SỰ BIẾN MẤT THỚT HÌNH VÚ CỦA ĐÀI THỜ TRÀ KIỆU
HAY SỰ NHẦM LẪN CỦA JEAN-YVES CLAEYS?
                                                                                                         Võ Văn Thắn
ThS. GĐ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Đặt vấn đề
Đài thờ Trà Kiệu, ký hiệu 22.2, là một hiện vật quan trọng của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, được nhắc đến trong rất nhiều công trình nghiên cứu và thường được xem là một kiệt tác của điêu khắc Chămpa. Theo một tấm ảnh chụp vào năm 1931 thì đài thờ này có một thớt tròn trang trí chuỗi hình bầu vú (sau đây gọi là thớt hình vú) nằm giữa hai bệ tròn chạm hình hoa sen (sau đây gọi là thớt hoa sen) (ảnh 1).
Ảnh 1: Đài thờ Trà Kiệu in trên B.E.F.E.O năm 1931
Chính cái thớt hình vú này đã gây cho Bosseilier, và các nhà nghiên cứu sau ông, cái cảm giác “khác thường” (insolite) và “ngạc nhiên” (étonné), xem đây là một đặc trưng không thấy xuất hiện ở đâu khác ngoài Champa.1
Nhưng đài thờ Trà Kiệu 22.2 như đang trưng bày hiện nay tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lại không còn cái thớt hình vú nữa (ảnh 2).
Ảnh 2: Đài thờ Trà Kiệu 22.2 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Câu hỏi đặt ra là khi nào và tại sao cái thớt hình vú độc đáo đó đã được tháo gỡ ra khỏi đài thờ này?
Xem lại các ghi chép trước đây
Có lẽ hình ảnh được in sớm nhất của đài thờ này là 2 nửa khối vuông, xuất hiện trong bài La religion des Chams d’après les monuments của Louis Finot, in trên B.E.F.E.O. số đầu tiên, năm 1901; một nửa khối đặt dưới tượng bò thần Nandin (ảnh 3) và một nửa khối đặt dưới tượng thần Laksmi (ảnh 4).2
Ảnh 3: Tượng bò Nandin đặt trên nửa bệ vuông đài thờ Trà Kiệu
Ảnh 4: Tượng thần Laskmi đặt trên nửa bệ vuông đài thờ Trà Kiệu
Kết thúc bài viết, Louis Finot có lập một bảng thống kê tóm tắt các di tích, hiện vật Champa, trong mục Hiện vật điêu khắc ở công viên Tourane có ghi đài thờ này ở số thứ tự 156, với dòng miêu tả “Đài thờ, gồm 2 nửa bệ có chạm khắc và 2 bệ tròn trang trí hoa sen.”
Đến năm 1909, Henri Parmentier đã miêu tả kỹ hơn về bốn khối đá của đài thờ này, có các ký hiệu đã ghi trước đó là 19, 21, 23 và 42; khối 21 và 42 là 2 nửa của một khối vuông, khối 19 và khối 23 là 2 thớt tròn. Parrmentier nhận định là đài thờ này còn thiếu một bộ phận hình trống (tambour) ở giữa và cho rằng có thể dựa theo các đài thờ hình tròn tìm thấy ở Mỹ Sơn để phục dựng lại bộ phận thiếu này3 (ảnh 5).

Ảnh 5: Bản vẽ phục dựng đài thờ Trà Kiệu của H.Parmentier

Sau khi tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng xong tại “Công viên Tourane” vào năm 1919, Henri Parmentier đã trưng bày đài thờ này tại sân vườn, phía trước gian nhà chính (ảnh 6). Nhìn bức ảnh chụp vào thời kỳ này, ta thấy giữa 2 thớt tròn bằng đá chạm hoa sen, có thêm một thớt tròn được phục chế bằng xi măng, quét vôi trắng; phần phục chế này có bề mặt trơn, không chạm khắc và không có trang trí hình vú.4

