TẾT CON NGỰA THỜI INTERNET
Đào Phan Long
Mùa đông giá rét 10 độ C, ngoài đường dân Hà Nội rậm rịch đón Noel và năm mới 2014. Ngồi nhà ấm áp vào mạng đọc, xem tin tức mới thấy mình hạnh phúc vì được sống với cả thiên hạ nhờ sự phát triển công nghệ thông tin vượt bậc của nhân loại thời nay. Qua internet dễ dàng đọc tin tức, hình ảnh trong nước và quốc tế. Tin tức từ chính trị thời sự đến các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tin dật gân, tin vui, tin buồn đủ thứ. Đúng là “Thế giới phẳng”, chợt tôi nhìn thấy tấm bản đồ Việt Nam cong hình chữ S xuất bản từ thời thuộc Pháp được ai đó tô mầu, ghi chú các vùng đất miền Trung, miền Nam do các triều đại phong kiến Đại Việt xưa kia mở cõi.
Chùa Một Cột (Xưa & Nay)
Thế là tôi hồi tưởng lại hình ảnh nhà sử học Văn Tân, lớp người cùng thế hệ cha chú tôi đã từng bị người Pháp tra tấn tù đầy, đánh gẫy chân do hoạt động cách mạng, nay phải ngồi để nói chuyện với lớp sinh viên trẻ chúng tôi hồi năm 1966 (khi đó ông là Viện trưởng Viện Sử học). Đại ý ông đã giới thiệu cô đọng về các cuộc khởi nghĩa bất khuất của người Việt thời 1000 năm Bắc thuộc để giành quyền tự chủ, rồi tiếp đến các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhà nước phong kiến Đại Việt vào các thời Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Quang Trung - Nguyễn Huệ, rồi chống người Pháp, người Mỹ để nêu lên truyền thống chống ngoại xâm của cha ông cho lớp trẻ chúng tôi, những người Việt Nam đang học tập, lao động, chiến đấu chống ngoại xâm, giữ độc lập trong thế kỷ 20. Khi đó chúng tôi còn trẻ nên nghe chỉ hiểu và nhận thức đai ý: Việt Nam là một đất nước, một cộng đồng các dân tộc luôn bị các thế lực ngoại bang dòm ngó để cai trị, để đồng hóa chỉ vì lý do “Địa chính trị hết sức quan yếu” do trời đất đã định tạo ra cho vùng đất này. Ông Văn Tân còn giới thiệu sơ lược nội dung một cuốn sách về Việt Nam mới xuất bản của giới sử học Mỹ thời đó để cho người Mỹ hiểu về lịch sử Việt Nam. Họ viết tập trung nội dung đại để: Ngàn đời nay ở Châu Á lục địa luôn tồn tại 02 con Rồng, con rồng lớn ở phương Bắc và con rồng nhỏ ở phương Nam. Con rồng phương Bắc sở dĩ lớn mạnh vì đã tiêu diệt xong các vương triều lân bang, song khi thò móng vuốt quay xuống phương Nam để tiêu diệt con rồng nhỏ nhiều phen nhưng vẫn chưa thành. Trước áp lực tồn vong ấy, con rồng nhỏ phương Nam không có cách nào khác vừa phải gồng mình chống đỡ, đồng thời phải tìm cách quay đầu vươn xa hơn xuống phía Nam để tồn tại. Dòng lịch sử đó đã minh chứng con rồng nhỏ phương Nam ấy không dễ bị bắt nạt vì nó đã trải qua nhiều trận chiến, chấp nhận đau thương để tồn tại bên cạnh con rồng lớn. Người Mỹ hãy nên tìm hiểu kỹ hơn lịch sử về con rồng nhỏ này để có cách khuất phục nó…
Hồ Hoàn Kiếm (Xưa & Nay)
Thấm thoát thế mà đã gần nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày lớp sinh viên chúng tôi nghe bài nói chuyện ấy của nhà sử học cách mạng, nay khi tuổi đã cao, nhìn tấm bản đồ Việt Nam trên mạng tôi mới hiểu thấu được quy luật tồn vong đã phải trả giá bằng máu xương của bao thế hệ người Việt từ thời các bộ lạc tiếp đến các vương triều phong kiến để giờ đây Việt Nam mới có được độc lập dân tộc và thống nhất đất nước liền giải từ Bắc xuống Nam. Thời gian sẽ qua đi, nhưng bài học lịch sử đau thương ấy vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta và các thế hệ người Việt Nam mai sau luôn luôn ý thức rành mạch điều này và cần luôn cảnh giác, đoàn kết trước sự ngó dòm của ngoại bang.
