TẨU THUỐC LÁ - BẦU VÚ (KENDI)

CỦA NHỮNG NGƯỜI QUÁ CỐ

                                                                                  Đào Phan Long

          Trên đời ngoài anh em ruột thịt, họ hàng ai cũng có bạn xã hội. Bạn có thân, sơ, bạn vong niên, bạn tâm giao, bạn chí cốt … để sẻ chia buồn vui, giúp nhau khi tắt lửa tối đèn, học hỏi, tâm tình trao đổi với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Tùy thuộc hoàn cảnh công việc, gia đình, điều kiện kinh tế và đặc biệt là hợp nhau về cách sống, về suy nghĩ mà mỗi người có cách kết bạn khác nhau.

Giờ đây tôi đã U 80, đại dịch Covid 19 đang hoành hành, thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng dịch trong tháng 7-2021 cho nên chỉ ngồi nhà. Khi có việc cơ quan chỉ Alo, trao đổi Email, đọc tài liệu, lướt mạng xã hội, xem TV cho đỡ buồn. Tình cờ đọc lại bài viết của anh Trần Quốc Vượng lúc sinh thời NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ đã viết cách nay mấy chục năm trên Facebook của Nguyễn Hữu Chuyên lấy từ Nguyễn Hồng Giang làm tôi nhớ lại một thời đã qua và thấm thêm sự dũng cảm của một trí thức yêu nước đã sớm có tinh thần thẳng thắn, tâm huyết nói lên suy nghĩ của mình với các cấp quản lý nhà nước, với công luận như anh Trần Quốc Vượng.

Hiện tại nhân loại đang gặp lũ giặc vô hình Covid 19, sống chết khó lường nên càng nhớ anh và nhớ anh Hà Nghiệp cùng một số anh em trí thức khác mà tôi từng quen thân. Họ là những trí thức cũng có nhiều suy nghĩ, trăn trở như Trần Quốc Vượng, nhưng cách thể hiện chính kiến khác nhau. Họ cũng giống anh là đều chấp nhận vượt qua mọi tính toán lợi ích cá nhân và cả nỗi sợ hãi để nói lên suy nghĩ của mình với dân với nước. Qua thực tiễn cuộc sống của bản thân và gia tộc mình đã trải qua bao thăng trầm cùng đất nước, tôi nhìn lên, nhìn xuống so với thiên hạ tự thấy mình cũng ổn hơn nhiều người vì đã tự chọn con đường đi riêng. Nói vui như có câu hát chế ngoài xã hội: “Ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn!” 

Cuộc đời ai cũng có vui, có buồn, có tự hào, tiếc nuối, đắng cay. Biết vậy nên tôi đã chọn cách sống, việc làm theo sở thích, đạt được ý muốn và có được nhiều bạn tri kỷ, anh em thân tình ngoài xã hội, trong họ mạc để chia sẻ vui buồn, giúp nhau vượt khó tự coi đó là hạnh phúc. Cuộc đời nói dài, nói ngắn ngủi, nói vui, nói buồn, nói sướng, nói khổ… đều đúng vì tùy số mệnh. Không ai giống ai nhưng thường khi nhớ đến người thân ai cũng hay tìm xem lại những kỷ vật đã được tặng hoặc tìm những bức ảnh còn cất giữ để xem cho ấm lòng để nhớ lại một thời.

Cuối thập niên 80 đầu 1990 sau khi Việt Nam có chính sách ĐỔI MỚI & MỞ CỬA giao thương với quốc tế tôi mới ngoài tứ tuần. Thời đó cán bộ công nhân viên đi làm cho nhà nước nghèo lắm vì cả nước chỉ trông vào nguồn ngoại tệ xuất khẩu dầu thô khoảng 1 tỷ USD, toàn bộ vật tư hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, hàng hóa để xuất khẩu rất ít vì Mỹ bắt tay với Trung Quốc cấm vận, Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã không còn bầu vú viện trợ nước ngoài, dẫn đến xí nghiệp, nhà máy, công trường… chết dần. Đây là hậu quả của quản lý nhà nước theo mô hình kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, quốc doanh, hợp tác xã hóa toàn diện, chống kinh tế thị trường, không thừa nhận kinh tế và sở hữu tư nhân …

Để thoát khỏi những khó khăn trên, một mặt nhà nước phải thay đổi chính sách quản lý kinh tế xã hội, từng bước chuyển đổi vận hành nền kinh tế theo quy luật thị trường, thừa nhận sự tồn tại nhiều thành phần sở hữu tư liệu sản xuất hợp pháp, ban hành Luật Cty … kết hợp từng bước cắt giảm quỹ lương của nhà nước bằng cách sáp nhập một số Bộ, ngành, cơ quan, cho xuất ngũ một số quân trong gần 2 triệu người, cho cán bộ công nhân viên nhà nước được nhận trợ cấp một lần để tự tìm việc mới… Lúc này tôi đang làm thư ký giúp việc Bộ trưởng và công việc thuận lợi nhưng đã quyết định xin được ra ngoài đi làm tự do, không ăn lương nhà nước. Từ thủ trưởng cho đến anh em trong cơ quan bộ và cả cha mẹ, anh em ruột của tôi đều rất bất ngờ. Để tạo điều kiện cho tôi Bộ trưởng đồng ý và quyết định cho biệt phái đi làm việc hội hè, không ăn lương ở Bộ và vẫn để sinh hoạt đảng, biên chế ở Văn phòng Bộ. Thế là từ đây tôi bắt đầu tự quyết định chọn công việc cho mình và tự tìm nguồn thu nhập nuôi gia đình 1 vợ 2 con vì vợ tôi cũng đã xin nghỉ làm nhà nước nhận một lần trợ cấp. Tôi chỉ giải thích với mọi người rằng mình muốn thử sức với đời và làm theo ý của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói “Hãy tự cứu mình trước khi ông trời cứu!”. Khi tự quyết định rời bầu vú nhà nước đã nuôi dưỡng mình một thời để đi làm tự do nay nghĩ lại kể cũng liều, nhưng rồi nghĩ lại thấy đó là quyết định không sai. Ngoài công việc ở Hội KHKT Cơ khí Việt Nam tôi xin thành lập Cty TNHH kinh doanh vật tư, thiết bị cơ khí hoạt động theo Luật Cty mới ban hành. Là anh cán bộ quèn đi làm cho nhà nước làm gì có tiền nên bước đầu phải đi vay vật tư, sản phẩm ở một số nhà máy ở Bộ có giám đốc quen thân để kinh doanh, sau đó thanh toán, cám ơn đàng hoàng. Một thời gian sau tôi tìm được một vài đối tác làm ăn trong, ngoài nước thế là bắt đầu có lối đi riêng khá ổn. Cũng từ đây tôi rủng rỉnh tiền bạc, không nghèo hèn như trước nữa, có ô tô đi đến nhiều nơi suốt từ Bắc chí Nam và bắt đầu xuất ngoại đến các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Singapor, Hongkong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... để xây dựng quan hệ cho doanh nghiệp mình. Đến năm 2005 sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam và theo chủ trương mở rộng giao thương quốc tế của nước ta tôi càng có điều kiện để tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp thuộc Hiệp hội DNCKVN đi đến các quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương, Nam Mỹ, Nam Phi theo chương trình xúc tiến thương mại mà trước đây chưa có. Đúng là có đi nhiều mới biết nhiểu, hiểu nhiều, bạn nhiều và mới tự biết mình là ai và hiểu thiên hạ hơn. Đúng như người xưa dậy “trong nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn dòn hơn ta” và “Đi ngày đàng học sàng khôn” cấm sai. Thiết nghĩ trong cuộc sống dù có lắm tiền của cũng khó được như vậy.

