Nhà Sưu tập: Nguyễn Văn Dòng
Nguyễn Văn Dzòng là dân Bắc nhưng sống và làm việc đã lâu năm ở thành phố Hồ Chí Minh, anh sinh năm 1952, quê ở Hưng Hà, Thái Bình là quê hương nhà TRẦN.
Trong những năm tháng chiến tranh đánh phá miền Bắc ác liệt, anh là một trong số học sinh may mắn được chọn đi học tập nước ngoài. Dzòng học đại học kinh tế ở Liên Xô cũ từ 1969-1975. Về nước năm1975 làm việc tại Cục Xuất Bản, rồi Liên hiệp các xí nghiệp In, Bộ Văn Hóa. Đến năm 1987 được Cục điều vào Nam làm Giám đốc Công ty in Trần Phú tại thành phố Hồ Chí Minh và nghỉ hưu tại đây năm 2012. Hiện tại anh là Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam.
Tôi được nghe kể là ngay từ thời đi học nước ngoài, mỗi khi nghỉ hè anh thường đi đến xem các bảo tàng để thưởng lãm cái đẹp và tìm hiểu về nghệ thuật, về cổ vật của các nước, do vậy khi về công tác trong ngành văn hóa đã thích sưu tập tranh đương đại và gốm mỹ thuật Việt Nam nhằm thỏa mãn sở thích từ thời đi học của mình. Hồi đó Dzòng chưa dám sưu tập cổ vật để tránh phiền phức trong công tác và cuộc sống gia đình. Mãi đến khi nước ta ban hành Luật Di Sản năm 2000 Nguyễn Văn Dzòng mới bắt đầu thấy mình sưu tập cổ vật là không vi phạm pháp luật như thời trước nữa. Do có kiến thức và yêu thích đồ gốm nên anh tập trung tìm mua các hiện vật là gốm Việt cổ của các thời phong kiến tự chủ Đại Việt (từ TK 11 đến TK 18) là dòng sưu tập chủ đạo của mình. Mặc dầu vào sân chơi không sớm hơn một số người khác, nhưng với nhận thức của một người học kinh tế được đào tạo bài bản và lại biết xây dựng mối quan hệ tốt với nhiều người có kinh nghiệm trong làng đồ cổ từ Nam chí Bắc, cho nên Nguyễn Văn Dzòng đã nhanh chóng tìm kiếm và lựa chọn được nhiều món cổ vật Việt đặc sắc tạo nên một bộ sưu tập đáng nể thời nay.
Chính vì vậy nên năm 2008, nhân kỷ niệm 35 năm ký Hiệp định trao đổi văn hóa Việt Nam - Singapore, Bảo tàng Văn minh Châu Á Singapore đã lựa chọn mượn cổ vật của một số Bảo tàng Việt Nam và đặc biệt đã đến mượn 05 cổ vật gốm Bắc Việt vẽ xanh trắng xuất khẩu, niên đại TK 15 gồm 01 mâm bồng, 02 tượng gốm và 02 bình của Nguyễn Văn Dzòng - là sưu tập tư nhân duy nhất ở Việt Nam - để trưng bầy từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2008. Họ đã giám định va định giá để ký Hợp đồng bảo hiểm mượn 05 hiện vật của anh và gửi tiền bảo hiểm khoảng 200.000 USD vào ngân hàng để chuyển chúng sang Singapore triển lãm. Có lẽ ở Việt Nam thời nay giới chơi cổ vật ít người được mời đưa hiện vật đi tham gia triển lãm quốc tế như anh. Chính Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã cắt băng khai mạc cuộc triển lãm này.
Ngoài các hiện vật gốm Việt cổ có men và không men (đất nung) ghi dấu ấn văn hóa của văn minh lúa nước sông Hồng - Bắc Việt Nam là dòng chủ đạo, anh còn có cổ vật gốm Gò Sành, Bình Định, gốm Cây Mai, Biên Hòa…nổi tiếng miền Trung và miền Nam. Là dân chơi cổ vật cái gì dính dáng đến cổ đều thích chiêm ngưỡng và muốn sở hữu, nhưng cổ vật có chất liệu và loại hình rất đa dạng, do vậy người sưu tập giỏi là biết lựa chọn cho mình dòng cổ vật nào là chính để tập trung tìm kiếm và nghiên cứu, còn dòng nào thì dừng lại vì khả năng tài chính có đâu là vô biên được?
