Sưu tập đồ sứ vẽ nhiều màu Nhật Bản
Nguyễn Đình Chiến – Lê Thị Thanh Hà
Trong sưu tập cổ vật Nhật bản lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ngoài dòng đồ sứ hoa lam còn có sưu tập đồ sứ vẽ nhiều màu với nhiều chủng loại khác nhau. Cũng giống như đồ sứ Trung Quốc, đồ sứ vẽ nhiều màu ở Nhật Bản cũng gồm hai loại:
a). Vẽ men xanh cobal qua lần nung thứ nhất, sau đó vẽ nhiều màu hoặc vàng kim rồi nung lần thứ hai nhẹ lửa.
b). Vẽ nhiều màu và nung một lần, loại men nhẹ lửa, nên chưa đạt tiêu chuẩn đồ sứ.
Bình sứ vẽ nhiều màu, cuối tk 19 đầu tk 20
1. Tượng.
+ Kiểu 1. Tượng nữ sứ nhiều màu. Tượng tư thế ngồi áo choàng vẽ hoa lá màu đỏ, xanh lục vàng và vàng kim trên nền men xanh. Tượng cao: 12cm. Đây là pho tượng thuộc đời Minh Trị, do bảo tàng Louis Finot sưu tầm đầu tk 20.
+ Kiểu 2. Tượng khỉ bằng gốm sành màu vàng xám có điểm men xanh và trắng trên hai bả vai. Tượng cao 15 cm, thể hiện hình tượng chú khỉ đang ngồi, đầu cúi, tay phải chỉ trên miệng, tay trái đặt trên đùi. Đây cũng là một bức tượng đời Minh Trị 1868-1912.
+ Kiểu 3. Tượng vịt, tượng mô tả hình con vịt nằm có mỏ màu vàng cam, đuôi và cánh vạch men đen nền men trắng. Tượng D: 18 cm; R 10 cm; C: 9 cm. Thuộc đời Minh Trị. Tượng thu giữ trong CCRĐ 1955-1956.
2. Bình sứ và gốm men nhiều màu.
+ Kiểu 1. Bình có miệng tròn, thân và đế hình lục giác, đáy lõm. Gờ trong miệng vẽ hình hai con phượng men nhiều màu. Quanh miệng ngoài bổ ô vẽ hình rồng mây.Quanh chân vẽ lan can và băng chữ V lồng. Các mặt xung quanh thân vẽ cảnh xe chở bình hoa cúc, các Samurai[1] với kiểu tóc buông dài áo choàng tay cầm kiếm và quạt cùng các hình Geisha[2]. Men vẽ nhiều màu như: xanh lục, xanh tím, đỏ nâu, đen, vàng nâu trên nền men trắng. Bình cao 62,3 cm, đkm 30 cm. Đây là chiếc bình sứ nhiều màu đời Giang Hộ, cuối tk 18. Chiếc bình này thu được trong CCRĐ 1955-1956.
+ Kiểu 2: Bình có miệng đấu, cổ eo, thân hình chuông, chân đế choãi, vai gắn hai quai hình sư tử. Xung quanh thân vẽ hình tượng thần mặt trời, hình sumo trong phong cảnh hoa lá cúc. Quanh chân vẽ băng hoa cúc dây và chấm dải. Men vẽ nhiều màu gồm các loại đỏ nâu, ghi xám, xanh lục nhạt, vàng nhạt, đen trên nền men trắng rạn. Bình cao 31,3 cm, đkm 9,5 cm. Chiếc bình thuộc đời Giang Hộ tk 18-19. Chiếc bình này do Tổng cục Hải quan bàn giao cho bảo tàng 11/1998.
+ Kiểu 3: Bình có miệng loe, cổ eo, giữa có ngấn nổi, vai phình, thân thuôn, đế choãi, trên vai gắn hai quai hình đầu vẹt. Xung quanh thân vẽ men màu đỏ nâu, hồng cánh sen, vàng, đề tài kỹ nữ Geisha và Samurai với hoa cúc và hoa anh đào. Quanh chân vẽ bông hoa men trắng lá men đỏ trên nền men xanh lục. Bình cao 80,5 cm, đkm 25,5 cm. Chiếc bình này thuộc đời Minh Trị, cuối tk 19 đầu tk 20. Chiếc bình thu được trong CCRĐ 1955-1956.