Thấy tôi được như vậy một số Tổng giám đốc Tổng Cty 90 và một số giám đốc nhà máy của Bộ gặp tôi và nói tôi sướng hơn họ. Tôi cười và đáp: Thế nào là sướng là khổ các bác? Các bác cứ tiếp tục tự chủ điều hành công việc theo quy định của nhà nước, được nhà nước đỡ, còn em thì tự lo tất. Ai sướng, ai khổ? Các bác thì phải ăn nói không thật lòng suy nghĩ của mình, chạy vạy, lo lót để tồn tại ghế, còn em thì đã tránh xa được cảnh này để mình là chính mình và “Thoát vòng cương tỏa chân cao thấp” cũng như mỗi lần thay lãnh đạo cấp trên thì “Hàng thần lơ láo phận mình sao đây?”… Cái gì cũng có giá của nó cả. Đúng không nào?

Cũng từ ngày đó tôi va chạm cuộc sống muôn mầu muôn vẻ nhiều hơn khi còn làm nhà nước. Biết nhiều hơn thế nào là tốt xấu, là chân thành, là tráo trở, hèn hạ. Thế nào là bạn, là đồng minh lâu bền, là bạn qua đường… và tự thấy mình có trưởng thành hơn, không còn ngố như trước để chọn được anh em chí cốt, chọn bạn. Vốn tính quảng giao, chịu chơi, chịu học hỏi và không bần tiện nên trong cuộc sống tôi đã kết bạn được với khá nhiều người ở nhiều độ tuổi. Bạn vong niên lớn tuổi hơn, bạn đồng niên, đồng môn, bạn xã hội… và mỗi người mỗi cảnh, cuộc sống làm ăn, chuyên môn rất khác nhau. Người là chính khách, quan chức, người là văn nghệ sỹ, là doanh nhân, giáo học, nhà báo có danh… và đặc biệt còn có khá đông dân chơi, buôn bán cổ vật trong cả nước. Tôi tự coi đây là một trong những yếu tố để mình có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc mà tiền bạc không mua nổi. Bạn thì đông nhưng tôi chỉ có mấy ông anh trong họ và ngoài xã hội mà tôi quý mến, trọng nể vì tôi luôn tâm niệm theo thiên hạ đã nói: Làm Anh không dễ!

Nay đọc lại bài viết năm xưa của ông anh Trần Quốc Vượng trên fb làm tôi nhớ về những kỷ niệm một thời của mình với anh Vượng và anh Hà Nghiệp là hai trí thức có khí chất, bản lĩnh, tử tế lớp đàn anh mà tôi rất quý trọng đều đã thiên cổ. Hai anh Hà Nghiệp và Trần Quốc Vượng là những trí thức thành danh ở Việt Nam thời nay nên có rất nhiều bạn, anh em thân tình, tin tưởng và ngưỡng mộ nên nhiều người đã biết rõ cuộc sống, con người và sự nghiệp của các anh. Tôi chỉ là một trong số đó và chỉ muốn kể lại vài câu chuyện của hai anh với riêng tôi mà tôi coi đó là những kỷ niệm không thể quên.

Ông anh Hà Nghiệp là Tiến sỹ ngành Cơ khí chế tạo ở Liên Xô, còn ông anh Trần Quốc Vượng là Giáo sư Sử học của Việt Nam phong. TS Hà Nghiệp - người đã trực tiếp được lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và Lào chọn làm trợ lý cho 3 ông Tổng Bí thư Trường Chinh, Cay Xỏn Pông Vi Hản (Lào) và Đỗ Mười. Ông anh Trần Quốc Vượng là thầy dậy ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học KH XH NV). Nhớ lại thời anh em chúng tôi chơi với nhau trước đây là thời mọi đảng viên, cán bộ công nhân viên đi làm cho nhà nước chỉ được làm những việc, kể cả suy nghĩ, theo ý muốn và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Ít ai giám làm, suy nghĩ và có ý kiến khác. Bây giờ nhìn lại thấy xã hội Việt Nam một thời quá nặng nề và con người, đất nước khó phát triển.

Sau nhiều năm Việt Nam có được như hôm nay là kết quả của sự đổi mới tư duy lãnh đạo, cầm quyền lấy thực tiễn làm thước đo của một số các bậc lãnh đạo lão thành cách mạng đã có nhận thức, quan điểm chính trị mới và quyết tâm thực hiện thành công Đại hội VI của Đảng năm 1986. Trong hoàn cảnh đất nước như vậy anh em chúng tôi thường gặp nhau để tâm sự, trao đổi những suy nghĩ riêng kín đáo tránh lọt vào tai “chim lợn” rình mò. Tôi nhớ anh Hà Nghiệp thường có suy nghĩ mong muốn xây dựng công nghiệp, kinh tế nói chung, cơ khí nói riêng phát triển nhanh và nhiều vấn đề khác liên quan đến nhân tình thế thái trong khi đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu sau bao năm chiến tranh? Còn anh Trần Quốc Vượng thì hay đàm đạo về những vấn đề lịch sử không nằm trong giáo trình có sẵn, về sự cần thiết nhanh chóng xây dựng đời sống văn hóa xã hội, dân chủ và con người mới ở Việt Nam như thế nào để có thể bắt kịp tiến bộ của nhân loại…? Mỗi người mỗi vẻ. Khi gặp tôi họ không chỉ bông phèng bia rượu mà còn để chia sẽ, tâm sự, trao đổi suy nghĩ, ý kiến riêng của mình. Chúng tôi hay tranh luận nhiều vấn đề mà thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam, thế giới đã, đang hiện diện để tìm cách đồng thuận. Tôi ít tuổi hơn hai anh nhưng là người tự do hơn, va chạm thực tế cuộc sống xã hội đời thường cũng kha khá hơn, được mắt thấy, tai nghe nhiều chuyện đời kể cả những chuyện tôi nghe được của các chú bác trong gia tộc, của các vị lão thành cách mạng nên hay “cãi đài” với các ông anh theo tinh thần “Nghe thì nghe, không nghe thì thôi”. Rất may chúng tôi đều là những người có hiểu biết, thẳng thắn, trung thực và tôn trọng nhau trong khi trao đổi những suy nghĩ, ý kiến của mình và sẵn sàng tiếp thu ý kiến khác theo tư duy khoa học Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử cho nên mỗi lần gặp nhau là chỉ có vui, có ích.

