RỒNG TRÊN CỔ NGỌC CUNG ĐÌNH HUẾ
Nguyễn Đình Chiến
Đinh Ngọc Triển
Bộ sưu tập cổ ngọc thời Nguyễn chẳng những phản ánh trình độ kỹ thuật tinh xảo, tuyệt mỹ trong số các ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam mà còn thể hiện giá trị độc đáo và hiếm quý, gắn với lịch sử vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là nơi lưu giữ nhiều bộ sưu tập hiện vật vô cùng hiếm quý của kho tàng di sản văn hoá Việt Nam. Đặc biệt, trong đó có bộ sưu tập cổ ngọc Cung đình Huế, với số lượng khá lớn, loại hình đa dạng, màu sắc phong phú.
Qua sưu tập cổ ngọc này, chúng tôi thấy đặc biệt chú ý hình tượng rồng được thể hiện trên nhiều loại hình khác nhau. Trước tiên, là hình rồng trên quai của các ngọc tỷ, như Ngọc tỷ Phong cương vạn cổ làm bằng ngọc xanh sẫm, quai núm vuông, 4 mặt hình thang chạm khác 2 băng hồi văn chữ S đầu vuông. Trên mặt núm vuông chạm hình rồng. Đây là ngọc tỷ thuộc thế kỷ 18.
Kể từ năm Ất Mùi (1835), tức là năm Minh Mệnh 6 trở về sau, các ngọc tỷ của Hoàng đế Minh Mệnh và Thiệu Trị thường thấy ghi khắc rõ ngày tháng tạo tác như ngọc tỷ: Hoàng đế chi tỷ  tạo năm 1835; Hành tại chi tỷ năm 1837; Đại Nam thiên tử chi tỷ  năm 1839; Thần hàn chi tỷ  và Đại Nam hoàng đế chi tỷ năm 1844; Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ năm 1846. Dưới đời vua Tự Đức còn 2 ngọc tỷ là Tự Đức thần khuê và Tự Đức thần hàn, đều được tạo tác trong khoảng 1848 - 1883. Dưới đời vua Khải Định cũng còn 2 ngọc tỷ là Khải Định hoàng đế ngọc tỷ  và Khải Định hoàng đế chi tỷ, đều được tạo tác trong khoảng 1916 - 1925.
 
Nhiều câu chuyện trong sử cũ còn lưu truyền về việc người dân tìm được ngọc quý dâng lên nhà vua như năm 1837, có người dâng viên ngọc trắng lên vua Minh Mệnh, nhà vua sai làm ngọc tỷ Hành tại chi tỷ. Năm Minh Mệnh 20, 1839, đúng khi vương triều đổi quốc hiệu là Đại Nam, lại có người dân dâng ngọc quý, nhà vua liền ra lệnh cho khắc ngọc tỷ: Đại Nam thiên tử chi tỷ . Năm 1844, vua Thiệu Trị nhận được từ người dân dâng lên 2 viên ngọc quý, nhà vua liền ra lệnh khắc 2 ngọc tỷ, hoàn thành ngay trong năm ấy, là ngọc tỷ Thần hàn chi tỷvà Đại Nam hoàng đế chi tỷ.
Đặc biệt là vào năm Thiệu Trị 6, 1846, có người dâng lên vua một viên ngọc cực lớn, vốn là sản vật của núi ngọc huyện Hoà Điền vùng đất Quảng Nam. Nhà vua vô cùng mừng rỡ liền sai quan Hữu tư dũa mài thành ngọc tỷ, một năm sau thì xong. Đó là ngọc tỷ Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (Ngọc tỷ truyền quốc của nước Đại Nam, nhận mệnh lâu dài từ trời).
Như thế, những ngọc tỷ nêu trên chẳng những là những bảo vật truyền quốc mà còn khẳng định nguyên liệu ngọc quý đã tìm được ở Việt Nam và kỹ thuật tạo tác do chính những nghệ nhân cung đình Huế dưới triều Nguyễn thực hiện.
