THẤY GÌ TỪ CUỘC ĐẤU GIÁ CỔ VẬT VIỆT NAM TẠI PHÁP

Bài: Trần Đức Anh Sơn

Ảnh: Philippe Truong

Vào lúc 14 giờ chiều ngày 29.11.2010, nhà đấu giá Cornette de Saint Cyr đã tổ chức phiên đấu giá mang tên Việt Nam - 3000 năm nghệ thuật tại Drouot Richelieu - Salle 7 (số 9 đường Drouot, Quận 9, Paris, Pháp. Đây là phiên đấu giá cổ vật (và nghệ thuật phẩm) Việt Nam lớn nhất được tổ chức ở Pháp trong 5 năm trở lại đây.
Đôi khuyên tai bằng thủy tinh trắng ngà. Văn hóa Sa Huỳnh. Cao: 4,3 và 4,5cm. Giá khởi xướng: 800/1200 €. Giá bán: 1125 €
Khuyên tai bằng thủy tinh xanh. Văn hóa Sa Huỳnh. Đk: 6cm. Giá khởi xướng: 800/1200 €. Giá bán: 875 €
Có 447 lô cổ vật (và nghệ thuật phẩm) với 681 hiện vật được đưa ra đấu giá, chủ yếu là cổ vật Việt Nam và một số cổ vật Khmer, Thái Lan, Nhật Bản và Trung Hoa. Những cổ vật được đưa ra đấu giá lần này thuộc sưu tập của ngài Richard Orband, cựu quan chức của Pháp ở Đông Dương (giai đoạn 1890 - 1919) và là thành viên sáng lập Hội Đô thành hiếu cổ ở Huế (Association des Amis du Vieu Hué), của TS. Jochen May (ở Đức) và của một nhà sưu tập giấu tên và của một vài nhà sưu tập nghiệp dư ở Pháp. Giám tuyển cho cuộc đấu giá này là chuyên gia Jean-Luc Estournel, với sự tư vấn của nhà nghiên cứu nghệ thuật Philippe Truong. Họ đều là những người am tường về mỹ thuật cổ Việt Nam và châu Á.

 

Thạp đồng. Văn hóa Đông Sơn. Cao: 22cm. Giá khởi xướng: 1300/1800 €. Giá bán: 1500 €

Chậu trống bằng đồng. Văn hóa Đông Sơn. Đk: 42cm. Giá khởi xướng: 2800/4000 €. Giá bán: 3125 €

 
Những cổ vật và nghệ thuật phẩm Việt Nam được đưa ra đấu giá
Đóng vai trò chủ đạo trong lần đấu giá này là cổ vật và nghệ thuật phẩmViệt Nam, gồm 385 lô với 607 hiện vật. Cụ thể như sau:
- 1 lô gồm 2 hiện vật gốm thuộc Văn hóa Phùng Nguyên (2000 - 1500 trước CN).
- 1 lô gồm 2 hiện vật gốm thuộc Văn hóa Quỳ Chữ (1000 - 500 trước CN).
- 31 lô gồm 53 hiện vật thuộc Văn hóa Đông Sơn (500 - 100 trước CN). Trong đó có 12 món đồ gốm, 1 chiếc vòng trang sức bằng thủy tinh xanh, 40 món đồ đồng gồm: trống, thạp, chậu, các thứ vũ khí, bao tay, bao kiếm, hộ tâm, muôi…
- 31 lô gồm 81 hiện vật thuộc dòng đồ Hán - Việt thời kỳ Giao Chỉ (100 trước CN - 264 sau CN), chủ yếu là các món đồ gốm như vò, hũ, tượng thú, dọi xe chỉ; các món đồ đồng như gương đồng, lọ, đĩa đèn, lưỡi câu… và 2 chuỗi hạt trang sức bằng đá quý.
- 6 lô gồm 10 hiện vật đồ gốm thuộc dòng đồ Hán - Việt cuối thời kỳ Giao Chỉ (thế kỷ IV - thế kỷ V)
- 18 lô gồm 27 hiện vật thuộc Văn hóa Sa Huỳnh (500 trước CN - 100 sau CN). Trong đó có 14 lô đồ (23 hiện vật) trang sức bằng đá quý và thủy tinh như chuỗi hạt, khuyên tai và 4 món đồ gốm (4 hiện vật).