          Tôi kém anh Hà Nghiệp đúng một con giáp và cùng học ngành cơ khí chế tạo. Anh học Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 1, làm Phó Tiến sỹ ở Liên Xô trước đây, còn tôi chỉ là kỹ sư khóa 10. Anh Trần Quốc Vượng cũng tuổi như anh Hà Nghiệp, nhưng chuyên môn của anh Vượng khác hẳn nghề của tôi và anh Nghiệp. Anh Vượng học và làm nghề khoa học xã hội. Nhưng rồi cuộc đời có duyên nên chúng tôi đã gặp nhau để rồi thành bạn vong niên trong nhiều năm ở Hà Nội những ngày đất nước còn khó khăn gian khổ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cách đây trên 3 thập niên, nửa cuối những năm 1990, chiều chiều hết giờ làm việc anh Hà Nghiệp thường hẹn tôi đến ngồi bia hơi trong Câu lạc bộ Ba Đình, Hà Nội là nơi dành cho cán bộ trung cao cấp có thẻ sinh hoạt để tán chuyện vui vẻ vì tiện gần cơ quan anh. Còn tôi dù có thẻ vào sinh hoạt Câu lạc bộ nhưng chả thích vào đây vì chỉ có bia suông với lạc, lại phải tự xếp hàng mua vé, lấy bia khác hẳn có phục vụ như uống bia ở nơi khác.

Bia Tràng Thi 2019

Thời đó Câu lạc bộ chưa di dời về sân thể thao Quán Thánh để lấy đất tiến hành khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long trước khi xây nhà Quốc Hội. Tôi nghĩ cứ đều đều ngồi bia hơi với Trợ lý Tổng bí thư kể cũng ngại trước mắt mọi người vì phần lớn đến đây là cán bộ trung cao cấp để thể dục thể thao rồi làm vại bia. Vì anh Hà Nghiệp là Chủ tịch và tôi là Tổng thư ký Hội KHKT Cơ khí Việt Nam nên ngồi với nhau để trao đổi việc Hội ngoài giờ làm việc vào cuối ngày là hợp lý nên rồi tôi chẳng ngại. Hơn nữa tôi tự nghĩ anh Hà Nghiệp và một số người kể cả Tổng bí thư Đỗ Mười sếp của anh, ông Nguyễn Đình Hương, Phó Ban Tổ chức TW, Trưởng Ban bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng có vợ là cô Xin Anh hùng Lao động thời chống Mỹ và một số quan chức cao cấp lão thành cách mạng đều đã quen biết gia đình tôi nên có gì mà ngại? Đến Câu lạc bộ còn có anh Hoàng Ước, anh Trần Đức Nguyên là cán bộ lớn tuổi hơn anh Hà Nghiệp có một thời đã làm thư ký cho ông Trường Chinh khi thôi Tổng Bí Thư do sai lầm Cải cách ruộng đất và làm thư ký cho ông Trần Quốc Hoàn khi còn là Bộ trưởng Bộ công an. Cuối chiều hai anh đến đây đánh vài séc bóng bàn rồi ra làm vại bia với bàn chúng tôi. Anh Hoàng Ước trước 1975 đã vào miền Nam làm lãnh đạo Đoàn thanh niên Giải phóng thời chống Mỹ và là đàn anh trực tiếp của ông Nguyễn Minh Triết sau là Chủ tịch nước, còn anh Trần Đức Nguyên thì đang làm Tổ trưởng Tổ tư vấn giúp Thủ tướng Phan Văn Khải. Có khi đến bàn bia chúng tôi còn có anh Quang Anh cháu vợ ông Phạm Văn Đồng đang làm việc ở Ban Đối Ngoại TW, anh Trần Quốc Vượng ở Trường Tổng hợp, bác Vũ Khiêu ở Ủy Ban KHXH, anh Hồ Đắc Hoài con cụ Hồ Đắc Điềm làm Dầu khí và một số người làm việc ở các cơ quan TW đã hưu trí. Do bia hơi ở đây không bị đấu (tức pha) và lại được bảo vệ tốt nên cán bộ đến đây thể thao, bơi, làm vài vại bia hơi, tán chuyện sau ngày làm việc rồi giải tán về nhà cơm với gia đình cũng thành quen.

TS Hà Nghiệp (Trợ lý Tổng Bí Thư Đảng CSVN) Chủ tịch Hội khóa III (1998-2003) đứng phát biểu

 

Với Anh Trần Quốc Vượng

Tôi nhớ có lần ngồi bia hơi anh Nghiệp nhìn tôi và trêu anh Vượng.

- Cậu biết không? Tay này và mình cùng học dự bị đại học ở Thanh Hóa thời kháng chiến chống Pháp, sau 1954 về Hà Nội tay này học Sử, còn mình học Bách Khoa khóa I. Hắn tý nữa là em rể tớ đấy.

- Biết đâu giờ ông oách thế này, nhưng thời đó tớ lại thích gái trong thành hơn gái vùng kháng chiến nên mới không về làm em rể cậu đấy. Tớ mà trói chắc thành rồi. Anh Vượng cười đáp trả.

Hồi đó thuốc lá 3 số 5 hiếm, thi thoảng anh Nghiệp lại cho tôi và anh em hút thuốc quen vài bao 3 số 5 vì đều là dân đốt thuốc lá liên tục. Một thời gian sau vụ anh Vượng bị “chiếu tướng” nên không lên Câu lạc bộ nữa, nhưng anh và học trò đôi khi nhậu vẫn ý ới gọi tôi. Thường có cả bia, mồi và rượu trắng, khác hẳn ngồi bia hơi ở Câu lạc bộ Ba Đình.

Tôi quen biết anh Trần Quốc Vượng trước anh Hà Nghiệp vì anh Vượng là học trò của Bác cả nhà tôi và thi thoảng anh đến nhà tôi thăm phụ huynh tôi đồng thời để hỏi cha chuyện nọ, chuyện kia như về Khổng giáo, Nho giáo, về hoàn cảnh lịch sử chủ nghĩa Mác-Lê đã đến Việt Nam như thế nào? về nghiên cứu phương thức sản xuất châu Á khác với tư bản châu Âu? Về tinh túy của văn hóa phương Đông? Về Chủ nghĩa Mác- Lê đã bị Statin, Mao Trach Đông lợi dụng để đưa ra thuyết đấu tranh giai cấp, chính quyền họng súng, kinh tế toàn dân, trí thức là cục phân…? Hỏi về một số nhân vật và các thời kỳ hoạt động của Đảng cộng sản Đông Dương trong các giai đoạn những năm 30-36; 36-45; 45- 60 mà cha tôi trong cuộc? Về một số sự việc ở Chiến khu Việt Bắc kháng chiến 9 năm chống Pháp, về Cải cách ruộng đất theo sức ép của Stalin để xóa bỏ bọn Cu lắc tiến tới tổ chức nông trường tập thể ở Liên Xô và một số kinh ngiệm do cố vấn Trung Quốc truyền vào ta từ chỉnh phong, chỉnh huấn, tổ chức “thành lập Đội cải cách” để tìm bần cố nông bắt rễ, tìm địa chủ, phú nông đấu tố, thu ruộng đất tài sản chia cho người nghèo… mà Trung Quốc đã làm; về sự thật vụ Nhân văn giai phẩm, chống Xét Lại, Cải tạo công thương nghiệp, xây dựng Hợp tác hóa nông nghiệp, Pháo đài Huyện; về ngữ nghĩa những đoạn, câu chữ tiếng Pháp…

Có lần mẹ tôi hỏi cha sau khi anh Vượng về.

