---Hồ Sơ Dài Kỳ---
THĂM LẠI QUẢNG BÌNH, NGHE CHUYỆNTÌM KHO BÁU CỦA VUA HÀM NGHI
Đào Phan Long
Mẹ năm nay không còn khỏe mạnh, minh mẫn, nhanh nhẹn như vài năm trước nữa vì cụ đã gần 90 tuổi. Còn tôi thì đã sang tuổi 65, cái tuổi đâu còn trẻ trung gì mà thích tung tẩy đây đó ham vui. Nhưng theo nguyện vọng của Mẹ và cũng của chính mình, tôi nhận ra việc cần vào thăm lại mảnh đất Thanh Khê, Ba Đồn bên bờ sông Gianh, thăm Đồng Hới và chiến khu Tuyên Hóa - Quảng Bình để thỏa lòng Mẹ là việc không thể chậm trễ được nữa. Không thể cứ vì lý do lu bu công việc và gia đình mà cứ nấn nã mãi không đi để Mẹ luôn nhắc khéo. Nghĩ vậy nên nửa cuối tháng 6 năm nay tôi quyết định dành vài ngày lấy vé bay vào Đồng Hới - Quảng Bình để thăm lại nơi Mẹ đã sinh ra tôi trong ngôi nhà xưa của ông bà ngoại có tên “Villa Trâm Anh” nằm bên bờ Nam con sông Gianh mênh mang của dải đất miền Trung thân thương.
Âu cũng là quy luật chung của con người, Mẹ càng cao tuổi càng luôn chỉ nhớ và nhắc lại chuyện xưa cũ, còn chuyện hiện tại hàng ngày thì lại lẫn lộn, nhớ nhớ, quên quên. Tôi là con đầu lòng, nay đã có cháu gọi ông, nhưng Mẹ vẫn luôn nhắc nhở tôi từ việc ăn uống đúng bữa, mặc ấm khi trái gió trở giời, khuyên không thức đêm nhiều, giảm hút thuốc lá, đi lại trên đường cẩn thận… và tỏ ra không muốn tôi đi đâu xa vắng nhà lâu ngày… Với Mẹ tôi luôn vẫn chỉ là đứa bé con. Chính vì vậy mà mỗi khi về nhà muộn hơn bình thường, không ăn cơm tối, đi chơi hoặc vó việc đột xuất… tôi luôn phải điện thoại về nhà để báo Mẹ biết khỏi mong. Mọi người đều biết tôi là người sống tự do và được bà vợ thông cảm, song tôi vẫn luôn phải báo với Mẹ khi về muộn. Đám bạn gìa cúa tôi đã cho tôi là người qúa hạnh phúc vì có được một người Mẹ luôn chăm lo đến đứa con cũng đã gìa hàng ngày như ngày nào còn trẻ. Tôi cũng tự nhận ra điều hạnh phúc đó và càng thương yêu Mẹ.
Xuống sân bay Đồng Hới sau 50 phút bay từ Nội Bài, Hà Nôi, lúc đó khoảng gần 1 giờ trưa, tôi được cậu em rể họ mang xe ra đón, đưa về nhà cất đồ và thăm cô em chốc lát, thế rồi chúng tôi ra xe chạy luôn đi Thanh Khê để tôi biết nơi Mẹ đã về nhà ông bà ngoại, nơi có “Villa Trâm Anh”chờ ngày sinh nở tôi. Lúc này là cuối năm 1946 bố tôi đang nhận nhiệm vụ TW giao lên Tây Bắc, Việt Bắc cùng ông Trần Quyết (sau này là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao) để tìm địa điểm chuẩn bị căn cứ khi có lệnh chuyển các cơ quan đầu não cách mạng khỏi Hà Nội nếu xẩy ra đánh nhau với giặc Pháp đang quay lại gây hấn. Tháng giêng 1947 tôi oe oe chào đời trong một nhà hộ sinh tư gần chợ Ba Đồn do hai bà đỡ là người quen của bà ngoại tôi, nhưng chỉ chưa đầy 1 tháng tuổi, giặc Pháp đã đưa tầu chiến nã pháo và cho quân tiến đánh Quảng Bình. Thế