ÔNG BÌNH VÔI KÍCH THƯỚC LỚN & LẠ
Đào Phan Long
Xem chiếc bình vôi men lục nhẹ lửa có kích thước lớn và lạ của Trần Ngọc Việt, tôi nhớ lại cách đây vài năm có một Việt kiều sưu tập được nhiều Ông bình vôi rất tuyệt đã nhờ Tạp chí Cổ vật Tinh hoa giới thiệu những bình vôi này với bạn đọc. Khi xem ảnh các bình vôi của anh bạn Việt Kiều tôi nhận ra chính những bình vôi “độc” này mình đã được xem cách đây khoảng 15 năm trước của những người sở hữu chúng ở Hà Nội mà khi đó không có tiền để mua chơi nên chúng đã “bay xa”. Mãi gần đây tôi mới lại thấy có ông bình vôi lạ xuất hiện ở Hà Nội thuộc sở hữu của hội viên Hội Cổ vật Thăng Long Trần Ngọc Việt. Đúng là Việt có duyên và chịu khó lọ mọ nên anh cũng đã có cơ hôi tìm kiếm được khá nhiều những cổ vật đẹp có giá trị.
Bình vôi, gốm Việt. Men lục nhẹ, thế kỷ 14-15.
Như nhiều người đã biết, tục xăm trên người, nhuộm răng đen, ăn trầu… đã có từ rất xa xưa ở châu thổ Bắc bộ Việt Nam ngày nay. Một miếng trầu để ăn gồm có: một nhánh cau khô hoặc tươi, ít vôi tôi nhão, ít sợi thuốc lào, tất cả được gói trong lá cây trầu không (gọi là têm trầu). Ăn trầu sẽ tốt cho răng miệng và ấm người. Riêng vôi được tôi chín và đựng trong một số dụng cụ mà bình vôi là đồ chứa với số lượng nhiều để đặt cố định tại nhà hoặc treo ở đình, chùa, chợ… nơi công cộng để mọi người có thể cùng dùng. Trầu, cau, thốc lào thi dễ kiếm cho đến hôm nay, nhưng ông bình vôi gốm Việt cổ có men độc sắc trắng ngà với niên đại cao nhất còn lại đến nay thường được làm từ thời Lý, Trần (TK 11-14), rồi tiếp sau là thời Lê, Trịnh, Nguyễn (TK15 đến nửa đầu TK20) thì đã hiếm rồi. Thời triều Nguyễn TK19-20 còn xuất hiện bình vôi sứ Trung Hoa được nhập về dùng ở các gia đình thượng lưu, quan lại.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 có phong trào đàn ông cắt tóc ngắn, phụ nữ không mặc váy mà người xưa nói vui là “mặc cái thúng mà thủng hai đầu” để mặc quần hai ống, quần buộc dải rút, yếm trong nâng vú phụ nữ được thay dần bằng nịt vú như ngày nay, rồi ai đã nhuộm răng đen thì đi cà răng trắng…, do vậy tục ăn Trầu, để tóc, ăn mặc của đàn ông, đàn bà ở nước ta đã thay đổi khi người Pháp sang chiếm nước ta nửa cuối thế kỷ 19. Nay thì tục ăn Trầu chỉ còn lưu truyền trong dân chúng không nhiều, nên bình vôi cũng hầu như không được các lò gốm, sứ sản xuất nữa.
Bình vôi cổ đẹp nhất ở 3 yếu tố là dáng, quai và men. Quai lạ và đẹp thường được nghệ nhân tạo dáng người, thú. Quai đẹp điển hình là tượng võ sỹ đóng khố vật nhau, tạo hình rồng, phượng, kỳ lân, hổ.
Ngày nay bình vôi có kích thước lớn hiếm thấy còn lại hơn các loại nhỏ. Phần vì loại lớn chỉ để nơi công cộng, còn loại nhỏ hầu như gia đình nào cũng có nên nhiều. Gần đây anh Trần Ngọc Việt đã kiếm được một bình vôi lớn, kích thước cao 25 cm, đường kính trung bình trên 20 cm là gốm Việt cổ, men lục nhẹ lửa, được làm khoảng TK14-15 (xem ảnh) đáng được lưu giữ.
Có thể nói trong bộ sưu tập cổ vật Việt có thể ngầm hiểu không thể không có ông bình vôi, vì đó là đặc trưng của văn hóa vật thể độc đáo mang dấu ấn Việt Nam. 
Tất nhiên do số bình vôi cổ thì có hạ mà người muốn sở hữu thì nhiều cho nên giá mua bán bình vôi hiện nay chắc chắn cao hơn nhiều lần thời trước.
              Vài ảnh về bình vôi, gốm Việt: