NGẪM VỀ CUỘC CHƠI CỔ VẬT
Trích cuốn sách “Tìm chơi cổ vật Việt” – Tác giả Đào Phan Long
ĐAM MÊ CỔ VẬT VIỆT
Cổ vật khác hẳn với “đồ xưa” và “kỷ vật”, đó là điều cần phân biệt.
Năm 2001, lần đầu tiên Việt Nam ban hành Luật Di sản Văn hóa, trong đó xác định Cổ vật là các giá trị văn hóa vật thể ghi dấu ấn văn hóa của con người, là sản phẩm của con người tạo ra và có tuổi từ 100 năm trở lên…
Ở nước ta định nghĩa cổ vật mới có hơn chục năm qua, còn ở các quốc gia phát triển trên thế giới đã có định nghĩa khá rõ từ rất lâu.
Với định dạng như vậy cổ vật sẽ có rất nhiều loại hình với chất liệu rất khác nhau từ đá, đá quý, kim loại, gốm sứ, gỗ, giấy... Cổ vật là các pho tượng, là đồ trang sức, đồ dùng trong sinh hoạt, là vũ khí, máy móc, phương tiện giao thông, dụng cụ đong đếm... Cổ vật mênh mông là vậy, nhưng tóm lại chúng phải là sản phẩm do con người làm ra.
Việc quyết định lựa chọn loại hình cổ vật để sưu tập nhằm thoả mãn được ý thích và lại phù hợp với nguồn lực của mình là một việc rất cần đối với mỗi người khi vào sân chơi Văn hóa này. Có lựa chọn và chú tâm sưu tập như vậy, theo thời gian mới có thể lập nên một sưu tập cổ vật mang dấu ấn và giá trị của riêng mình. Đây là một việc làm không hề đơn giản đối với một người sưu tập cổ vật.
Người chơi cổ vật thường nói: Trong cuộc chơi cổ vật, những ai có duyên thì thường tầm được những món đồ có giá trị. Tôi ngẫm là phải. Nhưng có lẽ đó mới chỉ phải có một phần, bởi cạn nghĩ: Trong cuộc chơi không dễ này, bên cạnh cái “duyên” với cổ vật ta cũng cần phải “có Tâm, có Tình và có sự hiểu biết nhất định về giá trị đích thực của nó”. Tôi cũng còn một lý sự nữa mà mình đã từng viết: Thành bại trong cuộc chơi cổ vật không phụ thuộc nhiều gì vào việc chơi sớm hay chơi muộn, bởi vì tuổi đời của mỗi người chúng ta vô cùng ngắn ngủi so với tuổi của cổ vật và so với vũ trụ vĩnh hằng, do vậy lẽ tự nhiên, cổ vật luôn được truyền giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dẫn đến mặc dầu là người vào sớm sân chơi, nhưng không có điều kiện được xem tận mắt nhiều món đồ quý hiếm, được cò kè mua về chơi và “rơi tiền”, được làm bạn với những người có kiến thức, kinh nghiệm và tay nghề cao... thì cũng chẳng hiểu biết giá trị của chúng được là bao? Ngược lại, mặc dầu là người bước vào sân chơi sau, nhưng có ý thức dành tiền tìm mua cổ vật có chất lượng, “say và cay” khi mua trượt món đồ đẹp, quý và gặp được bạn chơi tốt, có kiến thức, kinh nghiệm..., thì tự nhiên ắt sẽ có người buôn tìm đến chào mời, thế là mua được món đồ quý mà có anh sưu tập cổ vật cả đời mơ cũng chẳng kiếm được. Lẽ chơi cổ vật thực vậy đó!
Khi mới vào cuộc chơi, tôi cũng như nhiều người khác, thường hoa mắt trước đồ sứ Trung Hoa, nhìn thấy cổ vật Việt chưa xúc động. Nhưng dần dà đi xem hiện vật ở các bảo tàng, trong đó có một số Bảo tàng lớn trên thế giới, tôi mới thấy tại nhiều bảo tàng danh tiếng ấy hiện đang lưu giữ, trưng bày và đã xuất bản sách giới thiệu những cổ vật mang dấu ấn văn hóa Việt đã làm tôi ngộ ra hết dần giá trị của cổ vật Việt. Chính nhờ được đến xem một số bảo tàng nổi tiếng tại châu Âu và sớm được đọc một số cuốn sách nước ngoài viết về cổ vật Việt Nam nên tôi càng tự khẳng định mình phải cố tầm mua những cổ vật mang dấu tích văn hóa Việt cổ ngàn xưa tùy theo túi tiền riêng.
Để hình thành một sưu tập cổ vật Việt Nam, người chơi trong đó có tôi thường trải qua 03 giai đoạn.
- Giai đoạn đầu: Hầu như ai cũng phải “trả học phí”, vì thấy cái gì có hơi hướng cổ vật là đều muốn đến xem để biết, để khảo giá, để mua.
- Giai đoạn thứ hai: Do đam mê nhưng chưa có đủ kiến thức, chưa có tay nghề vững và kinh nghiệm trong cuộc chơi, dẫn đến thường thích tầm mua các cổ vật có hình thức “hào nhoáng” mà chưa chú ý nhiều đến các tiêu chí đặc trưng cũng như dấu tích văn hóa có giá trị của mỗi cổ vật. Đây là giai đoạn thường bị những người buôn bán cổ vật “chăm sóc, hướng đạo” nhiều nhất.
