NGẪM SỰ ĐÃ QUA
Đào Phan Long
Tôi là số ít người miền Bắc thuộc lớp sinh sau cách mạng tháng 8-1945, nay đang lứa U 80 mê chơi cổ vật. Trong kháng chiến chống Pháp anh em tôi ở chiến khu Việt Bắc, Thanh Hóa là vùng đất kiểm soát của ta. Năm 1954 hòa bình lập lại nhà tôi về Hà Nội, tôi được đi học từ 1 đến lớp 9 ở thủ đô. Năm 1964 Mỹ bắt đầu ném bom đánh phá miền Bắc rất ác liệt nên anh em tôi đi theo trường học tiếp lớp 10 để tốt nghiệp cấp III nơi sơ tán ở nông thôn. Sau đó tôi được học tiếp 5 năm đại học cũng ở nơi sơ tán trên vùng núi. Ra trường đi làm ở Hà Nội, đi xây dựng Binh trạm vận chuyển xăng dầu quân đội… nên đã đến sống và công tác ở nhiều vùng đất miền Bắc. Tôi đã chứng kiến những năm đất nước có chiến tranh nên không nhiều ngôi đình làng, chùa, miếu… ở các vùng quê là nơi thờ tự, tâm linh của nhân dân ta ở các làng quê miền Bắc đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều làng, xã đã dùng những nơi này làm kho, sân phơi thóc, trụ sở Hợp tác xã, Ủy ban, đặt lớp học, nhà trẻ… Khi đó nhiều người đã rất xót xa trước sự hủy hoại các di sản văn hóa lâu đời của dân tộc, nhưng cũng đành lòng vì cuộc chiến của nhân dân ta chống Mỹ để thống nhất đất nước diễn ra quá ác liệt.
Việt Nam đã bị chiến tranh cướp nước nhiều năm với Trung Quốc, Pháp, Mỹ. Giữa thế kỷ 20 Mỹ nâng cấp cuộc chiến từ đặc biệt đến cục bộ ở Việt Nam nhằm giúp những người theo họ chống cộng sản. Đỉnh cao Mỹ đã đưa hơn 50 vạn quân viễn chinh sang Việt Nam trực tiếp đánh nhau với Visi - Việt Cộng gây ra bao đau thương tang tóc cho đất nước này. Nhưng kết cục Mỹ ngày càng bị sa lầy lớn và số lính Mỹ chết trận ngày càng tăng. Trước Việt Nam cứng đầu, không có cách nào hiệu nghiệm để khuất phục Mỹ đã ngầm bắt tay với Trung Quốc để họ bán đứng Việt Nam qua thỏa thuận Thượng Hải. Sau đó Mỹ quyết định mở chiến dịch ném bom rải thảm B52 ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên… năm 1972 để mong đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá nhưng Mỹ đã bị thất bại buộc phải kỳ Hiệp định Paris. Thế là miền Bắc Việt Nam bắt đầu được hưởng những ngày hòa bình lâu dài kể từ năm 1946, còn miền Nam người Việt vẫn bắn giết nhau bằng vũ khí của Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc.
Kể từ 1954 đến 1964 mặc dầu miền Bắc không có chiến tranh nhưng lãnh đạo văn hóa Bắc Việt Nam nhân danh xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng nhà nước công hữu, đấu tranh giai cấp, thủ tiêu tư hữu và bài trừ phong kiến, mê tín dị đoan… theo hệ tư tưởng cộng sản của thời Stalin, Mao cầm quyền nên đã vô tình và cố ý bật đèn xanh cho việc người Việt tự phá hỏng nhiều di tích văn hóa lịch sử của dân tộc mình đã để lại ngàn năm. Hậu quả của tội lỗi này còn kéo dài tới nhiều năm sau kể cả khi Việt Nam đã thống nhất đất nước năm 1975 và những năm sau. Thời đó đã có một số ít vị cách mạng tiền bối có tri thức trong ngành văn hóa lên tiếng phê phán can ngăn lãnh đạo Bắc Việt Nam nhưng như muối bỏ bể và có những người còn bị trả giá đắt bằng kỷ luật đảng, chính quyền vì bị quy kết là chống lại đường lối chủ trương xây dựng nền văn hóa mới của Đảng và Nhà nước. Do vậy hầu như không còn ai là cán bộ trong chính quyền có vị trí cao ở miền Bắc giám lên tiếng ngăn cản chủ trương tiếp tục cho phá dẹp các di sản văn hóa dân tộc vì lo sợ cũng sẽ bị cấp trên xử lý.
