TẾT VỀ NHỚ BẠN CỔ KIM
Đào Phan Long
Chủ Tịch VAMI*
Cùng vui tết 2011 với vợ chồng Dũng bột, Ngô Hoàng Quân, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Việt Nam, nhạc sỹ Phó Đức Phương, Trọng Đài tại Hà Nội
Tôi là dân làm cơ khí suốt đời vì đó là nghề đã được theo học. Viết lách, làm báo, tầm chơi cổ vật chỉ là tay ngang.
Làm nghề cơ khí thì chỉ có máy chạy ồn ào, sắt thép kêu loảng xoảng, nóng bức, bụi dầu, bản vẽ kỹ thuật…, nhìn chung là vất vả và khô khan. Nhưng đổi lại, nói không quá, làm nghề cơ khí cũng có nhiều niềm vui mà làm nghề khác chưa chắc đã có. Từ lúc còn trẻ theo học nghề cơ khí và rồi ra đời đi làm nghề cơ khí luôn phải hợp tác và liên kết các công việc với nhiều người khác, đó là bắt buộc. Cho nên dân cơ khí luôn có được tư duy mạch lạc và thân thiện trong cuộc sống. Có thể nói vui nhất với dân làm cơ khí là do điều kiện công việc nên đã kết bạn được với khá nhiều người có giọng nói ở khắp các vùng quê của đất nước.
Đất nước muốn thực hiện công nghiệp hóa mà không có cơ khi phát triển đố làm được. Thiết nghĩ dù thời nay nhân loại đã bước vào cách mạng công nghệ 4.0, đã số hóa, đã thế giới phẳng… nhưng nếu không có ngành cơ khí tạo phát triển để ra các thiết bị, máy móc thích hợp nhằm tạo nhiều sản phẩm tiêu dùng, công cụ sản xuất, trang thiết bị quân sự … thì các tiến bộ nói trên có vào cuộc sống được không?
Nói không ngoa, về cơ bản người được lựa chọn theo học đại học để làm cơ khí không dễ như nghề khác. Làm nghề cơ khí khi muốn làm nghề khác theo ý thích thì học thêm là có thể làm tốt, nhưng ngược lại những người học ngành khác muốn đi làm cơ khí thành đạt có lẽ khó vì đâu có đọc được bản vẽ, biết thiết kế sản phẩm, chọn công nghệ, chọn máy gia công…?
Tóm lại tôi vẫn tự hào mình là dân làm cơ khí và là người Việt Nam tử tế.
Thế hệ chúng tôi ra đời khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới sinh ra được hơn năm. Lớn lên và sống trong cuộc chiến đã kéo dài gần nửa thế kỷ XX do người Việt Nam ta buộc phải đứng lên đánh đuổi lũ giặc ngoại xâm tàn bạo cố tình đánh chiếm vùng đất này tươi đẹp và quan trọng này trên bản đồ khu vực. Bom rơi đạn lạc gian nan như vậy nhưng may mắn còn sống, được đi học, đi làm, được lang thang công cán nhiều nơi tôi mới tận mắt được ngắm phong cảnh thiên nhiên đất nước, được ăn uống, tán phễu, vui chơi các kiểu với chúng bạn… Cạn nghĩ và tự bằng lòng: Chắc chắn ai có nhiều bạn tốt thì sẽ có thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống muôn mầu.
Tết này không vui vì Covid - 19 hoành hành làm loài người khốn khổ.Thế giới đảo điên ảnh hưởng xấu đến mọi quốc gia và Việt Nam không thể đứng ngoài. Đã hơn một năm qua, dù con người đã có công nghệ 4.0, số hóa, thế giới phẳng… nhưng vẫn chưa tìm ra cái giống virus quái ác này đã do con vật hay con người gây ra mới chết. Nghĩ mà nản.
Theo luật trời đất sinh - lão - bệnh - tử lại gặp Covid - 19 nên không đi xa được để thăm bạn dịp cuối năm, đến thắp nén hương cho các bạn thân thiết đã về cõi vĩnh hằng… Buồn!
Ngồi nhà đón Tết với gia đình có ấm cúng thật sự, nhưng quẩn quanh Hà Nội nên tâm trí vẫn nhớ đến các bạn đã gắn bó buồn vui bia rượu … thường nhật với mình. Biết làm sao được? Để tự vui và chia sẻ với bạn bè tôi tìm lại những tập thơ của bạn mình để đọc, vì thường cứ mỗi dịp Tết đến họ lại tặng thơ của họ cho tôi. Làm cơ khí khô khan nhưng thiết nghĩ mình không biết thưởng thức thơ, văn, nhạc, họa kể cũng phí. Do vậy trong suốt nhiều năm qua kể từ lúc mới ngoài 30 đến nay tôi thường hay bầu rượu túi thơ khá thân thiết với một số văn nghệ sỹ khá thành danh sống ở Hà Nội. Tết này trong số họ đã có vài người đi xa như Nguyễn Khắc Phục, Phó Đức Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Đoàn Tử Huyến. Nhưng với tôi, với đời họ vẫn tồn tại. Chắc chắn theo thời gian tôi sẽ dần lẻ bóng.
Tết này có buồn nhưng đọc lại thơ, nghe nhạc của bạn sáng tác tôi thấy ấm lòng với những tứ thơ, giai điệu, ca từ của họ. Chắc chắn thơ, nhạc của các bạn mình đã làm tôi cùng nhiều người Việt Nam và chính họ đã nỗ lực vượt lên để sống, để làm việc có ích cho đời mặc cho gian truân, khó khăn vẫn còn phía trước.
VÀI BÀI THƠ CỦA BẠN
*
* *
Thập niên đầu của thiên niên kỷ này NXB Văn Học VN đã in và phát hành tập Truyện ngắn ĐÓA QUỲNH GIAO của tôi. Nhiều người đọc thấy cũng khoái. Cuộc sống hàng ngày vẫn bận việc, bận chơi nhưng nay tuổiđã cao nên dành nhiều thời gian hơn để tí toáyviết. Quỹ thời gian khôn vô biên nữa nên dự kiến năm nay sẽ viết xong cuốn BỤI TRẦN dầy khoảng từ 250 đến 300 trang để vui cùng bạn đọc.
Nhân Tết đến năm nay tôi lấy trước câu chuyện số 11 trong tập bản thảo BỤI BAY của mình để đọc cho vui.