Ảnh 6: Đài thờ Trà Kiệu được Parmentier trưng bày tại sân Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Trong hai năm 1927 - 1928, Trường Viễn Đông Bác Cổ đã tiến hành khai quật khảo cổ quy mô lớn tại Trà Kiệu, do Jean-Yves Claeys chủ trì. Kết quả khai quật đã mang về cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm một số lượng hiện vật đáng kể, trong số này có ba mảnh vỡ có trang trí hình vú và đã được Claeys ghép vào đài thờ Trà Kiệu. Chúng ta biết được điều này qua bản báo cáo của Claeys có kèm hình ảnh (ảnh 1) in trên mục Chronique trong B.E.F.E.O. (tập XXXI).5 Ngoài ra, chúng ta cũng nhìn thấy các tấm ảnh chụp đài thờ với thớt hình vú này trong bối cảnh đang thi công mở rộng bảo tàng vào năm 1935 - 1936 (ảnh 7).
Ảnh 7: Đài thờ có thớt hình vú trong bối cảnh thi công mở rộng bảo tàng vào năm 1935-1936
Một sự thay đổi trưng bày lớn đươc thực hiện vào năm 1936, khi bảo tàng hoàn thành việc mở rộng. Các hiện vật đã được sắp xếp lại theo từng nhóm hoặc từng phòng căn cứ theo nguồn gốc xuất xứ nơi hiện vật đươc sưu tầm. Gian giữa tòa nhà cũ được dành cho các hiện vật thu thập từ Trà Kiệu. Qua hai tấm ảnh chụp lúc đang thi công trưng bày (ảnh 8 và ảnh 9), chung ta thấy đài thờ Trà Kiệu đã được chuyển vào trong nhà, ở đúng vị trí như hiện nay; và lúc ấy thớt hình vú vẫn có mặt theo như nó đã được phục dựng từ năm 1931.
Ảnh 8
Ảnh 9
Ảnh 8, 9: Đài thờ có thớt hình vú được lắp đặt bên trong nhà năm 1936
Đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy tấm ảnh đài thờ Trà Kiệu nào được chụp trong khoảng thời gian từ 1936 cho đến 1971. Đến khi Carl Heffrey thực hiện tập sách ảnh The Arts of Champa trong 2 năm 1971 - 1972 thì đài thờ Trà Kiệu đã không còn thớt hình vú nữa (ảnh 10).
Ảnh 10: Đài thờ không có thớt hình vú nào năm 1971-1972
Như vậy thớt hình vú đã được lấy ra khỏi đài thờ sau năm 1936 và trước năm 1971. Xét về mặt trọng lượng, khối lượng, chiều cao của đài thờ Trà Kiệu, thì việc tháo gỡ thớt hình vú nằm giữa đài thờ không phải là việc đơn giản. Việc này đòi hỏi nhân lực, phương tiện có tổ chức chứ không phải một sự rơi rớt, đổ vỡ ngẫu nhiên.
Chúng tôi tra cứu một tập catalogue do Nguyễn Xuân Đồng khảo tả, Ngô Khôn Liêu chép tay, thực hiện trong các năm 1977 - 1982, ở mục Đài thờ Trà Kiệu 22.2 không thấy nói gì đến việc tháo gỡ thớt vú này. Tập catalogue chép tay này thống kê, miêu tả rất cẩn thận toàn bộ 292 hiện vật đang trưng bày lúc bấy giờ; mỗi hiện vật có ghi đầy đủ các thông tin, khảo tả theo tiêu chuẩn của hồ sơ bảo tàng, kể cả mục thông tin tra cứu các tài liệu của Henri Parmentier và Charles Lemire, có ghi chú một số thay đổi. Người chủ trì khảo tả là cụ Nguyễn Xuân Đồng, người đã được E.F.E.O. bổ nhiệm làm thư ký bảo quản của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng từ năm 1937. Mặc dù có một vài năm gián đoạn, nhưng hầu như cụ Đồng đã gắn bó với bảo tàng này trong gần 50 năm, cho đến khi cụ được mời làm công việc khảo tả hiện vật nói trên. Cụ cũng đã được đào tạo trực tiếp về phương pháp làm việc tỉ mỉ của các học giả E.F.E.O., lẽ nào một sự thay đổi quan trọng như sự thêm hoặc bớt thớt hình vú của đài thờ Trà Kiệu lại không được cụ lưu tâm, ghi chú ?6
Tìm kiếm trong kho và kiểm tra trên hiện vật
Chúng tôi đã tìm kiếm trong kho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đồng thời kiểm tra trên hiện vật và có được các thông tin sau:
1. Hiện nay ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có một nửa thớt vú hình tròn (ký hiệu BTĐN 133) và một mảnh vỡ (ảnh 11).
Ảnh 11: Thớt hình vú ký hiện BTĐN 133
Ảnh 12: Bản vẽ và số đo của Claeys (thớt hình vú ở giữa và thớt hoa sen ở trên và dưới).