Bao cổ tay bằng đồng. Văn hóa Đông Sơn. Dài: 6,5cm. Giá khởi xướng: 600/900 €. Giá bán: 875 €

Mảnh giáp bằng đồng trang trí hình rồng. Thời Lê - Mạc, tk XV - XVI. Giá khởi xướng: 400/800 €. Giá bán: 625 €

 
- 7 lô gồm 22 hiện vật thuộc Văn hóa Sa Huỳnh trên đất của vương quốc Phù Nam (thế kỷ 1 trước CN - thế kỷ V sau CN). Trong đó có gồm 21 hiện vật là những đồ dựng bằng gốm và 1 con dao găm làm thạch anh.
- 6 lô gồm 13 hiện vật là những đồ đựng bằng gốm và 3 chuỗi trang sức bằng mã não thuộc thời kỳ đế quốc Phù Nam (thế kỷ V - thế kỷ VIII)
- 3 lô gồm 3 hiện vật đồ gốm An Nam thời kỳ Tùy - Đường đô hộ (603 - 938).
- 2 lô gồm 2 hiện vật đồ gốm Khmer Nam Bộ (thế kỷ XII - XIII).
- 19 lô gồm 29 hiện vật thuộc Văn hóa Champa (thế kỷ VIII - thế kỷ XIII). Trong đó có 9 món đồ gốm, 20 hiện vật làm bằng đồng và vàng, 2 pho tượng bằng sa thạch. 
- 8 lô gồm 8 hiện vật đồ gốm thời Lý (1009 - 1225).
- 42 lô gồm 51 hiện vật đồ gốm thời Trần (1225 - 1400).
- 80 lô gồm 122 hiện vật thời Lê (1428 - 1788). Trong đó, gồm 92 món đồ gốm, chủ yếu là gốm Chu Đậu, 26 món đồ đồng và 4 pho tượng Phật bằng gỗ sơn son thếp vàng.
- 16 lô gồm 21 hiện vật đồ thời Nguyễn (1802 - 1945). Trong đó có gồm 1 chuông đồng, 1 chao đèn pháp lam, 1 số tượng Phật Thích Ca sơ sinh, 1 tượng Quan Âm và 1 số khay trà, quả hộp bằng gỗ khảm xà cừ.
- 45 lô gồm 60 hiện vật sứ ký kiểu (blues de Hué), chủ yếu là chén đĩa trà, khay trà, bình vôi, bát, đĩa, nậm rượu.
- 8 lô gồm 15 hiện vật chưa rõ niên đại và phong cách, là những bình gốm, tranh khảm xà cừ, tượng thú và điếu hút thuốc phiện, đồ trang sức bằng đồng…
- 3 lô là 3 cuốn sách: L’Art du Viêt Nam (Nghệ thuật Việt Nam) của Bezacier in năm 1954; L’Art à Hué (Nghệ thuật Huế) của Léopold Cadière; L’Histoire du Viêt (Sử Việt) in năm 1950.
- 1 lô gồm 9 hiện vật là những bộ tràng kỷ, ghế tựa kiểu chân giò nai, khảm đá xà cừ, cẩm thạch và 1 bức tranh gỗ khảm ngà.
- 1 lô là 1 chiếc trống Mường thuộc Văn hóa Đông Sơn.
- 7 lô gồm 7 pho tượng nhà mồ của người Jarai ở Tây Nguyên.
- 29 lô là 29 bức tranh của các họa sĩ Việt Nam danh tiếng, gồm 8 bức của Bùi Xuân Phái, 9 bức của Mai Trung Thứ, 3 bức của Nguyễn Thứ, 1 bức của Nguyễn Tư Nghiêm, 1 bức của Lưu Quang Lâm, 2 bức của Lưu Thế Hân, 1 bức của Nguyễn Gia Trí 2 bức của Lê Bá Đảng, 1 bức của Lý Trúc Sơn và 1 bức của Lê Phổ.
- Riêng sưu tập của Richad Orband được phân thành 20 lô gồm 37 hiện vật. Trong đó chủ yếu là đồ sứ ký kiểu (bleus de Hué), các loại tẩu hút thuốc phiện, khung tranh bằng gỗ cẩn xà cừ, đồ ăn trầu bằng bạc…