- Tay này làm sử chắc cỡ tuổi như Đào Thế Hùng nhà mình anh nhỉ? Không biết học ở đâu mà thỉnh thoảng thích đệm tiếng Pháp nhưng chưa chuẩn lắm. Mẹ hỏi và nói vậy vì mẹ đã tốt nghiệp và ở lại làm trợ giáo ở Trường Đồng Khánh Huế trước 1945, cho nên khi bà nghe anh Vượng đệm tiếng Pháp bà mới nói như vậy.

- Cậu này kém Đào Thế Tuấn (là Viện sỹ, GS Nông học) và Đào Thế Hùng (Học Sử làm báo, tham gia sáng lập Tạp chí Xưa & Nay) con bác cả họ nhà tôi vài tuổi. Thuở nhỏ chắc anh ta đi học tiếng Pháp không được như Tuấn và Hùng nhà mình, nhưng làm việc và dậy đại học của anh ta thì khá đấy do cũng chịu tìm đọc cái mới, có suy nghĩ nghiêm túc và giám nêu chính kiến thẳng thắn.

Đào Phan Long - Phạm Quốc Quân - Đào Hùng

Cha mẹ tôi quý anh Trần Quốc Vượng trong số học trò của bác cả nên tôi cũng quý mến anh ấy mỗi khi gặp nhau. Anh em chúng tôi mỗi người mỗi nghề, tuổi cũng chênh nhau, nhưng khi gặp nhau thường chuyện trò cởi mở không hề giữ kẽ. Đến năm 1999 khi tôi cùng một số bạn chơi cổ vật ở Hà Nội xin được Ủy Ban Nhân Dân thành phố cho thành lập Hội Nghiên cứu, Sưu tầm Cổ vật Thăng Long ghi dấu mốc lịch sử đầu tiên ở Việt Nam những người chơi, buôn bán ngầm cổ vật lâu nay được hoạt động công khai, được pháp luật thừa nhận… đã làm các anh trong giới Sử học như Đào Thế Hùng, Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê… hiểu và quý tôi hơn. Năm 2003 tôi lại được anh Phan Huy Lê, bạn Dương Trung Quốc Chủ tịch và Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam ủng hộ xin lập tờ Tạp chí Cổ Vật Tinh Hoa thuộc Hội Sử để Bộ Văn Hóa cấp phép xuất bản công khai thì các GS Sử học khả kính Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, nhà báo Đào Hùng, Phó GS Sử học Tạ Ngọc Liễn, Phó GS Cao Xuân Phổ, TS Phạm Quốc Quân, TS Nguyễn Đình Chiến, TS Trần Đức Anh Sơn, TS Phan Thanh Hải… của giới Sử học, Khảo cổ học, Bảo tàng học đều đã vui vẻ viết bài đăng trên Tạp chí này. Các bậc đàn anh, bạn đồng niên giới Sử quý tôi vì là dân khoa học kỹ thuật, chỉ là kỹ sư lèng tèng nhưng làm được nhiều việc đồng thời và phát huy được truyền thống gia tộc mê khoa học xã hội, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể của dân tộc. Các anh đều biết sở dĩ tôi làm được nhiều việc mà vẫn xuất bản được tờ Tạp chí Cổ Vật Tinh Hoa in ấn mầu khá đẹp, có nội dung đặc sắc vì tôi đã có “tí nghề báo” và đang là Tổng biên tập Tạp Chí Cơ khí Việt Nam của Hội KHKT Cơ khí Việt Nam nên có người giúp việc mới có thể làm được.

Với Ông Nguyễn Đình Hương 1992

Năm 2000 anh Hà Nghiệp mất vì ung thư phổi ở Hà Nội làm tôi rất đau buồn vì mất đi người anh tri kỷ. Từ sau ngày đó tôi không lên uống bia hơi ở Câu lạc bộ Ba Đình nữa vì nói chuyện với những người khó chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ của mình sẽ không thú và lại nhớ đến anh Nghiệp. Rảnh rỗi tôi vẫn đi nhậu vui, lang thang nhiều hơn với anh em Làng cổ vật Hà Nội, với đám bạn văn nghệ sỹ và có điều kiện gặp gỡ anh Trần Quốc Vượng cùng học trò của anh nhiều hơn. Tôi nhớ có lần Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TS Phạm Quốc Quân là học trò thầy Vượng mời tôi cùng thầy đi về Xứ Thanh để đến thăm Đình Gia Miêu, Hà Trung là nơi phát tích dòng họ Chúa Nguyễn, sau đó đi xem một địa điểm có nhiều gốm Việt cổ mới được phát hiện ở gần đó. Trên xe 3 người, tôi và anh Vượng ngồi sau trò chuyện tranh luận đủ thứ chuyện A,B,C… còn anh Quân ngồi trước chỉ lắng nghe. Sau chuyến đi này anh Phạm Quốc Quân là người ít hơn tôi vài tuổi đã hiểu hơn về quan hệ của tôi với thầy của anh. Anh nói: “Thực tình em nghe nhiều chuyện các anh trao đổi thẳng thắn, thân tình, vui vẻ trong chuyến đi vừa qua mà em chưa từng được nghe và chưa hiểu. Thảo nào khi em mời thầy đi thầy nói mời anh đi cùng”. Thế là chính sau chuyến đi ấy vị Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trẻ tuổi càng nhiệt tình ủng hộ và tích cực tham gia Ban lãnh đạo Hội Cổ vật Thăng Long với tôi. Ngày ấy GS Trần Quốc Vượng còn giúp tôi đưa anh chị em trong Hội cổ vật Thăng Long Hà Nội được vào thăm hiện trường đang khai quật khảo cổ khu Hoàng Thành những năm 2000 mà dễ gì ai đã được vào?...

Gs. Vượng Tại Hiện trường Khảo cổ Hoàng thành Thăng Long

Giờ đây anh Trần Quốc Vượng cũng đã về trời năm 2005 cùng với anh Hà Nghiệp. Trên mạng xã hội có đăng lại bài viết NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ của cố GS Trần Quốc Vượng nghĩ về thời cuộc Việt Nam dưới góc độ nghiên cứu văn hóa lúc sinh thời. Nhiều người lớn tuổi và học trò của GS Trần có thể còn chưa rõ hết nguyên nhân gì mà anh đã bị tạm ngừng đứng bục, đi nước ngoài thỉnh giảng, đăng đàn, viết lách và tất nhiên sẽ có người ngầm “chăm sóc” một thời gian có đến vài năm. Chỉ biết anh đã viết và phát biểu những ý kiến “khó nghe” của mình với thiên hạ.

