NHỚ MỘT THỜI ĐỂ TIẾC
Đào Phan Long
Cách đây 12 năm, vào các ngày từ 11 đến 13 tháng 10 năm 2000, một trong những công ty đấu giá có uy tín lâu đời với thương hiệu nổi tiếng thế giới là Butterfiejds đã tổ chức bán đấu giá cổ vật gốm Việt Nam ở San Francisco và Los Angelets Mỹ. Số lượng danh mục chào đấu giá là 2340 (nhưng có một số mục lại bao gồm nhiều hiện vật) đã được in giới thiệu trước. Đây là lần đầu tiên cổ vật Việt Nam ta được công khai định giá bán trên thương trường quốc tế.
Nhưng trước đó các nhà sưu tập cổ vật người Nhật Bản mê gốm Việt cổ đã xuất bản cuốn sách Vietnamese and Chines Ceramics used in the Japanesse Tea Ceremony của hai tác giả người Nhật là HIROMU HONDA & NORIKI SHIMAZU, do Nhà xuất bản Oxford University Pres phát hành năm 1993. Bốn năm sau hai tác giả Mỹ đã cho ra đời cuốn Vietnamese ceramics a separate tradition của JOHN STEVENSON & JOHN GUY do Art Media Resources with Avery Press xuất bản năm 1997. Còn tại chính Việt Nam ta thì lần đầu tiên vào năm 1995 hai cơ quan là Trung tâm hợp tác nghiên cứu Việt Nam và Viện bảo tàng Lịch sử Việt Namđã hợp tác xuất bản cuốn Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV – XIX của các tác giả GS Phan Huy Lê, TS Nguyễn Đình Chiến và TS Nguyễn Quang Ngọc.
Bình gốm Việt xuất khẩu, hoa lam. TK 15. H 38cm
Nói riêng về gốm Việt cổ thì rõ ràng người Việt Nam ta lại nhận ra giá trị đẹp, qúy hiếm, dấu ấn riêng nổi trội so với các nước khác… và rồi tiến hành làm sách để đánh giá, để giới thiệu chúng với cộng đồng thì lại bước sau người nước ngoài. Còn nói chung về cổ vật Việt Nam với chất liệu đồng, đá mang dấu ấn văn hóa Đông Sơn (Bắc bộ) cách nay trên 2000 năm, rồi dấu ấn văn hóa Chămpa (Trung bộ), văn hóa Óc eo (Nam bộ) thì người nước ngoài đã tìm kiếm để mang về trưng bầy ở các bảo tàng nổi tiếng châu Âu từ rất lâu rồi vì họ đã nhận ra các giá trị quý báu của chúng.
Thiết nghĩ để trả lời câu hỏi tại sao lại như vậy? chúng ta nên có tư duy xem xét tới bối cảnh lịch sử để trả lời. Tôi nghĩ chung quy có hai nguyên nhân:
Trước hết là người Việt Nam ta buộc rơi vào cuộc chiến chống ngoại xâm liên miên do mưu đồ và thế lực của các nước lớn, đất nước bị chia cắt, lòng người li tán, đói nghèo, thất học, bế môn tỏa cảng với thế giới, cấm vận kinh tế, chiến tranh biên giới… trong suốt thế kỷ 20. Đó là nguyên nhân khách quan. Bên cạnh đó có nguyên nhân thứ hai là do trình độ, nhận thức, hiểu biết về giá trị của các cổ vật ở các cấp quản lý văn hóa nước nhà yếu kém, dẫn đến nguồn nhân tài vật lực của quốc gia chưa có điều kiện để giữ gìn được nhiều cổ vật Việt có giá trị cho thế hệ mai sau.
Mâm bồng, gốm Việt xuất khẩu. TK 15
Là người nghiệp dư trong lĩnh vực nghiên cứu cổ vật, nhưng tôi biết, theo đánh giá chuyên môn của giới cổ ngoạn quốc tế cũng như trong nước thì đến nay, thông qua các hiện vật trung bầy ở các bảo tàng trung ương và địa phương nước ta thì cổ vật Việt qúy hiếm không có nhiều so với các bảo tàng Âu, Mỹ. Theo đà phát triển chung, nhà nước đã cấp không ít kinh phí để xây nhiều bảo tàng ở các tỉnh, thành, nhưng đáng tiếc đó chỉ là phần vỏ. Còn trong ruột thì rất thiếu các cổ vật qúy mang dấu ấn văn hóa Việt để trưng bầy, lưu giữ cho đất nước. Chắc chắn nhiều người đều nhận ra câu chuyện này, song có lẽ để giải quyết nhanh chóng sự ngược đời này không dễ. Trong khi các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… đã sớm có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tìm mua cổ vật quý của nước mình chuyển về nước và mua trong dân thì Việt Nam ta vẫn chưa làm được nhiều. Vài năm lại đây, vẫn chỉ là hành động tự phát của một số rất ít người có nghề giỏi trong kinh doanh cổ vật giám bỏ tiền ra nước ngoài tầm mua cổ vật Việt mang về phục vụ nhu cầu sưu tập trong nước. Còn đối với các tổ chức bảo tàng nhà nước chắc vẫn chưa có. Vì thông tin có hạn nên tôi không biết nói như vậy có đúng không? mong thông cảm. Tôi biết tỷ lệ mua được cổ vật Việt mang về nước rất ít so với việc chi nhiều ngoại tệ để mua đồ sứ, đồ gỗ Tầu cũ mang về nước do các thương nhân đã thực hiện trong những năm qua. Từ kết cục này có thể thấy hoạt động quảng bá bán hàng, xây dựng thị trường của các nhà quản lý văn hóa, các nhà sản xuất, kinh doanh Trung Quốc đã gắn kết với nhau rất giỏi, Trung Quốc đã nổi tiếng thế giới trong việc giữ gìn và quảng bá văn hóa dân tộc mà người Việt Nam ta cần học hỏi nhiều.