Nhân dân ta rất công tâm, nay thiết nghĩ không nên để người Việt Nam đời sau chỉ nhìn thấy mặt trước lấp lánh của tấm huân chương nhà nước đã trao cho các vị lãnh đạo thế hệ đi trước, mà cần được hiểu ngọn ngành của mặt phía sau tấm huân chương ấy. Là những người cộng sản nắm quyền lãnh đạo Đảng và nhà nước miền Bắc Việt Nam suốt nhiều năm thời ấy được nhà nước ghi nhận công lao, đặt tên đường phố cho thế hệ sau nhớ về họ là cần thiết. Nhưng nước nào cũng vậy người dân thế hệ sau và lịch sử đời thường công tâm phán xét giữa công và tội của thế hệ trước. Chính vì vậy ở các nước văn minh thường có quy định thời gian để cơ quan công quyền được công khai các tài liệu lưu trữ của thời trước nhằm giúp nghiên cứu đánh giá các sự kiện trước đây giúp lãnh đạo thế hệ đương thời có bài học kinh nghiệm.
Tôi là lớp con cháu may mắn đã trực tiếp được gặp 2 nhân vật trong 2 câu chuyện vui và như buồn dưới đây. Đầu tiên là câu chuyện vui, đó là ở Việt Nam ta ngoài Hồ Chủ Tịch đã có bác Nguyễn Tạo (bí danh Tạo Cuội) là một chiến sỹ cộng sản lứa1930 (ông là đồng chí lớp đàn anh thân thiết với cha chú tôi, được cử làm Tổng Cục trưởng Lâm nghiệp đầu tiên, đã vài lần cho lớp con cháu chúng tôi đi thăm rừng Cúc Phương) giờ đây bác Tạo đã được nhân dân ở một địa phương tỉnh Thái Bình tự nguyện lập đền thờ ông vì ông đã sớm có công với dân vùng đó (đã có phóng sự phát trên TV1). Đây là nghĩa cử cao đẹp của lớp con cháu người dân Thái Bình hôm nay ghi ơn đối với người cộng sản lớp tiền bối năm xưa đã thật sự hy sinh chấp nhận tù đầy để cứu dân cứu nước trước họa ngoại xâm áp bức bóc lột của thực dân Pháp và bè lũ tay sai năm xưa.
Câu chuyện thứ hai là câu chuyện buồn đã xẩy ra giữa thủ đô Hà Nội trong thập niên 80 của thế kỷ 20. Đó là việc lãnh đạo thành phố đã quyết định thực hiện chiến dịch khám xét thu giữ đồ cổ, vàng, ngoại tệ trong dân để chống việc đầu cơ tích trữ phá hoại nền kinh tế. Đã có một số người buôn bán đồ cổ bị bắt và bị thu giữ nhiều món cổ vật đem lên Hỏa Lò. Thời này ông Phó bí thư Thường trực là ông Mười Hương một cán bộ tình báo cao cấp hoạt động ở miền Nam được điều ra Hà Nội. Ông Trần Vĩ là Chủ tịch thành phố. Các vị này là cộng sản nhưng tham gia lứa tiền khời nghĩa tức chỉ ít năm trước 1945. Sau đó Hà Nội đã phải sưa sai quyết định trên, thả người và trả lại đồ nhưng không công khai. Tôi nghĩ cũng là những chiến sỹ cộng sản nhưng tùy theo Tâm và Tầm nên mỗi người sẽ có suy nghĩ và hành động vì dân vì nước khác nhau. Rõ ràng các chiến sỹ cộng sản đã hiến thân đi hoạt động bí mật chống lại sự ấp bức cường quyền của thực dân đế quốc khi Đảng chưa có chính quyền trong tay thường khác hẳn người cộng sản khi Đảng đã nắm được chính quyền.
Liên Xô, Trung Quốc, các nước phe XHCN trước đây là những nước cộng sản nắm quyền cũng vậy.
Chẳng như ở Trung Quốc nay đã công khai đánh giá sự nghiệp của Mao là công 7 tội 3. Ở nước Nga thi đã có nhiều ý kiến công khai đánh giá về công tội, về sự nghiệp của Lê Nin, Stalin, Khơ rút xốp … Thiết nghĩ chắc chắn sẽ đến thời ở ta phải làm như các nước cốt yên lòng dân lâu dài và để lãnh đạo đương thời rút bài học kinh nghiệm vì dân, vì nước hay vì lợi ích riêng?