- Giai đoạn thứ ba: Sau một thời gian đam mê sưu tập cổ vật theo số lượng là quá trình tự lựa chọn rút gọn lại các cổ vật để lưu giữ, bởi vì lúc này “tay nghề” đã cao lên và quan hệ trong “Làng đồ” cũng từng trải hơn, cho nên mới tự nhìn ra được những cái quý, cái đẹp của từng món cổ vật để tự nhận biết và so sánh về thẩm mỹ, về giá trị của chúng. Một sưu tập cổ vật có giá trị là sưu tập đó có nhiều món cổ vật độc đáo, hiếm và đạt được nhiều tiêu chuẩn cao của cổ vật chứ không phải là số lượng nhiều.
Thiết nghĩ chơi cổ vật trước hết cần hiểu về quá trình tiến hóa, tồn tại và phát triển của dân tộc, của đất nước mình kể từ thời còn là bộ tộc. Phân biệt đâu là dấu ấn văn hóa đặc trưng riêng biệt của dân tộc mình, đâu là dấu tích của các triều đại nhà nước phong kiến tập quyền đã tồn tại trong tiến trình lịch sử ngàn năm qua. Từ đó tôi đã nhận ra: Lịch sử và văn hóa của tộc người Việt cổ Âu Lạc đã có chiều dầy nhiều ngàn năm nếu tính từ khi nhà nước Âu Lạc sơ khai ấy ra đời từ các bộ lạc, bộ tộc hợp lại. Nhà nước sơ khai thời Âu Lạc ấy của người Việt cổ chỉ có lãnh địa là vùng rừng núi, trung du và đồng bằng ven sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Cả - tức vùng Bắc bộ Việt Nam ta ngày nay. Còn lịch sử hình thành một quốc gia độc lập của người Việt được tính từ khi ra đời một nhà nước phong kiến tập quyền Đại Việt tự chủ từ triều Đinh, Lê, Lý… Và lịch sử hình thành một quốc gia với tên gọi Việt Nam có cương vực địa lý như ngày nay mà thế giới thừa nhận thì mới được trên 300 năm kể từ Vương triều Nguyễn đến thời đại Hồ Chí Minh. Do chơi cổ vật Việt và phân biệt như vậy nên tôi không tùy tiện nói “lịch sử nước ta 4000 năm” như nhiều người vẫn nói, vẫn viết, vẫn làm thơ, đặt lời bài hát và viết sách. Nếu cứ coi giai đoạn tồn tại các bộ tộc người Việt cổ ngàn xưa với nhà nước sơ khai Âu Lạc là đã có sự tồn tại của một quốc gia Việt Nam như ngày nay thì mới có 4000 năm lịch sử?
Có thể kể các cuốn sách quý ấy là:
- Việt Nam văn hóa sử cương và Lịch sử cổ đại Việt Nam của Học giả ĐÀO DUY ANH đã xuất bản từ thập niên 30 - 40 của thế kỷ XX.
- Vietnamese and Chinese Ceramics used in the Japanesse Tea Ceremony của hai tác giả người Nhật là HIROMU HONDA & NORIKI SHIMAZU, do Nhà xuất bản Oxford University Press phát hành năm 1993.
- Khảo Đồ sứ men lam Huế của tác giả VƯƠNG HỒNG SỂN, do Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh phát hành năm 1993.
- Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam do GS HÀ VĂN TẤN và Viện Khảo Cổ Học Việt xuất bản năm 1994.
- Vietnamese ceramics a separate tradition của hai tác giả người Mỹ là JOHN STEVENSON & JOHN GUY do Art Media Resources with Avery Press xuất bản năm 1997.
- Bí mật của Cây đèn hình Người của nhà Khảo cổ học người Thụy Điển O.Janse xuất bản năm 1959, được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam dịch từ nguyên tác, phát hành năm 2001.
v...v…
Cuộc chơi cổ vật mênh mông lắm, cho nên lượng sức mình tôi chỉ tập trung công sức để sưu tập cổ vật Việt vùng Bắc bộ Việt Nam với chất liệu đồng và gốm sứ là chính. Tại sao vậy? Có mấy nguyên do sau:
- Thứ nhất cổ vật Bắc bộ Việt Nam không lẫn với dấu ấn văn hóa của các nước lân bang và chúng gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc ta, của đất nước Việt Nam ta hôm nay;
- Thứ hai là chúng có niên đại xa xưa mà vẫn còn “sống sót” được đến thời nay;
- Thứ ba là chúng đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ học, Bảo tàng trên thế giới ghi nhận đánh giá cao, không kém cỏi so với cổ vật của những nước khác trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á.
- Thứ tư là tại các Bảo tàng nổi tiếng và sưu tập tư nhân ở các nước Áo, Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ, Anh, Mỹ, Nhật đều trân trọng lưu giữ, trưng bày và đánh giá cao cổ vật Việt cùng với các cổ vật quý khác của nhân loại.
- Thứ năm là chắc chắn theo thời gian cổ vật Việt ngày càng quý hiếm và có giá trị cao.
- Cuối cùng là chúng không hề dễ dàng làm giả được như các món đồ gỗ, đồ sứ, vàng bạc, đá quý, tranh...
Kể cũng còn may, khi tôi có ý định và âm thầm thực hiện sưu tập các cổ vật “Đồng Đông Sơn” và “Gốm sứ Bắc Việt Nam” cũng như “Sứ ký kiểu Lê - Trịnh - Nguyễn” vào thập niên 90 của thế kỷ trước thì trong nước lúc này vẫn còn có thể tìm được những món cổ vật đẹp mà chúng chưa bị chuyển đi xa xứ. Hơn nữa vào thời điểm đó số người tìm chơi cổ vật Việt chưa nhiều bởi đời sống kinh tế xã hội của nước nhà khi đó còn eo hẹp. Giờ đây thì khác rồi, đã là thời “Người khôn của khó” nên không dễ gì tầm được món cổ vật Việt đẹp, có giá trị, ưng ý, vì chúng đã rất hiếm và đắt lên nhiều lần so với thời trước.