+ Kiểu 4: Bình có miệng loe, cổ eo, vai phình, thân thuôn, đế choãi, trên vai gắn hai quai hình sư tử. Trên cổ và vai vẽ băng hoa cúc dây, quanh chân vẽ băng vạch chéo tam giác. Xung quanh thân vẽ cảnh nhà cửa, lan can và các hình Samurai. Men vẽ màu xanh lục, xanh tím, đỏ nâu, vàng và đen. Đáng chú ý là loại men đỏ nâu và trắng thể hiện theo kiểu in nổi. Bình cao 45 cm, đkm 24,8 cm. Chiếc bình này thuộc đời Giang Hộ, cuối tk 18 đầu tk 19. Chiếc bình do Hải quan thu giữ và bàn giao cho Bảo tàng năm 1993.
+ Kiểu 5: Bình có miệng loe, cổ eo, vai phình, thân thuôn, đế thấp. Quanh cổ vẽ hoa lá trong dải chéo. Xung quanh thân bổ ô viền dây lá bên trong vẽ cảnh nhóm thợ săn mang cung tên , giáo và kiếm. Men vẽ trang trí gồm các màu đỏ nâu, xanh lục, vàng và đen. Quanh chân vẽ băng hoa cúc và mạng kim quy. Bình cao 29,5 cm, đkm 13 cm. Bình thuộc đời Minh Trị, cuối tk 19 đầu tk 20. Bình do Bảo tàng Louis Finot sưu tầm ở Hoằng Trung, Hoằng Hóa, Thanh Hóa năm 1928.
+ Kiểu 6: Bình có miệng loe, cổ eo, thân dáng chuông, đáy lõm. Cổ và thân bình bổ ô vẽ phong cảnh thiếu nữ và em bé trong vườn hoa cúc, hoa anh đào. Viền quanh ô là các hình dải quạt theo từng cặp. xung quanh chân vẽ băng cánh sen đầu vuông. Men vẽ bao gồm xanh cobal, hồng cánh sen, đỏ nâu, xanh lục và đen. Bình cao 55,5 cm, đkm 19 cm. Chiếc bình này thuộc đời Giang Hộ, tk 18. Bình do Hải quan thu giữ và bàn giao cho Bảo tàng Lịch Sử Việt Nam 11/1998.
+ Kiểu 7: Bình có quai. Đây là dạng bình rượu có miệng loe, cổ hình trụ cao, thân hình cầu, chân đế choãi, quai bình hình gấp thước thợ có tượng rồng quấn quanh, đầu rồng ngậm vào miệng bình. Quanh cổ bình vẽ hoa lá cúc trong các ô hình lá đề, lá dương xỉ. Quanh chân vẽ băng cánh sen bên trong vẽ hoa lá cúc. Xung quanh thân vẽ khóm hoa lá cúc. Men vẽ gồm các loại đỏ nâu, xanh lục, vàng, đen và vàng kim trên nền men trắng rạn. Bình cao 38,5 cm, đkm 7 cm. Chiếc bình thuộc đời Minh Trị, cuối tk 19 đầu tk 20. Đây là hiện vật trao đổi với Bảo tàng Hoàng gia Nhật năm 1950.
+ Kiểu 8: Bình có dáng gần giống loại hũ thấp, miệng đứng vai phình, thân thuôn, đáy lõm. Quanh bình vẽ các nhân vật có lẽ theo tích truyện cổ của Nhật Bản. Các nhân vật có khuôn mặt, cách búi tóc, y phục mang đặc trưng Nhật Bản. Màu vẽ bao gồm các loại xanh tím, xanh lục, đỏ nâu, vàng và đen trên nền men trắng xám. Bình cao 17,5 cm, đkm 8,4 cm. Chiếc bình này thuộc đời Giang Hộ, tk 19. Theo hồ sơ lưu trữ chiếc bình do Peri mua tại Kyoto Nhật Bản và nhập về bảo tàng Louis Finot năm 1918.
+ Kiểu 9: Hai chiếc bình sứ nhiều màu có cùng kiểu dáng, kích thước và trang trí. Miệng bình hơi loe, có viền dày, cổ eo, vai phình, thân dáng chuông. Trên vai bình vẽ băng cánh sen màu đỏ nâu, bên trong vẽ chuỗi vòng tròn. Quanh đế vẽ băng chữ V và hình tháp ba tầng. Xung quanh thân vẽ các thiếu nữ với khuôn mặt lối búi tóc và y phục Nhật Bản trong vườn hoa cúc màu đỏ nâu, vàng và trắng, trong vườn hoa có lan can. Men vẽ gồm các loại đỏ nâu, xanh lục, đen, vàng, trắng và vàng kim, dưới đáy viết 2 chữ Hán Thanh sơn. Bình cao 63 cm, đkm 21,5 cm. Chiếc bình này thuộc đời Minh Trị, 1868-1912.
