TÁN TRUYỆN CŨ MỚI

Vừa về Hà Nội cuối chiều thứ sáu đã có người bạn vong niên í ới mời đến nhà ở ngay bên Hồ Hoàn Kiếm sáng thứ bảy để Cafe cùng mấy bạn trẻ mê chơi cổ vật. Ngày nghỉ đường phố vắng phi xe máy lang thang kể cũng thú và đã lâu không đến hồ ngày đi bộ nên nhận lời mời vì biết với dân chơi cổ vật thường hẹn gặp nhau chỉ để kháo những tin tức về cổ vật rồi bình và tán phét vô hại.

Tào lao Café một hồi thì anh bạn trẻ lấy trong ba lô một món đồ sứ Trung Hoa ký kiểu thời Lê - Trịnh mới mua được nhờ xem. Thế là lại gặp khó rồi đây! tôi nghĩ trong đầu vì đã bị vào thế “tiến thoái lưỡng nan” buộc phải có ý kiến của mình.

- Đã lâu rồi mình có chú ý gì nhiều về cổ vật nữa đâu bạn? Trông đẹp đấy. Nhưng cậu hãy đi hỏi cao thủ hiện tại đang buôn bán đồ này ngang dọc thì mới rõ. Cần thì mình cho số điện thoại để liên hệ nhé. Tôi gỡ bí.

- Vâng bác cho em số vậy. Anh bạn trẻ tỏ không vui lẳng lặng cất lại ba lô.

- Nhân có Cafe ngon chủ nhân đãi chúng ta, tớ kể vài chuyện chơi cổ vật thời thập niên 1990 ở Hà Nội nhé.

- Hay quá. Ông bác kể đi.

- Những năm đầu Việt Nam MỞ CỬA quan hệ làm ăn kinh tế với thế giới thì dân buôn bán ngầm ngoại tệ, đá quý, cổ vật ở Hà Nội đã có khá nhiều chuyện đáng để người mê cổ vật lớp sau biết. Họ giỏi lắm. Các vị biết không? Đồ sứ Tầu thời Minh, Thanh đẹp ở miền Bắc (gọi là đồ Bắc Kỳ) thì chảy mạnh vào Q 5 Tp HCM để khách Bankoc, Hongkong sang mua. Còn đồ sứ Trung Hoa thời Thanh do vua chúa VN đặt các Lò Quan ở Trung Quốc ký kiểu mang về dùng trong cung phủ với hiệu đề “Nội Phủ Thị Trung, Nam, Bắc, Đoài, Khánh Xuân” thời Lê - Trinh; rồi đồ hiệu đề “Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Chữ Nhật” do Triều Nguyễn đặt Lò Trung Quốc làm lại bắt đầu được dân chơi Hà Nội chú ý mua với giá cao hơn đồ gốm Việt cổ rất nhiều. Thế là ở Hà Nội đã có vài người giỏi đồ sứ cổ Trung Quốc mà tôi quen biết (nhưng không tiện nói tên) đã bí mật mang mẫu đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh sang Cảnh Đức Trấn đặt làm một số, chủ yếu là mẫu “Khánh Xuân Thị Tả” vì có kích thước lớn và đồ họa rồng phượng rất đẹp. Ngược lại do có nghề nên họ chọn mua những Thống, Bình, Lọ sứ xanh trắng, sứ mầu “phóng tác” như cách Trung Quốc gọi - tức đồ giả cổ - thời Minh, Thanh được các Lò gốm sứ cao cấp ở Cảnh Đức Trấn, ở Giang Tây làm rất tinh xảo mang về nước bán cho người Việt chơi với giá rất tốt. Có người đã nói với tôi thế này.

- Anh ơi giờ đây nhà em chuyển sang buôn đồ sứ Trung Quốc làm mới giả cổ còn lãi hơn nhiều so với mua bán đồ sứ cổ thật vì tìm khó lắm!

- Còn về đồ ta, tức cổ vật gốm, đá Đại Việt ra đời vào các thời nhà Lý, Trần, Lê (TK 11 - 17) thì lại được người nước ngoài lùng mua mang về nước vì với họ đó là dấu ấn văn hóa Việt từ thời xa xưa còn sót lại. Ở Hà Nội thời đó sôi động tìm kiếm mua bán cổ vật gốm Đại Việt, đồng Đông Sơn vì có đầu ra và người yêu đồ ta bắt đầu nhiều lên. Để sửa những món đồ nằm sâu trong lòng đất nhiều thế kỷ ở Hà Nội và vài tỉnh bắt đầu có một số người làm nghề chỉnh, sửa đồ. Tôi biết có một người rất nổi danh (không muốn nêu tên) vì ngoài việc rất giỏi chỉnh sửa những món cổ vật gốm Đại Việt còn tự dựng lò để sản xuất nhiều món đồ gốm Việt giả cổ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chuyện về giới cổ vật Hà Nội thời cuối thế kỷ XX ở Hà Nội đã có những việc đáng nhớ ấy đấy các bạn ạ.

- Hay quá. Còn về chuyện đồ gốm Việt vớt biển thế kỷ 15 chắc ông bác cũng biết rõ vì chúng em có đọc một số bài viết trước đây trong đó có bài của bác. Tiện đây bác nói thêm được chứ? Một anh bạn trẻ hỏi.