là trong đêm tối Mẹ ôm tôi cùng ông bà ngoại, bà Vú Nậu (ôsin ngày nay), gì út em Mẹ lên một con đò nhỏ do một người công giáo chèo ngược dòng sông Gianh mênh mông chạy giặc giữa tiếng trọng pháo nổ rền của quân Pháp để lánh nạn ở vùng rừng núi chiến khu Tuyên Hóa cách Đồng Hới gần trăm cây số. Chuyện những ngày ông bà ngoại và gia đình trong đó có mẹ con tôi sống gian khổ với sự đùm bọc của đồng bào chiến khu tôi đã được biết qua cuốn hồi ký Mẹ viết. Còn hôm nay sau 64 năm tôi ngồi ôtô chạy từ chợ Ba Đồn theo tỉnh lộ 12 đi tìm lại một cái làng nhỏ vùng sơn cước có tên gọi Tùng Sơn, Xã Đức Hóa, Huyện Tuyên Hóa để gặp mặt con cháu những người qúa cố đã cưu mang gia đình tôi sống ở chiến khu Quảng Bình thời tòan quốc kháng chiến chống Pháp. Ngồi trên ôtô tôi thấy nông dân ở hai bên đường vẫn canh tác bằng phương thức “con trâu đi trước” là chính, qúa vất vả như xưa, thi thoảng cũng có máy cầy nhỏ vận hành và bên bờ ruộng cũng có những chiếc xe máy dựng bên của những người đi làm đồng. Rất qúy là đường điện đã về đến từng nhà nơi đây cùng phong cảnh núi đồi, cây cọ rất đẹp và bình yên…Khoảng 4 giờ chiều anh em chúng tôi đã gặp được cậu Huy là con cháu của người đã bao năm giúp mẹ tôi xây mộ và hương khói cho bà Vú Nậu, người đã bế bồng ru mẹ ngủ khi nhỏ, và chính Vú cũng đã hát ru cho tôi thời 1947. Đầu 1948 bố tôi cho người về tìm đón mẹ con tôi lên chiến khu Việt bắc với bố, thế là từ đó tôi không bao giờ còn được gặp ông bà ngoại, Vú Nậu nữa. Hài cốt của ông bà ngoại tôi nay các bác bên mẹ tôi đã rước về thờ trong chùa ở Sài Gòn, còn lại nơi đây chỉ có ngôi mộ của bà Vú nằm bên mộ đứa cháu ngoại mất sớm của bà. Tôi thắp hương ông bà thân sinh của Huy, rồi theo Huy dẫn ra mộ thắp hương cho Vú Nậu. Đứng xa xa ngắm cảnh làng quê nơi tôi đã có thời được ông bà ngoại, được mẹ, được bà Vú, được gì ruột mình bồng bế ầu ơ thấy trong lòng nao nao. Khu làng này nằm kề ngọn núi đá không cao, không to, phía dưới là dòng sông Gianh đầu nguồn mầu nước trong xanh êm đềm chảy, phong cảnh qủa rất đẹp. Tôi bấm máy ảnh liên tục và quay Vidio để mang hình về cho Mẹ và mọi người xem…
Đời tôi đã bay qua 5 châu 4 biển, đến rất nhiều quốc gia, trong nước chỉ còn Côn Đảo, Hòang Sa, Trường Sa là chưa có dịp đến, nhưng giờ đây tôi rất hào hứng trước cảnh vùng sơn cước Quảng Bình này. Nhưng cái hào hứng qua đi để lại trong lòng nỗi buồn man mác vì thấy người nông dân nơi đây họ vẫn chất phác như bao người nông dân xưa mà tôi đã từng được cưu mang thời đánh Pháp, thời sơ tán Mý ném bom miền Bắc, thế mà đã qua gần 40 năm đất nước hết giặc, hòa bình, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa…nhưng số đông họ - những bà con nông dân - vẫn còn nghèo khó, lam lũ là vậy!
