SƯU TẬP TÀI LIỆU LỊCH SỬ

                                                                                                  Đào Phan Long

        Năm nay 2019 nhân kỷ niệm 50 năm Hồ Chủ Tịch mất tôi xin được viết đôi lời để tưởng nhớ Người với tư cách là một công dân luôn kính yêu vị lãnh tụ tài ba của đất nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh là số ít nhân vật kiệt xuất đã được Liên Hợp Quốc tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

       Khi xem bức tranh do một họa sỹ người Việt đã vẽ cảnh Hồ Chí Minh về Cao Bằng năm 1941 để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam do khi đó đã không có máy ảnh chụp lại, làm tôi bồi hồi nhớ đến những bậc cách mạng tiền bối có mặt trong sự kiện ấy. Giờ đây đăc biệt lớp người trẻ tuổi ít biết những người đã đưa, đón Hồ Chí Minh về Cao Bằng khi ấy là những ai? Họ đã làm gì sau khi Mặt Trận Việt Minh trở thành nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước cho đến suốt cả thời Việt Nam bị chia hai miền Bắc Nam? và khi Hồ Chí Minh qua đời 1969, rồi những năm tháng đấu tranh thống nhất Việt Nam năm 1975 với quốc hiệu là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa?

       Lịch sử của Đảng cộng sản thì ít người đọc và biết nhiều, còn lịch sử Việt Nam từ thời 1945 đến nay phần lớn nhân dân chỉ biết đến những sự kiện lớn của đất nước có gắn công lao với một số nhân vật chủ chốt của Đảng. Tất nhiên cán bộ, nhân dân Việt Nam tôn kính Hồ Chí Minh và biết đến người là nhiều nhất, sau đó là một số vị lãnh đạo đã nhận là học trò của Người. Lịch sử nước nào cũng thường vậy cả.

       Tôi nhớ lại khi còn nhỏ, vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX đã được theo bố và bác đến thăm gặp hai người đã đón Hồ Chí Minh về Cao Bằng năm 1941. Tôi không nhớ có bao nhiêu người đã đi theo và bao nhiêu người đi đón Hồ Chí Minh ngày ấy. Chỉ biết có hai người là các bác Lê Quảng Ba Vũ Anh đã tham gia đón Hồ Chí Minh về Cao Bằng ngày ấy. Hai ông quen khá thân với các phụ huynh của tôi từ thời Việt Minh kháng chiến chống Pháp trên chiến khu Việt Bắc và họ đã duy trì mối quan hệ bằng hữu chân thành với nhau trong mọi hoàn cảnh cuộc đời cho đến mãi về sau khi về Hà Nội. 

       Tôi được gặp hai bác Lê Quảng Ba và Vũ Anh vài lần ở Hà Nội khi đó hai bác đều là cán bộ cao cấp đảng và nhà nước. Họ đã kể cùng Hồ Chí Minh về nước 1941 còn có một số cán bộ nữa mà tôi không nhớ tên nữa, chỉ nhớ có ông Phùng Chí Kiên, Cao Hồng Lĩnh… Về sau ông Phùng Chí Kiên mất trong những năm đầu khi ta còn đánh nhau chống thực dân Pháp, nhưng mãi sau này sang đầu thế kỷ 21 ông mới được xác minh và công nhận là lão thành cách mạng để nhà nước ta truy phong danh hiệu và đặt tên một đường phố ở Hà Nội. Còn ông Cao Hồng Lãnh tôi không được gặp trực tiếp. Chỉ nghe kể ông ấy cũng là một chiến sỹ cách mạng tiền bối quê Hội An nên sau này khi tôi vào thăm Hội An đã đến thăm ngôi nhà xưa của gia đình ông ấy. Nhờ lần đi Hội An tôi mới biết chính gia đình ông Cao Hồng Lãnh đã làm ăn buôn bán ở đây và dành tiền bí mật ủng hộ cách mạng Việt Nam qua người con Cao Hồng Lãnh đã thoát li sang Quảng Đông theo Hồ Chí Minh từ thập niên 30 của thế kỷ XX.

        Với bác Lê Quảng Ba sau khi ông Hoàng Văn Hoan trốn sang Trung Quốc, ông Chu Văn Tấn bị ta bắt… thì ông ấy cũng gặp rắc rối; Còn ông Vũ Anh thì tôi lại được gặp nhiều lần thời là Thứ trưởng Bộ Cơ khí & Luyện kim, vì tôi làm việc ở đó. Tôi nhớ mãi hình ảnh các ông Quảng Ba, Vũ Anh rất hiền lành, chân thực và ít lý luận như nhiều người khác. Mặc dầu là lão thành cách mạng nhưng họ vẫn giản dị và gần gũi mọi người, không hề hách dịch với ai, kể cả với đám cán bộ trẻ chúng tôi.

