NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN
Đào Phan Long
Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội
Tôi nhớ lại, một hôm vào đầu năm 1999, hai anh Phạm Dũng (giảng viên Trường Văn hóa Hà Nội) và Họa sĩ Bùi Hoài Mai đến nhà tôi chơi đàm đạo về đồ cổ. Khi đó tôi đang làm Tổng thư ký Hội KHKT Cơ khí Việt Nam nên hai anh cho rằng tôi có hiểu biết về cách xin phép thành lập và điều hành hoạt động một Hội nghề nghiệp, do vậy họ đưa ra ý kiến trao đổi muốn cùng tôi xúc tiến thành lập một tổ chức nghề nghiệp về gốm sứ nhằm tập hợp những người yêu thích loại hình cổ vật này. Hai anh cho biết sẽ mời tôi đi gặp lãnh đạo Liên hiệp sản xuất sành sứ của nhà nước để cùng bàn việc xin lập Hội vì họ đã nhận lời với hai anh sẽ tham gia và hỗ trợ cho Hội ra đời. Nghe vậy, suy nghĩ một lát tôi đưa ra ý kiến: Vừa qua, năm 1998 Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt Nam đã ra nghị quyết về Văn Hóa, trong đó có chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa Việt Nam, do vậy có lẽ đã đến lúc chúng ta nên bàn thành lập một Ban vận động để thành lập Hội cổ vật ở Hà Nội có được không? Nghe vậy hai anh liền hưởng ứng và nhất trí. Thế là tôi trình bầy: muốn xin thành lập Hội cần lựa chọn một số người trong giới cổ vật Hà Nội để lập ra Ban vận động và trù bị thành lập Hội. Sơ bộ cần lựa chọn cử Trưởng ban và thư ký để làm các văn bản xin phép thành phố cho Ban hoạt động công khai, có tổ chức như quy định của Bộ Nội vụ. Công việc này rất quan trọng bởi hiện tại ở nước ta những người tầm chơi cổ vật như chúng ta chứ chưa nói là người buôn bán cổ vật đều chưa được luật pháp thừa nhận và bảo vệ, do vậy cần lựa chọn mời một số anh chị em là những người sưu tầm và nghiên cứu cổ vật có tâm, có tầm hiện đang là cán bộ, nhân viên nhà nước tham gia Ban vận động mới dễ được chính quyền ủng hộ. Hơn nữa đây là Hội của Hà Nội ta nên chọn Trưởng ban vận động và sau này là chủ tịch Hội là người đang công tác tại các cơ quan của Hà Nội là thuận nhất. Hai anh Dũng và Mai nhất trí với ý kiến đề xuất của tôi và hẹn nhau sẽ gặp anh Phan Đình Nhân.
Sau hôm ấy, ba chúng tôi hẹn đến gặp anh Phan Đình Nhân để trao đổi việc chuẩn bị thành lập Hội cổ vật tại Hà Nội và mời anh nhận trách nhiệm Trưởng Ban vận động, anh Nhân rất nhiệt tình, phấn khởi và sẵn sàng. Từ bốn anh em hiểu và nhất trí với nhau, chúng tôi thống nhất chọn mời các anh TS Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; PGS-TS Tạ Ngọc Liễn, cán bộ Viện Sử học Việt Nam; KS Vũ Tấn, sỹ quan công an; nữ Họa sĩ Bùi Mai Hiên; nhà giáo Nguyễn Trường là những người có tâm đang say mê sưu tập cổ vật cùng chúng tôi tham gia Ban vận động thành lập Hội. Khi được mời các anh chị đều vui vẻ nhận lời tham gia. Thế là Ban vận động thành lập Hội Cổ vật Thăng Long chính thức có 09 vị. Do cùng có tâm và đam mê cổ vật, cho nên chỉ một tuần sau các công việc chuẩn bị viết đơn từ, dự thảo Điều lệ hoạt động, dự kiến tên hội, chọn trụ sở, vận động danh sách người tự nguyện tham gia hội, huy động tài chính… đã hòm hòm để có thể mời họp Ban vận động lần thứ nhất. Tôi nhớ thời đó chúng tôi đều đang đi làm nhà nước, cho nên chỉ rỗi rãi ngoài giờ làm việc, vào một buổi tối chúng tôi hẹn nhau đến nhà anh Phan Đình Nhân ở 42 Trần Phú để họp Ban vận động. Trong buổi họp mọi người sôi nổi đóng góp ý kiến, vợ chồng anh Nhân chuẩn bị bia rượu, trái cây và ít “mồi” để đãi mọi người. Tôi được giao viết các tài liệu chuẩn bị hồ sơ xin thành lập Hội theo quy định của nhà nước (dự thảo Đơn xin thành lập, Điều lệ và quy chế hoạt động…), anh Phan Đình Nhân nhận thực hiện việc liên hệ và gặp các cơ quan ở Hà Nội để vận động chấp nhận cho thành lập Hội và dành một chỗ ở nhà riêng của em anh Nhân tại 42 Trần Phú làm trụ sở của Hội, anh Phạm Quốc Quân giúp cho mượn Hội trường tổ chức, chị Mai Hiên nhận làm thủ quỹ, các anh chị khác nhận đi vận động và lên danh sách hội viên tự nguyện tham gia Hội, thu xếp đóng góp tài chính…
Với trách nhiệm và nhiệt tình của mọi người trong Ban vận động, cho nên chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng sau, vào các ngày 5- 5-1999 đã diễn ra Hội nghị toàn thể trù bị và đến ngày 26-6-1999 thì tiến hành Đại hội chính thức thành lập Hội Cổ vật Thăng Long-Hà Nội được tổ chức trọng thể tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), số 01 Tràng Tiền, Hà Nội. Tham dự Đai hội gồm hơn 100 thành viên với tư cách hội viên chính thức, và khách mời có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Sở, ban ngành liên quan, Cục Di Sản, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay, một số báo chí truyền hình… Trong không khí vui mừng phấn khởi Đai hội đã nhất trí thông qua các văn kiện và bầu Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ đầu tiên 1999 – 2002 gồm các anh Phan Đình Nhân, Đào Phan Long, Phạm Dũng, Bùi Hoài Mai, Phạm Quốc Quân, Tạ Ngọc Liễn, Vũ Tấn, Nguyễn Trường và chị Bùi Mai Hiên.