11
NHÀ THƠ VÀ BÍ HÝ ĐỒ
Ông Thành báo Vĩnh tin bác Ninh nhà thơ bạn ông năm nay mới nhận Giải thưởng thơ nhà nước có kèm ít tiền, bác ấy muốn tổ chức chiêu đãi mời các bạn và cơ quan Hội để cám ơn. Nhưng rất tiếc ngày đó bố lại không ở Hà Nội cho nên bố muốn con và anh Hoàng đến dự có được không để bố báo với bác ấy.
- Thế ạ. Bác Ninh oách bố nhỉ. Được chứ ạ. Con và anh Hoàng được đến chia vui với bác Ninh lại thay mặt bố thì cũng oai rồi. Toàn người lớn kể cũng không biết thế nào nhưng con sẽ nói để anh Hoàng cùng đi. Con sẽ có hoa, rượu ngon mang biếu bác ấy để chúc mừng. Bố yên tâm đi. Bố đi có lâu không?
- Hơn tuần. Thế là ổn rồi. Cả đời người cầm bút theo nghiệp thơ văn để được ăn lương nhà nước mà giữ được như bác ấy không dễ. Hiện nay người thích làm thơ và in thơ của mình ở ta nhiều lắm. Đâu đâu cũng thấy người khoe thơ. Nhưng để có thơ hay làm thiên hạ thích không nhiều. Mừng cho bác ấy.
- Bác Ninh và mấy bạn văn thơ, nhạc, họa, báo chí của bố toàn người có danh và thân tình với nhà ta cả. Họ đều kính trọng ông bà nội mình và thân thiết với bố cho nên con muốn sau tiệc của bác Ninh tổ chức con sẽ thay bố được mời bác ấy riêng một bữa ngoài quán cùng với dân chơi cổ vật để chúc mừng bác ấy được không ạ?
Ở ta người nhận được Giải thưởng Nhà nước về thơ, văn, hội họa, âm nhạc, nghệ thuật, khoa học công nghệ… tất nhiên phải là người có những tác phẩm, công trình nghiên cứu đã được đưa vào sử dụng có ích cho đất nước. Do đó người nhận giải thưởng như bác Ninh làm tiệc mặn để cám ơn bạn bè, cơ quan là lẽ tất nhiên. Nhưng để bác ấy vui vẻ hết mình thì phải để đám con mời các bác ấy.
- Thế cũng phải. Bác Ninh và một số chú bác văn nghệ sỹ nữa với nhà ta là chỗ thân thiết. Vậy để bố nói trước với bác ấy. Gặp bác Ninh con mời bác ấy để chúc mừng tiếp nhé. Con cứ tổ chức đừng chờ bố về. Chắc bác ấy sẽ vui lắm đấy vì sẽ được lai láng thơ phú với đám trẻ. Con mời thêm các bác, các chú thân tình với nhà ta và bác Ninh đến đánh chén chắc chắn còn vui hơn.
- Vâng ạ.
Hôm đến dự tiệc mừng được Giải thưởng của bác Ninh tổ chức diễn ra tưng bừng vì vốtska Nga xách tay ai đó tặng nhà thơ được mở liên tục. Những lời chúc mừng chủ tiệc liên miên, những câu thơ hay của tác giả được Giải thưởng được đọc lên cho mọi người thưởng thức theo yêu cầu. Tất nhiên những người thích thơ phú thường cũng thích rượu… Giữa cuộc vui có một vị cầm ly rượu trên tay lên tiếng.
- Ông ơi, thơ ông được Giải nhà nước là vui rồi. Xin chúc mừng nhà thơ. Bao nhiêu bài hay của ông đã được in thành mấy tập mà tôi đã được tặng. Nhưng riêng tôi chỉ thấy hay và thích nhất có độc một bài của ông thôi. Một thực khách để râu dài cầm li đứng lên vừa nói vừa cười.
Mọi người nhao nhao, có nhiều bài hay chứ?...
- Vậy ông thích bài nào thưa cụ? bác Ninh cười và nháy mắt đáp.
- Bài GỬI CHÀNG THI SỸ XE ÔM.
- Thấy hay nhưng có thuộc không?
- Thơ ông ông thuộc, cho nên theo tôi trong cuộc vui này nhà thơ hãy đọc cho mọi người cùng nghe có được không? Vì khi mọi người cùng nghe sẽ làm tôi tự hiểu về trình hiểu của mình đã chuẩn chưa.
Nhà thơ tươi cười vui vẻ mặt không hề biến sắc.
- Tay này gớm nhỉ. Vâng. Vậy mọi người cho phép tôi đọc bài thơ này để hầu mọi người. Trước khi đọc tôi xin kể lý do ra đời bài thơ này một chút. Chuyện là thế này, trong lần đi Tây Nguyên tình cờ tôi gặp một anh xe ôm hay chở mình đi thăm thú đó đây và anh ta lại rất thích làm thơ. Biết mình là nhà thơ Hà Nội vào thế là anh đọc cho tôi nghe một số bài do anh làm từ thời còn đi bộ đội giải phóng đến nay và muốn để tôi góp ý.
Khi về Vũng Tầu nhớ người bạn mới - một đồng đội với mình thuở còn đánh nhau với Mỹ - lại thích làm thơ tự sướng nên tôi đồng cảm với những suy nghĩ của anh bạn ấy, thế làm tôi làm bài thơ này. Bài thơ đã được chọn in trong tuyển tập thơ của tôi. Xin đọc nhé.
Gửi chàng thi sỹ xe ôm
Tặng T.V.S - Kon Tum - Vũng Tầu,cuối thu 2005
Đi nhiều nhất chính là anh
Mà sao vẫn thấy quẩn quanh quá chừng
Khi đi cũng thể khi dừng
Là theo cái đích người dưng thuê mình
Khi thì ôm, khi thì thồ
Lại khi nổi hứng với thơ bụi đường
Xe thì ôm những đoạn trường
Thơ thì ôm nỗi tự thương lấy mình.
Khi thì ôm, khi thì thồ
Thồ, ôm chi cũng hững hờ như nhau
Khi thì chậm. Khi thì mau
Chậm, mau thì cũng như nhau thôi mà!
Một chút men gửi la đà
Một chút thơ để mặn mà gió sương
Gắng mà ôm lấy yêu thương
Gắng mà tránh mọi tai ương dặm dài.
Dặm dì mình, dặm dì ai?
Dặm dì chi cũng chẳng ngoài dặm xa
Thồ người là để thồ… ta
Người ôm mà lại hóa ra ôm… người!