       Thời gian thường xóa nhòa nhiều sự kiện. Lịch sử thường chuyển dần thành dã sử cho đời sau vì khi nhà nước hình thành thường xuất hiện cùng sự tha hóa quyền lực.

        May mắn cho tôi sinh ra và được nuôi dưỡng trong một gia đình, một dòng tộc trí thức sớm yêu nước chống thực dân từ những thập niên 30 của thế kỷ XX, cho nên cấc bậc phụ huynh của chúng tôi đã cùng hoạt động, cùng tù đầy với nhiều đồng chí lão thành cách mạng. Từ đó tôi đã được tới thăm, được nghe một số truyện kể chân thực từ lớp người yêu nước dám dấn thân vì nhân dân, vì đất nước từ các bậc tiền bối ấy.

       Năm nay nhân kỷ niệm 50 năm Hồ Chủ Tịch mất, tôi bồi hồi nhớ lại ngày nhận được thông báo ông ra đi vĩnh viễn về trời, tôi và vài thằng bạn sinh viên người Hà Nội đang học đại học sơ tán đã vội ra ga lên tầu hỏa về Hà Nội để cùng gia đình đi viếng.

       Trời Hà Nội những ngày ấy mưa nặng hạt và hầu như mọi người dự tang Hồ Chủ Tịch đều đã khóc như mình đã mất một người thân.

        Nhanh thật. Thế mà đã nửa thế kỷ trôi qua. Vật đổi sao rời. Nay nghe đài báo, xem tivi kể cả xem mạng có nhiều truyện tôi và thế hệ người Việt Nam cùng thời đã biết, song cũng có những truyện đang được viết, được nghe từ lớp hậu sinh khá lạ. Biết làm sao? Đúng là miệng lưỡi thế gian không ai cấm được!

         Là người tầm chơi cổ vật tôi có thói quen thích tìm chứng tích. Do vậy tôi xin kể về một truyện xưa để hầu bạn đọc.

       Năm 1941 Hồ Chí Minh về Cao Bằng đã cùng các đồng chí Thường vụ Đảng cộng sản Việt Nam thành lập Mặt Trận Việt Minh để dựa vào các nước phe Đồng Minh thời đó là Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đang đánh nhau với các nước phe Trục phát xít là Đức, Ý, Nhật trong Đại chiến thế giới II (1939 -1945) để có thêm thuận lợi xây dựng lục lượng cách mạng Việt Nam chống phát xít Nhật đang chiếm đóng nước ta. Từ căn cứ Cao Bằng Mặt trận Việt Minh ra đời để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân ta góp công, góp của đoàn kết đấu tranh giải phóng đất nước hiện đang bị phát xít Nhật chiếm do chúng đã hất cẳng thực dân Pháp trên toàn bán đảo Đông Dương. Mặt trận Việt Minh đã không lấy thành phần giai cấp để tập hợp lực lượng mà đưa ra tôn chỉ “Bất cứ người Việt Nam nào có lòng yêu nước muốn đánh đổ chính quyền thực dân đế quốc và bè lũ tay sai để dành độc lập đều có thể tham gia Mặt Trận”. Bởi vậy đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam đã tự nguyện đi theo ngọn cờ của Mặt Trận Việt Minh để góp công, góp của, góp máu xương chung sức đánh đuổi phát xít Nhật thành công năm 1945.

        Từ căn cứ xa xôi nơi núi rừng miền Bắc, Hồ Chí Minh đã làm một tập thơ chữ quốc ngữ với cách gieo vần mộc mạc, dân dã, dễ nhớ kiểu đồng giao để khẳng định lịch sử Việt Nam và tuyên truyền quá trình đấu tranh bi hùng của dân tộc qua cuốn thơ Lịch sử nước ta để dân chúng truyền tay nhau đọc. Chính cơ quan Việt Minh Tuyên truyền Bộ đã tổ chức in Tập thơ Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh vào tháng 4-1942. Tập thơ có kích thước rất nhỏ 9,5 x 6,5 cm để dễ bỏ túi và bán với giá 01 Hào cho dân chúng (Xem ảnh).  

       Năm 2003, kỷ niệm 58 năm Cách mạng tháng 8-1945, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Bảo tàng Tân Trào - ATK xuất bản lại cuốn sách Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh cũng có kích thước 13 x 9 cm (xem ảnh).

         Giờ đây khi đọc cuốn sách nhỏ này tôi mới biết và hiểu được suy nghĩ của Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người thời đó đã không ngần ngại kể cho dân nghe các tội ác của lũ giặc ngoại xâm đặc biệt giặc phương Bắc. Tác giả tôn vinh đức hy sinh anh dũng, bất khuất của các thế hệ người Việt Nam tiền bối đã quyết chiến chống giặc ngoại xâm khi chúng đem quân tiến đánh chiếm đô hộ xứ sở này… Với tôi Tập thơ Lịch Sử nước ta cho đến nay vẫn nguyên giá trị.