Bảo kiếm của vua, cùng với Kim Ngọc Bảo Tỷ là biểu trưng cao quý nhất quyền lực quốc gia. Chuôi kiếm được tạo từ ngọc trắng xanh, cùng với vàng chạm, đúc hình rồng mây rất tinh xảo
Phiến ngọc Ngự diên văn bảo hình chữ nhật có diềm khung nổi chạm hồi văn chữ S đầu vuông. Phiến ngọc tạo bằng ngọc trắng xám, diềm 4 góc và xung quanh chạm hình bướm và hoa dây. Trong diềm chạm 2 hình rồng uốn mình, đầu ngẩng cao chầu viên bảo ngọc, trên nền mây. Kiểu rồng đuôi xoáy này rất phổ biến trong nghệ thuật Nguyễn. Chính giữa phiến ngọc khắc nổi 4 chữ triện: Ngự diên văn bảo (nơi lưu giữ các văn bản quý của Hoàng đế). Phiến ngọc này hẳn đã được dùng đặt ở nơi Văn thư phòng - là nơi cơ mật của vua nhà Nguyễn.
 
Đáng chú ý trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn còn có nhóm cổ ngọc thuộc Văn phòng tứ bảo là những vật biểu trưng cho sự sang trọng, tao nhã của bậc quyền quý.
Đáng kể nhất là những chiếc nghiên ngọc dùng để mài mực, mài son của vua và quan lại. Chất liệu ngọc dùng chế tác nghiên là loại ngọc xanh ghi, ngọc trắng và ngọc điểm vân xanh.
Có chiếc nghiên khác hình khối hộp chữ nhật tạo bằng ngọc màu xanh ghi, chạm khắc hình rồng phun nước trong ô chứa mực hay khắc hình mây cuộn và 2 hình cá nhô đầu trên sóng nước.
Trong thành phần của bộ Văn phòng tứ bảo còn có các loại hình khác như gác bút, thuỷ trì, hộp các loại, ống bút, quản bút,...
Gác bút ngọc trắng xám được tạo theo 2 hình rồng uốn khúc, ngẩng đầu chầu vào viên ngọc châu ở chính giữa. Các hình văn mây cuộn, đuôi rồng xoáy như đã tạo thành một nét riêng biệt trên đồ ngọc cung đình Huế.
Do vậy, có thể nói đề tài Rồng đã chi phối khá nhiều trong ý đồ tạo tác và trang trí của các nghệ nhân cung đình Huế.
Thẻ ngọc Ngự tiền sắc mệnh và Thiệu Trị vạn tuế là những thẻ hết sức đặc biệt. Trên 2 mặt thẻ Ngự tiền sắc mệnh, có diềm khắc 2 hình rồng đuôi xoè; trên mặt cán khắc năm Thiệu Trị 5 (1845). 4 chữ Ngự tiền sắc mệnh khắc trên 2 mặt đều thếp vàng. Đây là mệnh lệnh bằng văn bản của vua ban cho những người rất thân cận trực bên cạnh vua. Cho nên, thẻ này là một bảo vật vô cùng quan trọng. Một thẻ ngọc trắng khác nhỏ hơn, phần trên chạm 2 hình rồng cách điệu, phần dưới hình chữ nhật, trên mặt thẻ khắc 3 dòng chữ Hán. Đây chính là thẻ ngọc quý đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847).
Hai chiếc thẻ đeo tạo bằng ngọc trắng xám, có quai đeo hình khánh xuyên lỗ. Thẻ hình chữ nhật dài, một mặt khắc diềm hồi văn chữ T, một mặt khắc hai hình rồng đuôi xoáy, chầu mặt nguyệt.
Đồ ngọc gia dụng có xuất xứ từ cung đình Huế còn thấy các loại khác như:
Trong số các loại hình đồ ngọc dùng trang trí nội thất thư phòng hay nghi thức tôn giáo có các loại đỉnh có nắp, bình, lọ và hộp tròn.