 Rơi vào cảnh này tất nhiên người năng động, ham học hỏi, hoạt ngôn như GS Trần chắc chắn “cô đơn sấu rụng”. Ít ai giám gặp gỡ lui tới giao du đàm đạo với anh. Tôi rất thông cảm với anh rơi vào hoàn cảnh này vì chính gia tộc mình là cộng sản nòi đã từng bị thực dân Pháp bắt bỏ tù, đi đầy ở các nhà ngục Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo… thời các cụ bí mật thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng cho Đảng Cộng sản Đông Dương chống chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam, rồi lại trải qua gian khổ trong kháng chiến chống Pháp, nhưng rồi sau 1954 giải phóng miền Bắc về Hà Nội cũng đã bị cư xử còn tệ hơn với GS Trần nhiều lần. Tôi nhớ các bậc tiền bối đã khuyên anh Vượng: Thời nào cũng vậy thôi, giờ anh sẽ khó tiếp tục làm sử rồi vì anh có ngòi bút, chính kiến riêng. Hãy nên tự nghiên cứu, viết, nói về văn hóa Việt Nam sẽ có đất phong phú và dễ hơn viết sử… Là người thông minh nghe có tình lý nên GS Trần quay sang tự nghiên cứu sâu hơn, nhiều hơn văn hóa Việt, tham gia hội hè, giao du học hỏi về văn hóa dân gian, về phong tục, tập quán, đời sống xã hội, kể cả thói hư tật xấu… của người Việt mà không ai giao cho anh. Chính nhờ lãng du đó đây nhiều hơn với xã hội để nghiên cứu một góc của văn hóa Việt Nam, không phải chỉ chuyên lên lớp giảng cho sinh viên trong Trường đại học nữa nên Trần Quốc Vượng đã được nghe nhiều ý kiến của các bậc trí thức đàn anh, nghe ý kiến dân dã của nhiều người như chúng tôi nên đã tạo cho GS Trần có những ý kiến, luận văn, bài viết mang giá trị thực tiễn để giới trí thức trong, ngoài nước biết đến anh nhiều hơn. Đây chính là kết quả kiên trì tự học, lao động trí óc và lãng quên sự ràng buộc vô hình để anh có những ý kiến tâm huyết, chân thành, trăn trở mong muốn dân, nước Việt Nam phát triển, đời sống xã hội ngày một tốt lên.

Trong cảnh độc thân sau khi vợ mất, anh Vượng càng rượu nhiều hơn, hút thuốc lá đủ loại nhiều hơn và dĩ nhiên hay gặp các bạn và tôi nhiều hơn. Thấy tôi hút thuốc lá cả bằng tẩu và điếu, anh Vượng đã tặng tôi một chiếc tẩu có nõ bằng đất nung để nhồi thuốc còn chuôi ngậm bằng đồng từ thời Văn hóa Đông Sơn cách nay trên 2000 năm và vài chiếc tẩu khi anh đi công tác về. Còn tôi với thú chơi cổ vật thấy anh hay uống rượu liền tặng ông anh một chiếc Bầu Vú (Kendi) gốm Việt xuất khẩu, men xanh trắng, vớt dưới biển Cù Lao Chàm những năm 2000 để anh chứa rượu bú ở nhà đỡ phải rót ra li cho tiện. Hơn nữa với món cổ vật quý này anh còn để khoe cách chơi của người Việt xưa với bạn. Nhân nói về kỷ vật tẩu hút thuốc lá tôi có khá nhiều của châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật… trong đó có cả của anh Hà Nghiệp tặng 3 chiếc mà thân phụ anh đã dùng, anh Đào Thế Tuấn tặng 5 chiếc anh đã giữ lâu để chơi, bạn Dương Trung Quốc tặng lại chiếc tẩu của ông Nguyễn Cao Kỳ tặng anh khi về Hà Nội… Kỷ vật thì còn, nhưng nhiều người đã đi xa.

Thời gian vô tình trôi và rồi theo quy luật của Kinh Dịch “Cùng tắc Biến; Biến tắc Hanh thông” nên đến lúc Việt Nam bắt buộc phải ĐỔI MỚI và MỞ CỬA giao thương với thế giới vào năm 1986 để cứu lấy những thành quả có được do bao máu xương của nhân dân đã đổ xuống mảnh đất này đánh đuổi ngoại xâm thống nhất đất nước. Sau Đại hội Đảng VI, 1986, Ban lãnh đạo mới của Đảng cộng sản đã có cách nhìn mới về xây dựng chủ nghĩa xã hội, về kinh tế, đối ngoại, về đối xử với trí thức, văn nghệ sỹ khác trước, đối xử với nhân dân, người lao động, dong nghiệp.... Lãnh đạo Đảng là Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, lãnh đạo Văn hóa, văn nghệ, báo chí là Tướng Trần Độ, Công an là Tướng Mai Chí Thọ, Kế hoạch là ông Võ Văn Kiệt… họ đều là những chiến sỹ cộng sản đã chịu cảnh tù đầy ở các nhà ngục Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo cùng với các bác và cha tôi trước 1945, rồi lại cùng nhau trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, cho nên mặc dầu xa nhau vì người ở lại miền Bắc, người trực tiếp chiên đấu ở chiến trường miền Nam cho đến ngày thống nhất nhưng tình đồng chí trong sáng thời Đảng cộng sản Đông Dương chưa có chính quyền của họ vẫn còn trong nhau. Chúng tôi là lứa con cháu nên một số có điều kiện lui tới rỷ rả chuyện nọ, chuyện kia để lãnh đạo biết rõ hơn về thực tế cuộc sống của nhân dân miền Bắc và cả nước. Nghe kể chuyện anh Trần Quốc Vượng đang bị “chiếu tướng”, ông Mai Chí Thọ liền bảo nhắn mời anh Vượng đến uống bia nói chuyện với ông tại nhà riêng ở 42 Trần Phú, Hà Nội (đây là nhà của ông anh Đinh Đức Thiện). Sau lần gặp đó chẳng cần có văn bản, quyết định gì mà anh Vượng đã hết bị “bám đuôi” và được quay lại làm việc. Rồi chính ông tướng công an, mật vụ này - em ruột của ông Trưởng Ban tổ chức TW nổi tiếng Sáu búa một thời rất dài - lại có suy nghĩ không giống hoàn toàn như anh ruột mình mà lại giống với các ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Độ… là những người phần lớn thời gian hoạt động ở miền Nam nên có cách nhìn, cách làm việc ít bị rập khuôn theo kiểu của cố vấn nước ngoài thời đất nước còn chia cắt. Thế là một số trí thức cách mạng đã bị oan ức thời Nhân Van Giai Phẩm, thời chống Xét Lại ở miền Bắc và một số trí thức đã từng bị “chiếu tướng” một thời như GS Trần nay được trở lại cầm bút. Có chuyện nữa là chính ông Bộ trưởng Công An này còn là người đã xem xét thả tù cho Hữu Ước đang trong kho vì tội “viết bài không đúng sự thật”. Sau đó ông còn tạo điều kiện để nhà báo công an trẻ tuổi này được tiếp tục làm Báo Công An Nhân dân với chuyên san AN NINH THẾ GIỚI nổi đình nổi đám một thời, rồi sau này có cơ hội lên Trung Tướng, Tổng Biên tập Báo CAND… Chính thời kỳ này mới có tiểu thuyết NỖI BUỒN CHIẾN TRANH của Bảo Ninh, TƯỚNG VỀ HƯU, VÀNG LỬA và nhiều truyện ngắn hay của Nguyễn Huy Thiệp là hai tác phẩm văn học Việt Nam đã được nước ngoài dịch nhiều nhất không như các các sách, thơ tràng giang đại hải đã có rất nhiều ở miền Bắc.