Thế rồi cũng tới lúc phải chia tay. Nói mãi gia đình Huy mới dứt cho chúng tôi ra về. Họ muốn giữ lại đãi bữa cơm, uống chén rượu đêm nay để hàn huyên. Âu đó cũng là cái thiệt tình qúy hóa như bao tấm lòng thành thực của người nông dân Việt. Gia đình Huy thông cảm cho nguyện vọng của tôi vì biết tôi còn muốn được đi thăm nhiều địa danh khác thuộc Tây Quảng Bình như Đường Hồ Chí Minh, căn cứ của Vua hàm Nghi yêu nước, động Thiên Đường, suối Nước Mọc…mà hiếm dịp được “thổ công, thổ địa” là cậu em rể họ trực tiếp dẫn đi.
Xe ra khỏi làng lên lại tỉnh lộ 12 chạy về hướng Tây qua thị trấn Đồng Lê là thủ phủ Huyện Tuyên Hóa để đến Qúy Đức là thủ phủ Huyện Minh Hóa giáp Lào. Nơi ấy có của khẩu Cha Lo nổi tiếng thời chống Mỹ. Tối nay chúng tôi sẽ ngủ lại Qúy Đức, nơi mà với địa thế cao nguyên nên từ những năm 30 của thế kỷ trước người Pháp đã chọn là địa danh để cho làm một số nhà nghỉ dưỡng do khí hậu khá mát mẻ.
Sáng hôm sau xe tiếp tục chạy trên đường 12 độ khảng 10 km đến ngã ba Pheo gặp đường Hồ Chí Minh xuyên Việt. Tại đây xe rẽ phải về hướng đông đường HCM (tức hướng về Hà Tĩnh, …, Hòa Lạc, còn nếu rẽ trái là về hướng Tây của con đường này (qua Quảng Trị, Huế…) để đến thăm căn cứ Hóa Sơn kháng Pháp thời xưa của ông Vua Hàm Nghi yêu nước. Xưa kia để vào được thung lũng Hóa Sơn chỉ có một con đường độc đạo và phải vượt qua đèo Lộc Cộc hiểm trở. Nay con đường này đã được bê tông hóa, nhưng xe tải nếu chở hàng vẫn phải bò từ từ để qua đèo, nó không còn rừng rậm chỉ đi bộ và dắt ngựa mới qua được đèo như xưa nữa. Chúng tôi chỉ đến đỉnh đèo, ghé chào cán bộ đồn biên phòng và ra về, vì muốn đến tận nơi xem di tích đào tìm vàng phải đi bộ khoảng 2 km nữa và phải có giấy phép của Huyện mới được vào xem.
*
* *
Còn chuyện về tổ chức chống Pháp rồi thất bại và bị bắt đi đầy biệt xứ của ông Vua yêu nước Hàm Nghi cũng như chuyện tìm kho báu của nhà Vua sách báo đã viết nhiều, nhưng hôm nay tôi mới được đích thực nghe người trong cuộc kể chuyện tìm thấy vàng ở căn cứ Hóa Sơn của Vua Hàm Nghi đem theo khi rời kinh đô Huế như sau:
Năm 1984, tỉnh Bình Trị Thiên có nhận được một bản tường trình và đề nghị của một người nói rằng anh ta đã có tài liệu và đã tự mình bỏ tiền của đào thấy chỗ chôn vàng của Vua Hàm Nghi tại căn cứ Hóa Sơn, xin báo cáo Tỉnh để cho người cùng đào. Nếu tìm thấy được vàng Tỉnh sẽ trích thưởng cho anh ta một tỷ lệ nhất định. Có vài lý do để tỉnh xem xét và đồng ý, sđó là:
- Thời 1954 nhà nước đã thu được một số tiền vàng hiệu Hàm Nghi trong dân vùng Hóa Sơn.
- Người đề nghị tỉnh cho phép phối hợp khai thác có được 1 phiến đá phẳng có vẽ mộthình giống như một sơ đồ. Anh ta đem phiến đá đó hỏi chuyên gia thì được biết đây không phải là phiến đá tự nhiên có hình như vậy mà đây là có sự tác động của con người. Có thể đây là sơ đồ chỉ nơi dấu vàng chăng? (nghe nói phiến đá đó hiện Bảo tàng Tỉnh còn lưu giữ).