Tạ Văn, Tạ Sỹ, tạ… trời
Cho thành đa tạ, cho người nhớ nhau
“Ai đi đó, Ai về đâu”
Sá chi đôi “cuốc” bể dâu, phong trần.
Nghe xong mọi người vỗ tay tán thưởng, tất nhiên chạm cốc lia lịa. May mà cái lo quá chén đối với bác Ninh lúc này đã không xẩy ra vì tửu lượng của nhà thơ không vừa. Cụng li chúc mừng liên tục ấy vậy mà nhà thơ vẫn tươi rói, ăn nói đâu ra đấy.
- Hay. Một vị đứng dậy lên tiếng. Đúng bài thơ này hay và đầy tâm trạng và ông bạn đây thích là phải. Hôm nay tôi thấy có cả những vị lãnh đạo văn nghệ đến dự nên xin mạo muội chia vui. Là thế này. Nếu vào thời trước Đổi Mới 1986 cách nay vài chục năm, thời nước ta còn làm tuyên giáo kiểu Mao ít, Mao nhiều thì khi kiểm duyệt họ sẽ mổ xẻ nội dung bài thơ theo ý họ và rồi quy chụp cho tác giả khốn khổ đấy!
- Ơ hay. Ông anh giải thích đi. Lớp trẻ tụi em sinh sau thời Mao ít, Mao nhiều nên không hiểu nổi ý ông bác vừa nói. Một người trẻ tuổi ngạc nhiên lên tiếng hỏi.
- Là thế này, mình đã có tuổi mạn phép nhà thơ cho tôi được đóng vai nhà phê bình và kiểm duyệt báo chí văn chương thời Mao ít Mao nhiều đã hành hạ các văn nghệ sỹ nhà ta như thế nào để thấy được giá trị của Giải nhà nước hôm nay nhé. Được không ạ?
- Xin mời. Bác Ninh cười và mọi người vỗ tay dục nói tiếp.
Với vẻ mặt giả vờ nghiêm nghị quan trọng hóa vấn đề ông ta hạ dọng từ tốn.
- Mặc dầu lời thơ tả và ý thơ hay của tác giả chỉ cốt tặng một anh xe ôm cựu chiến binh thích làm thơ nhưng nội dung bài thơ buồn. Tại sao tác giả lại viết về một thân phận buồn như vậy được trong lúc này? Với một chiến sỹ quân giải phóng đã từng tham giaVạn lý trường chinh, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước oai hùng một thuở như vậy (Đi nhiều nhất chính là anh) nay lại (mà sao vẫn thấy quẩn quanh quá chừng) nghĩ như vậy là không đúng rồi. Đất nước, con người Việt Nam đang tiến nhanh, tiến mạnh… sao lại quẩn quanh quá chừng được hả? cầm bút mà viết vậy là không ổn rồi.
Mọi người cười, vỗ tay dục ông ta tiếp tục mổ xẻ dưới góc độ Mao ít Mao nhiều thời trước để góp vui.
Vị thực khách đóng vai nhà phê bình kiểm duyệt cũng cười và mời mọi người một li rồi lại với vẻ mặt lạnh tanh phân tích tiếp.
Tứ thơ này là thế nào ?
“Khi thì ôm, khi thì thồ
Lại khi nổi hứng với thơ bụi đường
Xe thì ôm những đoạn trường
Thơ thì ôm nỗi tự thương lấy mình
Khi thì ôm, khi thì thồ
Thồ, ôm chi cũng hững hờ như nhau
Khi thì chậm. Khi thì mau
Chậm, mau thì cũng như nhau thơi mà!”
Ơ hay cái anh nhà thơ này, quan điểm lập trường để đâu ? Sai bét.
Tại sao lại tự thương lấy mình ?
Tại sao lại “Chậm, mau thì cũng như nhau thôi mà!”. ÝThồ người là để thồ ta, Người ôm mà lại hóa ra … ôm người này là muốn ám chỉ điều gì đây?Không được. Cắt không cho in!
Dứt lời của nhà giả làm phê bình cả khán phòng vỗ tay cười vui vẻ. Bác Ninh cầm li đến chỗ ông ta cũng cười tít và cám ơn.
Một vị khác lên tiếng. Giỏi, giỏi thật. Diễn lại cảnh soi ý tứ văn nghệ sỹ ở ta thời Mao ít, Mao nhiều trước đây giỏi quá. Chỉ có tuổi anh em già lớp mình mới thấy được cái nguy cho người cầm bút trong thời Mao ít, Mao nhiều thôi. Bài thơ này của ông giờ nằm ở những tập thơ được nhận Giải thưởng nhà nước là vui quá đi chứ. Thời Mao ít Mao nhiều trước đây chỉ vì những suy nghĩ dốt nát suy diễn của những cán bộ kiểm duyệt kiểu này đã ngự trị văn đàn nước ta trong một thời gian dài cho nên đã làm khổ không ít cuộc đời của các anh chị, các bác văn nghệ sỹ lớp kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đấy các vị ạ. Giờ đây sáng tác văn học nghệ thuật, báo chí đã khác trước. Nói vui thế thôi chứ bài này của ông hay thật đấy. Chúc mừng nhà thơ nhé.
Đúng là lớp trẻ cầm bút ngày nay không hình dung nổi sự kiểm duyệt văn chương thơ phú âm nhạc thời trước ở ta...
*
* *
Nhớ bạn nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo (đầu cùng bên trái) và nhạc sỹ Phó Đức Phương (người đứng) nay đã về trời
Như hẹn trước với bác Ninh nhóm Vĩnh con ông Thành đứng ra tổ chức mời một số bạn chơi cổ vật phần để mừng bác Ninh nhận giải thơ nhà nước, phần để anh em đến đấu giá nội bộ vài món Bí Hý Đồ của một người trong Làng đồ cổ Hà Thành. Vĩnh muốn vậy để tỏ lòng với bác Ninh và vài bạn của bố, đồng thời cũng muốn khoe với bề trên rằng dân Làng đồ Hà Thành cũng biết hưởng thụ văn hóa như ai. Còn với bác Ninh thì Vĩnh nói bác muốn mời thêm ai tùy bác. Tất nhiên bác Ninh rất vui vì văn nghệ sỹ là người của công chúng mà được gặp vui với giới chơi cổ vật để họ biết mình hơn thì càng thú vị.
Vĩnh chọn hàng bia hơi Ụ pháo nằm bên hồ Trúc Bạch. Bia và mồi ở đây ngon vì nhà hàng vẫn do Câu lạc bộ quân đội cũ ở sân Cột cờ, phố Hoàng Diệu lo.
