Thú chơi THƯ PHÁP - TRANH CHỮ CỔ

 Linh Giang

 

 

             Tôi đã là ông có 2 cháu, chúng ở cùng ông bà, thằng em đang học cấp II, thằng anh mới vào cấp III. Cũng như đám bạn học, chúng thành thạo sử dụng điện thoại thông minh, máy vi tính, vào mạng tra cứu Google, thích xem phim hoạt hình thuyết minh tiếng Anh… khắc xa thời tôi cắp sách đến trường. Trông thấy chúng quay cuồng với bài vở, với học thêm tối ngày, kể cả thứ bẩy mà tôi thấy xót. Nên đôi lúc tôi cũng cằn nhằn với bố mẹ chúng nhưng cũng không thay đổi được. Đó là chúng còn học trong nước, nếu đi học nước ngoài xa nhà thì không biết rồi sẽ đi đến đâu sau này?

            Trong nhà tôi giờ đây cũng như bao gia đình khác các cháu nhỏ tối ngày chỉ lo học hành còn bố mẹ chúng chỉ lo làm ăn nên thi thoảng cả bố mẹ và đám cháu hay hỏi ông bà về những phong tục tập quán, giỗ Tết, về cách làm các món ăn và các thú vui chơi truyền thống lâu đời của người Việt Nam mà nhà trường đã không dậy chúng.

            Nhà tôi cả ngày ai có việc của người ấy, cứ đến bữa tối cả nhà mới có dịp ngồi ăn cơm với nhau để trò chuyện. Thời buổi kim tiền thế là đã hạnh phúc rồi. Hôm nay thứ bảy, trong bữa ăn tối, thằng cháu lớn hỏi tôi:

            - Trong nhà mình ông treo các chữ này có nghĩa gì hả ông? Sao nhà mình treo nhiều chữ mà nhà các bạn cháu không thấy treo?

            - Câu hỏi hay, ông sẽ cắt nghĩa sơ bộ để các cháu hiểu, chắc ở trường chưa dậy phải không? Trong nhà treo chữ cũng như treo tranh để mọi người cùng xem. Những người mê chữ - Thư pháp -  đã có câu để tự sướng: Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ cổ đấy cháu ạ.  

            Từ lâu đời người dân Việt Nam đã dùng chữ viết trông giống như chữ viết của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên hiện nay. Người ta gọi loại chữ viết kiểu này là chữ Tượng hình do người Trung Quốc cổ đại nghĩ ra. Còn chữ viết của các nước Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Cămpuchia, In đô… lại có hình dáng kiểu khác mà dân giã hay gọi vui là chữ kiểu loằng ngoằng hình zun, rắn. Từ cách dùng kiểu chữ Tượng hình mà con người ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc  đã có thú chơi tranh chữ  - tức Thư Pháp như ở nhà ta cháu ạ. Ở Việt Nam mãi đến khi nước ta bị người Pháp xâm lược từ cuối thế kỷ 19 và rồi đô hộ dân ta gần trăm năm nên họ đã thay chữ viết Tượng hình gọi là chữ Hán, chữ Nôm mà dân Việt Nam sử dụng bao đời bằng kiểu chữ viết mới theo hệ La tinh gồm 24 chữ cái xếp theo thứ tự A,B, C,… và gọi là chữ Quốc ngữ như ta đang dùng cho đến nay đấy.

            Kể từ khi chữ Quốc ngữ ra đời và được sử dụng chính thức để dậy học, để làm việc, để giao dịch thì từ đó Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á không còn dùng chữ Tượng hình nữa, khác với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên… vẫn sử dụng cho đến ngày nay.

            Mặc dầu chữ viết đã thay đổi hẳn từ chữ Tượng hình sang chữ Quốc ngữ, nhưng cho đến nay nhiều người Việt Nam vẫn thích treo trong nhà những bức hoành phi, câu đối, thư pháp chữ Hán, chữ Nôm được nghệ nhân khắc hoặc khảm trên gỗ, tre rồi sơn thếp để trang trí và lưu giữ bền lâu, hoặc viết trên giấy để chơi như những tác phẩm nghệ thuật. Các hoành phi, câu đối, tranh chữ có ngữ nghĩa sâu sắc, cô đọng để con cháu trong nhà ghi nhớ. Đặc biệt các cháu thấy ở đình, chùa Việt Nam hiện vẫn treo các dòng chữ Hán, Nôm ghi các câu thơ, bài phú, kinh phật.. như vậy. 

            Cách đây vài chục năm ở nước ta lại có một số ít người Việt Nam viết Thư pháp bằng chữ Quốc ngữ để chơi, để tặng cho nhau, nhưng có lẽ chơi Thư pháp chữ Quốc ngữ kiểu mới này không được nhiều người Việt Nam ưa chuộng bằng kiểu chữ Tượng hình Hán, Nôm đã có từ xa xưa . 

            Trên giá sách của ông có cuốn sách dầy giới thiệu 5.000 mẫu câu đối, hoành phi viết bằng chữ Hán - Nôm và giảng giải ngữ nghĩa cụ thể do Nhà xuất bản Văn học xuất bản. Biết ông thích đọc sách mới liên quan đến văn hóa, ông Giám đốc Nhà xuất bản Văn học đã tặng ông đấy. Các con, cháu muốn tìm hiểu về nghệ thuật mang dấu ấn văn hóa Việt cổ này thì lấy sách mà đọc dần dà sẽ hiểu.

            - Thế còn các chữ treo trong nhà ta có nghĩa gì hả ông? Ông mua hay được tặng? thằng cháu em ngây thơ hỏi.