+ Kiểu 10: Bình có miệng loe, gờ viền dày, cổ eo, thân dáng chuông. Xung quanh bình vẽ đề tài thần mặt trời và các loại hoa văn dải xoắn ốc, sóng nước trên nền men đỏ nâu. Men vẽ gồm các loại đỏ nâu, xanh lục, đen và vàng kim. Bình cao 9,3 cm, đkm 4 cm. Chiếc bình này thuộc đời Minh Trị, 1868-1912. Chiếc bình này thu được trong CCRĐ 1955-1956.
Bình sứ vẽ nhiều màu, cuối tk 18
3. Đỉnh sứ vẽ nhiều màu.
+ Đỉnh có nắp, tạo hình tương tự một loại đèn kéo quân. Nắp đỉnh hình chỏm cầu, núm nắp hình búp sen, miệng hình lục giác. Thân đỉnh 6 cạnh bổ ô theo 6 mặt, trổ thủng khắc vẽ dây lá nho, men nhiều màu và hình chim dang cánh. Trên các diềm thể hiện văn mây. Đế hình 6 chân thú cách điệu chạm mặt hổ phù hình vuông cuộn khúc và vòng tròn có chấm giữa. Hai bên dọc theo thân đỉnh gắn hai quai hình vòi voi. Men vẽ bao gồm các loại đỏ nâu, xanh lục, xanh tím, trắng, vàng và vàng kim. Đỉnh cao 23 cm, đkm 15 cm. Chiếc đỉnh này thuộc đời Minh Trị, 1868-1912. Chiếc bình này thu được trong CCRĐ 1955-1956.
4. Bộ đôn và chậu sứ vẽ nhiều màu.
Chậu có gờ viền miệng dày, cổ eo, vai phình, thân và đế chia 8 mặt vẽ trang trí hồi văn vuông cuộn hoa cúc và dây cuốn. Trên các ô lớn vẽ phong cảnh sơn thủy, các ô nhỏ vẽ hoa cúc dây lá. Diềm đế vẽ dây lá và hình nậm hai bầu.
Đôn có tạo dáng chia các mặt tương tự như chậu, vẽ các hoa văn ô hình thoi, hoa lá, đại bàng trên cây bên thác nước. Diềm chân đế vẽ công và dây lá. Men vẽ màu đỏ nâu, xanh lục, ghi sáng, hồng cánh sen và vàng nhạt. Men nền trắng sáng. Bộ đôn chậy này này thuộc đời Minh Trị, 1868-1912. Bộ đôn này thu được trong CCRĐ 1955-1956.
5. Chậu sứ nhiều màu.
Chậu có miệng loe, thành cong, đế bằng. Gờ miệng vẽ dây lá hình sin. Trong lòng vẽ hoa mẫu đơn men trắng bạc trên nền men đỏ. Thành ngoài vẽ khóm lá trúc men đỏ nâu trên nền trắng sáng. Chậu cao 8 cm, đkm 24 cm. Chiếc chậu này thuộc đời Minh Trị, 1868-1912. Mua của Nguyễn Thị Hai, Hạ Trì, Hà Đông, 1920.
6. Khay sứ nhiều màu gồm hai kiểu.
+ Kiểu 1: Khay có miệng và thân hình lục giác. Xung quanh thân bổ ô vẽ hoa lá, nền gấm chữ vạn và mạng kim quy. Các đường diềm viền quanh ô vẽ hình dải quạt men xanh nhạt trên nền xanh tím. Khay gắn 3 chân, cắt ngang hình chữ nhật. Men vẽ gồm các màu xanh tím, xanh lục, vàng , đỏ nâu trên nền men trắng. Khay cao 7,6 cm, đkm 17,5 cm. Khay này thuộc đời Minh Trị, tk 19. Đây là hiện vật trao đổi với Bảo tàng Hoàng gia Nhật, 1950.
