Người giữ cổ vật dưới đáy biển
Minh Ngọc
Đào Phan Long (Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long) là một trong số ít người có thú sưu tầm cổ vật Việt bị chôn vùi dưới lòng đại dương. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bên cạnh niềm đam mê sưu tầm, ông còn thích viết truyện ngắn,viết sách về thú chơi cổ vật.
Ông thích chơi cổ vật từ khi còn trẻ, lúc còn đang là kĩ sư cơ khí, tính đến nay đã gần hai chục năm. Thú sưu tầm của ông chủ yếu là đồ đồng và gốm mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn, văn hóa Bắc Bộ thời kì phong kiến. Ông còn có niềm đam mê đặc biệt với những cổ vật bằng gốm đã hàng trăm năm nằm sâu dưới đáy biển.
Bộ đồ gốm Chu Đậu
Thế kỉ 15 được coi là khoảng thời gian phát triển rực rỡ của gốm sứ Đại Việt. Những bức tượng, bình, lọ, đĩa... do đôi bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công nước ta làm ra thường xuyên có mặt trong những con tàu giao thương trên con đường tơ lụa. Sản phẩm gốm sứ của ta được đặt hàng, xuất sang nhiều nước trên thế giới. Vào thế kỉ 15, có con tàu chở toàn đồ gốm Chu Đậu nổi tiếng miền Bắc bị đắm. Phải đến 5 thế kỉ sau, người ta mới tìm thấy và trục vớt con tàu với hàng ngàn cổ vật. Không ít cổ vật trên tàu được thương gia nước ngoài mua lại, xuất hiện tại nhiều cuộc đấu giá quốc tế.
Kendi gốm Việt, thế kỷ 15
Bình rượu gốm Việt, thế kỷ 15
Nhà sưu tầm Đào Phan Long hiện đang sở hữu nhiều cổ vật được tìm thấy cùng con tàu đắm ở Cù Lao Chàm vào thế kỉ 15, thời Lê Sơ. Những chiếc bình đựng rượu, lọ hoa, đĩa có kiểu dáng khác nhau, gây ấn tượng với những đường nét hoa văn chau chuốt, tinh xảo khác hắn với nét mộc mạc thường thấy ở đồ gốm Việt vào những thế kỉ trước đó. Các món đồ mang màu men xanh trắng đặc trưng dòng gốm Chu Đậu, ngoài ra còn có men vẽ nhiều màu. Dù đã hàng trăm năm bị ngâm trong nước biển, nhưng màu men các món đồ không hề bị mờ đi mà ngược lại vẫn rất sinh động, rõ nét. Từng nét vẽ hoa văn mềm mại, uốn lượn, tạo hình kiểu dáng độc đáo, lớp men tươi tắn cho thấy khiếu khiểu thẩm mỹ, tay nghề bậc cao của các nghệ nhân gốm miền Bắc thời bấy giờ.
Người sưu tầm gọi cổ vật ở những con tàu đắm là đồ vớt. Nhiều người không thích đồ vớt vì cho rằng những món đó có nhiều, được sản xuất hàng loạt nên không quý. Còn nhà sưu tầm Đào Phan Long lại suy nghĩ khác: «Những món đồ này để mang đi xuất khẩu sang nước ngoài nên được tuyển chọn rất kĩ lưỡng, được coi là những sản phẩm tinh hoa nhất. Chiêm ngưỡng những cổ vật này ta có thể thấy sự phát triển đỉnh cao của gốm Chu Đậu thời kì đó ». « Những cổ vật này còn minh chứng, Việt Nam ta lúc đó đã có dòng gốm mang sắc thái tạo hình, họa tiết, công nghệ riêng biệt, không hề thua kém so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan»- ông nói.
Bức tượng Phật độc đáo
Bên cạnh đồ gốm, ông Đào Phan Long còn bỏ nhiều công sức để sưu tầm các đồ đồng mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán. Ông sưu tầm nhiều trống đồng Đông Sơn với các kích thước khác nhau. Có một chiếc trống khá đặc biệt, trên mặt có vẽ hình con Giao Long (con Rồng) đi bộ. Trong ngăn tủ đựng những cổ vật bằng đồng, có món đồ nhỏ trông giống như búp hoa sen, đường nét hoa văn đúc trên đó rất tinh xảo, trên đỉnh có đúc hình con chim. Nhìn kiểu dáng độc đáo, lạ mắt, nhiều người sẽ không khỏi thắc mắc về công dụng của món cổ vật này. Hóa ra, đây là đồ dùng đốt trầm đã có từ thế kỉ 1-3.
Ở nhà, ông còn giữ một cổ vật, cũng là kỉ vật quý giá của gia đình. Thân sinh ra ông là nhà nghiên cứu Đào Phan (tên thật là Đào Duy Dếnh, em ruột nhà sử học Đào Duy Anh). Trước đây, cụ Đào Phan đã từng là bí thư thành ủy Huế và bí thư thành ủy Hà Nội. Vào những năm Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, cụ Đào Phan có dịp tới chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh). Quý mến cụ, sư trụ trì đã tặng lại bức tượng nhỏ- hiện vật giữ lại của chùa Đồng cũ khi bị đổ vào năm 1947. Bức tượng có hình đức Phật đứng trên đầu rồng chít khăn mỏ quạ. « Bức tượng này có ý nghĩa rất sâu xa. Rồng tượng trưng cho vua, Phật tọa ở trên, có ý nghĩa tượng trưng cho vua Trần Nhân Tông- ông tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử »- ông giải thích. Cụ Đào Phan nay không còn nữa, bức tượng được gia đình ông Long giữ gìn cẩn thận và đặt ở vị trí vô cùng trang trọng trong nhà. Gia đình ông còn có những « cổ vật » đặc biệt, đó là những kỉ vật thời chiến tranh của cụ Đào Phan. Từ xác máy bay rơi, cụ đã tự tay làm từ chiếc vỏ phích, đèn bàn, bàn uống nước....Với gia đình ông, đây là những « cổ vật » vô giá.
Làm kĩ sư cơ khí, cái nghề tưởng như rất khô khan, vậy mà tính ông Long lại rất nghệ sĩ, ông thích văn chương và viết lách. Mấy năm liền, cứ lúc nào rảnh rỗi ông lại viết truyện chơi cổ vật của mình, của bạn, của những người xung quanh. Cách đây hai năm, ông đã hoàn thành và cho ra mắt tập truyện ngắn Đóa Quỳnh Giao. Sắp tới, ông còn có dự định xuất bản cuốn sách viết về thú chơi cổ vật của riêng mình. Hàn huyên với Đào Phan Long thấy lúc nào cũng đầy ắp những ý tưởng mới cho tạp chí Cổ vật tinh hoa mà ông làm Tổng biên tập , cả trang web mangcovat.com.vn ông vừa tạo ra dành cho những người yêu thích cổ vật cùng giao lưu.
(Đã đăng Báo Thanh Niên)