Nhớ lại sau Đại Hội Đảng lần thứ III 1960 các ông Trường Chinh, Tố Hữu, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng, Hà Xuân Trường… trực tiếp chỉ đạo và lãnh đạo hoạt động tuyên giáo, tư tưởng, văn hóa của TW Đảng; ở Bộ Văn hóa là các ông Hà Huy Giáp, Hoàng Minh Giám…; ở Ủy Ban khoa học xã hội là các ông Nguyễn Khánh Toàn, Vũ Khiêu… là những vị lãnh đạo cao cấp của đảng và nhà nước trong lĩnh vực văn hóa phải chịu trách nhiệm chính trong việc miền Bắc Việt Nam đã đưa ra các chính sách góp phần phá hoại nhiều di tích văn hóa vật thể là đình, chùa, cổ vật đã có lâu đời ở trong dân và ở một số địa phương miền Bắc thời đó. Cấm nhiều lễ hội, ca hát dân gian cổ truyền là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc ở miền Bắc Việt Nam được lưu truyền trong xã hộị. Người Việt Nam hôm nay và đời sau cần được biết về hậu quả của tổ chức và quản lý văn hóa thời đó ở miền Bắc Việt Nam. Đây là chuyện buồn!
Mãi về sau đến năm 1997 trước trào lưu Đổi Mới và Mở Cửa làm ăn với quốc tế, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam mới ban hành Nghị quyết về Văn hóa nhằm thực hiện chủ trương “hòa nhập chứ không hòa tan” về tư tưởng và văn hóa của lãnh đạo Việt Nam. Nhà nước khuyến khích xã hội hóa bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc để nhà nước và nhân dân cùng làm. Muộn còn hơn không. Còn đây là chuyện vui!
Tôi là người không được học ngành sử và khoa học xã hội nhưng may mắn lại được quen biết và nói chuyện khá thân tình cởi mở với các bậc đàn anh dậy sử là các Giáo sư Lâm, Lê, Tấn, Vượng. Cả 4 anh đều đã cổ vũ và chia sẻ kiến thức cổ vật Việt để giúp tôi tin vào hoạt động sưu tập cổ vật Việt của mình.
Tác giả và giáo sư Trần Quốc Vượng
Nhớ thời sau năm 2000, trong một lần Ban chấp hành Hội KHLS Việt Nam họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội Phan Huy Lê, ông ủy viên Tăng Bá Hoành nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương đã phát biểu đại ý: “Nhớ lại thời tôi còn công tác tại Ty Văn hóa Tỉnh, hàng tháng có giao ban nghe các xã, huyện báo cáo phá được bao nhiêu pho tượng cổ để chống mê tín dị đoan. Trước phong trào này người dân không đành đập phá đã thả tượng trôi sông để tránh họa…”. Họp xong có ăn trưa tôi được ngồi cùng bàn với Phó Chủ tịch Đinh Xuân Lâm và Chủ tịch Phan Huy Lê và vài vị cao tuổi nữa (có lẽ các vị học trò các thầy nay cũng là các Phó GS, GS tránh ngồi với thầy để dễ tán chuyện chăng?) Khi ngồi ăn uống trong không khí vui vẻ cởi mở tôi đã hỏi hai ông anh. Với anh Đinh Xuân Lâm tổi hỏi:
Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam chủ trì họp Ban chấp hành Hội
- Anh là người nghiên cứu và dậy về sử cận đại Việt Nam, không biết giới sử các anh có đánh giá như thế nào về chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến” thời ta chống Pháp khi ta cho phá hủy cả thành phố Vinh, Thanh Hóa… là tài sản, của cải, công sức xây dựng bao đời của dân Việt không? Giờ đây về những sai lầm Cải cách ruộng đất, chống bọn Nhân Văn Giải Phẩm, kinh tế quốc doanh độc quyền, cải tạo công thương nghiệp, 500 pháo đài Huyện, làm chủ tập thể… thì đã bắt đầu có nghiên cứu và em đi học Ly luận chính trị cao cấp cũng đã bắt đầu được biết nguyên nhân nhưng thấy còn sơ sơ lắm. Liệu vấn đề “Tiêu thổ kháng chiến” có được sử ta chép và bình không anh?
- Đã có nghiên cứu và nhận xét song chưa rõ lắm. Anh Lâm lim dim mắt tủm tỉm trả lời.
- Oh, cậu hỏi GS Lâm vấn đề này là một trong những đại vấn đề đấy. Chủ tịch Phan Huy Lê cười.