Nghĩ về chuyện cũ, song lại trở về với đời thường hàng ngày ở Hà Nội hôm nay, tôi tự đặt câu hỏi: Quốc gia là vậy, còn Thăng Long - Hà Nội mình đang sinh sống và làm việc thì sao? Thế là tôi lại tìm trên mạng để xem hình ảnh Hà Nội xưa do người Pháp ghi lại mà còn nhiều người lớn lên ở thành phố này cùng lứa tuổi chúng tôi vẫn còn chưa được xem, được biết.
Cột cờ Hà Nội (Xưa & Nay)
Người xưa có câu “Thăng Long phi chiến địa”, nhưng theo dòng lịch sử nước nhà thì từ thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn và cho đến năm 1945, rồi 1972 đất Thăng Long - Hà Nội vẫn bị tàn phá bởi giặc ngoại xâm đấy chứ. Điều đó càng minh chứng một điều là Việt Nam chúng ta thời nào cũng không được yên bởi sự dòm ngó của ngoại bang?
Nhưng rồi lại thấy qua mạng hiện lên hình ảnh các nước khác cũng đâu có yên ổn bởi các thế lực chính trị toàn cầu?, cảnh biểu tình, cảnh chiến tranh, khủng bố bắn giết đồng loại, cảnh đói nghèo, bệnh tật vẫn hiện diện nơi nơi trên các châu lục…đang diễn ra ngày ngày, trong khi giờ đây nước ta vẫn còn giữ được bình yên thì mới quý làm sao? Nhưng tất nhiên muốn để đất nước ta tiếp tục được yên ổn và phát triển phồn vinh trong tương lai không phải chuyện dễ!
Bởi vì chúng ta đã hiểu khái quát chiến tranh xâm lược thời nay khác xa thời trước. Nếu trước đây các quốc gia chỉ có các lực lượng quân binh chủng Hải - Lục - không quân để phòng thủ và tấn công kẻ thù, thì giờ đây đã có thêm 2 lực lượng tác chiến mới nữa, đó là cuộc chiến trên Vũ trụ giữa các cường quốc để tiêu diệt các vệ tinh, tầu vũ trụ làm nhiệm vụ truyền dẫn tín hiệu điều khiển các thiết bị, vũ khí dưới mặt đất và cuộc chiến phá hệ thống Mạng giữa các bên. Đúng là con người càng văn minh thì càng tàn bạo. Nhưng tôi mong với bản lĩnh của con rồng nhỏ các thế hệ người Việt Nam chúng ta sẽ không để đất nước lại rơi vào sự chà đạp của ngoại bang trong thế kỷ 21 này.
