NHỮNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CỔ VẬT VIỆT NAM

Trích cuốn sách “Tìm chơi cổ vật Việt” – Tác giả Đào Phan Long

       Về tiêu chí để đánh giá chất lượng của từng cổ vật thiết nghĩ như sau:

      

 Vẫn theo các bậc tiền bối đã khái quát, những ai đã thạo cuộc chơi cổ ngoạn thì đều ngấm câu truyền khẩu rất phổ thông khi tóm tắt về các tiêu chí để đánh giá cổ vật bằng một câu ngắn gọn đó là “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”, nhưng nói vậy có lẽ chưa đủ, vì cần phải thêm hai tiêu chí nữa là “độc” và có “thân phận” rõ ràng.

       - “Dáng” được xếp đầu tiên để khẳng định món đồ đó có giá trị thẩm mỹ cao hay bình thường? Dáng thể hiện vẻ đẹp hài hòa, lạ, độc đáo của cổ vật.

       - “Da” được xếp thứ hai để xem xét phần kỹ thuật, mỹ thuật bao gồm từ đề tài, bố cục, hoa văn, họa tiết, nét chạm khắc… thể hiện trên món đồ. Nó ghi lại dấu ấn chế tác ở trình độ cao hay thấp và đặc biệt “da” còn là “nước men thời gian” được tạo ra tự nhiên trên bề mặt ngoài của cổ vật mà không ai có thể dễ dàng tạo ra được.

       Chính 2 tiêu chí trên đã phản ánh được dấu ấn văn hóa để lại của người xưa, chúng thể hiện trình độ chế tác, óc thẩm mỹ sáng tạo ra cổ vật của người xưa và để phân biệt được nơi đã chế tạo ra.

       - “Toàn” xếp thứ ba để nói lên sự lành, vỡ, sứt mẻ, mất mảnh... của mỗi món đồ. Nếu cùng là một loại cổ vật giống nhau thì giá trị giữa món đồ lành sẽ cao gấp nhiều lần món bị dập chứ chưa nói đến bị vỡ, bị mất mảnh hoặc đã qua sửa chữa.

       - “Tuổi” xếp cuối cùng chỉ nhằm xác định niên đại chế tác của món cổ vật. Tiêu chí này mang ý nghĩa khảo cổ lịch sử. Nhiều cổ vật mặc dù tuổi thấp, nhưng khi đấu giá thì lại rất nhiều tiền và ngược lại. Nhưng nếu chơi cổ vật mà coi nhẹ “tuổi” của chúng thì cũng không được.

       Nhưng ngoài 04 tiêu chí thông thường trên, tôi nghĩ khi đánh giá chất lượng, giá trị của các cổ vật, người có nghề thường còn chú ý tới hai tiêu chí nữa là “Độc”, tức làm  thủ công, không làm hàng loạt và rất hiếm và “Thân phận” tức là xuất sứ ở đâu? nơi nào đã sở hữu, đã sử dụng thời xa xưa? Những cổ vật của vua quan, danh nhân, nhà giầu đặt làm hoặc mua, tặng… để sử dụng (thường gọi là đồ quan) thì có giá trị kinh tế cao khác hẳn những cổ vật của dân chúng bình thường sử dụng (thường gọi là đồ phố). Các cổ vật có hiệu đề, tên lò sản xuất, minh văn cung tiến… sẽ cho biết xuất sứ cổ vật, tất nhiên chúng sẽ quý hơn các cổ vật không rõ “thân phận”. 

       Nhưng khi bàn về “Thân phận” cũng còn tùy vào quan niệm của người sưu tập và của các Bảo tàng thích tìm về để sở hữu. Có thể minh chứng dưới đây:

       Ví như dòng cổ vật “sứ ký kiểu” là những đồ sứ Trung Hoa do vua chúa Việt Nam đặt làm ở các lò gốm sứ cao cấp “Thiên triều” trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII-XIX để mang về dùng trong cung phủ. “Sứ ký kiểu” do có “hiệu đề” nên đã tự khẳng định rõ “thân phận” của chúng. Đây là một tiêu chí không tranh cãi. Cho nên chúng đã được một số ít người Việt Nam thích thú và đánh giá cao lùng mua, dẫn đến có thời điểm “rất sôi” với giá cao ngất ngưởng. Nhưng trên thực tế thì giới nghiên cứu và sưu tập gốm sứ thế giới lại không đánh giá cao dòng cổ vật “sứ ký kiểu” so với các loại hình cổ vật mang dấu ấn văn hóa đích thực của cư dân Việt cổ đã chế tác để sử dụng cách nay 2000 - 2500 năm có tên gọi “đồ đồng Đông Sơn” và các cổ vật gốm Đại Việt được làm ra thời hình thành quốc gia tự chủ trong giai đoạn các Triều đại Lý, Trần, Lê từ thế kỷ XI-XVII. Trên thực tế trong các thập niên nửa cuối thế kỷ XX đã có nhiều sách, báo và bảo tàng nước ngoài xuất bản các ấn phẩm để giới thiệu cái đẹp, cái quý của hai loại hình cổ vật Việt với chất liệu đồng Đông Sơn và gốm Bắc bộ thời Lý, Trần, Lê. Mặc dầu các cổ vật Việt này không có hiệu đề, bởi vì họ đánh giá hai dòng cổ vật Việt này đã thể hiện rất rõ dấu ấn văn hóa đặc trưng không lẫn với các tộc người châu Á và Đông Nam Á khác. Sự thật này có thể lý giải đơn giản, cổ vật “sứ ký kiểu” thực chất là đồ sứ Trung Hoa, mang dấu ấn văn hóa của cả Trung Hoa chứ không phải của riêng Việt . Hơn nữa ngày nay ngay người Trung Quốc và người các nước khác khi sưu tập cổ vật gốm sứ cổ Trung Hoa họ đều nhận ra về mặt kỹ thuật chế tác, mỹ thuật của dòng “sứ ký kiểu” do vua chúa Việt Nam xưa đặt hàng không thể có chất lượng cao hơn được các cổ vật gốm sứ Trung Hoa làm ra để dùng trong cung phủ thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh chính quốc. Do vậy nên ở các Bảo tàng danh tiếng thế giới khi giới thiệu về cổ vật mang dấu ấn văn hóa Việt đã đánh giá cao và trân trọng trưng bày, bảo quản gìn giữ các loại cổ vật Việt Nam mang dấu ấn Đông Sơn, dấu ấn thời Lý, Trần, Lê và hầu như không quan tâm trưng bày và giới thiệu về cổ vật “sứ ký kiểu”.

