vài vạn mét vuông, trải qua nhiều đời khu Đống Thếch đã ẩn chứa hàng trăm ngôi mộ của nhiều thế hệ kế tiếp nhau, trong đó có nhiều ngôi mộ được cắm những hòn đá cao làm bia mộ như dấu ấn quyền lực của người chết.
Qua bao năm, Đống Thếch trở thành thánh địa của nhà Lang, bị rừng cây phủ lên rậm rạp càng trở nên bí hiểm và linh thiêng trong con mắt của người dân.
Tại nhà ông Đinh Văn Dũng, hậu duệ thứ 21 của họ Đinh còn lưu giữ một cuốn gia phả viết bằng tiếng Hán do ông Đinh Công Bàng soạn vào năm 1724.
Theo gia phả, người sáng lập ra dòng họ Đinh là ông Đinh Như Lệnh, trải qua nhiều đời đến ông Đinh Công Kỷ cầm quân giúp nhà Lê diệt nhà Mạc (cuộc nội chiến giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến trong nước cuối thế kỷ 16). Dòng họ Đinh được vua Lê chúa Trịnh phong tước cho cai quản vùng Mường Động, cha truyền con nối cai quản miền sơn cước này.
Theo truyền thuyết còn lưu truyền trong dân gian, ông Đinh Công Kỷ (đời thứ 8 dòng họ Đinh, 1582 - 1647) là người có công giúp vua Lê xây dựng triều chính và là tướng tài của chúa Trịnh Kiểm. Do có công với nước nên khi chết ông được mai táng theo tước hầu, quan tài làm bằng gỗ trám đen (một loại gỗ quý trong vùng), ngoài sơn son thếp vàng và được chôn theo nhiều đồ đạc quý. Đặc biệt, nhà Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mồ.
Bắt đầu từ năm 1972 và đến năm 1975, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã có những bước đầu nghiên cứu và tìm hiểu về các khu mộ Mường ở bốn vùng Mường lớn là Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Kỳ Sơn), Mường Động (Kim Bôi) thuộc tỉnh Hòa Bình. Trong bốn khu mộ đó thì khu mộ Đống Thếch có quy mô và giá trị nghiên cứu hơn cả.
Khu mộ Đống Thếch hiện được chia làm hai khu nhỏ, khu A có 15 ngôi mộ có dạng tròn hoặc vuông với các hòn đá bao quanh. Đậu mộ thường chôn ba hòn đá cao, to nhất thành một hàng thẳng. Trên các hòn đá đó thường có ghi tên tuổi, công trạng ngày mất của người nằm dưới mộ. Khu B, theo kết quả khảo cổ thì tìm thấy 7 ngôi mộ nhưng quy mô không lớn bằng khu A.
Trong các lần khảo cổ, các nhà khoa học còn tìm thấy rất nhiều các vật tùy táng (đò dùng chôn theo người chết ) với các loại trang sức, đồ dùng bằng gốm sứ, bằng đồng… rất có giá trị lịch sử và khảo cổ học.
Từ những nghiên cứu trên, khu mộ Cổ Đống Thếch đã mở ra rất nhiều điều còn bí ấn trong các phong tục, sinh hoạt, đồ dùng, trang phục… của người Mường đặc biệt trong tầng lớp Lang đạo ngày xưa. Hơn thế nó còn trở thành một khu du lịch, tham quan tìm hiểu những nét văn hóa đặc biệt của xứ Mường đã tồn tại và phát triển qua ngàn năm tới nay.
Năm 1996 khu mộ cổ Đống Thếch được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Qua đợt khảo sát và khai quật tại khu mộ cổ năm 1984, đã thu được nhiều hiện vật phong phú về loại hình số lượng, hiện được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình gồm: 207 các hiện vật bằng gốm sứ như bát, đĩa, lọ, chậu…; 260 hiện vật đồ đồng gồm tiền, chậu, gương, vòng, hoa tai…; 11 hiện vật bạc gồm trâm cài tóc, vòng…
Năm 1987, người dân đại phương còn đào được 4 trống đồng và nhiều hiện vật khác.