Tỉnh Bình Trị Thiên thơi đó đã đồng ý cử một đoàn cán bộ do đại diện ủy ban nhân dân, các Sở, công an, văn hóa, tài chính, công binh đến địa điểm anh ta đã đào để tiếp tục tìm kho vàng…Thế nhưng đào mãi vẫn không tìm được. Để không tiếp tục tốn kém, Tỉnh cho quân cán rút về và giao cho Sở Văn hóa cử 01 người cùng anh này tiếp tục tìm. Người cán bộ văn hóa có 2 nhiệm vụ: bí mật thu thập thông tin địa điểm nơi dấu vàng trong dân Hóa Sơn và đồng thời giám sát người đã đề nghị tỉnh cử người cùng tìm vàng.
Thế là người cán bộ trẻ tuổi học ngành Sử của sở Văn hóa tỉnh được hưởng lương gấp 3 lần so với mức lương của anh ta hưởng khi đi làm ở Huế để thực thi nhiệm vụ bí mật được giao. Sau 02 năm 1984 – 1985 với nhiệt huyết tuổi trẻ người cán bộ văn hóa đã âm thầm vào việc. Anh được dân kể: Năm 1954 một cây cổ thụ bên bờ nguồn sông Gianh chảy qua Hóa Sơn vào mùa mưa bị nước lũ cuốn đổ, trong bụng cây có rất nhiều đồng tiền vàng rơi chìm xuống dòng nước lũ. Một số người dân đã mò được những đồng tiền vàng có hiệu Hàm Nghi. Khi mùa nước cạn, thi thoảng trên bãi cát gần nơi cây đổ dân cũng nhặt được những đồng tiền vàng này. Có 3 loại tiền vàng, loại đại nặng 2,4 lạng, loại trung 1,2 lạng và loại tiểu năng 6 chỉ. Biết chuyện chính quyền thu lại được 2,4 tạ tiền vàng ,( tất nhiên còn có nhiều người dấu được). Trong số dân mò vàng thời đó có 2 anh em mò được 3 sọt tiền vàng và bí mật đem dấu trên rừng sâu. Chính quyền đấu tranh khai thác với hai người này, cuối cùng họ chịu dẫn lên nơi cất dấu. Nhưng khi đến nơi chỉ thấy còn 2 sọt, một sọt đã không cánh mà bay. Tất nhiên họ tiếp tục bị hỏi cung tại sao lại mất 1 sọt, hiện dấu ở đâu?...v…v…Sau một thời gian liên tục bị tra hỏi, vì uất ức nên người anh tự tử, còn người em được tha về. Để tránh phiền phức người em đã chuyển gia đình đi ra ngoài thung lũng Hóa Sơn để làm ăn sinh sống. Đến năm 1975 đất nước thống nhất anh ta chuyển cả gia đình vào tận Cà Mâu để làm ăn và nghe nói rất phát đạt…Liệu có phải người em đã bí mật khuân dấu đi 1 sọt mà người anh không biết??? Từ đó đến nay không biết ra sao.
Những người gìa ở Hóa Sơn thời trước 1945 kể lại rằng: Họ thấy đoàn tùy tùng, quân tướng theo Vua Hàm Nghi khi rời kinh đô Huế đến Hóa Sơn có mang theo 3 con voi lớn cùng nhiều ngựa thồ các kiện hàng hóa, lương thực, vật dụng…3 con voi chở 3 tấn vàng, trong đó có một số đã đúc thành 3 loại tiền trên và được cất dấu trong cây cổ thụ đã đổ, số vàng còn lại chắc vẫn cất dấu tại một nơi nào đó mà hiện vẫn chưa biết được chăng? Do vậy cuộc tìm kiếm vẫn đang có thể. Nhưng cũng có ý kiến nêu ra khi Pháp bắt được Vua Hàm Nghi liệu họ có lấy được kho vàng này chưa? Chả nhẽ họ không tra hỏi gì về việc này?...
Tạm biệt Hóa Sơn tôi tiếp tục đến thăm động Thiên Đường nơi mà vừa mới đây tỉnh Quảng Bình cùng VTV tổ chức cầu truyền hình trực tiếp để quảng bá về du lịch hang động của vùng đất này. Sau khi leo hơn 500 bậc đá, vào cửa hang mát lạnh.
