Triều Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử chế độ phong
kiến Việt Nam, ra đời và tồn tại không những trong một bối cảnh đặc biệt của
đất nước mà còn trong tình hình thế giới có nhiều chuyển biến lớn. Thắng lợi
của chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu đã kéo theo sự phát triển của chủ nghĩa thực dân
và của sự giao lưu buôn bán quốc tế. Hàng loạt các nước Châu Á lần lượt rơi vào
ách đô hộ thực dân và Việt Nam cũng không tránh khỏi mối đe dọa đó.
Triều Nguyễn gồm hai thời kỳ:
- Thời kỳ độc lập ( 1802 - 1883 )
- Thời kỳ thuộc Pháp ( 1883 - 1945 )
Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngoài phần trưng bày giới thiệu những vấn đề cốt yếu của lịch sử như: thiết chế chính trị, kinh đô, kinh tế... còn lưu giữ một số lượng khá lớn các sưu tập hiện vật với nhiều chất liệu nhằm giới thiệu những nét văn hóa, những ngành nghề thủ công truyền thống đương thời như: sưu tập chuông đồng, khánh đồng, sưu tập đồ đồng và đồ đồng khảm tam khí, sưu tập chạm khắc gỗ, sưu tập ấn, triện, tiền đồng, sưu tập sắc phong...
* Nguồn gốc của sưu tập
Hiện vật đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng thời Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia phần lớn được thu nhận và sưu tầm trong nhân dân từ rất nhiều ngôi chùa làng và tại các nhà thờ họ của các gia tộc ở Bắc Bộ nước ta. Sưu tập trên chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tư nhân trong nước thế kỷ XIX và XX. Từ năm 2005, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã sưu tầm được số lượng hiện vật như: Hương án, Khám thờ, Kỷ thờ, Cửa võng, Lộ bộ, Bát bửu… bổ sung cho sưu tập đồ bằng gỗ sơn son thếp vàng hiện đang có tại Bảo tàng.
Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu những hiện vật trong bộ sưu tập dựa trên việc nghiên cứu những đồ gỗ Việt Nam nói chung và đồ gỗ thời Nguyễn nói riêng, đồng thời với kết quả giám định của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, sưu tập trên thuộc thời Nguyễn (thế kỷ XIX- XX) gồm khoảng 70 hiện vật .
Phần trưng bày sưu tập gỗ sơn son thếp vàng
|
* Đặc điểm của sưu tập đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng thời Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
- Về kiểu dáng
Sưu tập đồ thờ trên khá đa dạng về kiểu dáng. Trong mỗi loại hình lại có những kiểu dáng khác nhau như: đại tự có kiểu chữ nhật đứng và kiểu chữ nhật nằm, có loại hình vuông, có loại hình chữ nhật, loại có diềm trên, có loại không.
Điểm đáng chú ý là những đồ thờ này đều rất phù hợp với chức năng của chúng. Những đồ thờ này thuận tiện cho sắp đặt, được trang trí cầu kỳ với nhiều thể loại hoa văn khác nhau. Đề tài được sử dụng trong trang trí rộng rãi từ hoa lá, chim muông đến những con vật thiêng trong bộ tứ linh như long, ly, quy, phượng.
Các nghệ nhân thời Nguyễn không những sử dụng họa tiết hoa lá để trang trí mà còn nhằm tạo dáng cho tác phẩm của mình như tạo dáng hình lá sen, hình cành mai...Vào thời kỳ này, các nghệ nhân đã có sự tiếp thu nghệ thuật trang trí phương Tây với một số kiểu trang trí mới được áp dụng như các vật trang trí hình lá nho, sóc, hình lục giác...
- Về hoa văn trang trí.
Đề tài trang trí:
Trong sưu tập, đề tài trang trí chủ yếu là các con vật, cỏ cây, hoa lá, các dạng hình học, minh văn, hoặc theo bộ “lưỡng”, “tứ”...
+ Các con vật : Gồm có rồng, lân, phượng, rùa, dơi, cá ...
. Rồng: là con vật đứng đầu tứ linh, theo âm Hán Việt gọi là Long. Đây là con vật huyền thoại mà theo những nhà nghiên cứu thì nó là sự cách điệu của con rắn thêm chân như cá sấu. Theo các nhà nghiên cứu cho rằng Rồng là con vật được sáng tạo từ 36 bộ phận tiêu biểu của 36 con vật vốn là vật tổ của những tộc người cổ xưa sống ở Trung Quốc.
