TẾT ĐẾN

NHỚ CÁNH SEN THĂNG LONG - HÀ NỘI XƯA

Nhớ lại: Thế hệ chúng tôi đã lớn lên, học hành, vui chơi, làm việc, lập gia đình… ở Hà Nội đã trên nửa thế kỷ. Chúng tôi là công dân của một chế độ không còn Vua quan và thực dân nước ngoài đô hộ. Thế hệ chúng tôi có rất nhiều người lên đường cầm súng ra trận, trong số đó nhiều người đã mãi mãi không trở về. Số còn lại ở hậu phương thời chiến thì đời sống thường nhật gian khổ nhưng vẫn đảm đương tốt những công việc được giao vẫn sẵn sàng cùng quân dân ta chống trả những trận bom thù ném xuống vùng đất thiêng của tổ quốc. Gian khó, hy sinh một thời máu lửa, nhưng rồi cuối cùng cũng được chứng kiến đại thắng “Điện biên phủ trên không” năm 1972 của chúng ta trước kẻ thù hung bạo và được ùa ra hồ Hoàn kiếm để hưởng giây phút giữa những người không quen biết ôm chầm nhau, tay cầm tay hò reo mừng chiến thắng lịch sử của dân tộc ngày 30-4-1975.

Trong những năm tháng gian nan ấy, Hà Nội chỉ có mấy chục vạn dân lại đi sơ tán về nông thôn nên đường phố vắng, xe có động cơ rất ít, môi trường không khí trong lành, hoa sữa, hoa phượng đỏ, sấu chín vàng… khi mùa đến. Đặc biệt thời đó người Hà Nội ra đường mọi người ăn mặc thuần chỉ thấy vài mầu xanh, trắng, lá cây. Hầu như đàn ông, đàn bà, thanh nhiên, con trẻ …, ai ăn vận cũng tương tự như ai. Thế nhưng hàng năm cứ vào đêm giao thừa, không ai bảo ai mọi người Hà Nội lại rủ nhau ra bờ hồ Hoàn Kiếm để tản bộ chờ giờ khắc đón giao thừa. Khắp thành phố pháo nổ râm ran trong đêm lạnh lất phất mưa bay. Bầu trời ẩm ướt tạo nên màn khói nồng mùi thuốc súng. Nhà nào nghèo thì nghèo vẫn có nhánh đào, cành mai, chai rượu chanh nội, bao thuốc Tam Đảo, Sông Cầu, gói mứt xoàng, còn vài nhà sang hơn thì có thuốc Tam Thanh, Sông Hương … Chuẩn bị Tết các gia đình đều vất vả rửa lá, đãi đậu để gói, luộc bánh chưng, tranh thủ xếp hang mua sắm Tết theo bìa phiếu phân phối… Gian khổ là vậy nhưng người Hà Nội thời đó cư xử với nhau thân thiện, tôn trọng lẽ phải và luôn sẵn lòng chia sẻ giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn. Một thói quen nữa  thời đó là số lượng người quan tâm đọc, hay còn gọi là - văn hóa đọc - thấy rất nhiều ở mọi lứa tuổi. Qủa đã có thời:  “Trong chiến tranh, trong khói bom, suốt bốn mùa, tôi vẫn vui…”. Ấy là nhớ lại và vẫn biết  mỗi thời mỗi khác.

Nay Tết đến nhìn thiên hạ và ngẫm lại theo tư duy “biện chứng” phương Tây hay “Dịch” phương Đông thì thấy Hà Nội hôm nay đã khác xa thời trước là phải. Theo thời gian thủ đô đất nước nào ở thời đang phát triển chả ngày càng to lên, đông dân lên theo năm tháng, cho nên thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thay đổi nhiều là lẽ đương nhiên. Công nghiệp hóa ắt kéo theo đô thị hóa, nước nào mà chả thế, bởi đó là quy luật tồn tại khách quan. Biết vậy nhưng vẫn thấy buồn lòng, vẫn tiễc nuối vì sự phình to quá nhanh của Thủ đô nhưng lại chưa có tính toán và quy hoạch phát triển thành phố một cách khoa học và thực tiễn, nên mới lộn xộn, giao thông đường bộ ách tắc hàng ngày, không khí ô nhiễm, trên không thì nhức mắt với hệ thống mạng nhện các loại dây rợ như ngày nay. Bây giờ muốn chụp một cảnh phố, một biệt thự Pháp xưa và ngay cả chụp Nhà hát lớn thành phố cũng bị những bó dây thông tin cắt ngang…Tôi đi qua nhiều thành phố trên thế giới, khi quay về Hà Nội nhận ra chưa thấy một đường phố lớn nào mới hình thành ở Hà Nội vài năm lại đây ngay ngắn thẳng tắp mà lại công công, lồi ra lõm vào, nhà mặt tiền khoe trên mặt phố thì mới khập khiễng làm sao? Không biết tôi nói thế có quá không? Buồn cho quy hoạch và kiến trúc Hà Nội đương đại. 

Hàng ngày phải đối mặt với thực tế này nên thế hệ chúng tôi càng nhớ Hà Nội cũ. Tôi có thói quen hễ có dịp nghỉ lễ tết kéo liền vài ngày là đường phố Hà Nội thưa người, êm ả lại như thời trước do nhiều người đang học tập, làm ăn, sinh sống ở đây về quê, thì liền phi ra đường đến những địa danh quen thuộc để xem hôm nay nơi này đã thay đổi ra sao? chụp lại vài kiểu ảnh để chơi, hít thở, tản bộ cho thoải mái và nhớ lại những kỷ niệm một thời đã qua.

Nay Thăng Long - Hà Nội đã qua ngàn năm tuổi, những khung cảnh tĩnh vắng với người đi thong thả đã thay bằng quang cảnh lộn xộn, không gian ầm ầm, người đi chen chúc ngoài đường, ô nhiễm không khí nồng nặc mùi khói than khí và bụi…Trước đây, Hà Nội Tết đến hoa đào thắm nở khắp mọi nhà, không biết rồi đây còn như xưa hoặc nhiều hơn xưa được nữa không? Cây đào đã vậy, còn đầm Sen chắc rồi cũng chung số phận như Đào, nghĩ đến điều này làm tôi chỉ luôn ước ao Hà Nội tương lai sẽ có nhiều hồ Sen để con cháu luôn được ngắm sen nở khắp nơi trên vùng đất thiêng này như những thế hệ tiền nhân đã từng được chiêm ngưỡng ngày ngày từ thời xa xưa. Nhưng có lẽ ước mong này của tôi chắc khó có được và có thể đó chỉ là những điều ước viển vông, do vậy tôi đành lẩn mẩn ghi lại hình ảnh những cánh hoa Sen sao lại được người xưa tạc trên đá, làm bệ Phật tọa, nặn trên gốm Việt cổ nhiều đến như vậy? để tự chơi cho đỡ buồn, đỡ nhớ những đóa Sen thật nở đẹp mặt hồ.

Thủ đô Thăng Long - Hà Nội ở năm cuối của thập niên đầu thế kỷ 21 - năm 2009 - đang được mở rộng, lấy thêm cả đất Tỉnh Hà Tây để phát triển trong tương lai, thế hệ chúng tôi mong các thế hệ kế tiếp có đủ kiến thức, bản lĩnh và trái tim để cùng nhau xây dựng một thủ đô có tuổi ngàn năm trở nên văn minh, hiện đại sánh cùng các nước cho đỡ tủi. Và trong cái đà mở rộng phát triển ấy, tôi chỉ ước mong trên đất thủ đô hiện đại nay mai sẽ có Sen, có Đào nở rổ ở nhiều nơiơtreen vùng đất này để cho người đời chiêm ngưỡng làm dịu đi nhịp sống công nghiệp - thị trường căng thẳng đang ào ào xô tới quanh ta./.