Thạp đồng Đông Sơn của huyện lệnh Long Xoang (Xuyên) Triệu Đà
 
LTS: Trước công nguyên vùng lãnh thổ phía nam Lục địa Trung Hoa là nơi định cư của cư dân “Bách Việt”. Triệu Đà là thủ lĩnh dân Việt phương Nam chống sự xâm lược của Tần Thủy Hoàng. Đây là bài viết để bạn đọc tham khảo.
 
 
Nguyễn Việt
Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á
Chúng tôi đã theo đuổi chiếc thạp đẹp này từ gần chục năm nay. Người sưu tầm được chúng là bà Phạm, một nhà sưu tầm Việt kiều Pháp. Hiện tại chiếc thạp thuộc về Bảo tàng Barbier-Mueller (Geneva - Thuỵ Sĩ). Tôi được bà Mattet, Giám đốc Bảo tàng này mời sang thăm Bảo tàng năm 2001 và hân hạnh được ông Jean-Paul Barbier-Mueller, một nhà nhân học đồng thời là chủ nhân Bảo tàng trực tiếp giới thiệu sưu tập thạp đồng quý giá của ông. Xin mở ngoặc để giới thiệu, chính ông cũng là người đã sưu tầm chiếc trống Đông Sơn vào loại lớn nhất (đường kính mặt 158 cm) tại Indonesia và khi Bảo tàng Nhân học ở Quai Branly (Paris) thành lập, ông đã tặng nó cho Bảo tàng này, và hiện nó được trưng bầy ở vị trí trang trọng nhất mở đầu cho phần trưng bày về Đông Nam Á. 