Các số đo đường kính của thớt hình vú BTĐN 133 đúng với số đo đã được Claeys ghi trong bản vẽ nháp trong sổ tay khảo cổ năm 1927(ảnh 12). Số đo và bản vẽ cho thấy các thớt chỉ khớp với nhau tương đối chứ không hoàn toàn ăn khớp. Cụ thể, vòng gờ nhỏ nhất của thớt hình vú có đường kính 85 cm không thể nào đặt khớp vào trong hốc lõm của thớt hoa sen chỉ có đường kính trong là 80 cm. Các vòng lớn hơn của thớt hình vú có đường kính 92cm và 95cm cũng sẽ bị thừa ra so với đường kính vòng ngoài 85cm của thớt hoa sen. Ngoài ra cũng lưu ý ở giữa thớt vú BTĐN 133 có một lỗ rỗng vuông, mỗi cạnh 18cm .
2. Khi tháo gỡ chiếc linga phục chế bằng vữa xi măng trên đài thờ Trà Kiệu 22.2 chúng tôi nhìn thấy ở thớt hoa sen phía dưới có một lỗ rỗng hình vuông, mỗi cạnh 41cm, ở thớt hoa sen phía trên có một lỗ rỗng hình bát giác, mỗi cạnh 17cm, (khớp với lỗ rỗng hình vuông của thớt dưới). Như vậy các lỗ rỗng này dành chỗ cho một linga ba phần, phần dưới hình vuông, nằm lọt trong thớt tròn dưới; phần giữa của linga hình trụ bát giác, nằm lọt trong thớt tròn phía trên và trên cùng là phần linga hình trụ tròn. Rõ ràng là cái lỗ vuông mỗi cạnh 18cm của thớt hình vú BTĐN 133 hoàn toàn không ăn khớp với lỗ vuông hoặc lỗ bát giác của hai thớt hoa sen trên và dưới.
3. Như vậy, có thể có hai khả năng:
- Hoặc là thớt hình vú BTĐN 133 đang có ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng không phải là thớt hình vú mà Claeys đặt vào giữa hai thớt tròn hoa sen của đài thờ Trà Kiệu năm 1931 mà là một thớt hình vú khác ăn khớp hơn. Khả năng này hoàn toàn không thể xảy ra, bởi vì khi đã đặt một bộ phận ăn khớp hoàn hảo trong tổng thể đài thờ Trà Kiệu 22. 2 thì không có lý do gì lại phải tháo ra. Ngoài ra cũng chưa thấy ở đâu có nói đến việc Claeys phát hiện mang về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hai thớt tròn hình vú.
- Từ đó chúng tôi đi đến nhận định là thớt hình vú BTĐN 133 đang có ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chính là thớt hình vú mà Claeys đã cho đặt vào đài thờ năm 1931, nhưng sau đó đã nhận ra sự nhầm lẫn và đã cho tháo gỡ, để lại đài thờ như chúng ta trong thấy ngày nay.
Trên cơ sở tư liệu, hình ảnh và hiện vật hiện có, chúng tôi cho rằng thời gian tháo gỡ thớt hình vú là trong năm 1936, khi có nhiều học giả, trong đó có Henri Parmentier, đến để tổ chức lễ khánh thành tòa nhà bảo tàng mở rộng, đã phát hiện sự nhầm lẫn trong việc lắp đặt đài thờ Trà Kiệu. Nhận định này chỉ có phần hơi khó hiểu là từ năm 1936 đến năm 1942, tất cả các thay đổi về trưng bày, thêm bớt hiện vật kể cả số lượng khách tham quan đều được báo cáo cho E.F.E.O. và được công bố trong mục Chronique của B.E.F.E.O., nhưng không thấy nhắc đến sự thay đổi thớt hình vú. Phải chăng ở đây có vấn đề tế nhị, không muốn nói đến một sự nhầm lẫn của các học giả trước đó khi thêm thớt hình vú vào đài thờ như đã công bố trên B.E.F.E.O năm 1931?
Khoảng trống mất đi của thớt hình vú phải là cái gì?
Căn cứ theo các đường gờ lõm ở hai thớt hoa sen, chúng ta thừa nhận, giống như Parmentier và Claeys, phải có một bộ phận trung gian đã bị thất lạc. Nếu việc đặt thớt hình vú vào vị trí này là nhầm lẫn thì bộ phận trung gian đó có hình dạng, kích thước ra sao?
Quay lại với bản vẽ của Parmentier ở ảnh 5 trên đây, chúng ta thấy giả thuyết của Parmentier có căn cứ theo hình dạng của một bệ tròn hoa sen tại Mỹ Sơn (bản vẽ C1, C2 trong ảnh 5) để phục dựng bộ phận trung gian của đài thờ Trà Kiệu 22.2. Tỉ lệ các bộ phận theo kích thước do Parmentier ghi trong bản vẽ có lẽ đã dựa vào bệ hoa sen hiện còn thấy ở khu tháp E, Mỹ Sơn (ảnh 13).