Trong cuộc chơi cổ ngoạn, thường những ai có những suy nghĩ độc lập mang tính khoa học thì sẽ thu được kết quả nhất định. Xin sơ qua việc tôi đã sớm quyết định sưu tập gốm Việt cổ TK 15 xuất khẩu cách nay trên 10 năm và cho đó là một quyết định riêng táo bạo. Bởi vì thời đó tôi đã không chơi theo phong trào, vượt qua dư luận, nhận định lúc này cho rằng: “số lượng đồ vớt nhiều nên không quý và chất lượng đồ gốm vớt kém đồ đào!”. Nhưng tôi vẫn quyết định nhượng cho anh bạn chơi nguyên cả một tủ đồ sứ ký kiểu Lê-Trịnh-Nguyễn gồm vài chục món với tình trạng khác nhau để lấy tiền mua đồ vớt khi đó còn rẻ và không hiếm như bây giờ. Khi đó tôi nghĩ rất vô lý, một chiếc bát, một chiếc đĩa sứ ký kiểu là sản phẩm gốm sứ Trung Hoa, chỉ vì nó được dùng trong cung phủ phong kiến Việt Nam xưa mà được giới buôn thổi lên giá rất cao, đắt rất nhiều lần so với chính sản phẩm gốm Việt cổ! Nhưng riêng tôi thì lại tin rằng rồi sẽ đến lúc gốm Việt cổ, đặc biệt gốm Việt xuất khẩu sẽ được trả lại chính giá trị thực của nó, không thể thua kém sứ ký kiểu Trung Hoa được mãi nữa. Qủa nhiên giờ đây để tìm được những cổ vật gốm Việt TK 15 xuất khẩu đâu còn dễ nữa, mà giá thì đâu còn rẻ như 10 năm trước. May nhờ có hoạt động tự phát mua cổ vật mang về nước của một vài người quen mà tôi đã kiếm được những món cổ vật gốm Việt TK 15 xuất khẩu vớt ở biển Cù lao Chàm mang về từ Mỹ 03 đĩa vẽ mầu tam thái và mâm bồng, bình men xanh trắng mang về từ Bangkok.
Vì trân trọng và yêu thích gốm Việt cổ nên tôi muốn trao đổi hai ý kiến về gốm Việt cổ như dưới đây:
Năm 2005 tôi đã viết trên Tạp chí Cổ vật Tinh Hoa giới thiệu về gốm Việt xuất khẩu tìm thấy trên con tầu đắm biển Cù Lao Chàm, Hội An và nêu lên câu hỏi: “Đây có phải là dòng gốm của các lò gốm ở Chu Đậu, Hải Dương như nhiều nhà nghiên cứu trong, ngoài nước đã khẳng định không? Tôi đưa ra ý kiến do trong quá trình sưu tập nhiều người đã không thấy bất kỳ mảnh vỡ còn sót lại của dòng gốm xuất khẩu vẽ rất kỹ này tại khu vùng lò Chu Đậu cổ mà chỉ thấy ở khu vực thành cổ Thăng Long khi khai quật. Có chăng gốm xuất khẩu được sản xuất ở khu lò “Quan dụng” nào đó mà hiện chưa tìm ra được chứ không phải của Chu Đậu như nhiều người khẳng định chăng?”. Đến tháng 11 năm 2011 khi đọc báo Thanh Niên đăng loạt bài về “Bảo vật Quốc gia” giới thiệu “Chiếc bình sứ có vẽ hình Thiên nga” có trích ý kiến của TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành thuộc Viện khoa học xã hội Việt Nam đã đưa ra những ý kiến và cho rằng đây hoàn toàn không phải gốm Chu Đậu mà phải là gốm của lò Quan ở Hoàng thành Thăng Long xưa. Do vậy, đây còn là câu hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu để có được sự thuyết phục.
Có một ý nữa mà tôi cũng đã viết cách đây gần 10 năm: Phải chăng gốm thời Lê Sơ với men xanh trắng (hoa lam) là chủ đạo, đặc biệt gốm xuất khẩu và quan dụng tìm thấy qua con tầu đắm và phế tích kinh thành Thăng Long xưa có ảnh hưởng từ cách vẽ trang trí cho đến công nghệ làm gốm sứ của nhà Minh Trung Hoa? Đây là một phần kết qủa của chủ trương đồng hóa, tiêu diệt văn hóa Việt của nhà Minh trong hơn 20 năm đô hộ Đại Việt?
 Vì không chuyên nghiên cứu nên tôi muốn chúng ta trao đổi thêm.
Quay ngược thời gian hơn mươi năm về trước, nghĩ mà tiếc vì với cuộc bán đấu giá trên vài ngàn món cổ vật gốm Việt TK 15 tại Mỹ ta thu về được 01 triệu đô la Mỹ, rồi đá quý rubi chất lượng cao ở Lục Yên, Qùy Hợp thời đó cũng rẻ rúng rất nhiều so với ngày nay. Khi ta biết đến giá trị thực, mức độ qúy hiếm của chúng thì hỡi ôi đâu còn. Do không mở cửa làm ăn với nước ngoài nên ta trở nên ngớ ngẩn, chỉ biết khoe có truyền thống chống giặc ngoại xâm giỏi mà yếu các lĩnh vực khác so với các nước khác. Thật là đáng tiếc.
Đĩa gốm Việt, men Tam Thái, TK 15 (từ Mỹ về).
Đĩa gốm Việt, men Tam thái. TK 15 (từ Mỹ về).
Đĩa gốm Việt, men Tam Thái. TK 15 (từ Mỹ về).