Đến trưa chúng tôi đến thăm suối Nước Mọc (vì dòng nước ngầm trong núi tuôn nước ra, mùa lũ nước tự phun cao như ta vẫn thấy ở các vòi phun nước nhân tạo) để nghỉ. Vì là khách nên được các vị chủ khu suối này chiêu đãi đặc sản tôm suối và cá suối nướng uống bia. Qúa tuyệt.
Trong chuyến đi này tôi đã tận mắt nhìn thấy con đường Hồ Chí Minh tuyệt đẹp hôm nay, hiểu được phần nào hệ thống đường Hố Chí Minh huyền thoại năm xưa, được ngắm nhìn phong cảnh núi rừng nguyên sinh lớn nhất còn được Quảng Bình gìn giữ đến hôm nay. Cũng là núi rừng nhưng Tây Quảng Bình qúa đẹp và không bị tàn phá như vùng Tây Bắc, Đông Bắc của tổ quốc. Hệ thống đường giao thong quốc lộ, tỉnh lộ ở đây cũng rất tốt. Để tưởng nhớ một thời oanh liệt của thời đại Hồ Chí Minh, toi còn được dừng lại thắp hương tại hai nơi nhà nước ta, nhân dân ta đã làm bia đá, nhà thờ để ghi công tưởng nhớ những anh chị cùng thế hệ mình đã xả thân hy sinh anh dũng thời chống Mỹ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Đó là:
-Thắp hương tưởng niệm các chiến sỹ ta đã anh dung hy sinh trên đỉnh Đèo Đá Đẽo nơi đã từng là trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù;
- Thắp hương tưởng niệm 8 cô gái thanh niên xung phong tuổi đời qúa trẻ và 5 anh bộ đội pháo binh đã hy sinh vì máy bay Mỹ ném bom làm đá lấp cửa hang khiến họ tử nạn mà đồng đội không thể cứu được mặc dầu biết các chị, các anh vẫn còn sống sau trận bom thù.
Đêm về bên Mẹ ở Hà Nội tôi kể chuyện chuyến đi cho cả nhà nghe và đưa những hình ảnh tôi đã chụp, đã quay được lên màn hình máy tính để mọi người cùng xem. Ai cũng rất vui và trầm trồ về phong cảnh Quảng Bình. Tôi nói với con cháu mình: Giờ đây các con, các cháu và kể cả ông, bà hiện đang sống, làm việc và thụ hưởng trong một “thế giới” vật chất, tinh thần, văn hóa … khác hẳn với người dân đang sống ở nhiều vùng đất nước mà ông đã đến. Ông nghĩ, nếu ta sống hôm nay mà không biết, không nghĩ gì về lịch sử thăng trầm của đất nước, những việc làm của chính gia đình mình, của thế hệ những người Việt Nam yêu nước - đặc biệt trong giai đọan 1925- 1975 - đã tự nguyện hiến dâng cuộc đời chống giặc ngoại xâm, chống lại đặc quyền, đặc lợi của một nhóm vua quan, phú hào chỉ chăm chăm bảo vệ lợi ích cho riêng họ mà ngoảnh mặt làm ngơ trước sự khốn khó, lầm than của cộng đồng thì chúng ta sẽ khó có được cuộc sống hôm nay. Có hiểu biết được điều đó ta mới phân biệt được đâu là cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác trong cuộc sống vật chất cám dỗ từng ngày hôm nay. Trước khi muốn làm được một việc gì thành đạt cho mình, rồi lại nhận nhiệm vụ làm một việc gì cho cộng đồng thì việc đầu tiên phải biết học làm người tử tế đã. Ông luôn nhập tâm lời dậy của các tiền nhân: “Muốn nâng cao Dân trí để xây dựng đất nước phát triển bền vững thì trước hết cần nâng cao Quan trí”. Qủa là vô ơn và đáng trách biết bao nếu chúng ta không nhận ra những điều tưởng chỉ là “hô khẩu hiệu” đơn giản ấy.
Mẹ tôi ngồi trầm lặng nhìn về hướng xa xăm và Cụ buông lời: “Bố nói đúng đấy các cháu ạ. Các cháu cần học và làm việc, cần sống hang ngày như vậy mới trở thành người tử tế có ích cho đời” ./.