       Hiện nay người buôn cổ vật Trung Quốc do thấy được sức mua cổ vật gốm sứ rất lớn trong nước, cho nên họ tung người đi mua đồ gốm sứ cổ Trung Hoa tại các cuộc đấu giá nước ngoài, hoặc tìm đến tận nơi các địa chỉ kinh doanh cổ vật nước ngoài (trong đó có Việt Nam) mà họ đã biết để mua mang về nước. Trong khi đó, ngược lại họ bằng mọi cách tìm đến những địa chỉ khả dĩ muốn kiếm lợi nhuận để bán đi các món gốm sứ Trung Quốc mới hoặc giả cổ cho dân các nước kém kiến thức và hiểu biết mua về chơi. Gần đây báo đài nước ta đã đưa tin ngay làng nghề làm gốm nổi tiếng Bát Tràng - Hà Nội hiện cũng đang bán đầy gốm sứ Trung Quốc! Quả là buồn.


       Thiết nghĩ người Việt Nam ta sưu tập cổ vật chỉ thành công khi:

       - Sưu tập mang dấu ấn văn hóa Việt, bao gồm các loại hình cổ vật Bắc bộ, Champa Trung bộ và Óc - Eo Nam bộ chứ không phải văn hóa ngoại lai.

       - Sưu tập có một số hiện vật thuyết phục được các nhà nghiên cứu cổ vật và người sưu tập cổ vật có nghề giỏi.

       Nhưng có lẽ để thành người sưu tập cổ vật có tay nghề thì ngoài việc trang bị những kiến thức cơ bản về lịch sử, địa lý, khảo cổ, văn hóa… do tự học qua sách báo còn cần lang thang để sờ, để được xem thực tế nhiều cổ vật. Hơn nữa một điều không thể thiếu khi muốn sưu tập cổ vật có giá trị cần phải đầu tư kinh tế (tức rơi tiền) và tìm được bạn chơi chân thành mới có được những cổ vật quý, hiếm. 

       Đàm về chơi cổ vật thì còn nhiều chuyện, song chỉ biết nhiều thế hệ người Hà Thành đã rong ruổi tầm chơi cổ vật qua năm tháng rất thú vị, họ quên đi nhiều phiền muộn trong cuộc sống, song họ cũng đều tốn kém tiền bạc, công sức mới mong có được một sưu tập cổ vật đích thực cho mình.

       Thời gian qua đi không trở lại, tiền bạc bỏ ra mua đồ cổ về chơi cũng không lấy lại được. Ấy vậy mà lại đem về các món đồ giả cổ thì quá buồn. Thiết nghĩ để lập được một bộ sưu tập cổ vật quý không dễ và muôn vàn khó khăn. Nhưng để lưu giữ được sưu tập của mình lâu dài lại là việc càng khó khăn hơn khi khả năng tài chính thì có hạn hay tuổi tác thì ngày càng cao, làm cho con người bất lực trước ước muốn lưu giữ sưu tập của mình lâu dài cho đời sau. Nói vui, đúng là giành được đã khó, nhưng giữ được lâu dài mới là khó hơn nhiều.

       Lẽ đời đã chỉ rõ: Con người muốn sống sung sướng cũng cần có nhiều tiền bạc, rồi không ít kẻ cần vinh thăng với đời cũng tốn nhiều tiền bạc, nhưng đã khối kẻ cũng đã chết trong tủi nhục, cô đơn cũng vì tiền bạc! Ấy vậy nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu và sưu tập cổ vật đã có nhiều bậc tiền bối chỉ ra rằng: Nếu chỉ đơn thuần sống vì tiền thì có lẽ chả bao giờ có được những sưu tập cổ vật có giá trị.