+ Kiểu 2: Hai khay sứ nhiều màu (Một chiếc có nắp). Khay tạo dáng hình 3 vỏ sò ghép lại với 3 ô bằng nhau. Chính giữa mỗi ô vẽ khóm hoa lá. Viền gờ cắt khấc, bổ ô men xanh lục, men hồng vẽ mạng hình thoi xen kẽ bông hoa 6 chấm. Trên nắp có quai hình khuyên. Men vẽ gồm các loại xanh lục, xanh tím, đỏ nâu, hồng cánh sen và vàng trên nền men trắng. Cao 3,8 - 4,5 cm, đkm 24 - 27,5 cm. Hai chiếc khay này thuộc đời Minh Trị đầu tk 20 và thu được trong CCRĐ 1955-1956.
7. Âu sứ nhiều màu có 5 kiểu.
+ Kiểu 1: Âu tạo hình bông hoa cúc, gờ miệng cắt khấc, thành in lõm cánh hoa. Giữa lòng vẽ dây lá quả nho. Thành trong và ngoài vẽ dây lá nho men đỏ nâu trên nền trắng. Âu cao 17,3 cm, đkm 39,8 cm. Âu này thuộc đời Minh Trị, 1868-1912. Âu do Peri mua 1918.
+ Kiểu 2: Âu có miệng loe, thành cong, sâu lòng, đế thấp trong lòng vẽ hình chim phượng xòe cánh, đuôi dài bằng men xanh trên nền trắng sáng. Thành ngoài trang trí nổi phong cảnh nhà, rừng trúc và thú bằng men đỏ nâu. Diềm trên và dưới hoa cúc dây thể hiện nhiều màu xanh và vàng. Âu cao 11cm, đkm 20cm. Âu này thuộc đời Minh Trị, nửa sau tk 19. Mua của Bergeren-Nhật, 1910.
+ Kiểu 3: Âu có miệng đứng, thành cong, sâu lòng, đế thấp. Thành ngoài vẽ cành hoa lá với men các màu xanh lục, nâu đỏ và đen trên nền men ngà rạn. Âu cao 8,3 cm, đkm 11,8 cm. Âu này thuộc đời Minh Trị, nửa sau tk 19 đầu 20. Peri mua 1918 .
+ Kiểu 4: Âu có miệng loe thành cong đế cao. Viền miệng vẽ băng tam giác bằng các men xanh, vàng, đỏ, giữa hai đường chỉ vàng kim. Thân vẽ hoa lá men lam trên nền men ngà rạn. Âu cao 7 cm, đkm 11,3 cm. Âu này thuộc đời Minh Trị, nửa sau tk 19. Peri mua 1918, Kyoto.
+ Kiểu 5: Âu miệng đứng , thân hình trụ, chân đế hình lục giác. Xung quanh thành ngoài vẽ khóm cây chuối và bát tiên bằng men xanh, đỏ nâu, vàng, trắng trên nền ngà rạn. Âu cao 8,9 cm, đkm 10 cm. Âu do BT Louis Finot mua của Bergeren tại Nhật Bản năm 1910.
8. Bát sứ nhiều màu có 4 kiểu.
+ Kiểu 1: Gồm hai chiếc có kiểu dáng và hoa văn tương tự. Bát có miệng đứng, thành cong, chân đế cao và rộng. Trong lòng và thành ngoài vẽ cành quả hồng và ba con chim bay chân đế vẽ băng hồi văn chữ S gấp khúc. Bát cao 8-9,5 cm, đkm 21-24,5 cm. Bát này thuộc đời Minh Trị, nửa sau tk 19. Hai chiếc bát này do Mansuy tặng năm 1921.
Bát sứ vẽ nhiều màu, 1680-1710
+ Kiểu 2: Bát có miệng loe thành cong, đế thấp. Trang trí trên bát kết hợp vẽ lam và nhiều màu. Diềm trong gờ miệng vẽ băng cánh hoa men xanh, bên trong vẽ nửa bông cúc men đỏ. Giữa lòng vẽ cành hoa lá cúc trong hai đường chỉ song song. Thành ngoài bổ ô vẽ đề tài cây trúc và hoa anh đào xen kẽ các cành lá. Xung quanh chân đế vẽ băng dây xoắn ốc. Bát cao 11 cm, đkm 21,3 cm. Đây là chiếc bát thuộc đời Giang Hộ, tk 18. Mua của Peri, 1921.
+ Kiểu 3: Bát có miệng loe, thành cong, chân đế thấp. Thành trong vẽ 3 băng dây lá bằng men xanh đỏ, đen vàng nâu. Giức lòng vẽ cảnh cây anh đào , khóm chuối trước khung cửa. Thành ngoài vẽ băng hoa cúc dây nhiều màu. Viền quanh chân đế vẽ băng dây lá hình sin men nâu. Bát cao 13,6 cm, đkm 28,2 cm. Đây là chiếc bát thuộc đời Giang Hộ, 1680-1710. Bát do Peri mua 1918.
