TẢN MẠN ĐÔNG SƠN XỨ THANH
Lan Phong
Trước khi vào chuyện VĂN HÓA ĐÔNG SƠN xin dẫn dắt một chút về Sử Ta để hiểu hơn về các giá trị của VĂN HÓA ĐÔNG SƠN - Một dòng văn hóa đặc sắc của dân tộc ta ngày nay - đã có trên vùng Bắc bộ Việt Nam trước khi người Hán tràn xuống đô hộ và đồng hóa các bộ tộc Lạc Việt, Việt Mường...
Theo dã sử truyền thuyết thì tổ tiên chúng ta ra đời từ mối tình bố Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng, rồi theo thời gian trên vùng đất dọc sông Hồng đã hình thành 18 đời Vua Hùng đóng đô trên đất tổ Phú Thọ ngày nay...Lịch sử lại viết người Việt chúng ta ngày nay là một trong số dân Bách Việt đã quần cư lâu đời theo hình thức các bộ tộc, bộ lạc để sinh sống, tồn tại trên một vùng đất rộng lớn trải dài từ phía Nam Trung Quốc cho đến xứ Thanh, Nghệ nước ta ngày nay.
Lịch sử viết rằng đến đời Tần Thủy Hoàng sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu thống nhất Trung Hoa chấm dứt thời Chiến quốc vào năm 221 TCN, xưng Hoàng đế lập nên nhà nước phong kiến tập quyền rộng lớn đầu tiên thì càng đẩy mạnh hơn quá trình người mở rộng cương vực, tiêu diệt các tộc người yếu hơn và đồng hóa họ. Nhưng nhà Tần tồn tại không dài, đến năm 206 TCN thì sụp đổ, Trung Hoa rơi vào loạn Hán - Sở tranh Hùng cho đến năm 202 TCN thì Lưu Bang thắng Hạng Võ lập nên nhà Hán, một nhà nước phong kiến văn minh, thịnh trị bậc nhất thời đó và tất nhiên cũng từ đây người Hán với các đời Hoàng đế của mình đã có luôn chính sách bành trướng chiếm đất đai, kiêm tính, đồng hóa các sắc tộc khác theo phương châm Hán hóa nhằm mở rộng cương vực và quyền lực. Vùng Bách Việt rộng lớn trù phú Nam Trung Hoa do Triệu Đà cai trịtất nhiên là mục tiêu cùa nhà Hán phải tiêu diệt và thế là nhà Triệu diệt vong. Thế rồi quân Hán tiếp tục tiến xuống xâm chiếm vùng đất Bắc Việt Nam ngày nay và đô hộ suốt gần ngàn năm mà lịch sử nước ta gọi là ngàn năm Bắc thuộc đau thương.
Để tóm tắt công cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ của người Việt ta chống lại sự đô hộ và đồng hóa dã man tàn bạo của người Hán phương Bắc trong nhiều thế kỷ, xin được trích một số câu chữ trong bản Bình Ngô Đại Cáo do Nguyễn Trãi viết năm 1428 thay lời Bình Định vương Lê Lợi tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh dành lại độc lập cho nước Đại Việt và Bài thơ LỊCH SỬ NƯỚC TA của Hồ Chí Minh viết năm 1942 sau khi Người về Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam dành độc lập cho dân tộc, quê hương.
Nguyễn Trãi:
“… Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Núi sông bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác, Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương…”
Hồ Chí Minh:
“… Dân ta phải biết sử ta/ cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam/…
… Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương…
… Nước Tầu cậy thế đông người/ Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam/Quân Tầu nhiều kẻ tham lam/ Quân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?