Ban chấp hành bầu anh Phan Đình Nhân làm Chủ tịch, tôi làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký và anh Phạm Quốc Quân làm Phó Chủ tịch Hội.
Đoàn chủ tịch Hội nghị trù bị thành lập Hội Cổ vật Thăng Long ngày 5/5/1999. (Từ trái sang: bà Bùi Mai Hiên, các ông Vũ Tấn, Phạm Dũng, Đào Phan Long, Phan Đình Nhân, Bùi Hoài Mai và Tạ Ngọc Liễn)
Đoàn Chủ tịch Đại hội thành lập Hội Cổ vật Thăng Long ngày 26/6/1999. (Từ trái sang: các ông Phạm Dũng, Phan Đình Nhân, Đào Phan Long và bà Bùi Mai Hiên)
Có thể khẳng định Đại hội thành lập Hội Cổ vật Thăng Long- Hà Nội là một thành công của những người yêu cổ ngoạn Thủ đô và của cả chính quyền Hà Nội, vì từ những năm tháng đáng nhớ ấy, trong khi nhà nước ta chưa ban hành Luật Di Sản Văn hóa thì tại Hà Nội đã có một tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc biệt ra đời và hoạt động công khai để mở đầu cho thời kỳ các công dân Việt Nam được quyền góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa cho đất nước theo quy định của luật pháp. Những hoạt động đầu tiên của Hội Cổ vật Thăng Long là nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10 tháng 10 năm 1999, Hội đứng ra tổ chức TRIỂN LÃM CỔ VẬT của hội viên tại Nhà xuất bản ngoại văn trên đường Trần Hưng Đạo, tiếp theo đến đầu năm 2001 Hội tổ chức xuất bản cuốn sách khổ nhỏ với tiêu đề SƯU TẦM CỔ VẬT của hội viên. Tôi nhớ mãi GS Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam khi thấy Hội cổ vật đầu tiên trong cả nước được ra đời và Hội tự in được sách giới thiệu cổ vật của hội viên ông đã vui vẻ nhận viết Lời nói đầu cho cuốn sách với câu kết: Quyển sách nhỏ này thay cho câu thần chú “VỪNG ƠI MỞ CỬA RA!”.
Có thể nói hai việc làm này của Hội là sự khai mở cho nhiều cuộc triển lãm cổ vật của Hội viên Hội Cổ vật Thăng Long nói riêng đã được tổ chức tiếp sau tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Bảo tàng Hà Nội và cũng khai mở cho việc tổ chức Hội chợ Triển lãm cổ vật và xuất bản các cuốn sách chuyên giới thiệu về Cổ vật Việt Nam, Trung Hoa do các tổ chức, cá nhân trong cả nước thực hiện bằng nguồn vốn tự có xuất hiện vào các năm về sau.
Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, hướng dẫn Bác Võ Nguyên Giáp xem các ấn phẩm của Hội, trong đó có Tạp chí Cổ vật Tinh hoa (Tác giả đứng đầu tiên bên trái)
Tác giả đến nhà Bác Võ Nguyên Giáp biếu sách của phụ thân mới xuất bản
Một hoạt động nữa cũng đáng ghi nhận, thời đó vào năm 1998 tôi đang làm Tổng biên tập Tạp chí Cơ khí Việt Nam nên cũng có nghề làm báo. Thông qua việc Hội cổ vật Thăng Long được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam công nhận là hội viên tập thể của hội, cho nên đầu năm 2002 tôi đã ngỏ ý với anh Phạm Quốc Quân dự định đề nghị lãnh đạo Hội KHLS Việt Nam chấp nhận cho phép thành lập một tờ Tạp chí chuyên giới thiệu về cổ vật trực thuộc Hội. Tạp chí có tên là Tạp chí CỔ VẬT TINH HOA xuất bản với mục đích quảng bá hình ảnh cổ vật và các hoạt động của giới cổ vật trong cả nước. Anh Phạm Quốc Quân nghe vậy liền nhất trí ủng hộ tôi xin thành lập Tạp chí, song vì đang làm Giám đốc Bảo tàng nên anh chỉ nhận tham gia biên tập một phần nội dung, còn mọi việc khác tôi phải tự lo liệu. Chúng tôi trình bầy với lãnh đao Hội KHLS việc này liền được Giáo sư Phan Huy Lê Chủ tịch và Tổng thư ký Dương Trung Quốc cho ý kiến ủng hộ bằng văn bản đề nghị Bộ Văn hóa xét cho phép thành lập Tạp chí Cổ vật Tinh hoa trực thuộc Hội KHLS Việt Nam. Thế là với 02 số Đặc san Cổ vật Tinh hoa được cấp phép làm thử kể từ tháng 5-2002, vượt lên mọi khó khăn, bằng công sức và kiến thức của nhiều người yêu thích cổ ngoạn, trải qua 12 năm, đến nay Tạp chí Cổ vật Tinh hoa - tờ Tạp chí chính thống duy nhất trong cả nước chuyên viết về cổ vật - đã xuất bản được 47 số để đến tay bạn đọc trong, ngoài nước. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã từng đánh giá Tạp chí Cổ vật Tinh hoa như là “một cửa sổ nhỏ giới thiệu văn hóa Việt Nam với cộng đồng và quốc tế”.
Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam Dương Trung Quốc giới thiệu sự ra đời Đặc san "Cổ vật Tinh hoa" xuất bản năm 2002 (từ trái sang: Các ông Đào Hùng, Dương Trung Quốc, Đào Phan Long, GS PHan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm, Phạm Quốc Quân)
Tiếp nối các hoạt động mở đầu nêu trên, các nhiệm kỳ II, III tiếp sau Hội Cổ vật Thang Long đều tổ chức nhiều cuộc triển lãm cổ vật của hội viên tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Hà Nội để trưng bầy và giới thiệu những hiện vật chọn lựa quý hiếm, có giá trị với cộng đồng và khách quốc tế nhằm tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam. Đặc biệt nhiệm kỳ IV, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long -Hà Nội (10-10-2010), Hội cổ vật Thăng Long đã tự nguyện xin được đúc 01 chiếc lư hương đồng có kích thước lớn đặt trước pho tượng Đức vua Lý Thái Tổ trong công viên bên Hồ Hoàn Kiếm. Toàn bộ thiết kế và kinh phí thực hiện đúc Lư hương này đều do hội viên của Hội tùy theo tâm đức đóng góp. Trước việc làm có ích và thiết thực góp phần kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội của Hội Cổ vật Thăng Long, đã có một số cá nhân không phải hội viên của Hội cũng đã xin tự nguyện được đóng góp tài chính để tham gia cung tiến Lư đồng đặt trước tượng Vua Lê để lại cho đời sau.
Hội viên Hội Cổ vật Thăng Long đi dự Hội chợ Cổ vật tại Hongkong 2008
Lễ đặt lư hương của Hội Cổ vật Thăng Long cung tiễn Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trước tượng đài Vu Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội
Đại hội Hội Cổ vật Thăng Long nhiệm kỳ IV 2010 - 2015 (Từ trái sang: Các ông Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân, Đào Phan Long, Nguyễn Bằng Giang, Vũ Quốc Hội, Vũ Anh Tuấn)
Thành lập "Chợ phiên đồ cũ Dấu Xưa" tại Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng - Từ Liêm
Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội tôi xin được kể lại và giới thiệu một số hình ảnh không thể nào quyên đối với tôi và nhiều người yêu cổ ngoạn ở thủ đô Hà Nội. Cho đến nay tuổi tôi đã nhiều, nhưng tuổi của Hội mới chỉ chuẩn bị bước sang độ thanh xuân, trong suy nghĩ và tấm lòng mình tôi luôn quý mến và trân trọng tất cả các anh chị em hội viên, các anh chị Ủy viên Ban chấp hành Hội đã cùng tôi tham gia sáng lập Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội từ năm 1999.
Nhân bài viết này tôi cũng xin được thay mặt Ban chấp hành Hội Cổ vật Thăng Long nhiệm kỳ IV ( 2010-2015) chân thành cám ơn các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa TT&DL, Sở Nội vụ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay và các Hội cổ vật Thiên Trường, Thanh Hoa, Kinh Bắc, Hoa Lư, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, Lịch sử, khảo cổ học, nhà báo, văn nghệ sĩ… đã quan tâm, tạo điều kiện và hợp tác tốt với Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội trong nhiều năm qua.
Một lần nữa xin được cám ơn tất cả./.