+ Kiểu 4: Bát sứ nhiều màu có 2 chiếc kiểu dáng và hoa văn tương tự. Bát có dáng chậu, gờ miệng loe gắn hai quai dẹt hình khuyên. Gờ miệng cắt khấc, thành trong và ngoài bổ 8 ô theo gờ miệng. Trong mỗi ô vẽ khóm hoa lá. Men vẽ gồm các màu xanh lục, hồng, xanh tím và vàng trên nền men trắng sáng. Bát cao 6-6,3cm, đkm 17,5-25 cm. Cả hai chiếc bát này thuộc đời Minh Trị, đầu tk 20. Hai chiếc bát này thu được trong CCRĐ 1955-1956.
Bát sứ nhiều màu, nửa sau tk 19
9. Đĩa sứ nhiều màu có 11 kiểu.
+ Kiểu 1: Đĩa có miệng loe, gờ miệng dày, thành vát, chân đế cao và rộng. Trong lòng vẽ đề tài bát bảo: kiếm, ống tiêu, quạt, quyển sách, ngọc báu trên nền sóng nước theo các băng với màu lam ba sắc độ (gọi là tam lam). Thành ngoài vẽ hoa cúc dây và viền quanh chân đế vẽ băng hoa chanh bằng men xanh cobal. Đĩa cao 8 cm, đkm 31,6 cm. Chiếc đĩa này thuộc đời Giang Hộ nửa sau tk 17. Đây là hiện vật trao đổi với Bảo tàng Hoàng gia Nhật năm 1950.
Đĩa sứ hoa lam và nhiều màu, nửa sau tk 17
+ Kiểu 2a: Đĩa có miệng loe, thành cong gãy, đế thấp và rộng. Giữa lòng bổ ô vẽ phong cảnh sơn thủy. Thành trong bổ bốn ô vẽ trúc và hoa anh đào xen kẽ cành hoa lá. Men vẽ màu xanh lục, đỏ nâu và đen trên nền men trắng sáng. Đĩa cao 7,4 cm, đkm 42,7 cm. Đĩa thuộc đời Giang Hộ, đầu tk 18. Đĩa do Peri mua năm 1918.
+ Kiểu 2b: Kiểu dáng tương tự kiểu 2a. Trong lòng và thành trong vẽ rồng mây bằng các loại màu xanh cobal, vàng, đỏ nâu, xanh lục. Thành ngoài vẽ dây lá trúc. Đĩa cao 6,3 cm, đkm 40 cm. Đĩa thuộc đời Giang Hộ, năm1640-1660. Sưu tầm ở Quảng Trị 1905.
Đĩa sứ nhiều màu, 1640-1660
+ Kiểu 2c: Kiểu dáng tương tự kiểu 2a men. Men vẽ thuộc 5 màu (ngũ thái). Giữa lòng vẽ hai đại bàng và phượng hoàng, cây hoa anh đào và hoa lá cúc. Thành trong bổ ô vẽ hoa cúc hoa anh đào và uyên ương. Thành ngoài vẽ cành hoa anh đào. Cao 8,8 cm, đkm 49 cm. Đời Giang Hộ, tk 18. Đây là chiếc đĩa trong số hiện vật trao đổi với Bảo tàng Hoàng gia Nhật năm 1950.
Đĩa sứ nhiều màu, tk 18
+ Kiểu 3: Đĩa sứ vẽ nhiều màu. Đĩa có miệng loe, thành thấp, chân đế thấp. Trang trí kết hợp xanh cobal và nhiều màu trên men. Giữa lòng vẽ hoa lá men xanh. Thành trong bổ ô vẽ hoa lá cúc men xanh xen giữa ba ô vẽ hoa anh đào. Gờ miệng vẽ băng chữ V lồng nhau men xanh cobal. Thành ngoài vẽ dây lá hình sin men xanh cobal. Men vẽ nhiều màu bao gồm xanh lục, đỏ, đen và vàng trên nền men trắng sáng. Đĩa cao 7 cm, đkm 61 cm. Đĩa thuộc đời Giang Hộ, nửa sau tk 18. Đây là hiện vật thu giữ trong CCRĐ 1955-1956.