Cốc gốm tráng men. Đồ Hán - Việt thời Giao Chỉ. Hiện vật phát hiện ở Thanh Hóa. Đk: 42cm. Giá khởi xướng: 350/600 €. Giá bán: 475 €

Đĩa gốm men tam thái. Gốm Chu Đậu. Đk: 35,1cm. Giá khởi xướng: 350/500 €. Giá bán: 500 €

Bát gốm men ngọc, văn hình hoa khắc chìm dưới lớp men phủ. Đk: 15,3cm; Cao: 7,2cm. Giá khởi xướng: 300/500 €. Giá bán: 450 €

 
Cuối cùng, là sưu tập mang tên Nghệ thuật châu Á gồm 67 lô với 74 hiện vật, là những cổ vật của Thái Lan, Khmer (chủ yếu là tượng Phật), Trung Quốc (đồ gốm sứ), đồ Nhật Bản (đồ sơn mài, đồ sứ, gương đồng…) và đồ sứ Khang Hi vớt từ con tàu đắm ở Hòn Cau.
Kết quả đấu giá
Có 168 lô với 301 hiện vật đã đấu giá thành công. Cụ thể như sau:
- Cả 6 món đồ gốm thuộc Văn hóa Đa Bút, Văn hóa Phùng Nguyên và Văn hóa Quỳ Chữ đều có chủ nhân mới.
- 8 lô gồm 12 hiện vật thuộc Văn hóa Đông Sơn được đấu giá thành công, gồm 5 trống đồng, 2 bao tay đồng, 1 thạp đồng và 1 hộ tâm bằng đồng. Tất cả đều được bán với giá cao hơn giá khởi xướng. Trong khi rất nhiều muôi đồng, các sưu tập vũ khí, bao kiếm và hộ tâm rất đẹp lại không bán được.

Lọ gốm men nâu thời Trần. Đk: 11cm; Cao: 10,2cm. Giá khởi xướng: 400/600 €. Giá bán: 688 €

Hũ gốm men xanh nâu. Đồ Bắc thuộc thời Tùy - Đường. Đk: 26,5cm; Cao: 26cm. Giá khởi xướng: 250/350 €. Giá bán: 313 €

Hộp gỗ cẩn xà cừ. Tk XIX. Kích thước: 29 x 16 x 10,5cm. Giá khởi xướng: 200/300 €. Giá bán: 1500 €