Mọi người được mời đến đủ. Phần bác Ninh đọc thơ của mình theo yêu cầu là tất nhiên. Rượu vào lời ra bác ấy đọc tới mươi bài về tình yêu đôi lứa, về Hà Nội, về các danh nhân đất Việt, về chiến tranh… để mọi người nghe. Không khí rượu thơ ngày một nồng và bốc.
Một ông bạn nhà báo bạn bác Ninh lên tiếng.
- Chúc mừng nhà thơ. Tôi rất vui vì được đến uống với các vị giới chơi cổ vật và những anh bạn trẻ đây. Cám ơn Vĩnh và các bạn. Chúng ta đều là dân sống lâu năm ở Hà Nội nên ai cũng quý thời tiết mùa thu. Mình hỏi các bạn chơi cổ vật câu ta thường nghe Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng Ancó từ khi nào?
- Câu đó ý của người Thăng Long xưa muốn nói về truyền thống thanh lịch của người dân sống lâu ở kinh đô ạ. Một bạn trẻ mau miệng lên tiếng.
- Thế đấy. Nhưng câu này có lẽ không phải của người Thăng Long xưa làm mà là của người Ninh Bình xưa theo vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư, Tràng An, Ninh Bình về Thăng Long nói đấy. Đi từ lịch sử và văn háo sẽ thấy dân Thăng Long ngàn xưa là dân Kẻ chợ, họ từ khắp các vùng quê đồng bằng sông Hồng về đất này sinh sống làm ăn. Cho nên văn hóa phong tục tập quán địa phương mỗi nơi mỗi khác, trong đó có cả dân của cố đô Hoa Lư - Tràng An, Ninh Bình đi theo Vua Lý. Giữa nơi hội tụ nhiều phong cách ứng xử thì dân cố đô Hoa Lư, Tràng An, Ninh Bình họ mới làm ra câu đó để luôn tự hào mình là dân cố đô văn minh so với người ở các vùng miền khác.Do vậy giờ đây đừng nghĩ câu đó là để nói về người Hà Nội nhé. Xin giải thích như vậy không biết có trúng không?
- Hay quá. Hôm nay nhà báo giải thích có lý đấy. Lâu nay mọi người cứ nói mà chắc chưa hiểu sâu xa ý Thanh lịch - Tràng An. Đúng là mọi người cứ hay gán thanh lịch để chỉ người Hà Nội. Cần hiểu để sửa cách nói thôi.
- Hôm nay chúng ta ngồi nhậu bên Hồ Tây tôi hồi tưởng giờ đây khi Tết đến thường đường phố Hà Nội rất vắng vẻ như thời những năm trước 1990. Những cư dân sống ở Hà Nội lâu năm thường thích thú thấy cảnh thành phố vắng vẻ từ chiều 30 đến hết ngày mùng hai âm lịch và ước ao không biết khi nào Hà Nội mới lại thanh bình như xưa? Đường phố có vắng mới dễ dàng phi xe máy, lái ô tô đi lại đến chúc tết người thân, bạn bè hoặc tụ tập để kháo cho nhau nghe những mẩu chuyện đời vui vẻ chứ. Chắc anh chúng em ta ngồi đây hôm nay cũng nghĩ và thích như vậy nhỉ? Ông nhà báo nói.
- Vâng. Thích thế ạ. Nhưng bác ơi, trước Tết dân buôn bán trong Làng đồ Hà Thành thường hay tụ bạ để “luộc nấu” nội bộ lấy tiền trang trải, sắm sửa Tết cho gia đình. Hôm nay tại đây cũng có người mang đồ đến chào bán. Các bác cho phép diễn mục mua bán cổ vật cho vui nhé. Một người đứng lên lễ phép phát biểu.
- Oh thế thì hay quá. Bác Ninh nhà thơ ngạc nhiên lên tiếng.
- Tôi xin phép được giải thích thêm cho các vị tham khảo trước khi chúng ta đấu giá nhé. Vừ trình bầy anh ta vừa lấy trong ba lô ra chiếc bát và đĩa sứ cao cấp Trung Quốc vẽ tích Bí hý đồ - tức đồ chơi kín đáo - và giải thích: Người Trung Hoa đã chơi Bí Hý đồ chất liệu gốm sứ, đồng, gỗ rất sớm. Đây là Bí hý đồ sứ mầu vẽ cảnh làm tình muôn thuở rất tinh tế. Công nghệ chế tác sứ mầu đạt đỉnh cao của người Trung Quốc. Mời mọi người xem.
Mọi người đến xem hiện vật đều trầm trồ khen đẹp. Chủ món đồ nói thêm:Ở Việt Nam ta kể từ thời phong kiến quân chủ trước 1945, sau là thời chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều rất kiêng kỵ công khai nói, bàn luận, nghiên cứu một cách khoa học nghiêm cẩn và giới thiệu về tình dục của con người cho cộng đồng, vì cho rằng đó là những chuyện không nên quảng bá công khai. Mãi những năm gần đây nhờ lãnh đạo nhà nước thực hiện “đổi mới tư duy” và “mở cửa với thế giới” để tồn tại và phát triển đất nước nên mới có thêm những “đề tài nghiên cứu, xuất bản ấn phẩm”… bàn và hướng dẫn cho mọi người về tình dục sao cho đúng nhằm duy trì sức khỏe nòi giống, tránh vi phạm pháp luật như nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới đã thực hiện từ lâu.
- Thà muộn màng hơn so với thiên hạ còn hơn vẫn cứ như cũ. Giờ đây phương tiện truyền thông từ tivi đến báo đài nước nhà đã dành thời lượng bàn và hướng dẫn về tình dục. Từ chỗ kiêng kỵ bàn thảo về tình dục - mặc dầu con người khi đã trưởng thành đều biết tình dục là một nhu cầu sinh lý vốn tạo hóa đã ban cho mọi sinh vật để duy trì nòi giống chứ không chỉ cho riêng cho con người - nhưng ở ta vẫn chưa công khai nói đến. Hôm nay đã già đời nhưng mình mới biết thế nào là cổ vật Bí Hý Đồ. Một ông chú bạn nhà thơ lên tiếng.
Một tay trong Làng đồ tiếp lời.