Rồng biểu hiện cho nguyên lý dương tượng trưng cho trạng thái động, sự phát triển và thịnh vượng. Trong sưu tập, rồng được trang trí theo những đồ án cụ thể như:
- Đồ án “Tứ linh”: gồm 4 con vật long, ly, quy, phụng (rồng, lân, rùa, phượng)
- Đồ án “Long ẩn vân” (Rồng ẩn trong mây). Rồng được vẽ ẩn hiện trong mây, lúc ẩn, lúc hiện biểu trưng cho một cơ hội tốt lành, gặp được những điều may mắn, vui vẻ.
- Đồ án “ Long hàm thọ” (Rồng ngậm chữ Thọ)
- Đồ án “ Lưỡng long chầu nhật” (2 rồng chầu mặt trời). Trong đồ án này long tượng trưng cho nguyên lý dương. Do đó, nguyên lý này biểu thị cho tam dương, biểu ý của câu chúc “Tam dương khai thái” tức là mọi việc đều hanh thông.
- Đồ án “ Lưỡng long chầu hoa cúc” (2 rồng chầu hoa cúc)
- Đồ án “ Lưỡng long chầu Thọ” (2 rồng chầu chữ Thọ)
Ngoài những đồ án nêu trên, còn có một số đồ án vẽ rồng đi kèm với những họa tiết trang trí khác như hoa cúc, chữ Thọ, mặt trời....
Trong sưu tập đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng thời Nguyễn tại Bảo tàng lịch sử quốc gia , rồng có những dáng sau:
- Cắn đuổi nhau trên các khung, diềm của cuốn thư, đại tự
- Uốn lượn quanh các cột trụ của khám thờ, ngai thờ...
- Nằm ở trung tâm của đồ thờ, trên diềm, mặt trước bệ của hương án, đài thờ, ngai thờ...chỉ nhìn thấy mặt và hai chân.
- Bay lượn trên bề mặt vật thờ trong đồ án “Long ẩn mây” thường được sử dụng trong cửa khám thờ, ngai thờ..
- Rồng hoá từ hoa lá những loài quý và có ý nghĩa như: mai hóa long, cúc hóa long, trúc hóa long,.. là đặc điểm phổ biến được trang trí trên khung hoành phi dạng chữ nhật.
. Lân: là một trong bốn tứ linh. Con đực gọi là Kỳ, con cái gọi là Lân nên thường gọi là Kỳ Lân. Lân được coi là chúa của loài thú; là con vật hình thành từ sự liên tưởng của con người. Lân có hình dáng rất dặc biệt trong nghệ thuật thời Nguyễn: chân hươu, móng ngựa, đuôi bò, sừng là u thịt cứng và được coi là một nhân thú. Lân tượng trưng cho triều đại mới lên, cho sự xuất hiện của minh chúa, trong kiến trúc nó được tượng trưng cho sự bền vững của công trình.
Trong trang trí trên đồ thờ thuộc sưu tập, lân có hình dáng long mã với những đặc điểm: đầu rồng, bờm khá rậm, dài, vuốt ngược về sau gáy. Sừng có chạc như sừng hươu, mắt lồi, mũi sư tử, cổ rắn. Đặc biệt thân giống thân ngựa, vảy như vảy cá chép, đuôi như đuôi ngựa, chân theo kiểu móng guốc. Hình tượng lân được đặc tả với chi tiết rõ ràng trang trí trên đường diềm của loại hình hương án.
. Rùa: Âm Hán Việt gọi là quy. Con rùa trong nghệ thuật trang trí đồ thờ Việt Nam rất có ý nghĩa, nó tượng trưng cho sự trường thọ và sự bền vững. Hình tượng rùa thường được thể hiện bằng các đồ án như rùa đội bia, rùa đội hạc...
Hình tượng rùa đựơc thể hiện trong sưu tập đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng thời Nguyễn tại Bảo tàng lịch sử quốc gia không phổ biến; chủ yếu được thể hiện dưới các dạng như rùa ẩn lá sen, rùa cách điệu từ hoa lá, rùa ở dạng hồi văn “ kim quy”. Hình tượng rùa có kích thước nhỏ hơn hình tượng rùa đội hạc hay đội bia nhằm phù hợp với đồ vật để thờ.
