Những tác phẩm điêu khắc đá chùa Phật Tích

lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

 

Đinh Phương Châm

Phòng Quản lý hiện vật

 

      Triều Lý (1010 – 1225)  Đại Việt  trở thành quốc gia độc lập, hùng cường sau khi vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) lên ngôi và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long thì Phật Giáo đã trở thành quốc giáo. Vương triều Lý đã biết vận dụng sức mạnh của Phật giáo vào công cuộc tái thiết đất nước. Việc xây dựng nhiều chùa chính là phát huy tinh thần tự giác, giác tha của Phật giáo để áp dụng vào việc trị quốc, khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa. Các trung tâm Phật giáo ở Quảng Ninh, Hà Nam Ninh và đặc biệt ở Bắc Ninh, quê hương của nhà Lý được xây dựng đồ sộ trong đó có chùa Phật Tích, hay còn được gọi là chùa Vạn Phúc hay chùa Tiên Du. Chùa nằm trên núi Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du (nay là xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

      Chùa được xây dựng vào năm 1057 đời Vua Lý Thánh Tông, nơi đây còn lưu truyền những huyền thoại về các vị thần có liên quan đến nghề nông và bà Tổ Cô, bà chúa Vĩnh… cùng với lễ hội hàng năm được mở vào ngày 4 tháng giêng hay còn gọi là Hội hoa Mẫu Đơn.

       Vào những năm 1937 -1940, nhà khảo cổ học  người Pháp L. Bezacier  thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ  đã phát hiện và tiến hành khai quật khu di tích này. Ông đã  thu thập và vận chuyển một số những tác phẩm điêu khắc đá tiêu biểu về bảo tàng Luis Finot nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các tác phẩm điêu khắc này đã đạt đến đỉnh cao của nền nghệ thuật tạo hình dân tộc. Toàn bộ các chủ đề và mô típ của điêu khắc Lý đều là sản phẩm của  những thần thoại Phật giáo. Mỗi hình tượng nghệ thuật đều được các nghệ nhân cách điệu đầy tài hoa  (từ rồng, phượng, uyên ương, em bé hay chim thú). Trong đó, thủ pháp nghệ thuật tạo hình có thần thái rất rõ ràng với từng loại hình mà nét chủ đạo là cân xứng, thon thả và thanh tú uyển chuyển, mềm mại với những đường cong cực lớn và dày đặc như đuôi nghê, đuôi sóc hay chim phượng hoặc rồng thắt miệng túi thật sự là vẻ đẹp điển hình của mỹ thuật thời Lý- thời đại đã sản sinh ra chúng.

 

  1. Đầu tượng tiên nữ

 

 Đầu tượng tiên nữ

 

Tiên nữ có khuôn mặt bầu tròn đầy vẻ phúc hậu. Đôi mắt dài với khuôn lông mày nhỏ uốn cong, chiếc mũi thanh tú. Cặp môi mỏng, như nhoẻn miệng cười. Tóc được búi cao thành bầu tròn lên đỉnh đầu, được trang trí những bông hoa cúc nở.

Trong nghệ thuật Phật giáo thế giới, hình ảnh các tiên nữ rất phổ biến ở Ấn Độ - Đông Nam Á  với tên gọi là Apsara, ở Trung Quốc thì được gọi là “Phi Thiên”. Nguyên đấy là những tiên nữ  làm nhiệm vụ ca hát trên cung trời của Đế Thích (Indra), một vị thần lớn trong thần thoại Ấn Độ được Phật giáo du nhập để phục vụ đức Phật. Cùng với những chức năng đó, các tiên nữ này thường xuất hiện  và gắn với rất nhiều đoạn đời của đức Phật như lúc đức Phật đầu thai, giáng sinh, giáo đạo hay thuyết pháp cho đến lúc Người viên tịch nhập Niết Bàn.

         

                     Tiên nữ đầu người mình chim (Kinnari) đang dâng hoa

2.Tượng nữ thần đầu người mình chim (Kinnari)

 

        Tượng thể hiện một nhạc công nửa thân trên là người, nửa dưới là chim. Tư thế đậu trên một đấu, khuôn mặt tròn, tóc búi cao thành chỏm. Mắt nhìn thẳng hướng, hai tay đang biểu diễn nhạc cụ. Hai chân mập khỏe móng có lông vũ. Bộ đuôi to khỏe cuồn cuộn lượn tỏa lên trên, uốn cong chạm vào cả búi tóc trên đỉnh.

       Trong điêu khắc Phật giáo Ấn Độ - Đông Nam Á, nhân vật này phổ biến được gọi là Kinnari, có nhiệm vụ ca múa và tấu nhạc. Cùng với các tiên nữ Apsara và các nhạc công, các Kinnari này sẽ hợp thành một bộ ba các nhân vật thần thoại chuyên lo việc ca múa, âm nhạc chào mừng đức Phật.