- Bác chắc chưa đọc Tạp chí Cổ vật Tinh hoa trước đây đã có hai lần giới thiệu bài viết “Tình dục trên đồ gốm Việt cổ” của TS Phạm Quốc Quân, cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và bài viết “Tình dục và tuổi thọ” của cố Nhà báo Đào Hùng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay rồi. Tụi em chơi cổ vật đọc rất thích nên đã kháo nhau tìm đọc đấy.
Dịch từ tiếng Trung Quốc thì những cổ vật có vẽ các cảnh làm tình của con người trên gốm sứ xưa gọi là “Bí hý đồ”. Với hai bài viết trên tòa soạn Tạp chí CVTH đã nhận được phản hồi tích cực của nhiều bạn đọc. Thế là giới chơi cổ vật Hà Nội đã nhao đi tìm các cổ vật “Bí hý đồ” của người xưa để chơi nhưng rất khó khăn vì quá hiếm còn giữ được đến hôm nay. Trước đây ở Hà Nội đã một thời gian dài nhà nước cho rằng ai mà có tranh ảnh chứ chưa nói là đồ cổ vẽ cảnh làm tình thì sẽ bị tội “oa trữ tuyên truyền dâm ô trụy lạc” cho đi tù như chơi.
- Hiện nay nhiều người đã biết Trung Quốc là một đế chế phong kiến quân chủ nho giáo lâu đời, nhưng giờ đây lại có một Bảo tàng tư nhân nổi tiếng chuyên lưu giữ và trưng bầy nhiều cổ vật gốm sứ “Bí hý đồ” của Trung Hoa ở tỉnh Giang Tô, nơi có thành phố Nam Kinh là cố đô Trung Hoa có khu mộ “Thập tam Lăng” 13 đời Vua triều Minh. Bảo tàng tư nhân này luôn đông khách du lịch trong, ngoài nước đến xem và mọi người từ quan đến dân đều ghi nhận đây là một địa chỉ văn hóa hữu ích không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho người Á đông. Hoàng góp chuyện.
- Nhưng đừng vì tìm chơi “Bí hý đồ” mà lại mua tràn lan những món đồ làm giả cổ, làm mới hiện không thiếu ở Trung Quốc, Nhật bản và một số nước Á đông khi chúng ta đi du lịch. Mua về nhiều “Bí Hý đồ” mới thì lại mất hay vi đã vô tình đi quảng bá sản phẩm hàng hóa cho nước ngoài. Còn việc đi tầm mua “Bí hý đồ” có tuổi là cổ vật thì lại nên làm để lưu giữ cho đời sau chứ. Huân lên tiếng.
- Được nghe giải thích rõ rồi, xem rồi. Đã đến lúc cho phép tôi làm chủ trì đấu giá nhé.
- Ok. Xin mời. Dứt lời giá chào bán giá khởi điểm từng món đồ không khí sôi động hẳn lên và có tới 5 người tham gia trả giá. Cuối cùng một tay chơi tuổi trung niên đã thắng. Người bán nhận tiền từ người mua được, tự giác trừ chi phí là số tiền thanh toán cho bữa nhậu như đã thỏa thuận. Thế là người nhận đồ kẻ nhận tiền đều hỷ hả cả. Thi thoảng dân Là đồ vẫn tự tổ chức đấu giá nội bộ như vậy.
Sau phần đấu giá Bí Hý Đồ mọi người lại tào lao tán đủ thứ chuyện.
Một tay hỏi.
- Các ông anh ơi, em biết bác đây là nhà điêu khắc đã làm nhiều tượng lãnh tụ và danh nhân đất Việt, em muốn nói vài nhận xét vớ vẩn về tượng ở ta mới làm sau này có được không ạ?
- Vui quá. Xin mời. Cứ tự nhiên. Nhà điêu khắc cười và lên tiếng.
- Bọn em hay tụ bạ tào lao bia rượu có lần một anh cho rằng ngày xửa ngày xưa các anh hùng dân tộc Việt Nam là phụ nữ như Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Chân, Bùi Thị Xuân… chắc chắn phải có sức khỏe, tài trí hơn người. Vì là tướng nên họ không thể yếu liễu đào tơ và mặt hoa da phấn như dân thường. Ấy vậy mà tại sao các nhà điêu khắc Việt Nam đương đại khi làm tượng các liệt nữ anh hùng của dân tộc ta lại cứ tô vẽ từ gương mặt đến dáng vẻ rất là hoa hậu vậy hả ông bác? Ngay cả làm tượng danh nhân, vua, tướng có công với đất nước ngày xưa thì phần áo mũ trông ná ná với tranh, tượng của Tầu. Chả nhẽ người Việt ta không có dấu ấn văn hóa Việt xưa khác Tầu hả bác? Vậy ông bác thấy em nói có đáng để nghe không ạ?
- Câu hỏi quá hay. Nhiều người cũng đã có ý như vậy. Ai cũng thấy ở Hà Nội và các thành phố Việt Nam hiện có quá ít tượng đài và quảng trường đẹp. Có tí đất trống nào là xây nhà để bán hết. Nhiều nhà điêu khắc giỏi hoặc nhóm điêu khắc khi làm phác thảo cho dự án làm tượng đài cũng có ý tưởng như anh vừa nói, song những người duyệt và đặc biệt là cơ quan cấp tiền do thiếu chuyên môn và kiến thức điêu khắc nên hay có ý kiến phải thế này, thế kia mới cho thực hiện.
- Đó cũng là một lý do, nhưng em cho là do chọn thầu thôi anh ạ. Cho nên nó mới vậy đấy. Tình trạng này ở ta không chỉ điêu khắc mà các sáng tác kiến trúc, hội họa, nghệ thuật… làm bằng tiền công một thời gian dài cũng đã bị như vậy. Cái anh được ngồi duyệt thì lại không biết chuyên môn nhưng quyền lại rất lớn.
- Anh ấy nói đúng đấy. Thế mới chết! Vậy thì bó tay chấm com ông anh ạ. Giờ đây liệu còn thối như vậy nữa không bác?
Nhà điêu khắc nhún vai cười và đề nghị mọi người nâng li uống tiếp.
- Nhân anh bạn trẻ vừa nói, mình nghĩ thế này. Xin phép ngắt vui mọi người một lát. Một anh trong Làng đồ lớn tuổi cùng ngồi uống lên tiếng.