+ Kiểu 4: Đĩa sứ men nhiều màu. Đĩa có miệng loe, gờ miệng uốn, thành cong, chân đế cao và rộng. Giữa lòng vẽ tùng-trúc-mai (đề tài tam hữu). Thành trong bổ 3 ô vẽ cành hoa anh đào men nhiều màu xen kẽ các hình dải quạt vẽ móc đôi và hình tròn. Thành ngoài vẽ dây hình sin men xanh cobal. Đĩa cao 3,8 cm, đkm 22 cm. Đĩa thuộc đời Minh Trị , tk 19. Đĩa do đội thi hành án Hà Nội bàn giao năm 1996.
+ Kiểu 5a: Đĩa có miệng loe, thành thấp, lòng rộng, chân đế thấp. Giữa lòng vẽ dây lá quả nho bằng các men màu xanh lục, tím, xanh lơ trên nền men vàng. Thành trong vẽ men đen các lớp sóng trên nền men xanh. Dưới đáy có dấu chữ Phúc kiểu triện giữa bốn dải lá men đen. Đĩa cao 4,3 cm, đkm 33,5 cm. Niên đại đời Giang Hộ, sau năm 1820. Hiện vật trao đổi với Bảo tàng Hoàng gia Nhật năm 1950.
+ Kiểu 5b: Đĩa có kiểu dáng tương tự kiểu 5a. Trong lòng vẽ hoa lá cúc và chim bay trên nền vàng giả men rạn. Men vẽ nhiều màu gồm xanh lục, xanh tím, đỏ nâu, vàng và đen. Đáy viết chữ Phúc trên nền xanh lục. Đĩa cao 7 cm, đkm 34 cm. Niên đại đời Giang Hộ, sau năm 1820. Đĩa do Peri mua năm 1918.
+ Kiểu 6: Đĩa sứ vẽ nhiều màu. Đĩa có miệng loe, thành cong, chân cao. Trong lòng vẽ khóm hoa lá cúc và bướm (đề tài cúc điệp). Men vẽ nhiều màu gồm men đen, đỏ nâu và vàng kim trên nền men ngà rạn. Thành ngoài vẽ khóm hoa lá, viền chân đế vẽ băng hoa chanh màu đỏ nâu và vàng kim. Đĩa cao 8,6 cm, đkm 18 cm. Niên đại đời Minh Trị, cuối tk 19. Đĩa do Peri mua năm 1919 tại Kyoto Nhật Bản.
+ Kiểu 7: Đĩa sứ vẽ nhiều màu. Đĩa có miệng loe, thành vát , đế thấp. Lòng đĩa vẽ hoa lá cúc và cây trúc. Men vẽ màu đỏ nâu, xanh lục, đen vàng và hồng cánh sen trên nền men trắng sáng. Gờ viền miệng vẽ băng tam giác vàng kim. Cao 1,7 cm, đkm 23,3 cm. Niên đại đời Minh Trị, đầu tk 20. Hiện vật thu trong CCRĐ 1955-1956.
+ Kiểu 8: Đĩa sứ men nhiều màu miệng loe, thành vát, đế thấp. Giữa lòng đĩa bổ ô hình vuông trong vẽ hoa lá cúc và chim đại bàng.Trang trí trên đĩa kết hợp xanh cobal và nhiều màu trên men. Men nhiều màu gồm các loại men đen, đỏ nâu và vàng trên nền men trắng. Bốn ô xung quanh hình cánh cung vẽ mạng hình thoi và hoa lá. Thành ngoài vẽ dải lá men xanh cobal. Đĩa cao 3,2 cm, đkm 25 cm. Niên đại đời Minh Trị, cuối tk 19. Tổng cục Hải quan bàn giao cho BT 11/1998.
+ Kiểu 9a: Đĩa sứ vẽ nhiều màu. Đĩa có miệng loe, thành cong, đế thấp. Viền gờ miệng vẽ băng hồi văn chữ V. Trong lòng vẽ phong cảnh lầu gác và các thiếu nữ mang y phục Nhật Bản giữa vườn hoa lá cúc và đàn chim bay. Dưới đáy khắc hai chữ Hán: Hưng Thôn.Đĩa cao 2 cm, đkm 12,2 cm. Niên đại đời Minh Trị, cuối tk 19. Bộ tài chính VN bàn giao cho BT 17/12/1959.
Đĩa sứ nhiều màu, cuối tk 19
+ Kiểu 9b: Đĩa sứ vẽ nhiều màu. Đĩa có kiểu dáng tương tự kiểu 9a. Trong lòng vẽ phong cảnh lầu các, núi Phú Sĩ và các nhân vật với y phục Nhật Bản. Men vẽ màu đen và vàng kim, dưới đáy khắc hai chữ Hưng Thôn. Đĩa cao 1,5 cm, đkm 12,5 cm. Niên đại đời Minh Trị, cuối tk 19. Bộ tài chính VN bàn giao cho BT 17/12/1959.
