TIỄN BẠN VỀ CÕI PHIÊU DIÊU
Đào Phan Long
Hôm nay 24-9-2020 tôi và nhóm bạn Tửu Ca hẹn nhau đi viếng Nhạc sỹ Phó Đức Phương về trời. Đêm qua Hà Nội mưa to, sáng nay trời đầu thu quang mây tạnh ráo rất đẹp. 10 giờ sáng Nguyễn Trí Dũng - tên tục Dũng Bột - Giám đốc Nhà hát giao hưởng Việt Nam mới nghỉ hưu chưa đầy tháng cùng vài bạn trong nhóm Tửu Ca hay ngồi rượu bia tán dóc và bàn sự đời dài dài suốt bốn mùa bao năm qua ở Hà Nội đến chỗ tôi làm việc để cùng nhau đi tiễn biệt người anh em thân thiết của nhóm là Nhạc sỹ Sông Hồng Phó Đức Phương về cõi phiêu diêu. Chúng tôi lấy tên là nhóm Tửu Ca vì Phó Đức Phương, thành viên của nhóm đã sáng tác bài Tửu Ca tặng mọi người.
Tổ chức tang ma cho người chết về trời thực chất là vì người sống. Hội nhạc sỹ Việt Nam đã tổ chức tang lễ tiễn anh Phương trọng thể ở Nhà tang lễ quốc gia và rất đông người, cơ quan đã đến dự. Nhiều người thương tiếc Phó Đức Phương qua đời sớm vì bạo bệnh. Tang lễ anh được nhiều người thương nhớ đến tiễn biệt như vậy không dễ ai cũng có được.
Sau khi vào viếng nhóm chúng tôi theo Dũng Bột có mang theo chai rượu to kéo nhau ra quán cá ven sông Hồng để uống rượu giải buồn để nhớ Phó Đức Phương. Chén rượu đầu tôi rót một li đầy để phần Phó Đức Phương, còn các li vơi hơn chia mọi người để uống cạn rồi tất cả im lặng một lúc để vĩnh biệt một người anh em của nhóm.
Chơi với nhau qua nhiều năm trong nhóm Tửu Ca có Phó Đức Phương, nhà thơ Trần Ninh Hồ hơn tôi vài tuổi. Cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục, cố Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo bằng tuổi. Còn các Nhạc sỹ Trọng Đài, Dũng Bột, Đạo diễn cinê Quốc Trọng, Họa sỹ Hoàng Hà Tùng họ đồng niên với nhau và kém tôi một giáp. Nhóm Tửu Ca chúng tôi còn một số anh em làm giám đốc doanh nghiệp, làm nghề tự do sống phóng khoáng, mê âm nhạc, văn học và thích tụ tập bia rượu để đàm tiếu nói cười tạo nhiều niềm vui trong cuộc sống. Mỗi người mỗi việc và hoàn cảnh gia đình, cuộc sống khác nhau… nhưng hợp nhau vì đều không chán nản trước cuộc sống phức tạp thời nay và thích nạp chất lỏng có men đã được nhân loại lưu hành rộng rãi và trao giải đặc biệt còn cao hơn nhiều lần giải Nôben. Chúng tôi là những người đàn ông sống và làm việc có trách nhiệm với cộng đồng, ai cũng yêu quê hương đất nước, hám tìm chơi với phái yếu và có thể khẳng định đều là người tử tế trong xã hội Việt Nam đương đại.