… Từ năm Tân Hợi trở đi/Tây đà gây chuyện thị phi với mình/ Vậy mà vua chúa triều đình/ Khư khư cứ tưởng là mình khôn ngoan/ Nay ta nước mất nhà tan/Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn (thời Tự Đức)
Để biết về Văn hóa Đông Sơn ta cần biết sơ lược về quá trình lịch sử ra đời và công sức của những bậc tiền nhân người nước ngoài và Việt Nam đã nghiêm túc nghiên cứu đưa ra các bằng chứng khoa học thuyết phục với quốc tế. Nhờ kết quả và kiến thức sau 20 năm tìm kiếm cổ vật Việt Nam đầu thế kỷ XX của người Pháp và một số nhà khảo cổ học người Âu trên một số địa phương của châu thổ Bắc bộ, họ mới chỉ tập trung vào địa bàn tỉnh Thanh Hóa, một số tỉnh Bắc Bộ và Quảng bình. Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại ở miền Bắc 1954, nhà nước ta có chủ trương huy động công sức của các chuyên gia khảo cổ Việt Nam tìm kiếm hiện vật nhằm khẳng định nguồn gốc tổ tiên người Việt chúng ta. Từ đó nhà nước ta đã có chủ trương tìm kiếm cổ vật, di chỉ dưới lòng đất, trong hang ở miền Bắc được trải rộng ra nhiều vùng lãnh thổ Việt Nam. Thông qua các hiện vật khảo cổ học đã giúp Việt Nam nắm vững hàng trăm di chỉ thuộc nền văn hóa Việt Nam cổ đại và được quy thành bốn giai đoạn văn hóa lớn dưới đây để khẳng định với quốc tế.
Người Việt cổ đại sống ở Bắc Việt Nam ngày nay đã trải qua nhiều ngàn năm với 4 thời kỳ.
1- Sơ kỳ đồ đồng (Giai đoạn văn hóa có tên Phùng Nguyên là một địa danh khảo cổ ở miền Bắc cách nay khoảng 4000 năm).
2- Trung kỳ đồ đồng (giai đoạn Đồng Đậu, cách nay 3500 năm đến 3300 năm).
3- Hậu kỳ đồ đòng giai đoạn Gò mun, cách nay khoảng 3000 năm.
4 Sơ kỳ đồ sắt, tức là giai đoạn văn hóa Đông Sơn, cách nay 2800 đến 2000 năm.
Cổ vật Văn Hóa Đông Sơn, cách nay 2000 đến 2500 năm.
Bước sang Sơ kỳ đồ sắt, thông qua dấu tích của Văn hóa Đông Sơn đã cho thấy người Việt cổ đại lúc này đã hoàn toàn làm chủ về nguyên liệu và công nghệ chế tác đồng thau để sản xuất ra nhiều loại hình công cụ, vũ khí, đồ trang sức và tượng nhỏ bằng đồng tinh xảo nhất còn lại đến ngày nay.
XUẤT SỨ VÀ TÊN GỌI “VĂN HÓA ĐÔNG SƠN” ?
Về xuất sứ và câu chuyện của tên gọi VĂN HÓA ĐÔNG SƠN đã có nhiều người viết, nhưng nghe thêm chắc cũng vui và không thừa.
Các cuốn sách xuất bản nửa đầu thế kỷ XX của những nhà nghiên cứu và Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp tại Đông Dương xưa xuất bản đã viết: Vào năm 1924, một ngư dân tình cờ tìm thấy bên bờ sông Mã mấy thứ đồ cổ bằng đồng trồi lên đất bãi. Sau đó có vài ông chủ, tiếp đến là các nhà khảo cổ người Pháp đã đến đây khai quật, sưu tầm thêm được hàng trăm cổ vật đủ loại ở địa danh này thuộc đất làng Đông Sơn nằm ven bờ sông Mã được giới nghiên cứu Pháp cũng như học giả nước ngoài hết sức quan tâm trong suốt thập niên 30 thế kỷ XX.