            - Thư pháp trong nhà ta đều được viết tặng cháu ạ. Có bức Cụ các cháu được bạn tặng khi cụ còn sống, có bức thì bạn ông tặng ông. Được tặng chữ là quý lắm đấy, do vậy ông làm khung để treo và giữ cẩn thận lâu dài cho con cháu sau này đọc và biết.

            - Thôi ông cháu ta ăn xong bữa đi đã, ăn xong ra phòng khách ông sẽ giải thích ý nghĩa từng bức Thư pháp cho các con biết. Ăn đi đã, để ông ăn cho nóng. Mẹ chúng lên tiếng.

            - Vâng ạ.

            Sau bữa cơm, không chỉ 2 đứa cháu và cả bố mẹ chúng cũng ra phòng khách pha nước uống và nghe tôi kể về lai lịch và ý ngữ nghĩa của từng bức Thư pháp trong nhà.

            1- Bức chữ to này viết chữ ĐẠO là của một người sỹ quan cấp Tá của quân đội thời chế độ Sài Gòn sống ở Nha Trang gửi tặng ông. Ông ta không phải bạn ông, lại sống xa nhau, nhưng tại sao ông ta lại gửi tranh chữ này qua đường bưu điện để tặng cho ông là chuyện cũng hay.

 

            - Ông kể đi ông. Thằng cháu lớn dục.

            - Chuyện thế này, một lần vào năm 2000, ông vào họp ở Nha Trang, đến chiều họp xong các bạn ở Hà Nội vào họp đều rủ nhau đi tắm biển, còn ông lại ra bắt tắc xi đề nghị cho đi đến nơi nào có bầy bán đồ xưa để xem. Ông nghĩ biết đâu lại mua được cái gì mình thích. Xe tắc xi chạy một lúc đến một của hiệu trông bên ngoài bình dị, thậm chí đơn sơ thì dừng lại. Ông hơi chán, nhưng rồi vẫn xuống xe vào cửa hiệu. Đi xem vài tủ đồ thấy lẫn lộn cả đồ mỹ nghệ, đồ cũ và có vài món là đồ cổ nhưng giá trị bình thường. Ông hỏi giá vài món đồ cổ, thấy ông nói giọng Bắc, ông chủ đứng lên hỏi ông:

            - Ông từ Hà Nội vào? Ông biết đồ cổ? vì qua cách hỏi vài món đồ của ông nên tôi biết.

            - Vâng, tôi ở Hà Nội vào công tác và cũng lỗ mỗ biết chút ít về cổ vật.

            Sau câu trả lời của ông, ông chủ cửa hàng vui ra mặt, bắt tay rồi mời ông vào nhà phía trong để uống  nước nói chuyện cho vui. Qua chén trà thơm ông ta hỏi chuyện về Hà Nội mới được lập Hội cho những người chơi cổ vật hoạt động công khai và tỏ ra rất vui, đặc biệt lại biết ông là thành viên Hội Thăng Long - Hà Nội. Hai người kể cho nhau nghe về những chuyện chơi cổ vật ở Hà Nội, miền Bắc và ở Nha Trang và miền Nam. Sau đó ông ấy bộc bạch tâm sự: “Trước 1975 tôi là sỹ quan quân đội Sài Gòn, biết sao được. Hồi trước 1975 thanh niên đến tuổi phải vào lính. Học xong trung học tôi cũng phải đi lính, nhưng vẫn mê chơi cổ vật vì từ nhỏ ông già tôi đã gieo vào tôi ý thích, đam mê cổ vật. Mặc dầu chiến tranh nhưng tôi vẫn ham thích thú chơi này. Giờ đây gia đình tôi đã sang Mỹ định cư, tôi đang chờ thủ tục để sang Mỹ đoàn tụ nên không sửa sang nhà cửa và sắp bán để đi”. Mặc dầu biết ông là dân Bắc cộng sản, nhưng qua trò chuyện thấy ông nói chuyện cởi mở, thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của ông ấy, nên ông ấy xin địa chỉ, hẹn có thể có dịp gặp lại nhau để luận đàm về thú chơi cổ vật…

            Về Hà Nội chừng hơn tháng ông nhận được một bưu phẩm gửi từ Nha Trang ra. Đó là một ống nhựa, mở ra là một bức Thư pháp viết chữ ĐẠO kèm bức thư ngắn của ông ta với nội dung thông báo đã xong thủ tục và chuẩn bị lên đường sang Mỹ đoàn tụ gia đình. Trước khi đi khỏi Việt Nam ông ấy muốn tặng ông bức Thư pháp có chữ ĐẠO này để kỷ niệm nhớ lần đã gặp nhau ở Nha Trang và nói tác giả là một người Chợ Lớn, Sài Gòn viết tặng ông ấy từ lâu. Ông rất xúc động về nghĩa cử này của ông ấy và viết thư cám ơn, chúc ông ta và gia đình sống tốt lành trên xứ người. Chuyện chữ ĐẠO như vậy đó.

            2- Còn bức này viết chữ TÀI. Chữ TÀI có hai nghĩa là tài giỏi và tiền tài. Một người bạn sống ở Hồng Kông lớn hơn ông 12 tuổi - đúng một con Giáp - đã bay  vào Việt Nam để tìm đối tác làm ăn hồi năm 1998, khi đó nước ta mới “Mở Cửa” giao thương với nước ngoài để kêu gọi đầu tư. Vì quý trọng nhau, hợp tính nhau nên ông ấy tặng ông bức Thư pháp này. Các dòng chữ viết đọc theo chiều dọc là:

 

            Về nghĩa của các câu ông nói đơn giản để các cháu hiểu là thế này: Trong cuộc sống làm được nhiều việc phúc đức, giữ được hòa khí với mọi người, giữ đạo lý và luôn vui vẻ sống thì mới tài và đi đâu cũng kiếm được tiền .