- Về cổ vật gốm Việt men xanh trắng TK 15 xuất khẩu ta vớt được từ con tầu đắm ở Cù Lao Chàm miền Trung cuối thập niên 1990 đã có nhiều người trong cuộc viết. Từ phát hiện đến tổ chức liên kết với nước ngoài trục vớt hiện vật, rồi nhà nước cho phép Bảo tàng Lịch sử VN giữ lại một số hiện vật độc bản, chuyển cho Bảo tàng Hải Dương một số vì cho rằng đây là gốm Chu Đậu sản xuất, đồng thời cho tham gia tổ chức đấu giá lô cổ vật này ở Mỹ năm 2000 theo Hợp đồng với đối tác trục vớt nước ngoài… đã được viết nhiều rồi. Tớ chỉ muốn nói về ý riêng mình nghĩ về lô đồ vớt này và đã có viết trên Tạp chí CVTH trước đây để các vị nghe lại thêm thôi nhé. Tùy mọi người nghĩ, không quan trọng.

Thời đó dân chài Cù Lao Chàm đi đánh cá vô tình đã cào vớt được nhiều hiện vật gốm xanh trắng ở con tầu đắm này rồi đem đi bán, về sau cơ quan quản lý mới biết và nhà nước mới cho liên kết với nước ngoài để trục vớt. Dân mua bán cổ vật Lê Công Kiều Tp HCM bỏ tiền mua khá nhiều món đồ đẹp như bình, bầu vú, tượng người, vật, ấm, đĩa, chén… gốm men xanh trắng và men mầu tam, ngũ thái được xác định là gốm Việt xuất khẩu TK 15. Vì là hàng xuất khẩu nên từ cốt đất, hình vẽ kỹ, sinh động và men rất đẹp. Do có nghề nên dân buôn đã mua rất nhiều để bán cho khách trong, ngoài nước. Để ép giá mua họ đưa ra 2 lý do, đó là cổ vật mà giống nhau nhiều thì không quý hiếm, mặt khác là đồ vớt biển ngâm nước mặn nhiều trăm năm nên không quý như các cổ vật không bị ngâm lâu dưới biển. Thế là thời đó bao nhiêu Ken đi (bầu vú), đĩa to, ấm cách điệu uyên ương, tì bà bình, chum… vẽ lân, cá, rồng, tượng người, con giống… đã được mua bán với giá khá rẻ. Nhưng cho đến nay những món cổ vật gốm Việt TK 15 đẹp vớt được từ tầu đắm Cù Lao Chàm năm xưa đã hầu như không còn thấy ở các cửa hàng mua bán cổ vật nữa và nó ở đâu thì các vị đã hiểu. Do vậy chơi cổ vật không thể chơi theo tin đồn và dư luận được mà phải có kiến thức. Nghe người buôn bán xui thì chỉ nghe một phần thôi. Thiết nghĩ giờ đây những ai mà giữ được nhiều những món đồ vớt thời đó chắc chắn bây giờ mừng thầm trong bụng và vui ra mặt đấy các vị ạ.

Còn chuyện nữa: Vì qua cuộc chơi và có được một số hiện vật cụ thể tôi vẫn cho rằng lô đồ gốm Việt TK 15 xuất khẩu vớt được từ tầu đắm Cù Lao Chàm và một số hiện vật bát, đĩa gốm men xanh trắng vẽ rồng phượng do Viện Khảo Cổ VN đã tìm thấy được ở Hoàng Thành Thăng Long công bố trên sách báo có đồ họa, men, cốt đất, nét vẽ rất chi tiết, nét nhỏ, kỹ, đẹp… khác hẳn với hiện vật còn sót lại của hơn một chục nền lò sản xuất gốm cổ Chu Đậu, Hải Dương. Phải chăng ta chưa tìm được Lò quan nào ở Thăng Long đã sản xuất ra loại gốm cao cấp này chứ không phải ra đời từ các Lò gốm cổ Chu Đậu như thiên hạ hiện vẫn cho như vậy chăng?

- Chuyên cổ vật thế là vui rồi, thôi ta chuyển chủ đề cho khác đi nhé. Em muốn nghe ông anh buông vài lời về việc vài hôm nay mạng xã hội đang rào rào nói về 2 nghệ sỹ Hà Nội đã thành danh bị vướng vào lao lý ở trời Tây do hám của lạ? tay chủ nhà cười và lên tiếng.

- Sao không hỏi các bạn trẻ ngồi đây mà hỏi tớ? Già rồi.

- Nghe cụ mới vui chứ sao? Đám trẻ thì nghe nhiều rồi.

- Mình nghĩ thế này. Cái món ấy từ ngàn xưa ai mà chả thích của lạ. Chỉ tiếc “soái ca, soái tướng” gì mà lại dại dột vậy thôi. Tóm lại phải nghe người xưa dậy: Trong nhà nhất mẹ nhì con, ra đường mới biết mình là chi chi! Trái đất này không thiếu cạm bẫy mà không biết bảo nhau tránh đi thì khổ vào thân. Có vậy thôi. Nhưng nghĩ đi thì nên nghĩ lại vì ở đời đã có vè: “Thương thay cho đấng nam nhi, cớ sao không thích mó ti đàn bà?”. Thiên hạ còn nhân văn như vậy cơ mà, nên theo mình mọi người đừng làm ầm lên nữa mà để những người hữu trách chủ động làm việc với nước ngoài bảo hộ công dân sớm đưa 2 “soái ca, soái kiếc này” được sớm về nước đoàn tụ gia đình và bản quán là tốt nhất. Nhân văn là chỗ này.

Thôi xin chia tay các bạn để ra Hồ đi bộ làm vài tấm ảnh vì trời đang đẹp. Tạm biệt mọi người nhé. Cám ơn buổi Cafe vui vẻ hôm nay. Hẹn có dịp gặp lại./.