Đoạn hai chữ "Xoang Trọng" khắc trên thạp đồng BMM 2505 - 29

Thạp đồng BMM 2505 - 29 và chi tiết trang trí

 Chiếc thạp tôi muốn nói tới mang ký hiệu BMM-2505-29, cao 42cm, nặng 11,5 kg (không kể phần nắp đã mất), thuộc loại thạp có vành gờ miệng đạy nắp đồng. Thạp có đôi quai hình chữ U ngược trang trí bện thừng và hoa văn nổi hình chữ S rất tinh tế. Ở giữa mỗi quai hình chữ U ngược là một quai vành khuyên bốn ngấn. Cụm quai này tạo bởi khuôn rời nên đã làm hỏng phần băng hoa văn phức hợp gồm hai băng chấm rải, hai băng răng cưa bạc lấy đồ án chính là băng hình chữ S nằm biến thể thành dạng ô trám.
Chính giữa thân thạp là băng gồm 4 hình thuyền chiến với kiểu tạo hoa văn in chìm rất giống thạp Hợp Minh (Yên Bái) và thạp ký hiệu B59 trong mộ Việt Vương (Văn Đế Triệu Muội) ở Quảng Châu. Đây là những thuyền chiến chở chiến binh mang rìu chiến kiểu gót hài, có lầu với người đứng bắn cung nỏ ở trên và đồ đồng lớn bên dưới, có trống trụ ở giữa thuyền, nơi thường trói một tù binh quay mặt ngược với chiến binh. Điều đáng nói nhất là sự thể hiện rất rõ nét hình tượng tù binh bị trói gập cánh khuỷu và chiến binh Đông Sơn tay cầm đầu lâu cũng như đầu lâu treo trước mũi thuyền – cái mà một số nhà nghiên cứu đã từng lầm tưởng là mái chèo mũi thuyền trên một số trống đồng. 
Gần sát đáy là băng phức hợp được tạo bởi năm băng gồm hai chấm rải, hai vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa bọc lấy băng rộng trơn không có hình. 
Giá trị nhất của chiếc thạp còn là một dòng gồm 22 chữ Hán chạy song song ở phần trống gần sát gờ miệng. Chính đây là cơ sở để chúng tôi nêu giả thuyết về chủ nhân chiếc thạp có thể là Triệu Đà. Tôi đã từng công bố và dịch những dòng chữ này[1], tuy nhiên chữ thứ hai trong số 22 chữ này vẫn còn để trống. Gần đây, trong khi tiếp tục theo đuổi giải nghĩa chữ này, tôi đã nhận thấy tự dạng chữ này khá gần với chữ „Xoang“, và hai chữ đầu chỉ địa danh của 22 chữ trên miệng thạp có thể đọc là „Long Xoang“.
  xoang /  () /  /  / 廿
Dưới đây tôi trình bày lại một số cơ sở làm chỗ dựa cho việc dự đoán mối quan hệ giữa chiếc thạp này với Triệu Đà mà trước đó đã đưa ra trao đổi tại Hội nghị Khảo cổ học văn hóa Nam Việt (Quảng Châu, 12/2008) và Hội nghị Thông báo Khảo cổ học hàng năm (tháng 9/2008, Hà Nội).
- Thứ nhất là sự gần gũi giữa chiếc thạp này với chiếc thạp trong mộ Việt vương Văn đế Triệu Muội ở Quảng Châu. Triệu Muội là cháu ruột Triệu Đà, lên ngôi khi Triệu Đà mất năm 138 tr.Cn. Triệu Muội mất vào năm 122 tr.Cn. Vì lý do nào đó, hai tai quai hình chữ U lộn ngược của thạp Triệu Muội bị cắt cụt một nửa đều nhau[2]. Về kích thước, trang trí và cấu trúc có thể thấy hai thạp này như hai anh em sinh đôi (cao 42cm và 41 cm). Sự giống nhau ở cả những chi tiết cấu trúc các vành hoa văn và nhất là ở nội dung và kiểu thể hiện băng thuyền người ở giữa thân thạp. Khác biệt chỉ là tiểu tiết. Sự giống nhau này cho phép nghĩ rằng chúng được làm ra từ hai khuôn đúc khác nhau nhưng cùng một lúc trong cùng một xưởng bởi cùng một người thợ cả.
- Thứ hai, chữ Long Xoang trên thạp BMM-2505-29có thể là cách ghi âm của huyện Long Xuyên, nơi Triệu Đà làm huyện lệnh trước khi thay Nhâm Ngao làm Hiệu Uý quản Nam Hải rồi lập nước Nam Việt. Nhiều khả năng chiếc thạp này (cũng như thạp Triệu Muội) được đúc trong những năm đầu khi Triệu Đà mới cùng quân Tần xuống cai quản vùng huyện Long Xuyên quận Nam Hải (trong khoảng từ 214 tr.Cn, khi nhà Tần bình xong Dương Việt đến 209 tr.Cn, khi Triệu Đà rời Long Xuyên về Phiên Ngung thay Nhâm Ngao). Khoảng thời gian này Triệu Đà là người Hoa Hạ vừa mới xuống vùng Bách Việt nên mới có dòng chữ :“Danh Viết Quả“  ). – Tên (thạp) gọi là Quả nhằm ghi tiếng địa phương dùng để gọi chiếc thạp.Chiếc thạp trong mộ Triệu Muội có thể là do Triệu Đà ban tặng.
- Đơn vị đo lường thạch, thăng, đấu ... trên thạp BMM 2505-29 hoàn toàn giống đơn vị đo lường Nam Việt thể hiện trên minh văn trong mộ La Bạc Loan[3] và mộ Nam Việt Vương Triệu Muội.
- Chủ nhân chiếc thạp BMM 2505-29 phải là người rất giàu có. Chiếc thạp này có dòng ghi số hiệu :“Đệ vị ngũ thập nhị“( ), tức là đồ vật đứng thứ 52. Cách ghi này tương tự cách thống kê đồ vật tuỳ táng trong mộ một huyện lệnh người Hán khác đương thời ở Quý Huyện – La Bạc Loan và mộ Nam Việt Văn Đế Triệu Muội.
- Triệu Đà và quan lại người Hán ở nước Nam Việt chịu rất nhiều ảnh hưởng của văn hoá Việt. Bản thân ông lấy vợ người Việt (hiện có đền thờ phu nhân người Việt của Triệu Vũ Đế ở Đồng Xâm, Kiến Xương, Thái Bình). Các con, cháu, chắt của ông cũng đa phần lấy vợ người Việt. Trống đồng, thạp đồng là những báu vật Đông Sơn được chôn theo trong mộ vua quan nước Nam Việt.