- 16 lô gồm 60 hiện vật thuộc dòng đồ Hán - Việt thời kỳ Giao Chỉ và cả 6 lô gồm 10 hiện vật thuộc dòng đồ Hán - Việt cuối thời kỳ Giao Chỉ đã có người mua, chủ yếu là các món đồ gốm
- 7 lô đồ trang sức gồm 10 hiện vật và 2 món đồ gốm thuộc Văn hóa Sa Huỳnh và 4 lô gồm 18 hiện vật gốm Sa Huỳnh trên đất của vương quốc Phù Nam đã đấu giá thành công.
- 3 lô gồm 3 món đồ gốm đồ gốm An Nam thời kỳ Tùy - Đường và 2 lô gồm 2 món đồ gốm Khmer ở Nam Bộ được bán hết.
- 3 lô gồm 8 món đồ gốm, 2 lô gồm 3 hiện vật kim khí thuộc Văn hóa Champa đã được bán, trong đó có chiếc bình đồng 2 vòi (Kundikâ), giá khởi xướng là 15.000€ nhưng bán được 21.875€, là hiện vật được đấu giá cao nhất.
- 3 lô với 3 món đồ gốm thời Lý được bán trên giá khoảng 10%.
- 25 lô với 33 món đồ gốm thời Trần đã được bán nhưng có đến 11 lô bán dưới giá khởi xướng.
- 43 lô gồm 65 hiện vật thời Lê 49 món đồ gốm Chu Đậu, 12 món đồ đồng và 4 pho tượng Phật đã tìm được chủ nhân mới. Đáng chú ý là một pho tương Phật Thích Ca niên đại thế kỷ 18, giá khởi xướng đề là 5000/8000€ nhưng bán được 10.250€ trong khi có đến 21 lô hiện vật được bán dưới giá và 3 lô bán ngang giá khởi xướng.
- 9 lô gồm 12 hiện vật thời Nguyễn được bán đấu giá thành công. Trong đó có 6 món đồ gỗ, 1 chao đèn pháp lam và 5 món đồ kim khí.
- Đối với dòng đồ sứ ký kiểu, chỉ có 14 lô với 18 hiện vật được đấu giá thành công. Trong khi có rất nhiều đĩa trà, chén trà, và nậm rượu chất lượng tốt nhưng ít được người mua quan tâm.
- Đáng lưu ý là trong số những món đồ chưa xác định niên đại và phong cách thì có 6 lô với 13 hiện vật đã được bán ra, trong khi chỉ có 2/3 cuốn sách của các học giả nổi tiếng của người Pháp về lịch sử và nghệ thuật Việt Nam được đấu giá thành công. Đặc biệt lô đồ gỗ gồm 9 món giá khởi xướng đề 3000/4000€ đã được bán với giá 6875€.
- Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên nhất là sưu tập tượng nhà mồ của người Jarai gồm 6 tượng người và 1 tượng thú, thì cả 6 tượng người đều có người mua với mức giá cao hơn giá khởi xướng khoảng 20%, trong đó pho tượng phụ nữ mang thai được bán với giá 2500€ trong khi giá khởi xướng chỉ có 1400/1800€
- Đáng buồn nhất là sưu tập tranh của các tác giả lừng danh Việt Nam chỉ bán được 2 bức của Mai Trung Thứ và 1 bức của Lê Bá Đảng.
- Đối với sưu tập của Richard Orband, đã có 8 lô với 14 hiện vật được đấu giá thành công. Đáng chú ý là bức tranh lụa thêu hoa giá khởi xướng chỉ 400/800€, bán được 3125€ và 1 trấn phong bằng gỗ có gắn miếng ngọc, giá khởi xướng là 300/500€, bán được 5000€.
- Ngoài ra, có 17 lô với 22 cổ vật Thái Lan, Khmer, Trung Hoa, đồ Hòn Cau... được đấu giá thành công.
Một vài nhận xét
Qua cuộc bán đấu giá này, tôi có mấy nhận xét như sau:
- Đây là một cuộc đấu giá tương đối thành công với 37,58% số lô và 44,19 % số hiện vật đưa ra đấu giá đã tìm được chủ nhân mới. Khác với các cuộc đấu giá cổ vật “thử nghiệm” ở Việt Nam trong thời gian gần đây, các cuộc đấu giá ở châu Âu luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng, giám tuyển và chuyên gia tư vấn đều là những người có uy tín về chuyên môn nên thu hút được sự chú ý và tham gia của các nhà sưu tập. Vì thế kết quả đấu giá rất khả quan.
- Các nhà sưu tập cổ ngoạn ở châu Âu rất quan tâm đến dòng đồ khảo cổ Việt Nam. Nếu hiện vật khảo cổ thuộc thời kỳ tiền sơ sử nhưng vẫn nguyên vẹn - đẹp - độc đáo thì vẫn có người mua. Cụ thể là cả 6 món đồ gốm thuộc Văn hóa Đa Bút, Văn hóa Phùng Nguyên và Văn hóa Quỳ Chữ đều tìm được chủ nhân mới. Đặc biệt là những pho tượng nhà mồ Tây Nguyên thường ít được các nhà sưu tập Việt Nam quan tâm thì lại rất được các nhà sưu tập châu Âu ưa chuộng nên đã có 6/7 pho tượng nhà mồ của người Jarai đã được đấu giá thành công.
- Cổ vật Đông Sơn đang ngày càng “rớt giá” trong mắt người sưu tập ở châu Âu, nên có nhiều món rất “bắt mắt” như thạp đồng, dao găm, đĩa đèn, hộ tâm… vẫn không được quan tâm. Tuy nhiên, trống đồng, nếu là “hàng xịn” thì vẫn có người tìm mua.
- Đồ Óc Eo - Phù Nam, đồ gốm Giao Chỉ, đồ Sa Huỳnh và đồ Champa vẫn có sức thu hút rất lớn đối với các nhà sưu tập ở châu Âu, nhất là đồ trang sức bằng đá quý.
- Đối với các dòng đồ Việt Nam chính thống thì tượng Phật, đồ gốm Lý- Trần, đồ Chu Đậu thời Lê… vẫn đang các nhà sưu tầm châu Âu quan tâm, nhưng giá bán không còn cao “ngất ngưỡng” như trước đây. Riêng dòng đồ sứ ký kiểu thì từ kết quả đấu giá lần này và với những gì tôi chứng kiến trong chuyến đi Đức hồi tháng 9 vừa qua, tôi cho rằng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn có vẻ đã ‘bảo hòa” ở thị trường châu Âu. Vì thế, giá đồ sứ ký kiểu ở châu Âu “mềm” hơn so với giá trong nước.
- Những hiện vật “ế ẩm nhất” trong phiên đấu giá này chính là tranh của các họa sĩ Việt Nam. Cho dù đó là những họa phẩm của các họa sĩ tên tuổi nhưng chỉ có 3/29 bức được đấu giá thành công. Cách đây 7 năm, khi tôi sang Bỉ, một nhà sưu tập người Bỉ, đồng thời là chuyên gia về tranh đương đại Việt Nam đã nói rằng: “Thì trường tranh Việt Nam bây giờ bán nhiều hàng giả quá. Vì thế, các nhà sưu tầm châu Âu rất nghi ngại, thậm chí, họ không còn hứng thú quan tâm nữa”. Phải chăng kết quả đấu giá vừa qua đã phản ánh thực tế này?
- Cuối cùng, có đến 36 lô hiện vật được bán dưới giá và 7 lô được bán ngang giá. Điều này phản ánh việc người mua rất quan tâm đến thông tin về kết quả đấu giá và đợi khi phiên đấu giá kết thúc thì sẽ liên lạc để mua những món đồ mình ưa thích với giá thương lượng, rẻ hơn giá khởi xướng. Xu hướng này đang ngày càng phổ biến vì thế các nhà đấu giá và chủ nhân các hiện vật đưa ra đấu giá đã rất “linh hoạt” khi chấp nhận bán dưới giá chút đỉnh để giao dịch có thể thành công. Vậy thì, nếu những nhà sưu tầm cổ vật ở Việt Nam quan tâm đến cuộc đấu giá này, có thể vào địa chỉ http://www.cornette.auction.fr/FR/v15647-cornette-de-saint-cyr-arts-du-vietnam-et-arts-asie/index_p1.html trên internet để tìm hiểu thông tin. Sau đó, liên hệ với hãng đấu giá Cornette de Saint Cyr để mua những hiện vật mà mình ưa thích vẫn còn “tồn kho” sau cuộc đấu giá với giá thỏa thuận. Có thể, quý vị sẽ tìm mua được những món đồ ưng ý với giá cả phải chăng đấy!
Địa chỉ liên hệ:
TRẦN ĐỨC ANH SƠN,
118, Lê Lợi, Đà Nẵng.
Tel: 0903 572 371