Thế đấy. Đúng là đời người có rủi, có may. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi số phận và luôn gắn với thời cuộc thịnh suy.

Sau khi anh Hà Nghiệp qua đời do ung thư phổi vào năm 2000 hưởng thọ 65 tuổi, vài năm sau đến lượt anh Trần Quốc Vượng cũng lại bị dính bệnh ung thư, mà oái oăm là ung thư vòm họng nên cũng ra đi vào 2005, hưởng thọ 70 tuổi làm tôi buồn hơn. Biết làm sao?  Tôi chỉ biết tự an ủi và nói vui với mọi người: Ở dưới âm ti đang loạn cần có thêm nhiều người tử tế, có kiến thức, vì cộng đồng xuống giúp nên hai ông anh phải đi trước, hơi sớm.

Vào bệnh viện thăm anh Vượng tôi chỉ nói để anh nghe, còn anh không nói được và chỉ nhìn tôi ứa lệ. Bệnh anh nặng Bệnh viện cho về nhà. Một hôm tôi nhận được điện thoại.

- Alo, em là vợ anh Trần Quốc Vượng, anh Vượng đã về nhà. Anh Vượng nói em điện mời anh đến nhà ạ.

- Vâng. Cám ơn. Tôi sẽ đến ngay.

Đến nơi chị vợ trẻ ra đón tôi vào một căn hộ chung cư ở phố Huỳnh Thúc Kháng gần Đài phát tranh truyền hình Hà Nội. Đây là căn hộ Hà Nội vừa bán thô cho anh để sửa đến ở cho đỡ khổ hơn leo bộ lên tầng 5 nhà tập thể Kim Liên. Vào phòng tôi thấy anh đang ngồi sẵn ở bàn nước cổ quấn băng. Anh cười nhìn tôi, giơ tay bắt, mắt chơm chớp.

- Anh dùng café hay trà để em pha ạ? Chị vợ hỏi.

Nghe vậy anh Vượng xua tay và chỉ vào chiếc Bầu vú đựng rượu tôi tặng anh trước đây có ý để chị vợ rót rượu trong đó ra mời tôi. Biết ý tôi gật đầu rồi uống một mình trước mặt anh. Cứ thế tôi vừa uống vừa hỏi anh việc anh viết còn gì chưa in không? Anh không nói được chỉ gật và lắc. Thương quá. Tôi và anh li biệt như vậy đó.

Ấm dạng bầu vú (Kendi), men xanh trắng, thời Lê TK 15, xuất khẩu

Tôi đã có dịp viết kể về kỷ niệm với GS Trần vào một ngày chủ nhật mưa phùn Hà Nội. Hôm đó khoảng 9 giờ sáng anh gọi điện mời tôi và nhờ tôi mời thêm vài bạn nữa đến nhà anh ở Kim Liên nhâm nhi trò chuyện cho vui vì anh khoe đang có rượu ngon. Tôi OK và điện mời các bạn Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Nhà thơ Trần Ninh Hồ, Đạo diễn fim tài liệu NSND Đào Trọng Khánh (viết lời bình fim Hà Nội trong mắt ai làm thời cuối thập niên 1980) là những văn nghệ sỹ thành danh mà anh Vượng rất quý trọng, hơn nữa các tay này uống được, tán được nhiều chuyện khi ngồi với nhau; Rồi chuyện anh đã mời tôi trong số 100 khách đến dự đám cưới của anh lấy cô vợ trẻ ở Melia vì anh thanh minh là anh quá nhiều bạn và học trò nếu mời hết sẽ ầm ĩ; Chuyện tôi trêu chọc anh:

- Là người hay được mời xem tướng số, nhưng chính số của mình thì không tự xem được;

- Giới Sử học Việt Nam thời nay có 4 cây đa, cây đề LÂM, LÊ, TẤN, VƯỢNG là chỉ do học trò của các anh tôn vinh thôi chứ còn thiên hạ trong đó có tôi thì không như vậy đâu nhé!

- Nếu cứ đà nhậu rượu nhiều như thế này với học trò chắc thầy Vượng sẽ góp công tạo ra nhiều Tiến sỹ cho đất nước lắm nhỉ?…

Anh chỉ cười hiền hậu và trả lời: Dĩ nhiên. Đời vậy đấy.

Lâm, Lê, Vượng, Quân, 70 năm anh Lê

Tôi quý trọng anh Trần Quốc Vượng vì biết lứa bạn học đại học, rồi cùng đi dậy, đi làm việc với anh đâu có ai giám thể hiện chính kiến, suy nghĩ của mình vì đất nước công khai như anh ngay khi đang sống? Anh khác hẳn với nhiều kẻ tự cho mình là người biết nhiều, là trí thức, gần như cả đời ăn “lộc nhà Hán” nhưng rồi khi hết thời thì bất mãn đào tẩu lưu vong nước ngoài ăn nói, viết lách kể xấu nhiều người và đất nước rất hèn hạ để nước ngoài lợi dụng tiếp tục chống phá Việt Nam. Vì thế trong tâm tôi cùng nhiều bạn mình lúc nào cũng quý trọng GS Trần Quốc Vượng và rất vui khi anh làm Thầy đã được nhiều học trò kính trọng và ghi nhận Thầy là một trí thức Việt Nam đúng nghĩa thời nay. Giờ đây thành phố Hà Nội đã có một con phố mang tên Trần Quốc Vượng để nhớ anh. Thế là tốt rồi.

*

*                *

Còn về ông anh Hà Nghiệp, TS Cơ khí chế tạo đáng kính và đáng quý của tôi cũng như của nhiều người quen biết anh cũng là một tấm gương sáng của người trí thức yêu nước.

Cuối thập niên 80 tôi quen anh Hà Nghiệp vì tôi và anh cùng tham gia Ban chấp hành Hội KHKT Cơ khí Việt Nam, ít lâu sau cùng vào Ban Thường vụ Hội. Sau một thời gian anh tiếp xúc với tôi thấy tôi trẻ tuổi, sinh ra và lớn lên trong gia đình trí thức cách mạng lớp tiền bối, đã làm được việc tốt, suy nghĩ ăn nói thẳng thắn (đôi khi thẳng thắng quá), cũng là đảng viên, có điều kiện thuận lợi để phát triển mà lại tự xin đi làm kinh tế tự do, làm hội hè nên anh hơi lạ. Nhưng rồi chính cách sống chân thành, suy nghĩ mạch lạc trước nhiều vấn đề, sự việc không chỉ với cơ khí mà nhiều lĩnh vực khác của tôi đã làm anh khá thích hợp. Anh Hà Nghiệp là người có chức vụ lâu năm ở Văn phòng TW Đảng, suy nghĩ thông minh, tính cẩn trọng, nhưng luôn vui vẻ “bình dân học vụ” nên dễ gần gũi mọi người. Tôi cũng bắt đầu tin và quý trọng ông anh.