Các cổ vật tìm thấy ở Đông Sơn có lưỡi cày để xới đất, rìu để chặt cây, đóng thuyền và dựng nhà, lưỡi hái và nhíp để gặt lúa, dụng cụ săn bắt, chiến đấu, trống đồng v.v. Ngoài cổ vật chất liệu đồng thau là chính, còn tìm được ở đây một số tượng nhỏ bằng đá, gốm, sừng, gỗ… Về tượng có một đặc trưng rất riêng là các tượng đồng nhỏ thường được đúc liền vào các mặt trống, thố, môi múc rượu, đèn dầu, chuôi dao găm… có kích thước bề thế.Tượng người nhỏ đúc rời không nhiều và được cách điệu rất cao và hết sức sinh động. Trên một số cổ vật trống, thố có các cảnh giã gạo, chèo thuyền, đánh trống và người nhảy múa luôn được nêu bật giữa những hình nhà sàn, thú vật. Hình tượng thể hiện trên những chiếc thuyền có nhiều người chèo và lính chiến cầm rìu, cầm giáo hay băn cung, thậm chí có cảnh hiến tế địch nhân bại trận, hình gia súc trâu bò, chó lợn, gà vịt, nhiều loài chim bay, chồn cáo, huơu nai, hổ báo, cá sấu, trong đó có cả hình giao phối của những cặp chim nước, cá sấu rất phong phú, độc đáo.
Các nhà khảo cổ học châu Âu thời đầu thế kỷ XX đã nghiên cứu tổng hợp các mẫu hình trang trí trên cổ vật đồng tìm thấy ở Đông Sơn họ đã phát hiện thấy một bức tranh toàn cảnh khá phong phú và xác thực về cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu, lễ hội của cộng đồng người Việt cổ cách đây hơn hai ngàn năm đã chế tác ra rất tinh xảo, mang dấu ấn độc đáo với hình dáng, họa tiết chế tác rất khác với các cổ vật đồng đã được tìm thấy ở các vùng cư dân khác ở phía Nam Trung Hoa và Đông Nam Á. Qua các cổ vật tìm thấy ở Đông Sơn và vài nơi khác dọc châu thổ sông Hồng, sông Mã, sông Cả của nước An Nam phong kiến triều Nguyễn họ khẳng định đây là dấu tích chế tác đúc đồng thau đã được hình thành thuần thục trước khi người Hán phía Bắc tràn xuống chiếm đóng đô hộ vùng đất này vào đầu công nguyên. Trong các loại hình cổ vật đồng thau tìm thấy ở Đông Sơn có thạp đồng là một loại hình rất riêng biệt mà các vùng đất ở Nam Trung Hoa và Đông Nam Á không có. Những chiếc thạp đồng làm ra để làm đồ đựng với kích thước lớn bé khác nhau.Thạp có kích thước lớn, hình trụ hơi phình, miệng có gờ nổi và có nắp đậy,loại nhỏ hơn thì miệng trơn không có nắp. Nhiều thạp khai quật lên, thấy có chứa những đồ trang sức, dụng cụ. Tiếp tục về sau nhiều thạp đồng, trống đồng, các loại vũ khí, công cụ sản xuất, sinh hoạt… đã được khai quật tại các tỉnh Vĩnh Phú, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An… cho thấy người Việt cổ đã tồn tại những nhóm thợ có kỹ thuật đúc đồng thau tinh xảo đi đến các địa phương khác nhau để đúc ra các sản phẩm từ trống, thạp, vũ khí, công cụ, nhạc khí… nhằm đáp ứng nhu cầu của cư dân các vùng mà không phải chỉ có đúc đồng ở Đông Sơn, Thanh Hóa.
Về kỹ thuật chế tác trên đồ đồng Đông Sơn là “hình khắc” trên bề mặt các hiện vật. Thật ra, đó là những hoa văn, họa tiết được đúc để tạo ra từ những nét chìm, nổi trên bề mặt hiện vật. Như vậy rõ ràng cách nay trên dưới 2000 năm mà ông cha ta đã biết thuần thục phương pháp đúc đồng thau để tạo ra các công cụ sản xuất, săn bắt, vũ khí, nhạc khí, chiêng, trống… để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Đó là một công nghệ đúc đồng thau rất tinh xảo, hiệu quả hơn rất nhiều so với kỹ thuật khắc chìm lên hiện vật sau khi đã đúc tạo bề mặt nhẵn. Và thật không đơn giản để có thể sắp đặt chính xác cả một hệ thống đường nét chi chít, với nhiều vòng tròn đồng tâm, nhiều khoảng cách chia đều, và vô vàn tiểu tiết kích thước chỉ dăm ba milimets dàn kín trên một mặt các hiện vật.