Vườn hoa Ba Đình & Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đêm đông Hà Nội càng rét đậm, năm mới sắp đến, ngồi xem Mạng tôi chợt nghĩ phải lục lại hình ảnh Hà Nội hôm nay mà mình đã chụp để so sánh với Hà Nội xưa, âu cũng là một niềm vui nho nhỏ giúp con cháu mình biết thêm về hình hài một thuở của Hà Nội để chúng biết yêu quý cái thành phố trái tim của cả nước nhưng vẫn đang còn ngổn ngang này. Ai đã sinh trưởng và sống ở Hà Nội từ thập niên 1950 đến nay chắc chắn sẽ thấy Hà Nội thời trước có 3 khu dân cư khác nhau. Thứ nhất là khu cư dân buôn bán, làm nghề thủ công ở 36 phố phường (Hàng Đào, Hàng Trồng, Hàng Buồm, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thiếc, Thuốc Bắc…), thứ hai là cư dân sống ở các vùng ngoại ô trồng lúa, trồng hoa, cây trái, sản xuất một số thực phẩm truyền thống và cung cấp nhân lực lao động cho cư dân nội thành, thứ ba là những đường phố chính nội thành do người Pháp quy hoach và xây dựng từ đầu thế kỷ 20, hiện thuộc Quận Ba Đình, Quận Hoàn Kiếm ngày nay. Tất nhiên với những đường phố “Tây” (Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Liệt, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Tràng Tiền… nhà Thờ Lớn, nhà Hát Lớn, công viên Bách Thảo, cầu Long Biên …) và một số danh thắng (Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Thuyền Quang, hồ Trúc Bạch, đường Thanh Niên…), các di tích đình, chùa xưa (Chùa Trấn Quốc, Chùa Quán Sứ, đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn, chùa Láng…), các con đê ven sông Hồng (đê Yên Phụ, Nhật Tân, Hoàng Hoa Thám) đã có từ trước thời Pháp thuộc (cuối thế kỷ 19) được giữ lại mới là hình ảnh đích thực của một Hà Nội xưa được lưu giữ trong ký ước của nhiều người. Hà Nội nay thì rộng lớn vì có cả một phần đất và cư dân các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh xưa được nhập vào.
Nhà hát lớn (Xưa & Nay)
Không biết đã chính xác chưa, nhưng có thể thấy hầu như các đường phố được người Pháp quy hoạch và xây dựng trước đây rất ít khi bị ngập úng khi mưa bão lớn. Các đường phố chính đều có vỉa hè rộng, cây xanh rợp bóng mát, hai bên là các ngôi nhà có sân vườn kiến trúc hài hòa. Các con phố nhỏ thì cũng có vỉa hè nhỏ và cống thoát nước đàng hoàng. Còn các đường phố mới thời nay của Hà Nội thì có nhiều cái lạ như rất ít thẳng mà cong keo, nhà mặt phố thì được kiến trúc đủ kiểu, lô nhô, cao thấp chẳng đâu vào đâu trông rất tức mắt, mưa thì hầu như thoát nước rất kém, đi lại thì rất nhiều nút cổ chai nê thường xuyên tắc đường…Không hiểu hình hài thực tế của Hà Nội sau này sẽ ra sao? Các thế hệ người Việt Nam rồi đây sẽ trưởng thành như thế nào trước cuộc chơi đầy thách thức toàn cầu? Đây có lẽ là điều mà người ta thích lưu giữ hình ảnh Hà Nội xưa.
Hồ Tây ngày nay
Chuyện xưa, chuyện nay lẫn lộn, năm con rắn sắp qua, năm con ngựa sắp tới, thế giới biến đổi khôn lường, tôi cầu mong cho mọi người dân Hà Nội nói riêng và cả nước Việt Nam “Mã đáo thành công” vượt lên trong cuộc sống còn gian khó hôm nay. Tôi chắc cũng như mọi người đều mong cho thủ đô Hà Nội của chúng ta sẽ ngày càng to đẹp thật sự và vẫn giữ được những công trình, danh lam, di tích xưa để mãi mãi các thế hệ người Việt Nam luôn tự hào với cư dân các tỉnh thành khác và khách quốc tế. Muốn vậy thiển nghĩ chúng ta, trong đó có tôi, có bạn, có mọi người Việt Nam đều cần sống tử tế và có kiến thức để hiểu biết làm việc tốt cho nhau trong những năm tháng phía trước ./.