Ảnh 13: Bệ yoni trụ tròn có trang trí hoa sen, khu vực tháp E trong thánh địa Mỹ Sơn

Chúng tôi nghĩ rằng không thể áp dụng tỉ lệ các bộ phận của loại bệ này (khu tháp E) để phục dựng tỉ lệ của đài thờ Trà Kiệu 22.2, bởi vì loại bệ này có lỗ mộng hình tròn ở thớt trên cùng (tương ứng với phần trụ tròn của một linga) trong khi đài thờ Trà Kiệu 22.2 có lỗ rỗng hình bát giác ở thớt trên (tương ứng với phần trụ bát giác của một linga).
Chúng tôi lưu ý có một loại bệ tròn khác, cũng trang trí hoa sen còn nhìn thấy ngày nay ở khu tháp D tại di tích Mỹ Sơn (ảnh 14, 15). Hình dáng và mô típ trang trí hoa sen trên loại bệ này có nhiều nét tương đồng với hai thớt hoa sen của đài thờ Trà Kiệu 22.2. Bộ phận trung gian giữa hai thớt hoa sen là một gờ tròn, trơn, không có họa tiết trang trí, và chiếm tỉ lệ nhỏ hơn hai thớt hoa sen.
Ảnh 14
Ảnh 15.

Ảnh 14, 15: Bệ hoa sen tại khu tháp D trong thánh địa Mỹ Sơn.

Dựa theo hình dáng, tỉ lệ loại bệ tròn khu tháp D và các số đo của các bộ phận hiện có Đài thờ Trà Kiệu 22.2 chúng tôi phỏng đoán bộ phận trung gian của đài thờ Trà Kiệu 22.2 là một thớt tròn, trơn, không trang trí hoa văn, ở giữa thớt tròn này là một lỗ rỗng hình vuông, đúng như mô hình thông thường của loại bệ thờ có chứa một linga ba bộ phận (ảnh 16) và phù hợp với hình ảnh của loại bệ thờ linga tròn, có trang trí hoa sen tìm thấy ở miền nam Ấn Độ (ảnh 17).

Ảnh 16: Bản vẽ mặt cắt một bệ thờ có chứa linga ba bộ phận. Ảnh chụp lại trong sách: AFAO - EFEO, Le Musée de Sculpture Cam de Đà Nẵng, (Paris, 1997), 197.