Giờ đây chúng ta đang sống, làm việc hội nhập với thế giới. Internet, Google, facebook… đã cho nhiều người biết được tin tức trong nước, quốc tế về nhiều lĩnh vực kinh tế văn hóa xã hội, an sinh, quốc phòng... hơn trước nhiều. Bọn mình là lứa đã có tuổi nên được nếm trải và mục kích cũng như biết qua sách báo và lời kể của lớp cha anh một số chuyện đời ở Hà Nội, ở Việt Nam mà thế hệ sau không biết. Thời chiến tranh đất nước chia cắt đời sống người Việt Nam chúng ta quá thiếu thốn khổ cực về vật chất không tả xiết. Không chỉ có vậy, người Việt lớp trước còn khổ sở vì bị trói buộc cả suy nghĩ và ăn nói là phần hồn của mỗi con người. Thiếu thốn vật chất thì người Việt ta chịu đựng được vì độc lập và thống nhất đất nước, nhưng bị o bế rập khuôn cách suy nghĩ giáo điều thì một số chiến sỹ cộng sản, yêu nước lớp tiền bối có kiến thức đã không chịu được nên đã lên tiếng đóng góp khác với hệ thống tuyên huấn thì bị vu là phản động, là chống Đảng và Nhà nước một cách có tổ chức và đã bị đi tù không qua xét xử. Những vị cộng sản trí thức ấy đã mất sạch, vợ con khốn khổ… Mãi gần đây sang thời “đổi mới, mở cửa” họ mới được ra tù, thôi bị cải tạo, cho ít lương hưu để sống… mà không hề có tuyên bố chính thức sửa sai để trả lại danh dự cho họ và gia đình. Bây giờ chúng ta được ngồi tán đủ thứ chuyện thế này là tốt hơn xưa nhiều lắm đấy các bạn trẻ ạ.
- Để lớp trẻ hiểu hơn cần bổ sung nguyên nhân tại sao lại như vậy? Theo tôi suốt thời bi kịch ấy đã có không ít kẻ sống hết sức cơ hội, kết bè, xu nịnh lãnh đạo, thậm chí dựng chuyện ám hại người khác để kiếm chác chức vụ nhằm có được vật chất, đặc quyền đặc lợi hơn người. Phần đông những kẻ cơ hội này là lớp cán bộ theo Đảng, theo nhà nước cụ Hồ sau cách mạng tháng 8-1945 thành công khi đó họ còn rất trẻ mới mười tám đôi mươi và phần đông đều xuất xứ từ nông dân nghèo khó chả được học hành có chữ nghĩa gì trong đầu nên mới vậy. Có đúng không các bác? Một ông khác lên tiếng.
- Có lý. Trong bao nhiêu việc vinh quang, vĩ đại của thế hệ trước đã làm được cho dân cho nước thì có một chương đau buồn nói trên mà đến nay vẫn chưa ai phải chịu trách nhiệm. Họ vẫn níu lấy nguyên tắc “trách nhiệm tập thể” là chưa thỏa đáng. Thôi nhắc đến chuyện này mất vui. Chúng ta uống tiếp và tán chuyện khác đi. Bác Ninh nhà thơ nói.
- Vâng. Xin mời mọi người nâng cốc. Chúng em nghe bác không hỏi linh tinh nữa vậy.
- Sao lại linh tình. Sau hớp bia Hoàng lên tiếng. Tụi mình được nghe để biết quá khứ là tốt chứ? Giờ đây các cậu đang đi lùng mua bán tranh pháo của các họa sỹ Đông Dương, họa sỹ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rất sôi nổi cũng cần biết các tác giả thời ấy đã sống và làm việc như thế nào chứ. Đúng không nào?
- Anh Hoàng nói phải đấy. Các bác có chuyện gì đáng kể giúp cho lớp tụi em hiểu biết hơn các bác cứ kể. Bọn em bia bọt chỉ hay tán tứ lung tung. Ít dịp được nghe như hôm nay. Một người trẻ tuổi lên tiếng.
- Lại sang chuyện tranh pháo. Ông họa sỹ cười.
- Đây, đây. Ông anh này chính là dân buôn tranh pháo khá nổi ở đất Hà Thành hôm nay đấy các chú ạ. Huân cười toe chỉ tay về một người trạc hơn sau mươi tuổi ngồi đối diện đang cầm vại bia cười nhếc mép. Ông anh này tài lắm. Để phân biệt được tranh thật, giả mà mua bán kiếm hừu khó hơn đồ cổ nhiều. Quá siêu. Nào, ông anh góp chuyện về tranh pháo cho mọi người nghe đi. Dấu nghề làm gì.
- Có gì đâu mà phải dấu. Ngồi đây có ông anh họa sỹ đương đại mà ba hoa thì vớ vẩn.
- Không. Mình chỉ biết sáng tác theo đặt hàng, thi thoảng cũng gửi tranh ở Galari quen để bán. Dốt về kinh doanh lắm. Bạn cứ kể về thị trường tranh ở Việt Nam cho mình hiểu hơn. Cứ kể đi. Mấy khi được nghe.
- Đúng đấy. Đúng đấy. Vài người tán đồng.
- Ai chả biết tôi và vài người trong Làng đồ đầu tiên cũng chỉ là thợ chạy mua bán đồ cổ, đồ gỗ cũ, rồi sang cả cây cảnh để kiếm sống. Thời gian gần chục năm ở lĩnh vực này cũng kiếm được một ít. Không đáng kể. Thế rồi vào những năm cuối thế kỷ trước do có ông anh cọc chèo làm bên Bộ văn hóa khuyên tôi nên làm thêm cả việc mua bán tranh của các họa sỹ Việt Nam như một số người đã làm thì sẽ sống khỏe. Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu và đi theo các anh buôn tranh lớn tuổi hơn để bập bẹ vào nghề. Tất nhiên trước hết cũng chỉ làm thợ chạy, hoa tiêu cũng như khi làm bên đồ cổ. Nếu thương vụ thành công mình sẽ có hoa hồng. Mua bán tranh cũng cần vốn nhiều mà mình đi làm nhà nước thì nghèo bỏ mẹ nên phải vận dụng các mối quan hệ quen biết để dẫn khách đến gia đình các họa sỹ đã thành danh trên thị trường tranh để hỏi mua tranh của họ. Thời đó phần đông gia cảnh các họa sỹ nổi tiếng ở Hà Nội người đã mất, người còn sống đã cao tuổi đều nghèo nên được ông anh ở Bộ văn hóa giới thiệu tôi là họ hàng đến xem tranh và hỏi mua nên khá thuận lợi. Nghèo thì nghèo nhưng lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, đầu chải mượt, đi xe máy mới, trên tay luôn đeo một nhẫn vàng to 4 chỉ để đến gặp gia đình một số họa sỹ lớp Mỹ thuật Đông Dương sống ở Hà Nội xin mua tranh. Bước đầu khá thuận lợi hơn người khác nhưng chỉ giám hỏi mua những bức ít tiền, nhưng may mắn đều là tranh nguyên tác.
