LTSTác giả Đào Hùng là nhà sử học, nhà báo. Sinh thời ông được TW Hội khoa học Lịch sử VN phân công phụ trách công tác đối ngoại của Hội và làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay. Ông là người làm sử, viết báo được đồng nghiệp và bạn bè trong, ngoài nước quý trọng. Mới đây ông đột ngột ra đi sau một cơn đau tim, hưởng thọ 81 tuổi. Tạp chí Cổ vật Tinh hoa trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số bài viết của ông Đào Hùng từ nguồn Xưa & Nay và của gia đình.
Sự thành lập Ngân hàng Đông Dương
và những tờ giấy bạc đầu tiên
Đào Hùng
Ngân hàng Đông Dương (NHĐD - Banque de l’Indochine BIC)) được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp ngày 21 tháng 1/1875, với sự đại diện của hai bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Hải quân & Thuộc địa. Nó được xây dựng thành một ngân hàng phát hành, cho vay và chiết khấu có đặc quyền trong 20 năm. Đặc biệt khác với các ngân hàng thuộc địa khác, NHĐD có đặc quyền đúc và phát hành đồng bạc Đông Dương.
Nguyên do là thời đó, xứ Nam Kỳ vẫn sử dụng đồng bạc Mêxicô tồn tại từ khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha mở cuộc xâm lược. Sau khi trở thành thuộc địa Pháp, nó vẫn sử dụng đồng tiền đó chứ không dùng tiền của chính quốc. Do vậy từ nay đồng bạc Đông Dương sẽ thay thế đồng tiền cũ.