Chiếc đỉnh ngọc trắng 4 chân tròn dẹt, nắp chỏm là hình rồng 5 móng cuộn, 4 hình viên long ở góc, 2 mặt trước và sau đỉnh tạo hình cuốn thư chạm chữ Hỷ và hồi văn phỏng cổ đồng, 2 quai hình đầu rồng ngậm vòng tròn. Ngoài đề tài hổ phù, hồi văn phỏng theo thời Ân - Thương, trên các đỉnh ngọc này còn thấy các băng cánh sen, hồi văn chữ S đầu vuông, hoa sen dây. Đáng chú ý hơn là màu sắc và chất liệu ngọc dùng chế tác đỉnh còn thấy dùng để chế tác các bình lọ và hộp tròn. Chẳng những thế, giữa các loại hình đỉnh, bình, lọ và hộp còn có sự tương đồng về các mẫu hoa văn giống nhau: hoa sen dây, hồi văn chữ S đầu vuông, mặt hổ phù, hồi văn phỏng theo đồ đồng cổ…
Căn cứ vào loại rồng 5 móng, đuôi xoáy, hình viên long xuất hiện trên một số đỉnh ngọc trong sưu tập cho phép nghĩ rằng chúng mang đặc điểm nghệ thuật Nguyễn và là những đồ ngự dụng trong cung đình Huế, thế kỷ 19.
Một nhóm đồ chế tác bằng ngọc kim sa như bình treo có nắp, quanh thân chạm hình rồng và kỷ hà, bộ cối và chày giã trầu được tạo tác kết hợp với vàng, bình miệng vuông có đế gỗ chạm hồi văn chữ T, cánh sen và mây. Đặc biệt, chuôi ấn Khải Định Đại Nam Hoàng đế  cũng được chế tạo bằng ngọc kim sa. Nhóm đồ ngọc kim sa này có niên đại thế kỷ 19 - 20.
Chiếc bình kim sa trên, với sự hiếm quý về chất liệu và kiểu cách trang trí như trên mũ vua đã phản ánh là một đồ ngự dụng trong hoàng cung triều Nguyễn.
Trong nhóm cổ ngọc cung đình Huế cũng còn thấy nhiều loại ấm ngọc có nắp, được tạo hình và trang trí với kỹ thuật tinh xảo. Chất liệu ngọc dùng để tạo tác ấm thường là màu xanh celadon, trắng xám, trắng xanh. Ấm ngọc có thể dùng đựng rượu hay trà. Chẳng hạn, ấm ngọc xanh có nắp, vòi hình chim phượng, xung quanh thân chạm khắc lá hoa sen. Lại có chiếc ấm tạo quai hình rồng, thân chia múi nổi, xung quanh thân chạm cành hoa mai. Ấm có nắp chạm nổi cánh sen, thân chạm hình chim phượng và mây giữa 2 băng văn như ý và cánh sen. Đặc biệt, chiếc ấm ngọc trắng xanh có nắp, miệng và vòi ấm bịt vàng, chỏm nắp hình búp sen. Thành ngoài ấm khắc 2 băng văn như ý và 4 hình viên long khắc 4 chữ Hán: Thiệu Trị niên tạo (chế tạo trong khoảng niên hiệu Thiệu Trị, 1841-1847).
Cũng tương tự như trên các bộ đồ trà bằng sứ hoa lam đặt làm tại Trung Quốc, ở đây cũng có các bộ đồ trà tạo bằng ngọc trắng xanh với 1 chén tống 2 chén quân, hay 1 chén tống 3 chén quân, cùng ấm và đĩa. Viền miệng ấm, chén và đĩa đều bịt vàng. Các hoa văn trên ấm, chén, đĩa này chẳng những tương tự trên đồ trà sứ hoa lam mà còn hoàn toàn giống nhau cả về cấu trúc sắp xếp các băng hoa văn và chữ khắc Thiệu Trị niên tạo. Điểm khác với đồ sứ là trên đồ ngọc, chỉ thấy dùng chữ tạo mà không dùng chữ chế.
Ngoài các bộ ấm, chén và đĩa có khắc trang trí các băng văn như ý, 4 hình viên long và Thiệu Trị niên tạo, ở đây còn có 2 bộ tách có nắp và đĩa cùng mang đặc điểm tương đồng về hoa văn và chữ khắc.