Đặc điểm quan trọng của nghệ thuật đồ Đông Sơn, là vị trí chủ đạo của hình tượng người hòa với thiên nhiên. Con người lao động, đánh cá, săn bắn. Con người đánh trống, thổi kèn. Con người cầm vũ khí bảo vệ làng bản quê hương, và tưng bừng nhảy múa mừng chiến công hay cảm tạ thần linh… Đó là con người thuần hậu, hiền hòa, mang tính nhân bản sâu sắc. Bên trong cạnh và xung quanh con người đầy ý thức làm chủ ấy, là những “cánh cò bay lả bay la”, những con chim Lạc chim Hồng, những đàn cá lội tung tăng… Đó đây, hình tượng ghép đôi của muông thú, cảnh ái ân nam nữ còn nói lên niềm tin phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước khát khao cuộc sống no ấm yên vui.
Xét về tính đồ họa, xử lý nét hình, thì với công nghệ chế tác tinh vi như thế và nội dung miêu tả phong phú sinh động như thế, các hình trang trí trong nghệ thuật Đông Sơn, đặc biệt các hệ đường nét trên các trống đồng, rất khúc chiết, nhiều khi rối rắm mà vẫn giữ được nhịp điệu hài hòa, đạt tới đỉnh cao ít gặp.
Nếu nghiên cứu kỹ hơn ta còn gặp trên đồ đồng Đông Sơn cách xử lý tạo dáng người rất độc đáo, trùng hợp với nghệ thuật Ai Cập cổ đại. Đó là lối tả đầu và chân nhìn nghiêng, nhưng thân người lại nhìn thẳng, thấy cả hai vai. Hình chim bay thì cánh và đuôi nhìn từ trên xuống, song đầu và mỏ nhìn ngang. Ngoài ra, không một hình người hay hình thú, hình chim nào được tả thẳng mặt. Tất cả đều nhìn nghiêng, tiếp nối diễu hành, nếu là trên một vành tròn thì đi ngược chiều kim đồng hồ (với ngoại lệ cực hiếm). Qua nhãn thức tạo hình như thế, không gian được khép kín, như một quy tắc.
Dù tả người, tả vật hay hoa văn họa tiết thì toàn bộ nét hình đều được sắp xếp nhịp nhàng theo những hệ thống mạch lạc khúc chiết. Cách dàn dựng hài hòa đạt tới trình độ rất cao của tổ tiên ta vào thời điểm cách nay trên 2000 năm là niềm tự hào cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay.
Nghệ thuật chế tác đồng cùng thời với văn hóa Đông Sơn không hề khép kín, mà cũng giao lưu hội nhập tới mức nào đó với các nền văn hóa cùng thời: trống đồng Việt Nam hiện diện trong khu vực trống đồng Hoa Nam và nhiều nước Đông Nam Á lục địa hay hải đảo. Ngược lại, tượng tròn của người Điền xưa ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và một vài yếu tố tạo hình khác từ các đảo quốc lân bang cũng đã ảnh hưởng tới nghệ thuật Đông Sơn.
Trống đồng thời cổ không chỉ đào được tại Việt Nam. Các quốc gia xung quanh ta, từ miền nam Trung Hoa đến các đảo quốc như Indonesia hay Malaysia đều phát hiện được trống đồng cổ. Tuy vậy, bộ sưu tập trống đồng phong phú, đầy đủ, có hệ thống ở nước ta đã chứng minh rằng nền Văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ đã phát sinh và phát triển ngay tại bản địa, trái với giả thuyết trước kia của học giả nước ngoài cho là du nhập từ nền văn hóa lân bang.