Thạp, gốm hoa nâu. TK 12-13
Sưu tập cổ vật của Nguyễn Văn Dzòng còn có cả cổ vật chất liệu đồng thời văn hóa Đông Sơn cách nay 2000 đến 2500 năm, thời phong kiến Đại Việt tự chủ mang dấu ấn văn hóa Việt. Một số cổ vật sứ Trung Hoa có tuổi cao và đẹp…Tôi không thể mô tả hết các cổ vật đặc sắc của bộ sưu tập này trong khuôn khổ của một bài viết, chỉ xin giới thiệu hình ảnh một số cổ vật của Nguyễn Văn Dzòng đang sở hữu để chúng ta cùng chiêm ngưỡng. Ví như chiếc chum gốm men xanh trắng cao 68 cm, đường kính miệng 22 cm, đáy 24 cm và bụng 42 cm là đồ đào trong lòng đất miền Bắc là chiếc chum cổ TK 15 rất đẹp. Mặt ngoài chum người thợ gốm tài hoa xưa đã vẽ 03 con Long mã rất sinh động oai phong thể hiện đây là đồ ngự dụng phong cách thời Lê - Trịnh. Rồi chiếc chuông đồng của chùa Viên Thông gần chân núi Ngự Bình - Huế đúc thời Tự Đức trong ảnh được anh mua lại của nhà chùa. Chuông có kích thước cao 92 cm, đường kính đáy 45 cm do bị dập một chỗ nên tiếng chuông kêu rè, không vang nên nhà chùa cho thay chuông mới. Trên chuông có minh văn nổi ghi rõ “Viên Thông tự chung”…, “Tự Đức năm thứ 35”…, có nghĩa là “Chuông của chùa Viên Thông” được đúc vào năm Tự Đức thứ 35 (tức năm 1882)…Rõ ràng những cổ vật quý hiếm như thế này ngay các bảo tàng ở Việt Nam cũng không có được.
Là người quản lý doanh nghiệp in hiện đại, Nguyễn Văn Dzòng còn có có công trong việc giúp các tác giả in nhiều tập sách cổ vật Việt Nam rất đẹp trong các năm qua. Đây cũng là hoạt động rất văn hóa.
Nay chúng tôi tuổi đều lớn nên tôi đã động viên anh nên sớm có nơi trưng bầy cổ vật của mình để bảo vệ lâu dài và xứng với tầm giá trị của hiện vật, anh nói: “Em cũng đã có nguyện vọng từ lâu là sẽ xây dựng một địa chỉ đủ điều kiện để trưng bầy các cổ vật của mình nhằm để cộng đồng, đặc biệt thế hệ trẻ Việt Nam và bạn bè quốc tế đến xem, đến nghiên cứu để thấy được giá trị văn hóa Việt do bao thế hệ tiền nhân đã sáng tạo ra mà trân trọng, mà bảo nhau gìn giữ. Cám ơn bác, em sẽ sớm làm”.
Với tình cảm bạn đồng cảnh mê chơi cổ ngoạn, tôi chúc anh Nguyễn Văn Dzòng sớm thực hiện được ý nguyện tạo dựng lên một địa chỉ lưu giữ nhiều cổ vật quý của đất nước này. Tôi còn nói trêu anh bạn Dzòng của mình là: ông hãy thực hiện “những việc cần làm ngay” trước khi còn quá muộn đấy nhé, chúng ta đều đầu 6 cả rồi đấy, thời gian là vàng là bạc và cũng là kẻ thù của sự tồn tại đời người ông bạn thân mến ạ./.
Kendi, gốm Việt, xuất khẩu. TK 15