. Phượng: Trong bộ tứ linh, phượng được coi là giống chim đem lại điềm lành, báo hiệu có thánh nhân ra đời, thời thái bình. Trong một ý nghĩa khác, phượng biểu trưng cho điều tốt lành và thể hiện cho sự phú quý, sắc đẹp của phụ nữ nói chung, cho sự quý phái, cao sang của các bà hoàng nói riêng. Chính ý nghĩa đặc biệt này đã phần lớn ảnh hưởng tới hoàng phi, phân biệt với hình tượng trang trí rồng là biểu hiện của vua chúa.
Những đồ án được sử dụng chủ yếu trong trang trí sưu tập đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng thời Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia , gồm:
. Lưỡng phụng chầu nhật: đôi chim phượng cùng chầu một mặt trời, trang trí thêm bên cạnh là những cụm mây làm tăng thêm nhịp điệu cho đồ thờ.
. Phượng hàm thư: Chim phượng sải rộng cánh bay, mỏ ngậm một dải lụa dài phía dưới có buộc một hòm sách và bút lông. Hình tượng này xuất hiện phổ biến trong thời Nguyễn.
. Lưỡng phụng chầu hoa cúc: Chim Phượng được cách điệu thành hình hoa cúc, được trang trí hai bên, ở giữa là một bông hoa cúc.
Cá hóa rồng
Hoa điểu
Mặt hổ phù
- Cỏ cây, hoa lá: Hoa văn trang trí trên hiện vật trong sưu tập phần lớn được cách điệu mềm mại, bay bổng và chủ yếu là hoa lá thuộc hàng tứ quí: tùng, cúc, trúc, mai. Trên khám thờ, kỷ thờ thuộc sưu tập, bộ tứ quí được trang trí đi cùng với nhau. Nhưng trong một số bức cuốn thư, đại tự, các loài cây cỏ lại được trang trí theo đề tài hoa điểu; hoặc đơn giản chỉ là hoa lá kết hợp với hoa văn triện.
Ngoài ra, trên một số câu đối, đại tự, cuốn thư còn có khắc minh văn với các kiểu chữ khác nhau như: chữ trân, chữ thảo, chữ tạp thư.
* Bố cục trang trí
Về cơ bản các hiện vật thuộc sưu tập đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng thời Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đều tuân thủ các nguyên tắc về bố cục của nghệ thuật trang trí mỹ thuật phương Đông. Đó là qui luật đối xứng (bao gồm đăng đối qua trục và đối xứng lệch); cân đối; nhắc lại và đồng hiện. Trên một số hiện vật thuộc sưu tập, phong cách thể hiện không chỉ tuân thủ một nguyên tắc đối xứng mà còn kết hợp nhiều nguyên tắc chẳng hạn như: đối xứng qua trục, cân đối và nhắc lại; đã gặp trong trang trí đường diềm của các hiện vật câu đối, cuốn thư, đại tự; trong trang trí đường diềm hoa văn của các hương án, bài vị, ngai thờ.
* Chất liệu và màu sắc trang trí
+ Chất liệu gỗ
Chất liệu gỗ được sử dụng phổ biến nhất trong chế tác đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng là các loại gỗ mít, vàng tâm và dổi.
+ Chất liệu sơn
Chất liệu sơn được dùng là "sơn ta" (cây sơn trồng tại tỉnh Phú Thọ).
* Kỹ thuật tạo tác:
Từ chất liệu gỗ được chạm khắc tinh xảo thành sản phẩm mộc, sau đó dùng kỹ thuật sơn son thếp vàng để trở thành một đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng hoàn chỉnh.
Tóm lại, Sưu tập đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng thời Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia khá phong phú và đa dạng về loại hình, kiểu dáng cũng như hoa văn trang trí. Với các nhóm hiện vật: câu đối, đại tự, cuốn thư, cửa võng, khám, kỷ, đài, hương án, ngai, bài vị, sập, bát bửu, tượng ... với mỗi loại hình lại có các kiểu dáng, hoa văn, đồ án trang trí và kỹ thuật chế tác riêng. Các hiện vật thuộc sưu tập nằm trong số lượng rất lớn các sưu tập hiện vật của Bảo tàng. Mặc dù về loại hình và kiểu dáng không thể đa dạng và phong phú như sưu tập hiện vật gỗ nói chung tại Bảo tàng nhưng so với các hiện vật cùng thời tại Bảo tàng thì có những điểm tương đồng. Đó là sự cầu kỳ, nhiều chi tiết và màu sắc phong phú trong phong cách trang trí, hội tụ tương đối đầy đủ các kỹ thuật tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc, sơn thếp thời Nguyễn trong đó có cả kỹ thuật vẽ nét thếp vàng rất tinh tế trên các hiện vật này.