Việc phát hiện khu di tích Đông Sơn cũng khá đặc biệt vì chỉ từ một nông dân làng Đông Sơn, sau cơn nước to, ra bờ sông Mã câu cá, đã ngẫu nhiên phát hiện được một số đồ đồng nằm trong lòng đất nơi bờ sông bị lở. Những đồ đồng này được đem bán cho L. Paot, một viên chức thuế quan Pháp ở Thanh Hóa. Phát hiện này được báo đến Trường Viễn Đông Bắc cổ và Paot được ủy nhiệm tiến hành “khai quật” khu di tích này của làng Đông Sơn.
Sách của một số nhà nghiên cứu đã viết sau khi người Pháp xâm chiếm nước ta, một số sỹ quan, doanh nhân Pháp sang Đông Dương khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Ở đây vừa làm ăn vừa tìm cổ vật để chơi hoặc bán cho bảo tàng nước họ.Trong giai đoạn đầu từ những năm cuối thể kỷ XIX, cùng với việc do thám tìm hiểu tình hình để xâm lược và bình định Miền Bắc nước ta dưới danh nghĩa “học giả”, “nhà nghiên cứu”, “nhà thám hiểm” họ đã tiến hành thu lượm mua bán một số hiện vật ở miền núi và đồng bằng lưu vực Sông Hồng. Trong số đó hoạt động tích cực và có hiệu quả hơn cả là hai ông D’Argence và Demange.
Là thực dân xâm lược nênD’Argence và Demange đã sục sạo suốt từ Bắc Ninh tới Ninh Bình, Thanh Hóa và tập trung hơn cả là vùng Hà Đông, Sơn Tây để thu lượm được một số lượng lớn các cổ vật kim khí như như rìu, giáo, dao, lao, dao găm, trống đồng, hộ tâm, nhạc khí… trong giai đoạn từ năm 1913 đến cuối thập niên 20 thế kỷ XX. Các cổ vật họ tìm, mua hoặc cướp được đã được bán lại cho Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp ở Hà Nội và một số Viện Bảo tàng ở Pháp, châu Âu. Đây là bộ sưu tập cổ vật Việt Nam lớn nhất, phong phú nhất, lần đầu tiên được thế giới biết đến.
Cổ vật Văn Hóa Đông Sơn, cách nay 2000 đến 2500 năm.
Thời kỳ này, cùng với việc thu lượm mua bán cổ vật của các quan lại người Pháp, chính quyền thực dân đã thành lập phái đoàn khảo cổ Đông Dương (Mission archéologiqued’ Indochine) vào năm 1989, sau đổi thành Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp (École Francaise d’Extreme-Ỏient) năm 1900, trong đó có Viện Bảo tàng trưng bày các hiện vật khảo cổ và lịch sử cổ đại của An Nam mà họ có được.
Bằng những tư liệu thu lượm được, ông H.Parmentier với cương vị phụ trách khảo cố của Trường Viễn Đông Bác cổ lúc bấy giờ viết tác phẩm Những chiếc trống đồng cổ (Parmentier 1918) đã lưu ý đến sự giống nhau một cách kỳ lạ giữa hoa văn trên trống Ngọc Lũ với hoa văn trang trí trên đồ đồng của nhà sưu tập cổ vật D’Argence.
Cũng trong thời gian này, học giả người Đức F.Heger trong cuốn Những trống đồng cổ ở Đông Nam Á đã phân loại các trống đồng cổ tìm thấy ở Bắc Việt Nam và Đông Nam Á thành 4 loại và đặt tên Heger từ 1 đến 4 để phân biệt rõ niên đại sản sinh, yếu tố mỹ, kỹ thuật… của từng chiếc trống đồng cổ.
Nhưng phải đến năm 1924, tình hình nghiên cứu văn hóa Việt Nam cổ đại của người Pháp mới có bước biến chuyển mới do việc họ phát hiện và tổ chức khai quật khu di tích cư trú và mộ táng Đông Sơn ven bờ sông Mã thuộc thị xã Thanh Hóa. Đây là dấu mốc rất quan trọng khi nói về Văn hóa Đông Sơn.