Anh kể. Thập niên 1980 lãnh đạo Đảng có chủ trương chọn một số Phó tiến sỹ kinh tế và khoa học kỹ thuật được đào tạo ở nước ngoài đã có quá trình công tác tốt đang làm việc ở Trường Đại học lên làm việc tại Văn phòng TW Đảng để chuẩn bị thay thế các vị lớn tuổi. Phó TS KHKT Hà Nghiệp tốt nghiệp ở Liên Xô đang làm việc ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Phó TS Kinh tế Phan Diễn tốt nghiệp Trung Quốc đang ở Trường Đại học kinh tế quốc dân được chọn lên công tác tại Văn phòng TW cùng một ngày. Sau một thời gian anh Hà Nghiệp làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp còn Vụ trưởng Phan Diễn sang làm thư ký giúp ông Trường Chinh. Hai anh đều là cán bộ tốt, có năng lực của Văn phòng TW Đảng. Sau khi ông Lê Duẩn qua đời 1986, ông Trường Chinh lên thay Tổng Bí thư để chuẩn bị Đại hội VI. Ông đề nghị Văn phòng TW cử Vụ trưởng Hà Nghiệp sang giúp trực tiếp giúp việc cho ông. Với bản chất trung thực, có trách nhiệm và giám báo cáo thẳng thắn trực tiếp với ông Trường Chinh nhiều sự việc không tốt đã và đang tồn tại trong thực tiễn đời sống xã hội cần sớm được nghiên cứu giải quyết, đặc biệt chế độ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, phân phối bao cấp đang bắt mọi người đi làm cho nhà nước, cho nhà máy, xí nghiệp phải nói dối, phải chân ngoài dài hơn chân trong vì chỉ nhận được đồng lương không đủ nuôi gia đình… Nghe anh Hà Nghiệp báo cáo, nghe thêm một số người, ông Trường Chinh đã quyết định thành lập một tổ nghiên cứu xây dựng lại Báo cáo chính trị của Đại Hội VI không dùng lại dự thảo Báo cáo trình Đại hội do nhóm cán bộ, chuyên gia giúp ông Lê Duẩn đã chuẩn bị. Thế là nhóm chuyên gia gồm 24 người được chọn lựa đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật…  trong đó có Hà Nghiệp để về cùng nhau làm việc nhiều ngày tại Cơ quan của Quốc Hội trên phố Ngô Quyền, Hà Nội là cơ quan ông làm Chủ tịch có nhiệm vụ xây dựng nội dung dự thảo Báo cáo chính trị trình đại Hội VI theo tinh thần “Nhìn thẳng sự thật và nói đúng sự thật” để Tổng Bí thư Trường Chinh báo cáo Bộ Chính trị Khóa V trình Đại hội VI năm 1986.

Sau một thời gian ông Trường Chinh mất do ngã ở nhà riêng, chú Lợi một cận vệ trẻ tuổi vòng trong cùng bị trên cho đi làm việc khác, anh Hà Nghiệp có quyết định về làm Phó Ban Kinh tế TW nhưng rồi quyết định bị thu hồi khi chưa đến tay anh vì có ý kiến phản ánh ngầm với cấp lãnh đạo rằng anh có nhiều phát biểu, đặc biệt sau buổi nói chuyện ở Thái Bình thể hiện không đúng tinh thần chỉ đạo và có nghi vấn trong nhóm này nọ… Anh buồn nhưng biết làm sao? Nghe chuyện anh ông Cay xỏn Tổng bí thư bên Lào đề nghị ta cử một số chuyên gia của Đảng sang giúp bạn và muốn có anh Hà Nghiệp. Thế là TS Hà Nghiệp được cử sang giúp ông Tổng bí Lào một vài năm. Anh kể ông Cay Xỏn là người cộng sản trí thức Lào nên có nhiều cách nhìn rất thực tiễn về dân tộc và hoàn cảnh đất nước  lạc hậu của ông rồi sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào để không bị rập khuôn, tránh sai lầm rất thú vị… Đừng nghĩ Lào họ kém! Hoàn thành tốt nhiệm vụ về nước một thời gian anh Hà Nghiệp lại được chọn về làm Trợ lý giúp Tổng bí thư Đỗ Mười. Thế là anh đã làm Trợ lý giúp việc 3 đời Tổng bí thư đảng cộng sản. Với tôi thế là khổ chứ chả sung sướng gì và tôi đã chia sẻ thẳng thắn với anh ý kiến này, anh cũng nhất trí.

Vị trí công tác của anh Hà Nghiệp rất bận nhưng cứ vài ngày nếu không gặp tôi để trò chuyện là anh chủ động gọi điện. Tôi thì mải nhiều việc của Cty, cơ quan Hội hè, làm 2 Tạp chí, tất nhiên cả vui chơi với các bạn khác nữa nên đôi lúc cũng thưa gặp anh Nghiệp và các anh ở Câu lạc bộ Ba Đình. Gặp anh tôi cảm nhận anh muốn tâm tình chia sẻ với tôi một số chuyện mà khó chia sẻ với người khác vì tính tôi hay phản biện thẳng thắn với anh. Ví như chúng tôi đang ngồi bia với nhau có người bê vài vại đến bàn gặp anh, tôi tế nhị cầm cốc mình đứng dậy sang bàn khác. Lát sau người kia đi, tôi về lại bàn với anh.

- Này, cậu thấy nhân vật này thế nào? Anh Nghiệp hỏi tôi.

- Nhân ít, Vật nhiều anh ạ. Tôi cười trả lời. Nói vui thế chứ em làm sao biết hả anh? Chỉ biết đang candida Thứ trưởng phải không ạ?

- Nghe nói tay này tốt, không tiêu cực.

- Anh nghe thêm đi, biết đâu lại tốt nhất trong đám xấu. Ít tiêu cực nhất trong đám tiêu cực thường xuyên đấy. Tôi trêu anh.

- Khó thật. Nhưng theo mình việc chọn người làm việc mà như cậu thì đách chọn được đâu. Phải cơ bản nhìn về mặt tốt của họ, họ mạnh mặt nào để được việc chung và tay này hơn tay kia ở cái gì và con người ra sao mà so sánh, mà chọn chứ?

- Em nói vui thế thôi chứ anh là người tốt bụng ai mà anh chả ủng hộ. Anh là “ủy viên chọn lao động cao cấp” nên anh nhìn rộng, biết rộng còn em có biết gì đâu hả anh?

- Vậy tớ tham khảo cậu làm đếch gì.

- Anh hỏi về các nhân vật làm cơ khí thì em còn biết mà tư vấn. Lĩnh vực khác thì hầu hết em không biết nhiều, nói không trúng được ông anh ạ.