 

Ảnh 17: Linga miền nam Ấn Độ. Ảnh chụp lại trong sách: Adrian Snodgrass, The Symbolism of the Stupa, (New York: Cornell, 1985), 167. 

Sự lắp ghép hoàn hảo của một linga vào đài thờ Trà Kiệu 22.2
Trong khi kiểm tra các hiện vật, chúng tôi nhận ra chiếc linga ký hiệu 2.3 (ảnh 18) hiện đang trưng bày bên cạnh đài thờ Trà Kiệu 22.2 có số đo các bộ phận (cao 127cm, cạnh vuông 38cm, cạnh bát giác 16cm) hoàn toàn ăn khớp với số đo các lỗ rỗng bên trong các thớt hoa sen đài thờ Trà Kiệu 22.2. Điều này khiến chúng tôi nghĩ rằng đây chính là chiếc linga thuộc về đài thờ này, nhưng do được sưu tầm và mang về bảo tàng vào các thời điểm khác nhau, cho nên đã bị bỏ qua, không được xem là một bộ phận của đài thờ này. Thêm vào đó, những người chỉ huy trưng bày trước đây, như Parmentier và Claeys, đã có định kiến về một mô hình đài thờ theo tưởng tượng riêng của mình, cho nên càng không thể nhận ra chiếc linga 2.3 là một bộ phận của đài thờ Trà Kiệu.8

Ảnh 18: Linga 2.3 với độ mòn bóng (patine) khác nhau giữa phần trụ tròn và phần bát giác.