Sau khi những tài liệu về cuộc khai quật của Pajot ở Đông Sơn được công bố đã có tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới, thu hút sự chú ý của nhiều học giả nghiên cứu về Đông Nam Á. Nhưng mãi đến năm 1934, trong một bài nghiên cứu về cổ vật đồ đồng ở Đông Nam Á, nhà khảo cổ học người Áo Heine - Geldern mới đề nghị đặt tên cho loại hình cổ vật này là cổ vật Đông Sơn. Thế là từ đây thuật ngữ Văn hóa Đông Sơn được các nhà khảo cổ học thế giới và trong nước sử dụng rộng rãi trong nhiều công trình nghiên cứu của mình.
Tiếp theo cuộc khai quật di tích Đông sơn của Pajot, từ năm 1935 đến 1939, Olov Janse, nhà khảo cổ học Thụy Điển, theo lời mời của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, đã 3 lần khai quật di tích Đông Sơn và điều tra thu thập Báo cáo sơ bộ về Viện Viễn Đông Bác Cổ về cuộc khai quật này được và đã được công bố từ trước Đại chiến Thế giới lần thứ hai 1939-1945, nhưng báo cáo chính thức thì mãi đến sau này mới được công bố đầy đủ trong 3 tập Nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Dương vào các năm 1947, 1951, 1958.
Qua báo cáo thì cuộc khai quật quan trọng nhất của Janse ở Đông Sơn được tiến hành vào năm 1935, thu lượm được 700 hiện vật đồng thau. Và trong cuộc khai quật năm 1936, Janse cũng phát hiện được nhiều cột nhà, cọc tre, gỗ cạnh khu vực Pajot đào dưới độ sâu 2m bên cạnh mảnh gốm, thạp đồng và xương trâu. Cũng như Pajot trước đây, Janse cho đây là tàn tích nhà sàn của cư dân Đông Sơn.
Trong lớp đất đen, dày khoảng 1m, Janse đã phát hiện được nhiều mộ táng thời đại đồng thau nằm gần hoặc chồng chất lên nhau, có nơi những mộ táng này bị các ngôi mộ thời Hán, thời Đường chôn xen vào hoặc chồng lên trên.
Bộ sưu tập hiện vật do Janse khai quật được cũng tương tự như bộ sưu tập của Pajot trước kia song không phong phú bằng. Rất tiếc bộ sưu tập hiện vật này phần lớn đã bị mang sang Châu Âu, Châu Mỹ từ trước Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Cuộc khai quật của Janse tuy bảo đảm tính chất khoa học hơn của người tiền bối song mãi đến những năm 50 mới được công bố chính thức.
Rõ ràng chính từ các cổ vật tìm được ở Đông Sơn, Thanh Hóa và một số địa danh khác ở Bắc bộ vào thập niên thứ 2 thế kỷ XX nhưng mãi đến năm 1934 các nhà khảo cổ học người Pháp, Áo, Hà Lan nổi tiếng thế giới thông qua Viện Viễn Đông Bác Cổ Đông Dương có trụ sở tại Hà Nội đã đặt tên cho chúng là Cổ vật Đông Sơn Việt Nam.Tóm lại, suốt trên nửa thế kỷ tìm kiếm, tuy còn nhiều hạn chế nhưng các học giả nước ngoài đã phát hiện được một nền văn hóa Đông Sơn độc đáo, phong phú trên đất nước ta tập trung chủ yếu trên lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả.