Cứ vậy còn vài tay khác cũng gặp anh ở Câu lạc bộ kiểu như vậy…

Nhiệm kỳ anh Hà Nghiệp được bầu làm Chủ tịch Hội KHKT Cơ khí Việt Nam 1998- 2003 là thời gian tôi và anh gắn bó nhiều công việc Hội cơ khí với nhau. Chính do anh làm Chủ tịch Hội nên Ban lãnh đạo Hội KHKT Cơ khí Việt Nam thời đó mới có điều kiện được gặp trực tiếp báo cáo bác Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng, một số Bộ trưởng về sự cần thiết phải có chính sách đầu tư, phát triển lại công nghiệp cơ khí đã bị bỏ rơi để Việt Nam chủ động tham gia thực hiện CNH-HĐH đất nước. Thế là lần đầu tiên Việt Nam có quyết định của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí của đất nước giai đoạn 2000 - 2025, tầm nhìn 2035 với 8 nhóm sản phẩm trọng điểm và thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ tạo cho ngành khởi sắc.

Thăm bác Đỗ Mười 2017 khi 100 tuổi

Khi bác Mười nghỉ Tổng bí thư, ông Võ Văn Kiệt nghỉ Thủ tướng sang làm cố vấn, anh Hà Nghiệp rảnh việc hơn nên tôi với trách nhiệm của mình đã thu xếp để anh đi đến thăm, làm việc với nhiều doanh nghiệp cơ khí thành viên ở miền Bắc, miền Nam. Đến đâu anh cũng được anh em làm cơ khí hân hạnh đón tiếp rất chân thành. Năm 1997 khi Hongkong trao trả về Trung Quốc tôi và đối tác mời anh và Bộ trưởng công nghiệp nặng đi xuất ngoại một chuyến theo đường Hội nghề nghiệp. Tất nhiên các anh muốn đi theo danh nghĩa này cũng phải được sự đồng ý của trên. Nhận lời mời tôi cùng hai anh đến Hongkong rồi qua Trung Quốc đến Thẩm Quyến, Phố Đông, Thượng Hải đang bắt đầu xây dựng mới theo hướng hiện đại. Anh nói.

 - Mình đi các nước đã nhiều nhưng đi theo con đường hội hè của cậu mới biết được nhiều cậu ạ. Mà cậu quyết định rời làm nhà nước để lập doanh nghiệp tự quyết định hết là đúng đấy. Vừa ích nước lợi nhà, vừa thoải mái tự do. Tớ lo cho cậu là thừa. Rồi anh kể chuyện vui.

 - Để chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế, Tổng bí thư Đỗ Mười đến thăm Hàn Quốc, Nhật Bản theo lời mời của họ. Mình cũng được tham gia đoàn. Khi ngồi trên xe chung với các thành viên của đoàn, Phó Thủ tướng hỏi.

 - Đi về các cụ gọi báo cáo kết quả chuyến đi nên nói gì các vị?

Mọi người nhìn nhau chưa ai trả lời thì mình nói vui.

-  Anh cứ báo cáo bên nước họ chỉ được cái đường xá tốt thôi, còn đường lối đúng, sai ta phải nghiên cứu tiếp. Còn kinh nghiệm thực hiện CNH thế nào thì doanh nghiệp và chuyên gia Hàn Quốc họ nói nhà nước cứ có chính sách sao cho đổ thật nhiều xi măng, sắt thép ra đường là CNH. Mình nói xong cả xe cười vui.    

Tôi nhớ một hôm anh gọi tôi và kể: Chiều qua Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi anh sang nhà mời uống vang và nói anh báo cáo bác Mười để cho anh sang giúp Chính phủ về Cơ khí như đề nghị của Thủ tướng nhưng chưa thấy trả lời. Anh Nghiệp cám ơn ông Kiệt song cho rằng khó được chấp nhận vì tế nhị …

Đang vui thì đứt dây đàn. Lúc này thân phụ anh Hà Nghiệp qua đời, anh không muốn phiền cơ quan và tôi đồng tình thế là Hội KHKT cơ khí Việt Nam chúng tôi đứng ra lo chu đáo và anh rất cám ơn. Đến năm 2001 anh Nghiệp đổ bệnh nặng vì ung thư phổi. Với tình cảm anh em và là Phó Chủ tịch Hội KHKT cơ khí Việt Nam tôi cùng chị và các con của anh ngày ngày vào bệnh viện thăm anh. Các anh lớn tuổi ở Hội cơ khí rất thương anh Nghiệp và trao đổi với tôi muốn Hội đề nghị Thủ tướng xét cấp Huân chương Lao động cho anh trước lúc anh đi xa. Tôi thay mặt Hội cơ khí đến gặp bác Mười và lãnh đạo Văn phòng TW Đảng trình bầy và đề nghị cơ quan chủ quản nơi anh công tác hiệp y đồng ý theo quy định. Tất nhiên bác Mười, các anh lãnh đạo ở Văn phòng TW đồng tình và TS Hà Nghiệp, Chủ tịch Hội KHKT Cơ khí Việt Nam được Chính phủ ký quyết định trao Huân chương Lao động hạng III sát ngày anh ra đi. Hôm trao anh Huân chương Lao động có bác Đỗ Mười, anh Trần Quốc Vượng, Phó chánh Văn phòng TW Đảng cùng tôi và gia đình anh đến bên giường bệnh anh đang thở oxy để đọc quyết định, trao tấm bằng cho anh trong tiếng nấc của chị và các cháu. Sau đó Hội chúng tôi cùng gia đình anh lo tang cho anh, tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi và anh em trong Hội KHKT Cơ khí Việt Nam thực hiện đúng câu: Nghĩa tử là Nghĩa tận với anh.

Giờ đây qua bao năm tháng, TS KHKT Hà Nghiệp, Trợ lý Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội KHKT Cơ khí Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước truy tặng anh Huân chương Độc Lập để ghi nhận tấm lòng, công lao của anh, một trí thức chân chính có nhiều việc làm tốt cho đất nước.

Nhiều lúc tôi nghĩ mình hiện vẫn còn được khỏe, gia đình yên ổn, cuộc sống vui vẻ không phụ thuộc ai… chắc là đã được ông bà, cha mẹ và các bậc đàn anh như anh Hà Nghiệp, Trần Quốc Vượng… vẫn luôn dõi theo phù hộ.

Tháng 7-2021, sắp là tháng cô hồn âm lịch, ngồi nhà qua TV chứng kiến những đoàn quân áo trắng, áo xanh đang ngày đêm đang lao mình đi chống dịch bệnh Covid 19 khắp nơi tôi lại nhớ thời đất nước ta chống giặc ngoại xâm trong những năm tháng thế kỷ XX. Giờ đã sang thập niên thư hai của thế kỷ XXI tôi lại được chứng kiến người Việt Nam ra trận một lần nữa để quyết liệt chống lũ giặc vô hình đầy gian nan chẳng kém gì chống lũ ngoại xâm hung hãn năm xưa và tự tin dân tộc, đất nước Việt Nam của mình nhất định chiến thắng. Cùng tôi chắc chắn nhân dân Việt Nam chúng ta đểu tin như vậy./.