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương với nhiều ca khúc của mình mở đầu là Trên quê hương Quan họ sáng tác vào thập niên 70 của thế kỷ trước đã được đông đảo công chúng Việt Nam yêu thích. Anh là nhạc sỹ có thương hiệu trong làng âm nhạc Việt Nam, sống quảng giao, tốt tính với bạn lại được trời phú cho sức chịu đựng rượu bia vào loại oách nên anh không chỉ có nhóm chúng tôi mà còn nhiều nhóm Tửu Ca khắp nơi thích mời anh tham dự. Đối với nhóm chúng tôi Phó Đức Phương, Trần Ninh Hồ, Dũng Bột và nhiều người khác cũng là những người có tửu lượng cao trong đời. Anh em vẫn nói vui các tay này uống quần quật mà không mệt mỏi. Khi ngồi với nhau bên li rượu chúng tôi tán chuyện tiếu lâm, hát nhạo, hát chế, đọc thơ bút tre… bằng nhiều chất giọng để cùng cười và đàm đạo chuyện đời, chuyện xã hội để bạn nhậu chia sẻ. Trêu chọc nhau là tất nhiên nhưng mọi người đều tôn trọng cá tính của nhau để cười xòa vui vẻ. Phó Đức Phương dù lớn tuổi nhưng anh không đạo mạo, quan trọng hóa vấn đề, chịu lắng nghe và hay xưng hô bạn mình ơi, cậu tớ với mọi người dù người đó ít hơn anh nhiều tuổi. Nhớ lại cứ mỗi lần nhạc sỹ ra lò một tác phẩm mới anh đều nhắn chúng tôi đến quán để nhậu và gõ đũa hát bài mới của mình. Cuộc nhậu vui có lúc kéo dài tới thâu đêm. Ai có việc cần và cảm thấy không chịu được nữa thì tự rút…
Ca khúc của Phó Đức Phương có giai điệu mượt mà và đặc biệt ca từ anh chắt lọc từng chữ khá đắt mang dấu ấn riêng thể hiện tấm lòng yêu thương con người, quê hương, đất nước của tác giả nên đã đi vào lòng người Việt Nam và được lưu truyền rộng rãi. Đây chính là thành công để đời của một nhạc sỹ tài hoa.
Từ nay nhóm chúng tôi sẽ vắng anh Phương, song biết làm sao?
Chúng tôi ngồi uống bên sông Hồng - dòng sông Cái - nhớ Chảy đi sông ơi của Phó Đức Phương. Nhắc lại kỷ niệm với Phó Đức Phương thì nhiều, nhưng với tôi có một chuyện hôm nay xin kể để các bạn nghe. Có lẽ nhiều người chưa được anh Phương kể cụ thể.
- Anh kể đi. Một bạn lên tiếng.
- Năm ngoái sau một thời gian Phó Đức Phương thôi làm Bản quyền tác giả trở lại sáng tác âm nhạc, vào một ngày tôi nhận được điện thoại của anh.
- Alo, xin chào, ông đang ở đâu đấy?
- Chào. Ở nhà
- Tôi đang ở Cam Ranh vừa đi Trường Sa về. Thế thì tốt qua. Vài hôm nữa về Hà Nội tôi đến nhà ông nhé. Có chuyện cần trao đổi.
- Vui hay buồn đấy? để tôi alo mời anh em.
- Không. Mình muốn gặp riêng ông.
- Oke. Alo trước nhé.
Chừng gần tuần sau anh Phương đến tôi khoảng 2 giờ chiều. Trông anh với làn da sạm nắng sau chuyến đi biển về nên khá khỏe mạnh.
- Mình đi thăm Trường Sa theo đoàn. Kết thúc về Cam Ranh riêng mình nghỉ lại 2 ngày ở đây do bên bộ đội mời. Ông ơi chuyến đi này được ngắm trời yên biển lặng mênh mông, được tận mắt thấy Hải quân ta, thấy cuộc sống của các chiến sỹ trên các đảo xa của tổ quốc mình thấy xúc động thật sự trong lòng ông ạ. Có đi mới thấy rõ vẻ đẹp hùng vĩ của đất nước mình, thấy được tấm lòng và sự hy sinh của các chiến sỹ Hải quân vì sự bình yên của đất nước. Được nghe, được thấy tận mắt nhiều điều nên mình càng thôi thúc cần góp sức nhiều hơn nữa để làm việc có ích cho dân, cho nước nhằm chống lại âm mưu nham hiểm muôn đời của kẻ thù phương Bắc với dân mình.
Trước khi đi Trường Sa tôi đã vào thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ trò chuyện với một số người có tâm, có uy tín để lấy chữ ký vào bản kiến nghị ngăn chặn việc để nước ngoài làm đường cao tốc Bắc Nam, vì đó là việc hệ trọng đến an nguy của đất nước. Tôi đã và sẽ lấy đủ 100 chữ ký của các văn nghệ sỹ, trí thức có uy tín ở Việt Nam để họ đồng tình ký vào bản kiến nghị này. Đây ông xem đi. Toàn chữ ký tươi đấy. Hôm nay tôi muốn ông cũng ký vào bản kiến nghị này vì ông là Chủ tịch của một Hiệp hội nghề nghiệp quan trọng có liên quan đến việc đánh giá năng lực doanh nghiệp của ta có thể tự chủ làm được cao tốc Bắc Nam mà không phải dựa vào người phương Bắc. Hơn nữa ông cũng quen viết lách, quen làm văn bản nên góp ý thêm phần phần chữ nghĩa của bản kiến nghị này sao cho phải. Còn ông và vài người tôi dành ký cuối để đủ 100 chữ ký đấy.
- Cám ơn. Để tôi xem.
Sau khi đọc tôi đã góp ý nên chỉnh sửa một vài đoạn trong văn bản do nhạc sỹ đã cùng một số người khác chuẩn bị anh Phó Đức Phương đã đồng ý và thế là tôi ký.
Phó Đức Phương xong việc với tôi anh chủ động mời tôi bằng được phải ra quán và chỉ có 2 người để tìm gì ăn cho đỡ đói vì trưa nay mải việc anh đã nhịn.
- Không phải đi đâu cả. Cứ ngồi đây để tôi nói cô giúp việc làm nhanh mỳ ông ăn cho đỡ đói, sau đó ta làm vài li ông thích loại nào đây cũng sẵn.
Bản kiến nghị này do Phó Đức Phương là một trong những người nghĩ ra và thực hiện đã được gửi đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thời gian sau Chính phủ Việt Nam ra quyết định chỉ để các doanh nghiệp trong nước đấu thầu thực hiện làm cao tốc Bắc Nam bằng vốn nhà nước như hiện nay.
- Vậy chúng ta hãy uống vì tâm huyết của Phó Đức Phương.
- Sau chuyện đó, mấy hôm sau Phó Đức Phương mời tôi và vài bạn trong nhóm Tửu Ca lên nhà bật ti vi mở cho xem hai sáng tác mới của anh đã được dàn dựng ghi hình khác hẳn những ca khúc mượt mà thuở trước của anh mà ở hai bài này từ giai điệu, ca từ lại thể hiện đầy hào khí chống quân xâm lược để bảo vệ đất nước và giống nòi của người Việt xưa. Phó Đức Phương đã lấy sự kiện lịch sử CỜ LAU TẬP TRẬN và SÓNG BẠCH GIANG xưa của người Việt chống phong kiến phương Bắc để viết. Hiện tại hai tác phẩm này chưa được lên sóng rộng rãi nên nhiều người chưa nghe.
Những ngày trên giường bệnh anh vẫn cho con gọi bạn đến để trò chuyện. Anh vẫn muốn chia sẻ và làm được nhiều điều cho đời nhưng bất lực.
Hôm nay khi chúng tôi ngồi bên dòng sông Hồng uống rượu nhớ anh chắc anh đang phiêu diêu trên Hồ Núi Cốc, trên Đỉnh Phù Vân, qua vùng Quan họ rồi Về Quê đất mẹ…
Phó Đức Phương đã về trời.
Thương, thương nhớ một nhạc sỹ tài hoa yêu dân yêu nước.
Vĩnh biệt một nhạc sỹ tài hoa có tâm với dân với nước ./.
Phó Đức Phương và Dũng Bột
Từ trái sang: Cố Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Hồng Sơn, Dũng Bột, Đào Phan Long, Phương, Trần Ninh Hồ. Đứng sau: Nhạc sỹ Phó Đức Phương và ca sỹ Minh Thu.
Dũng Bột, Đào Phan Long, Ngô Hoàng Quân, Phó Đức Phương
Nhóm Tửu Ca từ trái sang: Bình - Văn Điển, Quốc trọc, Hoàng Hà Tùng, Đào Phan Long, Trọng Đài, Thịnh - Đồng Hồ, Hân nhà báo, Dũng Bột, Quốc Trọng vắng Phó Đức Phương vì bạo bệnh.