Thuộc nhóm chén trà ngọc trắng xanh còn có những kiểu dáng khác như chén hạt mít, tuy không trang trí hoa văn nhưng rất đều nhau (đường kính miệng 3,2cm; cao 2,3cm). Chén và đĩa ngọc trắng xanh tạo dáng bông sen và lá sen. Chén miệng loe, ngọc trắng xanh có 2 tai rồng. Chén và đĩa nhỏ, miệng đứng, sâu lòng, viền miệng bịt vàng. Có bộ đĩa chén ngọc trắng xanh, xung quanh chén và trong lòng đĩa chạm khắc hình phượng bay trong mây. Bộ tách có nắp và đĩa ngọc trắng chạm khắc chữ thọ tròn và viên long. Có loại tách, được tạo tác từ các chén ngọc, viền miệng bịt vàng và quai tạo thêm bằng vàng. Trên phần trang trí quai và quanh chén là băng hồi văn như ý và hình rồng mây, kiểu rồng đuôi xoáy. Những hình rồng ở đây đều là rồng 5 móng và đuôi rồng xoè hay xoáy là điểm đáng lưu ý về đồ ngự dụng trong cung đình Nguyễn.
Bộ tượng Thập nhị chi hay gọi là 12 con giáp. Ở đây, bộ tượng được thể hiện bằng ngọc trắng xám, mô tả 12 con vật biểu trưng của 12 tháng theo lịch phương Đông, nhưng lại thiếu Mão, con vật đứng hàng thứ 4 là con mèo. Tất cả 11 tượng này đều ở tư thế ngồi, chân phải gập lại, chân trái chống, tay cầm một vật gì đó. Sự khác nhau là ở đầu tượng với nét đặc trưng chỉ rõ về loài: Tý - Chuột; Sửu - Trâu; Dần - Hổ; Thìn - Rồng; Tỵ - Rắn; Ngọ - Ngựa; Mùi - Dê; Thân - Khỉ; Dậu - Gà; Tuất - Chó; Hợi - Lợn.
Cách thể hiện này mang rõ tính “nhân cách hóa” khá độc đáo, ít gặp trong nghệ thuật cổ. Đây cũng là bộ tượng ngọc do nghệ nhân thời Nguyễn chế tạo vào thế kỷ 19.
Nhiều ngọc tỷ được sử sách chép lại nguồn gốc do người dân trong nước tìm được rồi đem dâng vua và nhà vua ra lệnh làm ấn. Vì vậy, ngọc tỷ triều Nguyễn được xác minh rất rõ về nguồn gốc lai lịch.
 
Cổ ngọc triều Nguyễn còn rất đáng chú ý với các chủng loại có khắc minh văn như thẻ bài, phiến ngọc, nghiên mực khắc ghi Ngự chế thi của vua Thiệu Trị. Các bộ đồ trà (nguyên bộ) có chạm khắc hoa văn như ý, hồi văn chữ S đầu vuông, “viên long” và 4 chữ: Thiệu Trị niên tạo, rất tương đồng với các bộ đồ trà sứ hoa lam đặt làm tại Trung Quốc. Các đề tài viên long, rồng đuôi xoáy, phượng hoàng, con dơi và quả đào (Phúc - Thọ) đã thấy phổ biến trên nhiều loại cổ ngọc và trở thành đặc điểm nhận diện riêng của nghệ thuật cung đình Nguyễn.
Hình tượng rồng trên cổ ngọc Cung đình Huế không chỉ cho phép ta nhận diện về các đồ ngự dụng của nhà vua, mà còn khẳng định đặc điểm riêng của Nghệ thuật Huế.
Bộ sưu tập cổ ngọc thời Nguyễn chẳng những phản ánh trình độ kỹ thuật tinh xảo, tuyệt mỹ trong số các ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam mà còn thể hiện giá trị độc đáo và hiếm quý, gắn với lịch sử vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Chiêm ngưỡng những cổ ngọc Việt Nam, chúng ta nhận ra những điểm khác biệt so với cổ ngọc Trung Hoa và càng khâm phục tài năng sáng tạo của nghệ nhân thời xưa, xứng đáng với lời nhận xét của vua Thiệu Trị: “Văn minh ở nước ta không kém gì Trung Quốc”.