THÚ CHƠI ĐỒNG HỒ TÂY CỔ

 

Gia Lân
Quả việc sưu tập chơi đồ cũ, đồ cổ ở nước ta thời nay rất đa dạng và không hiếm như thời chiến tranh, bao cấp kinh tế và cấm vận… Đây là kết qủa sau thời gian gần hai thập kỷ nước ta mở cửa giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với thế giới.
Theo Luật Di sản Văn hóa nước ta tương đồng với quốc tế, những đồ vật được gọi là đồ cổ thì có quy định về tiêu chí thời gian ra đời và tồn tại phải cách nay từ 100 năm trở lên, còn đồ cũ - đồ qua sử dụng - thì tiêu chí thời gian tồn tại đã qua không cụ thể và cao như đồ cổ. Nhưng giữa cổ vật và đồ cũ lại có chung một tiêu chí quan trọng, đó là chúng đều ghi lại dấu ấn văn hóa một thời của con người đã chế tác, sáng tạo ra chúng để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tất nhiên những cổ vật và đồ cũ có giá cao trên thị trường thường đều bị làm giả rất tinh xảo để lừa những người sưu tập. Ai được lợi và ai thiệt hại trong cuộc chơi tự do nhưng lại thiếu sự giám hộ công khai thì chúng ta đều đã rõ. Chơi đồng hồ cổ, đồng hồ cũ qua sử dụng nói riêng cũng như chơi cổ vật ở những nước có truyền thống lâu đời thì đã có thẩm định ở đấu giá, còn ở ta thì còn tù mù. Ấy vậy nhưng việc chơi, việc mua, việc bán cổ vật và đồ cũ ở nước ta vẫn âm thầm diễn ra và tồn tại khách quan ngoài ý muốn của mọi người và chính quyền vì đó là nhu cầu văn hóa của xã hội.
Vì muốn tìm hiểu thú chơi đồng hồ cũ nên tôi được bạn giới thiệu đến xem sưu tập của ông Nguyễn Xuân Ngọc, chủ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh van vòi tắm SENTA Co, Ltd tại Khu công nghiệp Từ Liêm - Hà Nội. Tiếp xúc với ông Ngọc tôi nhận ra những nét của một thanh niên ra đời và lớn lên ở Hà Nội suốt năm tháng gian truân bom đạn rồi được hưởng thời Đổi Mới-Mở cửa ngày nay. Mặc dầu phải bươn chải để dựng lên doanh nghiệp SENTA với gần 200 cán bộ nhân viên có công ăn việc làm, đóng thuế cho nhà nước và tồn tại…, nhưng ông chủ vẫn đam mê chơi đồng hồ cũ, mà đâu có ít tiền trong thời buổi hiện nay! Trò chuyện với ông bạn mới tôi mới hiểu căn nguyên tại sao ông bạn này lại có thú chơi đồng hồ cũ. Chẳng là thời trẻ cách nay vài chục năm Ngọc đã học nghề sửa đồng hồ khóa 03 năm, nhưng rồi không sống nổi bằng nghề nên anh ta đã xoay kiếm nghề khác, mặc dầu vẫn yêu cái nghề cơ khí chính xác của mình.
Nói đến chiếc đồng hồ là nói lên cái nghề tinh xảo và khoa học kỹ thuật cao của người châu Âu văn minh chứ không phải của người châu Á ta, đúng không nhà chơi cổ vật? Ngọc sởi lởi.
Đúng vậy. Hôm nay tôi rất vui được chiêm ngưỡng sưu tập đồng hồ hơi choáng của ông, nhưng tôi cũng là dân cơ khí và chơi đồ cổ nên xin ông vui lòng cho biết thêm vài ý. Được không? Và thế là tôi hỏi một mạch.
Rất vui vẻ lắng nghe tôi hỏi, sau hớp rượu mạnh ông Ngọc cho biết: Trong gần 500 hiện vật gồm đồng hồ tượng, đồng hồ cây, đồng hồ treo tường, tượng đồng và một số đèn dầu, chân nến, đèn chùm cũ có nguồn gốc Âu châu. Tôi mê nhất những đồng hồ tượng của Pháp, đồng hồ cây của Đức. Những pho tượng đồng, rồi tượng trên các đồng hồ làm tôi chết mê, chết mẩn đấy. Sau giờ làm việc, giao dịch căng thẳng về ngồi đây ngắm tượng là quên hết ông ạ. Ông là dân cơ khí lại là dân chơi văn hóa nên ông cũng dễ dàng nhận ra cái đẹp, cái tài hoa của những nghệ nhân, nghệ sỹ điêu khắc, kỹ sư… tuyệt vời của trời Âu văn minh đã cùng nhau sáng tạo ra chúng từ thuở xa xưa nhỉ?
Đúng là để tạo ra được một chiếc đồng hồ như thế này để phục vụ cho tầng lớp quý tộc giầu có thời xa xưa, các nhà sản xuất chhau Âu đã phải mời đến các họa sỹ mỹ thuật công nghiệp, nhà điêu khắc tạo hình, rồi các nhà thiết kế chế tạo cơ khí chính xác, đúc đồng tinh xảo, nghệ nhân gỗ, đá... hợp tác lại với nhau mới có để ngày nay chiêm ngưỡng. Công phu lắm. Giữ được và về đến đây là quý lắm.     Tôi chia sẻ. 
Nhưng tôi phải thừa nhận: Do tôi yêu thích chủ yếu phần tượng đồng làm quá tinh xảo và sống động, nên tập trung sưu tập những đồng hồ cũ có tượng đẹp, còn phần chất lượng máy, nhãn hiệu, niên đại của đồng hồ thì đúng như ông nói, tôi cho rằng chưa đạt đỉnh điểm. Tôi biết điều đó, vì ông xem đây, trong tay tôi có nhiều cuốn sách giới thiệu đấu giá đồng hồ cổ của các nước Pháp, Đức…Tôi còn tự lập ra một Website về đồng hồ. Nếu thích các vị xem nhé. www.covatchauau.com. Vui ấy mà. Ông Ngọc chân thành nói với chúng tôi.
Người xưa chí lý: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, nên giờ đây tôi lại được biết thêm ở Hà Nội có một nhà sưu tập đồng hồ đáng quý trọng./.