+ Kiểu 9c: Đĩa sứ vẽ nhiều màu. Đĩa có kiểu dáng tương tự kiểu 9a. Gờ viền miệng vẽ băng nửa hoa chanh. Trong lòng vẽ phong cảnh sơn thủy, núi Phú Sĩ, nhà mái tranh và nhân vật. Men vẽ màu đỏ nâu, xanh lục và vàng. Dưới đáy khắc hai chữ Hán: Quang Sơn. Đĩa cao 2,3 cm, đkm 13,8 cm. Niên đại đời Minh Trị, cuối tk 19. Bộ tài chính VN bàn giao cho BT 17/12/1959.
Đĩa sứ nhiều màu, cuối tk 19
+ Kiểu 10: Đĩa sứ vẽ nhiều màu. Đĩa có miệng loe, thành vát, chân đế thấp và rộng. Trong lòng vẽ phong cảnh nhân vật tương trưng cho các vị thần xen kẽ hoa lá. Men vẽ nhiều màu gồm các loại men đỏ nâu, xanh lục, ghi xám và men trắng nổi. Đĩa cao 4,9 cm, đkm 30,5 cm. Niên đại đĩa thuộc đời Minh Trị, cuối tk 19. Hiện vật thu trong CCRĐ 1955-1956.
+ Kiểu 11: Đĩa sứ vẽ nhiều màu. Đĩa có dáng chậu, miệng loe, gờ cắt khấc, thành cong, đế thấp và rộng. Trong lòng đĩa vẽ phong cảnh vườn hoa lá cúc và các thiếu nữ cùng các em nhỏ. Men vẽ nhiều màu gồm màu đen, đỏ nâu, vàng, hồng cánh sen, xanh tím, trắng. Thành ngoài vẽ dây lá nho. Viền đế tô men đỏ nâu. Đĩa cao 4 cm, đkm 18 cm. Niên đại đời Minh Trị, cuối tk 19. Đĩa do bộ tài chính VN bàn giao cho BT 17/12/1959.
10. Ấm, bình, tách và đĩa trà sứ nhiều màu. Đây là các loại thuộc bộ đồ trà có đặc điểm chung về đề tài trang trí như hình rồng, thần mặt trời được thể hiện bằng các loại men màu nhẹ lửa có sự kết hợp với vàng kim. Đặc biệt loại men trắng được thể hiện nổi theo các dải chấm tròn. Phần nhiều hiện vật loại này đều được thu giữ trong thời kỳ CCRĐ 1955-1956.
+ Ấm có nắp. Nắp ấm có núm là hình đầu rồng, quai hình khuyên, vòi có miệng hình chữ V, thân vẽ hình tượng vị thần mặt trời. Ấm cao 14,2 cm, đkm 6,3 cm. Đời Minh Trị, cuối tk 19 đầu tk 20. Hiện vật do hải quan Nội Bài thu giữ và giao cho Bảo tàng năm 1993.
+ Bình hai quai có nắp. Kiểu dáng và trang trí tương tự ấm có nắp. Trên thân trang trí rồng và hai vị thần. Bình cao 14,4 cm, đkm 7,4 cm. Đời Minh Trị, cuối tk 19 đầu tk 20.
+ Ấm có nắp. Có kiểu dáng và trang trí tương tự ấm có nắp. Ấm có quai hình khuyên vòi hình đầu rồng. Cao 19,8 cm, đkm 8,2 cm. Đời Minh Trị, cuối tk 19 đầu tk 20.
+ Tách trà sứ vẽ nhiều màu. Tách có miệng đứng, thành cong, chân đế cao, quai hình khuyên. Thành ngoài vẽ nữ thần mặt trời. Tách cao 5 cm, đkm 9,5 cm. Đời Minh Trị, cuối tk 19 đầu tk 20.
+ Đĩa trà sứ vẽ nhiều màu. Loại đĩa trà này có kiểu dáng tương tự nhau trong lòng đĩa vẽ hai vị thần. Trong lòng đĩa khác lại vẽ hình nữ thần mặt trời ở giữa và xung quanh có 4 vị thần bảo hộ. Lại có đĩa trà trong lòng vẽ phong cảnh sơn thủy, tùng hạc. Cao 1,2- 1,9 cm, đkm 9,5-14 cm. Các đĩa này thuộc đời Minh Trị, cuối tk 19 đầu tk 20.