Tờ "một trăm Thành Thái"
Trụ sở chính của ngân hàng đặt ở Paris và chi nhánh ở Sài Gòn, sau khi mở rộng cuộc chinh phục thì đặt thêm chi nhánh ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ năm 1885. Sau khi thành lập Liên bang Đông Dương năm 1887, dưới áp lực của Bộ Ngoại giao, ngân hàng mở thêm chi nhánh ra toàn cõi Đông Dương và các thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ (lý do là nhằm tạo thuận lợi cho việc mua thuốc phiện mà công ty độc quyền Đông Dương đang cần vì nguồn thuốc phiện lúc đó chủ yếu đến từ Ấn Độ). Năm 1894, độc quyền của các ngân hàng thuộc địa Pháp vẫn được xét lại từng năm một, cho đến đạo luật ngày 13 tháng 12/1901 thì nó mới được xác định trong thời hạn mười năm. Độc quyền của NHĐD được xác định trong 10 năm kể từ 1895, và đến năm 1901 thì xác định 15 năm nghĩa là đến năm 1920[1].
Tờ giấy bạc đầu tiên được phát hành tại Sài Gòn-Gia Định với các mệnh giá 5, 20 và 100 đồng (piastre). Những tờ giấy bạc này được in một mặt gồm chữ Pháp và chữ Anh, mặt sau là chữ Hán với những dòng sau đây: Phụng bản quốc đặc vụ (vâng lệnh nhà nước), Đông phương hội lý ngân hàng (Ngân hàng Đông Dương), Kiến tự giao ngân (thấy giấy giao tiền). Mỗi loại tiền có kích cỡ và màu sắc khác nhau. Năm 1891 phát hành thêm tờ 1 đồng.
Trong khi tiền giấy được lưu hành phổ biến ở Nam Kỳ, thì ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ tiền trinh của triều Nguyễn vẫn được lưu hành phổ biến ở nông thôn với tỉ giá trao đổi lên xuống bất thường, nhưng không có một cơ quan chính thức nào xác định. Ở các thành thị, tiền giấy đã trở thành phương tiện thanh toán chính thức, vì hầu hết những người làm công ăn lương và buôn bán ở thành phố đều có quan hệ với Nhà nước thuộc địa.
Hầu hết những đồng bạc đều in trên mặt chữ Pháp những hình ảnh của Pháp, mà phổ biến là người phụ nữ biểu tượng của nước Pháp là Marianne, cùng với những hình ảnh người Việt. Còn mặt sau in chữ Hán thì dùng hình ảnh con rồng để trang trí.
Vào thời đó, người dân Nam Kỳ có cách gọi những đồng bạc theo lối của mình bằng những cái tên dân dã. Ví dụ tờ 5 đồng, chữ Hán viết là ngũ nguyên, nên được đọc trại là “giấy ngẫu” (ngẫu là ngũ theo tiếng Quảng Đông). Tờ 20 đồng, chữ Pháp là vingt, được phiên âm thành “giấy hoảnh”. Riêng tờ 100 đồng, vì có in hình một người phụ nữ Pháp là biểu tượng Marianne đang khoác vai một người Việt mặc áo dài, đội khăn xếp, mà người dân cho đó là vua Thành Thái, nên gọi đó là tờ “một trăm Thành Thái”[2].
Theo sự phát hiện của nhà sưu tập tiền giấy Nguyễn Hoàng Xuân Vinh thì tờ bạc này ra đời trong đợt phát hành từ 1909 đến 1925, trong khi vua Thành Thái năm 1907 đã bị người Pháp phế truất để truyền ngôi cho con là vua Duy Tân. Vậy hình ảnh đó không phải là vua Thành Thái. Gần đây, hai tác giả Bửu Diên và Hoàng Oanh trong cuốn Quê hương hoài niệm xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1999 cho biết rằng hình người in trên giấy bạc chính là cụ Ưng Tôn (hiệu Thúc Thuyên). Ông sinh năm 1877, đậu tú tài Hán học, con của Hiệp tá đại học sĩ Hường Thiết, cháu nội của Tuy Lý vương Miên Trinh, được sang Pháp học về tài chính. Trong thời gian ở Pháp đã được NHĐD chụp ảnh để in trên tờ giấy bạc (xem chân dung)[3].
Năm 1898, Bộ Ngoại giao Pháp yêu cầu NHĐD mở rộng phạm vi hoạt động sang Trung Quốc và Xiêm để hỗ trợ cho các hành động ngoại giao. Bộ Tài chính tán thành chủ trương đó nhưng thấy cần phải bảo đảm an toàn cho ngân hàng bằng quyết định của chính phủ tăng vốn pháp định lên 24 triệu francs. Dưới áp lực của chính phủ và Bộ Ngoại giao, năm 1899, NHĐD mở chi nhánh đầu tiên ở Hồng Kông, năm sau mở tiếp ở Thượng Hải, rồi ở Hán Khẩu và Quảng châu năm 1902, ở Thiên Tân và Bắc Kinh năm 1907 và cuối cùng ở Mông Tự năm 1913.


Đồng bạc in chữ Anh và Pháp
NHĐD đã tham gia một số hoạt động quan trọng ở Trung Quốc, tham gia thành lập Cty đường sắt Hải Phòng-Vân Nam và Công ty Pháp xây dựng và khai thác đường sắt ở Trung Quốc, cho vay để xây dựng đường sắt Quảng Châu-Hán Khẩu.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, NHĐD đã trở thành một công cụ tài chính mạnh của Pháp với không dưới 20 chi nhánh, trong đó có 6 ở Đông Dương và 6 ở Trung Quốc, số còn lại ở các thuộc địa Pháp tại Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và châu Á. Tuy nhiên người ta vẫn chê trách nó là đã không ủng hộ các đề án của Pháp ở Đông Dương[4].

Chân dung cụ Ưng Tôn

Ngân hàng ở Hà Nội

Ngân hàng ở Hải Phòng

Ngân hàng ở Sài Gòn 



[1] Những đoạn trên dẫn theo Patrice Morlat, Indochine Années vingt: le balcon de la France sur le Pacifique, Nxb Les Indes Savantes, 2001.
[2] Những đoạn sau dẫn theo Nguyễn Hoàng Xuân Vinh, Tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ (1875-2006), bản thảo sắp in.
[3] Bửu Diên-Hoàng Oanh, Quê hương hoài niệm, Hoa Kỳ 1999, (dẫn theo Nguyễn Hoàng Xuân Vinh).
[4] Patrice Morlat, sđd, tr. 81-83.