 

3.Lá đề chạm rồng

       Đây là một chi tiết được gắn trên kiến trúc chùa tháp triều Lý. Tạo mô phỏng thực của hình lá cây bồ đề có mũi lá nhọn, vai xuôi phình to dần rồi thu vào, hơi thóp lại ở giữa phần giáp với cuống lá.  Bên trong là hình ảnh hai con rồng với thân hình uốn cong đối xứng, giữa hai đầu vươn lên, hai chân trước dâng lên một lá đề nhỏ.

       Phật thoại kể lại rằng: sau nhiều năm tu luyện khổ hạnh vẫn không đắc đạo, tái tử Sidhartha (Tất Đạt Đa) đã bỏ con đường cũ, ăn uống bình thường trở lại, song vẫn quyết tâm tìm lại chân lý tối hậu. Tại Boddhigaya, ngồi trên bó cỏ dưới gốc cây Pippala (tức cây bồ đề), suy nghĩ kiên định, chiến thắng mọi thế lực đe dọa và cám dỗ, chân lý sáng dần lên và cuối cùng thái tử đã giác được đạo. Từ đó Ngài đã thành đức phật. Cây Bồ đề trên đây biến thành một biểu trưng đánh dấu sự kiện Đại Giác của Đức Phật. Khi đức Phật Niết Bàn, vị trí cây Bồ Đề là một trong bốn nơi  đầu tiên được giành để tưởng niệm Ngài. Cây Bồ Đề, lá bồ đề được chạm phổ biến trong các chùa tháp. Hình ảnh lá Bồ Đề được biến tấu và sử dụng rất linh hoạt: vòng hào quang tượng Phật hình lá đề, vòm của chùa tháp hình lá đề… Một trong những sáng tạo độc đáo chính là hình ảnh các lá Bồ đề (thường gọi tắt là lá đề) được trang trí trong kiến trúc Phật giáo  Lý, Trần.

4.Bệ chân cột trang trí  các nhạc công thiên thần (Gandharva)

 

 

        Đây là một trong những bệ  kê chân cột bằng đá chạm nổi cánh sen và các nhạc công. Bệ  hình vuông, mặt trên được trang trí hình cánh sen mũi hếch. Bên trong mỗi cánh sen được trang trí đôi rồng uốn cong tạo hình lá đề.  Bốn mặt đều được trang trí những nhạc công đang tấu nhạc . Đó là một đội hoàn chỉnh gồm có 10 người:  đánh mõ, thổi sao, kéo nhị, gẩy đàn chanh, thổi sanh; mặt khác thì đang dập phách, gẩy đàn tỳ bà, thổi sáo dọc, đàn tam, đánh trống bồng mà hầu hết các nhạc cụ này đều có nguồn gốc từ Chiêm Thành (Champa). Toàn bộ các mảng chạm đã được người thợ Lý diễn tả theo phong cách thi vị hóa, những hình ảnh dâng hoa cúng Phật, nhạc công tấu nhạc đều được cách điệu một cách khéo léo và tinh tế gọi lên một không khí nhộn nhịp, vui tươi và nét mặt hồn hậu, dáng điệu uyển chuyển của điệu múa mà người thợ đã thể hiện nguồn cảm hứng  của họ trong quá trình sáng tác. Qua đó đã phản ánh được sự phát triển mạnh mẽ  nghệ thuật ca múa nhạc của nhân dân Đại Việt dưới thời Lý có sự tiếp thu và giao lưu với cư dân Champa cổ.

  1. Tượng thần hộ pháp (Dvarapala)

 

 

Hộ pháp là vị thần có  sức mạnh rât lớn nguyện phát tâm hết lòng việc hộ trì Phật pháp. Trong các ngôi chùa Lê – Nguyễn ta thường thấy  có hai Hộ Pháp đặt tòa bái đường với tên gọi Khuyến Thiện và Trừng Ác.

Hộ pháp mang sắc tướng một võ sĩ, đứng hơi nghiêng về phía trước, mình vặn, hông lệnh, chân choãi. Toàn bộ thân mặc áo choàng rộng trùm kín người, các nếp gấp lớn, mềm mại bay dạt về phía sau. Dây lưng mềm thắt chẽn áo, đầu mối buông rủ. Rải đều khắp võ phục là các đốm hoa tròn nhỏ.

 

 

        Mỗi một thời đại đã qua thường để lại dấu ấn cho riêng mình, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thời Lý chùa Phật Tích cho ta phần nào hình dung về cuộc sống vật chất và tinh thần của cư dân Đại Việt cách đây hàng ngàn năm xứng đáng là đỉnh cao của nền nghệ thuật tạo hình dân tộc.