SUY NGẪM VỀ THỊ TRƯỜNG & THI HIẾU

CỦA NGƯỜI VIỆT NAM CHƠI CỔ VẬT HÔM NAY

                                                                                      Đào Phan Long

 

Gần Tết Hà Nội lạnh giá. Tôi và vài bạn làng đồ được một người chơi cổ vật lâu năm mời đến xem 02 món đồ gốm sứ Trung Hoa cổ nghe nói mua được của thợ đào lên từ lòng đất Việt ta. Chúng tôi cùng ngồi nhâm nhi vài ly rượu ngắm 02 món đồ Tầu cổ độc sắc có tuổi khoảng cuối Nguyên đầu Minh TK 14-15 (xem ảnh bên) và điểm về thị hiếu, thi trường cổ vật hiện nay ở ta. Rượu vào hay bộc bạch.
Trên thị trường cổ vật trong, ngoài nước bao giờ các món cổ vật gốm sứ thời Tống, tiếp đến thời Nguyên TK 10 - 13 cũng đều cao giá cao.
Thời nhà Tống thường thấy các cổ vật gốm sứ phổ biến với men mầu độc sắc.
Chuyển sang thời nhà Nguyên tồn tại xấp xỉ chưa đầy thế kỷ nhưng gốm sứ Trung Hoa ngoài hình thức phủ men độc sắc gốm sứ thời Nguyên đã vẽ trang trí rất tuyệt vời men mầu lam không chê vào đâu được. Nếu người có nghề đã được nhìn thấy những cổ vật gốm sứ thời Nguyên sẽ giữ được dấu ấn khó quên.

  

Bình sứ độc sắc Trung Quốc. TK: 11 - 13

 

Đến thời nhà Minh, Thanh gốm sứ Trung Hoa đã đạt nghệ thuật chế tác đỉnh cao, tạo hình phong phú, công năng đa dạng .
Chính vì vậy mà bao đời nay nghề làm gốm sứ Trung Quốc đời sau luôn luôn làm nhái đồ gốm sứ của thời trước để bán khắp thế giới.
Giới chơi cổ vật gốm sứ Trung Hoa có nghề ở Việt Nam hiện nay thi thoảng vẫn tìm được những món gốm sứ Trung Hoa độc sắc hoặc vẽ lam, vẽ mầu có tuổi từ thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đào được trong lòng đất hoặc là những món đỗ của những người chơi thời trước để lại (dân chơi goi là đồ nổi), tất nhiên khá hiếm. Gốm sứ Trung Hoa cổ nổi tiếng toàn thế giới, đó là khẳng định. Nhưng cũng vì vậy mà đồ giản cổ Trung Hoa cũng nhiều vô biên và được bán ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Có một thực tế là cả chục năm lại đây ở nước ta có khá nhiều tay buôn đồ cổ người Trung Quốc thường xuyên sang ta để mua những món cổ vật Trung Hoa xưa mang về bán trong nước. Đồng thời ở ta cũng có một số người buôn cổ vật có nghề lại bay sang Trung Quốc, Thái, Hồng Kông, sang Châu Âu để mua gốm sứ Trung Hoa về bán trong nước. Chính vì sự sôi động như vậy nên vài năm lại đây giá những món cổ vật gốm sứ Trung Hoa dù non tuổi chỉ cách nay trên dưới 100 năm hoặc dân trong nghề gọi là “đồ chung chiêng” nhưng nhin chung đã được đẩy giá lên cao ngất ngưởng! Thiết nghĩ đó cũng là kết qủa làm “thị trường” rất giỏi, quảng bá xây dựng thị trường kinh doanh gốm sứ của người Trung Quốc rất tuyệt vời mà chúng ta đáng học. Mà đâu chỉ có gốm sứ Trung Quốc tràn sang ta, trống đồng Nam Trung Hoa cũng đã sang ta để phục vụ các đại gia mà điển hình là chiếc trống to đang bị tạm giữ như nhiều người đã biết. Họ đã dùng chính các người buôn cổ vật Việt Nam do hám kiếm lời quảng bá bán hàng tích cực cho họ. Quả là giỏi!

Bình gốm Trung Quốc độc sắc. TK: 11 - 12

 

Đã có thời cổ vật Việt được giá và có nhiều người chơi, nạn “chảy máu cổ vật” như trước đây giảm mạnh, nhưng nay phần thì cổ vật Việt hiếm đi, phần thì bị chính một số tay buôn Việt Nam do muốn cung cấp được nhiều đồ sứ Tầu chung chiêng cho nhiều đại gia nên họ đã tung tin làm hoang mang nhiều người không hiểu biết rằng:
- Nào chơi cổ vật đào lên dưới lòng đất sẽ bị xui xẻo!
- Nào chơi trống đồng sẽ dễ bị vạ lây, điển hình gần đây là vụ ở Ninh Bình!
- Nào chơi những đồ Thạp đồng Đông Sơn, thạp gốm hoa nâu là đồ tùy tang để trong nhà nên nguy lắm!
v…v và v…v…
Là người trong cuộc chúng tôi rất buồn vì chính một số kẻ xấu do hám lợi bằng mấy món sứ Tầu chung chiêng không rõ mới cũ ra sao mà đánh mất cả phẩm gía người Việt của mình. Kể cũng giữ cho nhau vì cuộc sống, còn nếu qúa nữa thì cũng có thể chỉ ra một số tay buôn đã tìm mọi cách để nói xấu cổ vật của dân tộc mình là ai chứ? Sợ gì họ! Thời buổi thông tin cơ mà.
Khác với người chơi và buôn cổ vật của các nước, họ cùng nhau hợp sức chung lòng cùng cơ quan quản lý của chính quyền có chung tiếng nói tôn vinh các cổ vật mang dấu ấn văn hóa dân tộc mình để vừa hướng cho dân chơi, vừa để kinh doanh thu ngoại tệ về cho đất nước, đằng này ở ta thì ngược lại, ngọai tệ lại chảy đi vào túi người nước ngòai để rước “đồ chung chiêng” mang về bán trong nước. Quả là chán thật!
Nhưng cái gì đến sẽ đến. Hiện tại đã có một số tay bị bội thực “đồ sứ ngoại chung chiêng” và chúng tôi nói đùa có lẽ phải dùng cả tạ tỏi thì mới tiêu đi được chứ chả chơi. Tại sao vậy? có lý do: Phần vì các đại gia lắm tiền nhưng ít hiểu biết về cổ vật bắt đầu thấy chán mắt, phần vì họ cũng ngộ dần ra cách chơi đồ cổ kiểu “trọc phú mới” của mình là như thế nào chứ. Đại gia là người rất thông minh và thực tế, họ đâu có bị hợm mẫi. Cái gì mà chả theo quy luật giá trị? Chúng ta những người chơi cổ vật tôn vinh giá trị văn hóa Việt tin rằng rồi nhanh chóng sẽ đến lúc “của cê - za phải trả lại cho cê – za”.