Từ liệu tuy còn hạn chế ở một vài di tích, song với sự phong phú và độc đáo, văn hóa Đông Sơn đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả nước ngoài. Nhiều học giả nước ngoài đã có công trình nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn hoặc liên quan đến văn hóa Đông Sơn trong mối liên hệ với văn hóa khu vực, văn hóa Trung Quốc và xa rộng hơn. Nhà nghiên cứu Goloubew, sau công trình “Thời đại đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ” đã liên tục công bố các công trình về văn hóa Đông Sơn qua các tập sách Nguồn gốc và sự phân bố của trống đồng kim loại (1932a), Khai quật ở Đông Sơn (1932b), Cư dân Đông Sơn (1936), Cư dân Đông Sơn và người Mường (1937), Nhà Đông Sơn (1938), Trống Đồng Hoàng Hạ (1940). Karlgren, một học giả Thủy Điển, tuy không đến khai quật ở nước ta, song bằng phương pháp so sánh hoa văn trang trí trên đồ đồng đã nghiên cứu niên đại văn hóa Đông Sơn trong công trình “Niên đại sơ kỳ văn hóa Đông Sơn (1942)”. Ông Janse ngoài 3 tập báo cáo khai quật Nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Dương, trong những năm 1947, 1951, 1958, đã lần lượt công bố nhiều công trình về Văn hóa Đông Sơn và Văn minh Việt Nam như “Nguồn gốc văn minh Việt Nam (1959); Việt Nam - Ngã tư của các dân tộc và các nền văn hóa (1961). Với những công trình này, Janse được xem như là chuyên gia quyền uy về khảo cổ học Việt Nam đối với các nước Phương tây.
Một điều đáng lưu ý là Trường Viễn Đông Bác cổ tiến hành nhiều cuộc khai quật ở di tích Đông Sơn, do Pajot và sau đó là Janse chủ trì thì cũng là lúc mà nhiều nhà học giả người Pháp ở Trường này đã tập trung công sức nghiên cứu thời sơ sử nước ta. Như nhà nghiên cứu Aurousseau viết tác phẩm“Cuộc chinh phục đầu tiên đất đai An Nam của người Trung Hoa vào thế kỷ III trước Công nguyên (1924); Madrolle viết Bắc Kỳ thời cổ (1937)… nhưng những di tích và di vật văn hóa Đông Sơn chưa được xem là chứng tích lịch sử của thời kỳ đầu tiên này.
Cổ vật Văn Hóa Đông Sơn, cách nay 2000 đến 2500 năm.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, với việc hình thành nền khảo cổ học Việt Nam độc lập đã đưa dần công cuộc nghiên cứu văn hóa Đông Sơn vào một giai đoạn mới.
Các công trình Văn hóa Đông Sơn hay Văn hóa Lạc Việt, Văn hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt của Đào Duy Anh (Đào Duy Anh 1954, 1957); Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam của Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn xuất bản năm 1960). Đáng chú ý là trong thời gian này có cuộc tranh luận về Việt Nam có trải qua chế độ chiếm hữu nô lệ hay không trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Trong các công trình của mình, các tác giả đều đã đề cập đến nền Văn hóa Đông Sơn và xem nó là cứ liệu có sức thuyết phục nhất.
Để tiếp tục nghiên cứu về Văn hóa Đông Sơn, Việt Nam đã triển khai một số cuộc khai quật trên lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả Việt Nam đã cho tiến hành khai quật nhiều di chỉ. Mở đầu là cuộc khai quật di chỉ Thiệu Dương thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh hóa năm 1960, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Boriscovsky, chuyên gia khảo cổ Liên Xô (cũ).
Qua chuyện trên, với suy nghĩ của một người ham thích nghiên cứu, sưu tập cổ vật Việt và với tấm lòng của mình mạnh dạn xin thưa:
XỨ THANH GIỜ ĐÂY ĐÃ PHÁT TRIỂN, CÓ ĐIỀU KIỆN NÊN CẦN KỊP THỜI XÂY DỰNG ĐƯỢC CÁC BỘ SƯU TẬP, BẢO TÀNG CỔ VẬT ĐÔNG SƠN, CỔ VẬT THỜI TIỀN LÊ, THỜI LÊ SƠ LÀ NHỮNG CỔ VẬT VIỆT RẤT QÚY, RẤT ĐỘC ĐÁO KHẲNG ĐỊNH DẤU ẤN VĂN HÓA VẬT THỂ CỦA DÂN TỘC. XỨ THANH GIỜ ĐÂY SONG SONG VỚI VIỆC CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI ĐỂ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN CẦNKHUYÊN KHÍCH, TẠO ĐIỀU KIỆN XÃ HỘI HÓA VIỆC BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA VẬT THỂ MANG DẤU ẤN CỦA VÙNG ĐẤT NÀY KHẺO SẼ MUỘN!