Có một vấn đề đặt ra là nơi phát hiện chiếc thạp này. Theo bà Phạm, chiếc thạp được bà sưu tầm có nguồn gốc Thanh Hoá. Tôi cũng đã may mắn gặp lại chủ nhân của chiếc thạp này trước khi nó lưu lạc sang châu Âu và được xác nhận đã sưu tầm nó ở khu vực Xuân Lập (Thanh Hóa). Ở Bảo tàng Thanh Hoá hiện có một chiếc thạp cùng cỡ và cũng có hoa văn thuyền người phát hiện được ở Xuân Lập. Chiếc thạp này rất giống chiếc thạp BMM 2505-25 được Bảo tàng Barbier-Mueller ghi nhận là sưu tầm một lúc với chiếc BMM 2505-29 mà chúng ta đang nói đến. Theo đó, khả năng nguồn gốc xuất thổ của thạp BMM 2505-29 ở Xuân Lập là rất cao. Chúng ta chưa rõ Triệu Đà khi mất chôn ở đâu. Tương truyền mộ Triệu Đà được chôn quanh khu vực Phiên Ngung. Việc phát hiện mộ của Triệu Muội (Mạt) tại Tượng Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc, đất Phiên Ngung xưa) nuôi hy vọng cho các nhà khảo cổ học Trung Quốc sẽ có ngày phát hiện mộ của vị hoàng đế Nam Việt nổi tiếng này. Mộ Triệu Muội cũng chôn theo nhiều thạp đồng Đông Sơn, mà trong đó có một chiếc thạp B59 có thể coi như “anh em sinh đôi” với thạp “Long Xoang”, mà tôi đã từng giả thiết do chính Triệu Đà tặng lại cho cháu ruột mình. Hiện tại ở Việt Nam, tôi mới có điều kiện nghiên cứu hai nơi thờ vị hoàng đế Nam Việt đầu tiên này trên đất nước ta : Long Hưng Điện (Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên) và Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình). Đọc trong Đại Nam nhất thống chí, khu vực xung quanh vùng Kiến Xương xưa có huyện Chân Định (tên địa danh nơi phát tích của Triệu Đà). Tại đây, xưa kia có đến hơn chục đền thờ liên quan đến Triệu Đà. Liền đó, bên phía Gôi (Vụ Bản) cũng có một vùng phân bố dày đặc đền thờ Lữ Gia – viên thái phó người Việt có rất nhiều thế lực của triều đình Nam Việt. Tuy nhiên, hy vọng gắn chiếc thạp “Long Xoang” kia với nơi chôn cất Triệu Đà là rất mỏng manh.
Về mặt logic khảo cổ học, khu vực phát hiện những chiếc thạp lớn có trang trí đẹp cùng thời hai chiếc thạp kể trên là vùng trung lưu Hồng Hà, từ Việt Trì đến Lào Cai (Vạn Thắng, Đào Thịnh, Hợp Minh, Lào Cai). Chúng tôi ngờ rằng chiếc thạp BMM 2505-29 có thể bắt nguồn từ vùng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn... là nơi nằm trong phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của nước Nam Việt sau khi Triệu Đà thu phục được Âu Lạc, sau đó đã có thể theo chân các thủ lĩnh Âu Lạc gốc Tây Âu vào vùng miền núi Thanh Hóa và được chôn theo họ ở đó. Theo những nghiên cứu gần đây nhất của tôi và các chuyên gia Trung Quốc (Yang Yong), Đức (Reinecke) thì có thể tồn tại nhiều đợt di chuyển về phía nam của cư dân Tây Âu Lạc Việt từ vùng đất Lĩnh Nam (Trung Quốc) và Trung du, miền núi bắc Việt Nam, theo đượng thượng đạo qua miền núi Thanh Hóa vào vùng thượng lưu sông Hiếu (khu vực Làng Vạc, các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp), từ đó họ tạo ra một trung tâm quyền lực quý tộc cao cấp mới của Đông Sơn mà di duệ có thể là những người Dạ Lang đã khiến Nhâm Diên (thứ sử quận Cửu Chân hồi đầu công nguyên) lao đao (Hậu Hán thư, Nhâm Diên truyện). Nên nhớ rằng Dạ Lang là một quốc gia cổ đại cùng thời và láng giềng với Văn Lang, Âu Lạc, phân bố ở vùng Quý Châu, đông Vân Nam, bắc Quảng Tây (Trung Quốc). Có thể chính họ cũng là nòng cốt của một bộ phận quý tộc Lâm Ấp sau này.
Dựa vào ghi chép của tư Mã Thiên trong Sử ký, rằng Triệu Đà dùng của cải để áp phục Âu Lạc vào khoảng năm 180 trước Công nguyên, tôi cho rằng có thể chiếc thạp Đông Sơn BMM 2505-29 và những thạp đẹp khác cùng kiểu phát hiện ở Xuân Lập (Thanh Hóa) nằm trong số “của cải” mà Triệu Đà đã dùng để “áp phục” các thủ lĩnh Tây Âu Lạc. Do những biến động quân sự chính trị sau đó ( có thể liên quan đến cuộc hành quân của Triệu Đà sau đó hoặc của Phục ba tướng quân nhà Hán là Lộ Bác Đức năm 110 trước Công nguyên), một số thủ lĩnh Tây Âu (Vu) đã phải mang theo những đồ đồng đó rút về phía nam và dừng chân ở vùng Xuân Lập. Tại bảo tàng Barbier Mueller, cùng nhóm với chiếc thạp có chữ kể trên, còn có ba thạp khác : một chiếc lớn rất giống chiếc thạp Xuân Lập có hình thuyền, người hiện bày ở Bảo tàng Thanh Hóa, một chiếc thạp có quai sách khá gần gũi với chiếc thạp phát hiện trong mộ Văn Đế Triệu Muội ở Quảng Châu (Trung Quốc) và một thạp cỡ trung bình có kiểu trang trí hình thuyền và thú gần với phong cách sưu tập đồ đồng phát hiện ở Đá Đỏ (Sơn La). 
Vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mã sau khi thuộc Nam Việt do ở xa đã được Triệu Đà giao cho hai viên quan đại sứ cai quản. Chiếc ấn đồng khối vuông “Tư (Việt) phố hầu ấn” có đúc hình rùa trên lưng được thương nhân cũng là nhà sưu tầm người Bỉ tên là Clement Huet mua được ở Thanh Hóa hồi trước thế chiến II (hiện bày ở Bảo tàng Nghệ thuật và Lịch sử Hoàng Gia Bỉ, Brussel) được cho là của viên điển sứ tước hầu ở Cửu Chân. Tư Phố là tên quận trị đóng ở khu vực làng Ràng (Thiệu Dương, Thanh Hóa) hiện nay.Hai viên quan này đã đầu hàng nộp hộ khẩu hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân cho Phục Ba đại tướng quân nhà Tây Hán Lộ Bác Đức vào năm 111 tr.Cn, khi nhà Tây Hán thôn tính Nam Việt (Hậu Hán thư).