Điều thú vị là không chỉ có số đo phù hợp mà cả nhìn ở độ lạc tinh (patine) của mặt đá, chúng ta cũng nhận ra hai phần khối vuông và bát giác của linga 2.3 chắc chắn đã bị che khuất bên trong một khối đá khác, chỉ có bộ phận trụ tròn phía trên được phô bày qua thời gian.
Tóm lại, với những thông tin được kiểm chứng ở trên, chúng tôi cho rằng thớt hình vú do Jean-Yves Claeys lắp đặt vào đài thờ Trà Kiệu 22.2 là sự nhầm lẫn, còn chiếc linga mà Parmentier nghĩ rằng đã thất lạc (ông đã cho làm một phiên bản bằng vữa xi măng để trưng bày) thì chính là chiếc linga 2.3 hiện đang trưng bày bên cạnh đài thờ Trà Kiệu 22.2.9 Với phỏng đoán về thớt tròn ở giữa bị thiếu, chúng tôi đã tái thể hiện đài thờ Trà Kiệu 22.2 với chiếc linga 2.3 qua ban vẽ mặt cắt sau đây:
Chú thích
[1] Bosseiler, J., La Statuaire du Champa, recherche sur les cultes et l’inconographie, (Paris, B.E.F.E.O:, 1963), 174 (ảnh 94); AFAO - EFEO, Le Musée de Sculpture Cam de Đà Nẵng, (Paris, 1997), 123-124 (ảnh 68-68bis); Baptiste, P. - Zesphir T., Trésors d’art du Vietnam: la sculpture du Champa, (Paris, 2005), 117-118, (ảnh 7a-7b).
2 Finot, Louis, «La religion des Chams d’après les monuments», (Hanoi: B.E.F.E.O., 1901), 17-21
3 Parmentier, Henri, Inventaire Descriptif des Monuments Cams de l’Annam, Tome I,(Paris, 1909), 292-293, (ảnh 61, 61, 63, 64, bản vẽ CXVII).
4 Trong Catalogue du Musée Cam de Tourane (B.E.F.E.O - Tập XIX, tr. 57), Parmentier nhắc lại nhận định rằng đài thờ này lẽ ra có 5 bộ phận, gồm 2 mảnh ghép lại thành một khối vuông với 4 mặt có chạm khắc và 3 thớt tròn chồng lên nhau nhưng thiếu mất một thớt tròn ở giữa và đã cho phục chế lại thớt tròn bị thiếu để phục vụ trưng bày.
5 Chúng ta đọc được ở mục Chronique (B.E.F.E.O - Tập XXXI, tr 309-310) một đoạn báo cáo của Jean-Yves Claeys về việc phục chế đài thờ Trà Kiệu như sau:
“Trong số nhiều khối đá khai quật được ở Trà Kiệu có một bệ tròn, mặt ngoài trang trí hình trứng (godrons), đã vỡ làm ba, được nhận ra là một bộ phận của cái đài thờ hình tròn được mang về Tourane trước đây và được phục dựng trước gian chính của Bảo tàng Chăm. Một khối hình chiếc trống (tambour) bằng vữa đã được xây dựng bù cho bộ phận bị thiếu. Khối này đã được đặt vào vị trí bình thường và hình dạng của đài thờ được cải thiện một cách đáng kể. Chúng tôi đưa ra một cách phục dựng mới.
Những hình trứng (godrons) trang trí quanh khối tròn này rất đáng được chú ý. Chúng không hoàn toàn là hình cầu mà là hơi kéo dài ra như đầu quả đạn súng cối. Loại trang trí này không phải ngoại lệ đối với Champa; những trang trí hình trứng trên các khối đá khác tương tự, nhưng kích thước nhỏ hơn, đã được tìm thấy trên một khu vực sân (terrain) của kinh đô Chăm. Cũng tồn tại ở các nơi khác, nhất là ở Mĩ Sơn, các đài thờ có cùng loại trang trí này và cũng trên mặt bằng hình vuông. Liệu có thể xem đó là sự hình thể hóa những chiếc vú phụ nữ hay thậm chí là phần đầu hiện thực của các linga? Câu hỏi này chưa được mổ xẻ; hình dạng này, quen thuộc ở nhiều di tích, có tính thẩm mỹ cao hơn là những khối cầu thông thường.”
Ngoài ra, hình ảnh đài thờ Trà Kiệu có thớt vú ở giữa cũng đã được Jean-Yves Claeys thể hiện trong một bức tranh màu nước in trong bài Introduction à l’etude de L’Annam et du Champa, B.A.V.H. năm 1934, cùng với phần ghép tấm ảnh đã in trong B.E.F.E.O. - Tập XXXI.
6 Chúng tôi chỉ thấy trong catalogue Nguyễn Xuân Đồng có một dòng chữ “bộ phận phía trên đáng lẽ có ba thớt tròn, nhưng ở đây chỉ còn có hai thớt trên và dưới, thiếu thớt ở giữa”, không có gì khác so với thông tin Parmentier đã nêu trong Catalogue 1919, trong khi nội dung khảo tả và ghi chú về các dấu sứt mẻ thì miêu tả kỹ hơn catalogue 1919.
7 Claeys, J.Y., Journal des fouilles de Trà Kiệu. Premier cahier: 1er juillet - 30 septembre 1927(Cám ơn Pierre Baptiste đã giúp thực hiện bản chụp này tại Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật châu Á Guimet ở Paris - Pháp).
8 Đối với Henri Parmentier (bản vẽ tại ảnh 5), thì linga của đài thờ phải cao hơn linga 2.3 mới có thể đặt xuyên xuống thớt hoa sen phía dưới còn đối với Claeys thì linga 2.3 không thể đặt lọt qua lỗ rỗng của thớt vú ĐN 133.
Parmentier, Henri, Catalogue du Musée Cam de Tourane, (Hanoi: B.E.F.E.O - Tập XIX, 1919), 13. Chiếc linga này đã được sưu tầm tại Trà Kiệu năm 1918, ở một ngôi mộ của người Việt, được dùng như một phiến đá đánh dấu chân mộ. Các bộ phận hiện có của đài thờ Trà Kiệu cũng đã được tìm thấy và mang về bảo tàng vào những thời điểm khác nhau và để rải rác từng phần trước khi được xếp lại để trưng bày như hiện nay.
( Cám ơn Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thượng Hỷ đã giúp thực hiện bản vẽ này)