Tôi lại hỏi: Anh Lê ơi sao các anh không giảng sâu cho học trò và lên tiếng trên truyền thông về việc quân Minh sau khi đánh bại nhà Hồ đã tổ chức phá huỷ triệt để di sản văn hóa lâu đời của dân Đại Việt như ban hành chủ trương đập phá đình chùa, bắt dân cắt tóc, thay đổi cách ăn mặc, đốt hết sách… để thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau biết mà đề phòng chứ? Em mạnh dạn nói với các anh thời kỷ từ 1955 đến 1995 nước ta được độc lập nhưng chính ta đã tự phá đi không ít di tích, phong tục, tập quán văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc có đúng không? Liệu những thiệt hại đó có phải ý đồ của bên ngoài thông qua các vị nắm giữ lĩnh vực quản lý văn hóa đất nước không anh?
- Có giảng chứ, nhưng chỉ trong ngành sử và xã hội, chưa phổ thông được nhiều cho cộng đồng, vì sao chắc cậu hiểu. Giáo sư vui vẻ vỗ vai tôi.
Chùa Cổ và Hát Văn
Bốn người anh Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng đã được các học trò giới Sử hậu sinh tôn vinh là 4 nhà sử học đương thời nổi danh vì họ đã tận tâm dậy học và truyền kiến thức tốt cho họ. Với tôi các anh là những nhà sử học đã làm tốt nhiệm vụ của mình với đời và là những người tử tế. Tôi đã được anh Lê tặng Bộ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do anh chủ biên, anh Vượng tặng 4 tập sách anh viết về văn hóa và Khoa Sử Và Tôi. Trong 4 ông anh Giáo sư nêu trên tôi thân tình và hay giao du bia rượu để luận bàn nhiều vấn đề xã hội, văn hóa, chính sự… hơn cả là GS Trần Quốc Vượng. Khi chè chén có lần tôi nói vui: Giáo sư ơi, với tốc độ đào tạo trên đại học của ta như hiện nay chắc anh bận lắm? Em thấy Tiến sỹ ta ra nhiều. Chất lượng?
Từ trái sang: TS. Phạm Quốc Quân, các cố GS Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng và tác giả tại lễ kỷ niệm 100 năm GS Đào Duy Anh do Hội KHLS VN và trường Đại học KHXH&NV tổ chức.
- Việc học là vô biên, còn việc dậy thì có hạn. Vẫn phải làm thôi chú em ạ. Uống tiếp. Thì cũng tương đối thôi. Ngay lứa tụi mình cũng được phong Giáo sư nhưng đã có công trình riêng và tác phẩm nào sâu sắc có giá trị để đời như các thầy Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy….
- Mạn phép ông anh, em thấy các Giáo sư, Phó GS là học trò các anh lên TV, truyền thông nhiều hơn các anh nhưng có vẻ chỉ để phụ họa. Hay em còn ở tầm nhìn hạn hẹp nên chưa thấy?
- Đến thế thôi. Uống đi. Sao các cậu không tiếp tục tổ chức đấu giá cổ vật nữa?
- Năm 2004 tụi này làm thử đấu giá vài cuộc để góp phần xây dựng thị trường cổ vật minh bạch ở ta, song chỉ là tự phát, chả được các nhà quản lý ủng hộ, mặt khác lại bị giới buôn bán dèm pha vì mất miếng của họ, nên đành dừng ông anh ạ.
- Thế thì kém.
- Nhiều việc khác to lớn hơn nhiều thấy kém còn chịu huống chi nói tới việc này hả ông anh?
- Thế mới chết.
- Do ở ta không làm được đấu giá cổ vật công khai nên chắc chắn Việt Nam sẽ ngày càng nhiều người có tiền mê chơi văn hóa nhưng rất tiếc họ lại bị lỡm nhiều…
Quang cảnh đấu giá cổ vật năm 2014 tại Bảo tàng Hà Nội của Hội cổ vật Thăng Long
Quang cảnh đấu giá cổ vật năm 2014 tại Bảo tàng Hà Nội của Hội cổ vật Thăng Long
Giờ đây cả 4 ông anh, bốn vị Giáo sư Sử học thành danh do học trò tôn vinh đã sang thế giới người hiền nhưng sự đời và bánh xe lịch sử vẫn vô tình quay tiếp.
Ngẫm sự đã qua thiết nghĩ chúng ta đều được ví là hạt bụi do tạo hóa sinh ra. Bụi lúc tụ, lúc tan. Khi bay cao, lúc xuống thấp. Vòng đời hoạt động của bụi ngắn và cuối cùng bụi về nằm im với đất. Chỉ có ít hạt bụi để lại dấu vết và những câu chuyện cho đám bụi vẫn còn đang bay biết./.