        Xin được giới thiệu toàn bộ nội dung cuốn sách thơ Lịch sử nước ta của Hồ Chí Minh in lần đầu năm 1942 tại căn cứ Cao Bằng và tái bản năm 2003 tại Hà Nội để bạn đọc hiểu rõ về quan điểm, nhận thức không né tránh sự thật lịch sử của Hồ Chí Minh với quân xâm lược, cướp nước ta từ những ngày xa xưa.

       

         Ngày nay các lớp cán bộ hiện tại đang bình và dẫn nhiều câu chuyện về cuộc đời Hồ Chủ Tịch để răn dậy đời sau. Tôi nay đã “thất thập cổ lai hy” nghe các vị nói và kể về tấm gương đạo đức Hồ Chủ Tịch xưa mà ít thấy nói về sự hy sinh, về nỗi đau, về cư xử dùng người, về mưu lược chèo chống thù trong giặc ngoài trong suốt những tháng năm gian nan thời trước. Hồ Chủ Tịch là một Người có tâm, có trí, có công lớn đối với dân tộc, quốc gia và quốc tế trên cương vị là lãnh tụ. Nhưng ông vẫn như bao người bình thường khác đều có nhu cầu tình cảm, tình yêu, sinh hoạt đời tư… mà ít người kể lại. Hồ Chủ Tịch là một nhân vật được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất nhưng đừng biến Hồ Chủ Tịch thành một ông thánh như không ít kẻ đã làm vì bản thân và nhóm lợi ích.

         Năm nay kỷ niệm 50 năm công bố bản Di Chúc của Hồ Chủ Tịch, những người giúp việc trực tiếp và được Hồ Chủ Tịch tin cậy từ ngày về nước năm 1941, thời ông làm Chủ Tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1945 đến khi mất năm 1969 nay đã theo ông về trời. Tôi chắc những chuyện của Hồ Chủ Tịch do cận vệ kể lại ngày nay chỉ đúng trong những trường hợp cụ thể, còn suy nghĩ, tâm tình, những công việc lớn của Hồ Chủ Tịch thường chỉ có Bí thư, Thư ký vòng trong và một số yếu nhân mới biết chính xác được. Đó là logic và sự thật.

        May mắn tôi được bác Vỹ Kỳ là đồng chí cùng hoạt động bí mật cho Đảng cộng sản Đông Dương với phụ huynh của tôi ở Hà Nội thời 1940 - 1941 được Hồ Chủ Tịch chọn làm Thư ký từ 1945 đến khi mất 1969 đã coi tôi như con cháu thân tình để cởi mở khi ông đã về già hưu trí.

Tác giả với Bắc Vũ Kỳ tại nhà riêng

       

 

        Khi nào có điều kiện tôi lại xin kể về sự âm thầm ra đời cuôn sách nhỏ với kích thước bỏ túi 9,5 x 6,5 có tên Bác hồ viết di chúc của ông Vũ Kỳ để rồi sau đó lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phải công bố bổ sung nội dung Di Chúc có ghi ý “sau chiến thắng ngoại xâm cần miễn thuế nông nghiệp cho nông dân” và cho đổi lại ngày mất chính xác của Hồ Chủ Tịch tại Hà Nội là ngày 02-9-1969. Rồi truyện cuối đời ông Vũ Kỳ bị truy hỏi ông đã giao bản Di Chúc gốc cho ai? Hay là ông cất giữ? do sau gần 18 năm các vị kế thừa Hồ Chủ Tịch do bận công việc đã không ai còn nhớ về bản Di Chúc gốc hiện được cất giữ ở đâu?... Để tự “cứu mình” trong vụ thất lạc Di Chúc, ông Vũ Kỳ đã lẳng lặng tự tìm đến nhà ông Trần Quốc Hoàn lúc này đã mất để nhờ vợ ông Hoàn cho xem nơi sinh thời ông ấy đã cất tài liệu, sách báo riêng nay gia đình còn lưu giữ. May mắn bản Di Chúc gốc của Hồ Chủ Tịch vẫn còn nằm nguyên trong giá sách nhà ông Trần Quốc Hoàn, vì khi Hồ Chủ Tịch qua đời ông Vũ Kỳ đã trao bản Di Chúc cho tập thể các ông Bộ Chính trị thời đó, có chữ ký xác nhận của Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và giao Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An Trần Quốc Hoàn lưu giữ.

       Là dân nghiên cứu sưu tầm cổ vật thiết nghĩ ta hãy bảo nhau tìm chơi đồ thật, tránh chơi đồ giả./.