Dần dà có được tín nhiệm với cả bên bán và bên mua, đồng thời tự học các bậc đàn anh, nghe ý kiến chỉ bảo của các họa sỹ lớn tuổi và mua sách hội họa xem để biết cách nhìn tranh, phân biệt được thế nào là bố cục, là mầu đẹp, chưa đẹp… của mỗi bức tranh. Đi mua bán tranh pháo cũng say không kém gì đồ cổ. Lao vào mặt trận này nên mình thưa dần đồ cổ. Mà đồ cổ cũng ngày một hiếm dần.
Từ chỗ chỉ là thợ hoa tiêu, vài năm sau do lăn lộn thực tế và tự học nên tôi bắt đầu phân biệt được giá trị khác nhau của các bức tranh với chất liệu bột mầu, lụa, sơn dầu, sơn mài, sơn khắc, tranh chân dung, phong cảnh, nuy … Khi đã bắt đầu thạo nghề thì còn biết phân biệt phong cách sáng tác của mỗi họa sỹ từ việc họ chọn mầu nền (mầu son nhì) - mà lớp họa sỹ Đông Dương thường chọn khi sáng tác là mầu đỏ nâu thẫm - rồi kỹ thuật tạo mầu, trật tự mầu của từng họa sỹ thể hiện trên tác phẩm của mình. Có hiểu biết như vậy mới nhận ra được đâu là tranh thật, đâu là tranh chép kể cả tranh bán trong đấu giá nước ngoài mang về.
- Cũng như đồ cổ thôi. Thật giả lẫn lộn. Ngồi đây ai cũng rõ vài người buôn lâu năm đã nói thật: Buôn đồ giả thì có lãi nhiều, còn đồ thật vừa ít, vừa mua vào đắt, bán khó phải không các vị?
- Bây giờ ở ta do có di truyền văn hóa đám đông nên phong trào mua tranh Họa sỹ Đông Dương, tranh họa sỹ kháng chiến Việt Nam khá sôi động phải không ông anh? Vĩnh hỏi.
- Ok. Tranh của họa sỹ Đông Dương, họa sỹ kháng chiến đâu mà lắm thế được. Mà đối với người sưu tập tranh có nghề cao họ biết trong hàng trăm vị họa sỹ thời trước chỉ có đôi chục vị để lại những tác phẩm đẹp có giá trị cao thôi. Còn lại bình thường. Mua tranh mà chỉ mua tên thì chết.
Có ông anh họa sỹ đây em là dân buôn tranh mạnh dạn nói không trúng thì bác chỉ giáo. Họa sỹ Việt Nam có danh thì lớp nào cũng có. Nhưng riêng các họa sỹ Mỹ thuật Đông Dương chỉ có mấy bộ tứ tác giả được thế giới và trong nước đánh giá cao thôi, còn lại cũng tầm tầm. Có đúng không bác?
- Đúng quá. Dân buôn tranh các bạn nhìn nhận theo thị trường là khách quan nhất. Anh cứ tiếp đi.
- Lớp họa sỹ người Việt đầu tiên có cụ Lê Văn Miến (1873 - 1945) để lại bức tranh thầy đồ dậy học trò. Đến năm 1925 người Pháp thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội thì hình thành lớp họa sỹ Việt Nam đầu tiên, sau đó họ lập thêm Trường Mỹ thuật Sài Gòn - Gia Định. Đến 1945 cách mạng tháng 8 thì hết. Trong hàng trăm họa sỹ Việt Nam theo học các khóa của hai trường này có 4 nhóm các cố họa sỹ tài danh đã để lại những tác phẩm lụa, sơn dầu, sơn mài có giá trị mỹ thuật và kinh tế cao nay được lưu giữ trong, ngoài nước.
Bộ tứ đầu tiên là TRÍ, VÂN, LÂN, CẨN (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn) sống trong nước đến chết.
Bộ tứ thứ hai là PHỔ, THỨ, LỰU, ĐÀM (Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Thị Lựu, Vũ Cao Đàm) đều sống lưu vong ở Pháp đến chết.
Bộ tứ thứ ba giỏi về sơn mài là TRÍ, CHÙ, KHANG, HẬU (Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Khang, Phạm Hậu).
Bộ tứ thứ tư nổi nhất đều sinh đầu thập niên 20 thế kỷ XX là NGHIÊM, LIÊN, SÁNG, PHÁI (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) họ đều sống và làm việc ở Hà Nội cho đến trước 1975.
Bổ sung còn có các họa sỹ Nguyễn Tiến Chung, Lê Văn Đệ, Tạ Tỵ.
Tranh của các họa sỹ trên là tranh lụa, sơn dầu, sơn mài, sơn khắc, tượng… hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, ở gia đình và các nhà sưu tập trong ngoài nước.
Nếu tìm mua được tranh chính chủ của các họa sỹ Đông Dương nêu trên thì có lợi nhuận tốt, kể cả các phác thảo của họ. Còn của các vị khác thì cũng tầm tầm thôi.
- Giỏi. Giỏi quá. Ông anh uống tí đã. Nhờ các anh nên thị trường tranh pháo Việt Nam mấy năm nay sôi động hẳn. Tranh của các họa sỹ Đông Dương người Việt Nam cũng giống như đồ cổ Việt trước đây đã ra đi đến xứ người, nay trong nước có nhiều người mới giầu lên tìm mua thế là các tay buôn đồ cổ, buôn tranh đã theo dõi trên mạng rồi bay đi dự đấu giá nước ngoài, đến gặp những Việt Kiều bán ra để đưa chúng hồi hương đấy các bác ạ. Qúy không? Nhưng để có nghề phân biệt được thật, giả lại là cả một vấn đề. Không đùa được. Lớp chúng cháu muốn theo ông anh đây nhưng chịu. Quảng lên tiếng.
- Cám ơn cháu Vĩnh, hôm nay mấy lão già văn thơ nhạc họa bọn mình được ngồi bia hơi vui với dân Làng đồ cổ, tranh pháo các bạn lại được nghe nhiều chuyện mới hiểu biết thêm cuộc sống đa dạng của người Hà Nội chúng ta thời nay. Đúng là nghề nào cũng phải học, phải lăn vào cuộc sống mới nên người được.