- Bộ đồ cà phê sứ vẽ nhiều màu. Bộ này gồm ấm, bình tách và đĩa có cùng kiểu dáng với chân cao kiểu ly chân cao của đồ sứ Châu Âu. Trang trí vẽ hóa lá cúc trong các dải chéo với màu men đỏ nâu và vàng kim trên nền men trắng.
11. Bộ bình rượu sứ vẽ nhiều màu gồm hai kiểu.
+ Kiểu 1 : Bình có miệng tròn, cổ cao, thân hình trụ, mặt cắt ngang gần hình lục giác. Thân vẽ hình rồng màu đỏ nâu, xanh lục, vàng và trắng trên nền men xanh . Chén có miệng loe, thân hình trụ, đáy bằng. Xung quang vẽ rồng tương tự trên ấm. Bình cao 14,8 cm, đkm 2,4 cm. Đời Minh Trị, cuối tk 19 đầu tk 20.
+ Kiểu 2 : Bộ bình rượu sứ vẽ nhiều màu. Bình rượu có kiểu dáng tương tự loại trên. Xung quanh thân vẽ phong cảnh ba thiếu nữ với hoa anh đào bằng men màu các loại hồng cánh sen, đỏ nâu, đen và xanh lục. Chén có miệng loe, thành cong, chân đế cao. Đề tài trang trí và men tương tự như trên bình. Bình cao 14,5 cm, đkm 2,3 cm. Đời Minh Trị, cuối tk 19 đầu tk 20.
Đồ sứ vẽ nhiều màu có sự tương đồng về kỹ thuật thể hiện kết hợp giữa màu xanh cobal qua lần nung thứ nhất và vẽ nhiều màu trên men loại nhẹ lửa qua lần nung thứ hai như Trung Quốc và Việt Nam. Các đồ sứ vẽ nhiều màu đời Giang Hộ cho đến đời Minh Trị, đề tài vẽ nhân vật đều lộ rõ tính cách đặc trưng như hình các kỹ nữ phòng trà (Geisha) với lối búi tóc và y phục cho đến các hình Samurai. Chiếc bình sứ nhiều màu đời Giang Hộ tk 18 đã thể hiện rõ các nhân vật này.
Loại bình sứ nhiều màu có trang trí nổi kết hợp vẽ nhiều màu. Đề tài trang trí thường vẽ hình tượng thần mặt trời, hình sumo trong phong cảnh xen lẫn hoa lá. Có bình vẽ đề tài kỹ nữ Geisha và Samurai với hoa cúc và hoa anh đào mang nét đặc trưng của nghệ thuật Nhật Bản. Loại bình lớn có chiều cao 63 cm và bộ đôn chậu có chiều cao 78 cm có đề tài trang trí các thiếu nữ trong vườn hoa cúc hay đề tài dây hoa lá, chim công đều thấy vẽ nhiều màu với men trắng nổi. Đây là một đặc điểm chỉ thấy xuất hiện từ đời Minh Trị. Các loại hình chậu khay, âu, bát và đĩa vẽ nhiều màu tuy có kiểu dáng một số tương tự như đồ sứ Trung Quốc nhưng đề tài trang trí đều có sự phân biệt chẳng hạn như đề tài hoa anh đào, hình tượng chim phượng, hình tượng bát tiên. Loại đĩa nhiều màu với nhiều sắc độ men lam thuộc đời Giang Hộ nửa sau tk 17. Có cách thể hiện đề tài bát bảo rất độc đáo là một hiện vật trao dổi với Bảo tàng Hoàng gia Nhật Bản năm 1950. Cách thể hiện loại men trắng nổi xuất hiện trên loại bình đĩa, ấm, tách thể hiện đề tài nữ thần mặt trời và Thiên hoàng bằng men nhiều màu chính là một nét riêng của trang trí trên đồ sứ đời Minh Trị.
[1] Samurai là các chiến binh phục vụ cho Shogun hoặc các Daiymo. Samurai bắt đầu kỹ năng chiến đấu bằng các môn võ nghệ như Judo, Kendo (kiếm đạo). Các Samurai luôn mang theo hai thanh kiếm một dài một ngắn là vật sở hữu quý nhất của họ.
[2] Geisha là tên gọi các phụ nữ phục vụ phòng trà dưới đời Giang Hộ 1603-1868.