Hôm nay 27-7 Việt Nam Kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ. Tối nay VTV1 đang truyền hình trực tiếp 7 đầu cầu trên các vùng miền đất nước để ghi nhớ máu xương của người Việt Nam đã đổ xuống trong nhiều năm trường kỳ chiến đấu dành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Là người Việt Nam có lương tri và yêu nước thiết nghĩ hôm nay và mai sau chúng ta vẫn phải luôn ghi nhớ lại nỗi đau máu xương của bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống để giữ đất nước này. Chỉ là thân phận của một người dân nhưng giờ này lòng mình cũng lắng xuống nhớ về những gì mà người dân Việt Nam đã mất mát đau thương và khốn khổ vì quân xâm lược ngoại bang, vì chính sự ích kỷ chỉ lo lợi riêng của một bộ phận người Việt trong suốt bao năm tháng đã qua cũng như hiện tại…

Thế rồi tự nhiên tôi nhớ lại hồi tháng 6-2022 nhân bay vào dự Lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập Trung Tâm Bảo tồn Cố đô Huế, sau khi xong việc với Trung Tâm tôi được cậu bạn có cùng thú chơi cổ vật ở Huế chở đến thăm xem một bộ sưu tập cổ vật chủ yếu là đồ vớt được từ dòng Hương Giang lững lờ nước chảy đã làm tôi xúc động. Xúc động vì qua bộ sưu tập này tôi được biết thêm một gia đình người dân Việt cũng đã âm thầm trong nhiều năm lưu giữ được một số dấu ấn văn hóa Việt Nam cho hôm nay và mai sau. Âu đó cũng là cách họ đã góp phần nhỏ của mình để luôn nhắc nhở, tưởng nhớ đến hồn cốt tiền nhân người Việt Nam cho hôm nay và mai sau.

Bao năm qua tôi đã về thăm cố đô Huế nhiều lần, phần vì là quê ngoại, phần vì nơi đây tôi có một số bạn là quan chức trong ngành quản lý văn hóa của tỉnh Thừa Thiên - Huế mấy nhiệm kỳ và có vài người bạn chơi sưu tập, kinh doanh cổ vật. Mặc dù đã biết khá nhiều danh thắng Huế ấy vậy mà lần này tôi đã ngỡ ngàng vì được bạn đưa đến thăm xem một bộ sưu tập cổ vật của anh chị Huỳnh Văn Chuân sống ở Làng Kim Long xưa - nay là Phường Kim Long - một địa danh có tiếng suốt bao năm tháng thời trước Cách mạng tháng 8 - 1945 khi còn tồn tại triều đình Nhà Nguyễn. Làng Kim Long xưa là nơi có nhiều gia đình quan lại đã ở vì đất lành và đẹp, do vậy con gái Làng Kim Long đẹp, nết na nên dân gian đã có câu: “Gái mỹ miều Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi!”.

Vì có một thực tế ở Việt Nam trong nhiều năm qua những người chơi và kinh doanh cổ vật đa phần chỉ đi tầm, đi mua bán những món cổ vật có giá cao theo thị trường để kiếm lời, hoặc có ít người mua về để giữ lại làm của, cho nên tôi cũng ít để ý đến những sưu tập cổ vật tôi tạm gọi là bình dân, vì về số lượng thì nhiều nhưng lại có ít hiện vật đặc sắc. Sưu tập cổ vật bình dân kiểu này mặc dù tôi biết ở Huế có nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Tấn Phan đã làm rất đáng nể việc sưu tập đồ vớt dưới sông Hương nhưng tôi đã chưa có dịp tự tìm đến để được xem, được gặp chủ nhân. Tôi ân hận về suy nghĩ này của mình và càng ân hận khi giờ đây ông Hồ Tấn Phan đã quy tiên cách nay vài năm. Do vậy lần này tôi rất vui vì được đến xem sưu tập của anh chị Huỳnh Văn Chuân ở Kim Long, Huế. Sau khi tận mắt được xem, được trò chuyện với gia chủ tôi mới ngộ ra được giá trị của bộ sưu tập cổ vật này hiện có nơi xứ Huế. Mặc cho áp lực cơm áo gạo tiền hàng ngày nhưng anh chị Huỳnh Văn Chuân đã kiên trì bỏ công sức của gia đình để gìn giữ được bộ sưu tập cổ vậy này đến ngày nay. Thật là đáng nể!

Anh chị Huỳnh Văn Chuân hiện sống ở ngôi nhà có ít đất vườn kha khá của cha mẹ để lại và đã tiếp nối được sự say mê tìm mua những cổ vật các loại vớt được từ dòng Hương Giang của cha mẹ trong suốt 25 năm qua. Kết quả hiện anh chị có đến hàng ngàn cổ vật với chất liệu khác nhau như đá, gốm, sứ, đồng, gỗ… đang hiện hữu trước mắt tôi.

Qua chuyện trò tôi biết anh chị có nguyện vọng muốn được cơ quan văn hóa và du lịch địa phương hướng dẫn, xem xét công nhận nơi đây là một địa chỉ lưu giữ dấu ấn văn hóa Việt như những nhà vườn, nhà rường cổ ở Huế để đón khách tham quan nhằm quảng bá văn hóa Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời có được ít nhiều kinh phí để gia đình tiếp tục có điều kiện lưu giữ được bộ sưu tập này lâu dài. Thiết nghĩ đây là nguyện vọng rất chính đáng của gia đình anh chị Chuân. Thiết nghĩ việc anh chị tự nguyện góp phần thực hiện chủ trương “xã hội hóa hoạt động bảo tổn các giá trị văn hóa Việt Nam” mà nhà nước ta đã, đang khuyến khích nhân dân tham gia cũng là việc rất đáng ghi công. Anh chị giữ gìn được bộ sưu tập cổ vật này là góp phần bảo tồn tốt các giá trị văn hóa Việt cho hôm nay và mai sau và việc làm đó cũng là hành động dán tiếp tưởng nhớ anh linh các liệt sỹ tiền nhân đã hy sinh vì đất nước Việt Nam.

Còn chuyện nữa, nghe nói Kim Long là quê của một ông cán bộ ngành công an từng bảo vệ Hồ Chủ Tịch đã giúp đỡ ông Trần Đại Quang thời mới vào ngành, cho nên sau này Kim Long cũng được quan tâm nên cầu cống đường xá ở đây khá tốt. Âu đó cũng là nghĩa cử tốt đẹp của người Việt Nam khi có điều kiện!

Nhân ngày 27-7 này, với thân phận của một thảo dân nhưng tôi cũng muốn chia sẻ và ủng hộ nguyện vọng chính đáng của anh chị Huỳnh Văn Chuân ở Kim Long- Huế, vì gia đình đã tự nguyện góp công sức bảo tồn những dấu ấn văn hóa vật thể của người dân Việt ta cho xứ Huế nói riêng và đất nước nói chung. Việc làm đẹp này chắc cũng sẽ thỏa lòng các liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước. Rất mong chính quyền và các cấp quản lý văn hóa, du lịch ở tỉnh, thành phố Huế sẽ quan tâm tạo điều kiện để gia đình anh chị Huỳnh Văn Chuân thỏa ý nguyện tốt đẹp của mình với xứ sở, quê hương ./.