- Bác nâng cao quan điểm quá. Đơn giản thôi bác ạ. Lớp các bác cũng như bố cháu sống theo nhà nước. Còn lớp sau đa phần phải tự lo cuộc sống. Làm dân thường để kiếm sống thì ai cũng phải tìm cách riêng cho mình thôi bác ạ. Có người quyết tâm, thông minh thì làm được. Ít người thành đạt để bản thân và gia đình được sống ung dung, còn đa phần thì luôn phải vật vã lo toan, không ít kẻ đã rớt đài. Nước ta trước đây là thuộc địa Pháp, dùng tiếng Pháp, nên dân tình có câu hài luôn đúng: Đời xe- la- vi (cuộc sống), Tình xe- la- mua (tình yêu) và Tiền xe- la- mo (chết) trong mọi thời đại. Sống chì vì tiền là chết! Vĩnh cầm vại bia nói và cười mời các bậc cao niên và mọi người.
- Hay. Hay. Đúng là con lão Thành. Hay đấy.
- Các bác ơi suốt mấy chục năm qua ở ta theo kinh tế thị trường nên lắm mánh làm ăn kiếm tiền lắm. Không nói diện rộng, chỉ riêng cánh buôn bán đồ cổ lớp tụi em giờ đã trên dưới sáu xập thì có vài người đã rất giầu, đông tiền, con đi học nước ngoài, mua nhà nước ngoài... Họ cũng lại đang buôn tranh pháo đấy. Kinh doanh văn hóa mà. Gặp thời làm ăn nên họ đã rất khéo léo, tinh quái và phải liều nên thắng lớn. Xuất thân họ chả được học hành bằng cấp gì, chỉ lang thang chợ trời thôi. Nhờ môi trường sống và thời cuộc đã đào tạo họ tốt nghiệp có chứng chỉ Ha - vớt chợ Trời Hà Nội. Sau khi có vốn liếng, có quan hệ với các cửa giờ đây họ chuyển sang làm bất động sản, tranh pháo, chứng khoán nên càng phất mạnh hơn. Tất nhiên số người thành đạt như họ xuất thân từ đồ cổ chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi.
- Cho phép em được thưa: Các bác là những người cầm bút, cầm cọ có thâm niên, có danh trong Làng nghề của các bác. Giới cổ vật, tranh pháo chúng em cũng vậy. Nếu những ai được chính Làng nghề tôn vinh, rồi sau đó tự nó lan tỏa ra cộng đồng thừa nhận và đứng được lâu dài trong lòng mọi người mới là người thật, việc thật. Còn cứ dùng tổ chức này nọ hoặc tự túm tóc nhấc nhau lên thì không bền được đúng không ạ? Một người trung niên của Làng đồ nhẹ nhàng góp chuyện.
- Đúng quá. Nhưng bây giờ thì sao nhỉ? ông nhà thơ đáp và hỏi.
- Vâng. Em chả biết. Nhưng ở ngay Hà Nội ta có thời một vị thầy giáo dậu học cấp III có đọc và viết nhiều về Hà Nội xưa. Ông ấy có đóng góp nhất định cho Hà Nội nhưng chưa tới mức để đám học trò tôn vinh thầy mình đến mức ông ta ngộ nhận mình là Nhà Hà Nội Học để rồi tự làm biển đồng gắn trên cửa nhà mình. Một thời gian sau dư luận ong ve thấy không ổn nên chính ông ấy phải tự gỡ chiếc biển đồng ấy đi đấy. Lại có một chuyện nữa là có vị trí thức cao niên nay đã trên trăm tuổi. Suốt bao năm đi làm ông này cũng có quyền cao chức trọng do được cấp trên tin dùng. Suốt đời ông ta chỉ làm quản lý ngành khoa học xã hội nhưng hầu như chả có công trình, tác phẩm gì có giá trị để lại cho đời. Khi đã nghỉ hưu nhưng nhờ có đám đệ tử đang làm việc trả ơn nên ông ta cứ mỗi lần đất nước có lãnh đạo mới là tìm đến tặng chữ thư pháp, tặng câu đối để lấy lòng. Tất nhiên những người nhận thư pháp và câu đối của ông ta tặng đều cám ơn và bầy tỏ trân trọng. Nhưng có cái lạ là thư pháp, câu đối của ông ấy tặng viết chữ Hán thì ông ta lại không tự viết được mà phải đi nhờ người khác. Trong những quan chức cấp cao ông ta tặng chữ có người cũng chả ra gì trong lòng dân. Cứ thế rồi ông ấy được đám đệ tử lợi dụng, tâng bốc đến nỗi tưởng rằng mình là nhà văn hóa lớn của đất nước. Khi tròn trăm tuổi ông mặc áo đỏ, đội khăn xếp đỏ làm lễ thượng thọ và được đám đệ tử tôn vinh là quốc sư, tức là thầy đứng đầu quốc gia mới rầu hết nổi. Sự việc này trên mạng xã hội đã ầm ỹ đến nỗi ông ta phải tự biết dừng ham muốn có được cái danh hão ấy. Chuyện về những kẻ háo danh kể ra có mà ối ông anh ạ…
Cứ chuyện nọ sang chuyện kia với bao ca bia hơi đã cạn ở hàng bia Ụ Pháo hôm nay. Đã ngồi bia hơi phải nghe ồn ã nói cười mới là Hà Nội. Bác nhà thơ dường như cũng đã uống đến độ trầm ngâm nhìn xa xa dòng xe cộ chạy vun vút trên đường Thanh Niên rợp bóng cây phượng vĩ ngăn cách hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Ngắm mặt nước hồ phẳng lặng với nhiều nhà cao tầng xa xa nhớ lại thời trai trẻ của mình những năm 60 thế kỷ trước đã cùng ông Thành cha Vĩnh và nhiều người khác đi lao động xã hội chủ nghĩa 1 ngày trong 1 tháng để tham gia đắp lên con đường Cổ Ngư rộng ra thành đường Thanh Niên ngày nay. Rồi đi đào hồ làm công viên Thủ lệ, công viên Thống Nhất và nhớ lại lời Hồ Chủ tịch động viên mọi người tham gia lao động xã hội chủ nghĩa để cho lớp trẻ có nơi đưa nhau đến chơi, tìm hiểu yêu đương…
Mới đó mà đã qua nửa thế kỷ. Đúng là dòng đời trôi nhanh thật.
* Chủ tịch VAMI tức Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam