Tình dục và tuổi thọ
Cố nhà báo Đào Hùng
Phó TBT Tạp chí Xưa & Nay
Vào cuối thời Chu, ở Trung Quốc xuất hiện một luồng tư tưởng nhằm đưa con người trở về với cuộc sống tự nhiên thời nguyên thủy. Đó là con đường hòa hợp với thiên nhiên, thuận theo sự xoay vần của tạo hóa, gọi là Đạo. Những nhà tư tưởng chính của học thuyết này là Lão tử, sống vào đầu thế kỷ IV trước CN. và Trang tử, sống vào cuối thế kỷ IV, đầu thế kỷ III. Những người theo học thuyết này gọi là Đạo gia, để phân biệt với những người theo học thuyết của Khổng tử gọi là Nho gia.
Theo Lão tử, thì những qui tắc trong đời sống của quốc gia, xã hội và gia đình của xã hội phong kiến cuối thời Chu đã làm cho con người xa dần với cuộc sống hồn nhiên thuần khiết thời nguyên thủy, khi ai ai cũng có hạnh phúc vì biết sống hòa hợp với tự nhiên. Vì vậy nhiều người theo học thuyết của Lão tử, đã từ bỏ cuộc sống trần tục, trở về với thiên nhiên, thực hành phép dưỡng sinh. Và ngay từ thời đó, đã có quan niệm là những người đạt Đạo sẽ trở thành chân nhân, có cuộc sống bất tử. Trang tử đã từng nói đến một vị chân nhân là Quảng Thành tử “theo luật hợp nhất của vũ trụ để giữ cho hòa, cho nên sống được một ngàn hai trăm năm mà cơ thể không suy nhược”. Để có được cuộc sống trường sinh đó, Trang tử còn nói rằng: “Trên núi Cô Dạ xa xôi có chân nhân ở, da họ trong trắng như băng tuyết, họ đẹp đẽ mềm mại như gái trinh. Họ không ăn ngũ cốc, chỉ hít gió uống sương mà sống, họ cưỡi mây và rồng bay mà đi chơi khắp ngoài cõi bốn bể, họ định thần mà làm cho vạn vật không bị bệnh tật, mùa màng năm nào cũng trúng”.
Đến thế kỷ I trước CN. mới xuất hiện một tôn giáo, mà những tín đồ tự xưng là tiếp tục tư tưởng của Lão tử và Trang tử, gọi là Đạo giáo. Mặc dầu lấy tư tưởng Lão Trang làm nền tảng, nhưng tín đồ của Đạo giáo chủ trương đi tìm cuộc sống bất tử bằng những phương pháp tu tập đặc biệt. Để trở thành bất tử, các đạo sĩ phải tuân thủ nhiều qui tắc nghiêm ngặt nhằm rèn luyện cơ thể, trong đó có “dưỡng tính” và “dưỡng sinh”. Dưỡng tính là xóa bỏ những nguyên nhân làm cho cơ thể suy nhược, biến con người ô trọc thành một thể xác nhẹ nhàng bất tử, đòi hỏi phải nhịn ăn và điều hòa hơi thở. Dưỡng sinh là tăng cường sự tập trung của ý niệm bằng phương pháp tĩnh tọa. Tuy nhiên, thực hành những điều đó là rất khó khăn và mất nhiều thời gian, vì vậy có những trường phái chủ trương tìm đến cuộc sống bất tử bằng con đường dễ dàng hơn, đó là luyện thuốc trường sinh. Đạo giáo phát triển mạnh mẽ dưới thời Hán và Lục Triều (từ TK 1 đến TK 7) khi xã hội Trung Quốc đang sôi động vì những xung đột chính trị và tôn giáo. Nhưng sang thế kỷ VII, với việc thống nhất Trung Quốc dưới thời nhà Đường, thì tư tưởng Nho giáo đã được giai cấp cầm quyền sử dụng để củng cố đế chế tập quyền. Cùng lúc đó sự phát triển của Phật giáo mới được du nhập cũng đẩy lùi dần ảnh hưởng của Đạo giáo. Mặc dầu trong những thế kỷ sau còn có những nhà tu hành nổi tiếng, nhưng Đạo giáo mất dần quần chúng, chỉ còn là tôn giáo của những người tu hành và những pháp sư trừ tà đuổi ma.
Một tác phẩm trong triển lãm nghệ thuật Trung Hoa cổ đại tại Sotheby's Hong Kong Gallery, 4/2014.
Ngay từ khi Tần Thủy hoàng đế thống nhất Trung Quốc, nhà vua đã bắt các đạo sĩ phải đi ra biển Đông tìm thuốc trường sinh về. Sang thời Hán, các vị hoàng đế càng quan tâm đến việc này hơn, thường gọi nhiều đạo gia vào triều bắt thực nghiệm luyện kim đan. Kim đan là tên gọi hoàn thuốc gồm có “vàng và chu sa”, tức là luyện thành “vàng” - thực ra là thủy ngân - xuất phát từ hỗn hợp của chu sa (đây là một thứ sunfua thủy ngân tự nhiên, người ta dùng để lấy màu đỏ), chì và lưu huỳnh. Quá trình luyện đan này không khác gì quá trình chung của vũ trụ khi sáng tạo nên mọi vật. Vì vậy các nhà luyện đan đã ví lò luyện đan như cơ quan sinh dục của phụ nữ, sinh khí của đàn bà màu đỏ (buồng trứng) được ví với chu sa, tinh dịch trắng của đàn ông là chì, hành động giao hợp là sự hòa trộn trong chiếc đỉnh, và kỹ thuật giao hợp là thời gian đun lửa gọi là hỏa hầu. Chính vì vậy mà trên bức tranh vẽ “Long hổ giao cấu đồ” có ghi chú bài thơ như sau:
Bạch diện lang quân kỵ bạch hổ
Thanh y nữ tử khoa thanh long
Diên hống đỉnh biên tương kiến hậu
Nhất thời quan tỏa tại kỳ trung
(Chàng trai mặt trắng cưỡi hổ trắng
Cô gái áo xanh ngồi rồng xanh
Sau khi chì và thủy ngân gặp nhau trong lò
Cùng một lúc hòa trộn tại bên trong)
Ở đây nhân tố nam là chì được hình dung bằng một chàng trai cưỡi hổ trắng; nhân tố nữ là thủy ngân là một cô gái cưỡi rồng xanh; tinh khí của cả hai cùng rót vào một cái đỉnh bằng đồng. Như vậy phụ nữ là con Rồng, biểu tượng của phương Đông, của ánh sáng và mưa móc, đó là chu sa màu đỏ, khi trộn với chì trắng của nam, sẽ sinh ra thủy ngân, mở đầu cho vận hội mới. Để kéo dài tuổi thọ, các đạo gia thực hành nhiều qui trình, trong đó có một điều không kém phần quan trọng là phải biết điều hòa khí âm dương trong cơ thể thông qua hành động giao hợp. Công dụng huyền bí của giao hợp không những chỉ áp dụng cho đàn ông mà còn cho cả đàn bà. Trên thực tế, có nhiều đạo gia ích kỷ chỉ lo bồi bổ sinh khí cho mình bằng việc hấp thu âm khí của phụ nữ mà không đếm xỉa gì đến họ. Nhưng nguyên tắc chung là muốn cho trong sự kết hợp về tình dục, cả hai bên nam nữ đều thu được lợi. Về mặt này, các Đạo gia quan tâm đến phụ nữ hơn là Nho gia.
Trong cuốn Liệt hiền truyện, tập sách nói về các bậc tiên thánh, tương truyền là của Lưu Hướng, một nhà nho sống vào cuối thế kỷ I trước CN. dưới đời Hán, có kể chuyện một người đàn bà bán rượu ở chợ Hoài Dương. Rượu của chị ta rất ngon, một hôm có một vị chân nhân đến nếm thử và rất hài lòng. Khi ra đi vì không có tiền trả, ông để lại cuốn Tố Nữ kinh để làm tin. Khi mở ra xem, chị thấy sách dạy phép dưỡng sinh cùng với phương pháp giao hợp. Chị bèn bí mật thu xếp một phòng ngủ đặc biệt trong cửa hàng, gọi các chàng trai trẻ đến cho uống rượu ngon, rồi cùng họ thực hành những điều đã dạy trong sách. Sau khi thực hành trong ba mươi năm, chị ta vẫn cứ trẻ như con gái hai mươi. Nhiều năm sau vị chân nhân quay trở lại, ông mỉm cười nói với người đàn bà rằng: “Ăn cắp Đạo và học mà không có thầy, chẳng khác gì có cánh mà không thể bay được”. Nghe vậy, chị ta bèn bỏ cửa hàng cùng đi với chân nhân, không biết là đi đâu.
Đạo giáo dần dần trở thành một tôn giáo có tổ chức với hệ thống tôn ti phân định rõ ràng. Những người tu hành đàn ông gọi là đạo nam, đàn bà gọi là đạo nữ, lập thành những cộng đồng tôn giáo, sống ở nơi thờ tự gọi là đạo quán. Quan hệ giữa những người tu hành nam và nữ trong các đạo quán như thế nào, các sách của Đạo giáo không nói rõ, chỉ biết là giữa những người tu hành không có sự cấm kỵ về tiếp xúc nam nữ. Đến nay người ta chỉ biết mối quan hệ đó qua những lời chỉ trích của những nhà Nho và tín đồ Phật giáo, nghĩa là có phần cường điệu.
Một nhà sư đời Đường đã viết trong cuốn Nho Đạo luận (Bàn về Nho và Đạo) rằng: “Những kẻ theo Đạo giáo thực hành những giáo huấn mê hoặc của Hoàng thư (Sách vàng) bao gồm “mở sinh môn”, “ôm đạo đồng” và “long hổ hí” và cả thuật giao hợp và Lưới Trời Đất như đã dạy trong Hoàng thư, do đó nam nữ đều ăn nằm lẫn lộn, chẳng khác gì loài cầm thú, nhằm đẩy lùi tai ương. Làm sao có thể như vậy được?”
Một người theo Đạo giáo, sau đó cải theo Phật giáo đã viết trong cuốn Tiếu Đạo luận (Chế diễu Đạo giáo) rằng: “Năm 20 tuổi tôi học Đạo và được đưa vào đạo quán. Lúc đầu người ta dạy tôi phép hợp khí theo Hoàng thư, ghép thành từng đôi “bốn mắt và hai lưỡi” chúng tôi thực hành Đạo trong đan điền. Có người nói làm vậy thì có thể vượt mọi trở ngại và kéo dài tuổi thọ. Những người chồng đổi vợ cho nhau và tất cả đều vì thú vui xác thịt, họ không biết xấu hổ khi làm chuyện đó trước mắt cha anh. Làm sao có thể như vậy được?”
Thực ra những nhà Đạo học có một lý luận rất chặt chẽ về vấn đề tình dục, một trong những phương pháp dưỡng sinh quan trọng để giữ gìn sức khỏe, như lời một nhà Đạo học đời Đường đã nói: “Trong vạn vật do Trời tạo ra, con người là cái quí nhất. Trong mọi cái khiến cho con người tươi tốt, không có gì sánh được với giao hợp. Nó làm theo Trời và lấy Đất làm chủ, nó điều hòa Âm và tác động đến Dương. Kẻ nào hiểu được ý nghĩa đó có thể dưỡng sinh và kéo dài tuổi đời, kẻ nào không hiểu ý nghĩa thực sự thì sẽ tự làm hại mình và chết trước kỳ hạn”.
Đạo giáo phát triển mạnh vào cuối đời Hán và Lục Triều, là lúc xã hội Trung Quốc hỗn loạn vì những cuộc xung đột chính trị của những mầm mống cát cứ. Cuối đời Hán, trong triều thì bọn hoạn quan chuyên quyền, bên ngoài thì nhân dân đói khổ vì mất mùa và ôn dịch, giặc cướp nổi lên như ong. Bấy giờ có một đạo sĩ là Trương Giốc biết được các phép hô gió gọi mưa, biết phép chữa bệnh cứu người, tự xưng là Thái Bình đạo nhân, năm 184, cùng với hai em là Trương Bảo và Trương Lương tập hợp tín đồ hàng trăm hàng ngàn người cả nam lẫn nữ nổi lên đánh chiếm nhiều nơi. Chẳng bao lâu con số lên đến năm mươi vạn người, đánh cho quan quân triều đình thua chạy tơi bời. Quân khởi nghĩa quấn khăn màu vàng nên sử cũ gọi là Giặc Khăn Vàng (Hoàng Cân).
Trước sự bất lực của triều đình, hào kiệt nhiều nơi trong nước phải tự trưng tập quân binh tổ chức đánh dẹp phản loạn. Cuối cùng cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng bị dìm trong bể máu, nhưng các thế lực quân phiệt địa phương đã nhân cơ hội đó để lấn át triều đình trung ương, biến vua nhà Hán thành bù nhìn, đồng thời gây nên cuộc tranh giành quyết liệt giữa các thế lực cát cứ, tạo nên cục diện thời Tam Quốc, mở đầu cho thời kỳ chia cắt của đất nước Trung Hoa.
Tuy thất bại trong cuộc nổi dậy, nhưng những tín đồ của Trương Giốc vẫn tiếp tục thực hiện lời dạy của giáo chủ, tổ chức những cộng đồng bí mật để mưu tìm cuộc sống trường sinh. Một trong những thực hành được người đương thời hay nói đến là tổ chức giao phối tập thể, gọi là hợp khí, tức là “hòa hợp tinh khí dương và âm”. Đến năm 300 lại xuất hiện một nhà Đạo học nổi tiếng là Cát Hồng, hiệu là Bão Phác Tử, một người học rộng có nhiều đóng góp cho tư tưởng khoa học Trung Hoa. Những lời dạy của ông gồm 70 chương trong bộ sách dày Bão Phác Tử, tuy không phải đều do ông viết. Tập sách này bàn mọi chuyện từ phép luyện đan, đến cách thực hành tín ngưỡng và tập quán dân gian đương thời. Riêng phần nói về thuật giao hợp được trình bày trong 6 chương của phần Nội thiên.
Tuy Cát Hồng thừa nhận thuật phòng trung là một trong những phương pháp để kéo dài tuổi thọ và chữa các bệnh thông thường, nhưng đấy không phải là biện pháp duy nhất để đạt đến bất tử. “Người đời thường nghe nói Hoàng Đế đi lên Trời (trở thành bất tử) là vì đã giao phối được với một nghìn hai trăm người đàn bà, họ nghĩ rằng đấy là lý do duy nhất kéo dài tuổi thọ. Họ không biết rằng dưới chân Núi Kinh và bên bờ Hồ Đỉnh, Hoàng Đế đã luyện thuốc trường sinh, sau khi uống người cưỡi rồng bay lên Trời. Đúng là ngài có thể qua lại với một ngàn hai trăm người đàn bà, nhưng đấy không phải là lý do duy nhất của sự thành công. Ngược lại, nếu ta uống đủ các loại tiên dược, nếu ta nuôi dưỡng ba tính, mà không biết đến thuật phòng trung, thì việc uống thuốc và tu tập cũng vô ích. Vì vậy các bậc Thánh nhân xưa, sợ người đời coi nhẹ ham muốn tình dục, nên đã đề cao hành động giao hợp, nhưng đấy là những lời ta không nên tin một cách mù quáng”. Chính nhờ sự tồn tại của những cộng đồng Đạo giáo mà kỹ thuật dưỡng sinh thông qua giao hợp đã được nghiên cứu và biên soạn thành nhiều sách, hình thành một thứ “tình dục học” riêng biệt của Trung Quốc, mà có lẽ Nhật Bản là nơi tiếp thu đầy đủ nhất để truyền lại đến ngày nay.
Trong những thế kỷ kế tiếp, không thiếu gì những sự bùng phát của tư tưởng thần bí đưa đến những cuộc nổi dậy như giặc Khăn Vàng. Mỗi lần như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng ngàn hàng vạn người vừa đàn ông vừa đàn bà gia nhập các giáo phái, tập hợp thành những cộng đồng bí mật, hội họp nhau lại bất chấp mọi nỗ lực của nhà chức trách để giải tán. Một trong những thực hành của các giáo phái đó là hành động giao hợp theo các phương pháp đã được dạy trong các sách xưa. Muộn hơn là dưới thời nhà Thanh, vào năm 1839 ở vùng Cao Mật tỉnh Sơn Đông đã xuất hiện một giáo phái, chỉ chấp nhận những người đàn ông đàn bà chịu thực hành phép ghép đôi theo giáo lý. “Họ họp nhau buổi tối, có rất đông người trong một gian phòng, không đốt đèn. Rồi họ giao phối trong bóng tối”. Một tài liệu khác cho biết vào năm 1852 cũng ở Sơn Đông, có một pháp sư đạo giáo học được phép chữa bệnh bằng phù chú, có thể chữa mọi bệnh và kéo dài tuổi thọ. Có nhiều người đi theo, trong đó có cả quan lại cấp thấp, đàn ông và đàn bà cùng thực hành giao phối. Khi nhà cầm quyền đàn áp, họ rút lên núi, cuối cùng nhiều người đã tự nguyện thiêu sống chứ không đầu hàng. Chính quyền nhà Thanh sợ hậu quả lan rộng, đã đàn áp một cách quyết liệt.
Phần cốc cắm vào trong bình |
Bình sứ Trung Hoa cuối thời Thanh (làm tháo rời), vừa để cắm hoa vừa để làm cốc uống rượu Động phòng hoa chúc.
Ngay đến thời hiện đại, vào năm 1950 vẫn còn xuất hiện một giáo phái gọi là Nhất Quán đạo. Giáo phái này đã thực hành những thể thức quan hệ nam nữ mà tờ Quang Minh Nhật báo số ra ngày 20 tháng 11 đã kết tội là những “việc làm đáng xấu hổ”, như tổ chức “thi sắc đẹp” cho các nữ giáo đồ, và trong những khóa tu tập đã khuyến khích các giáo đồ quan hệ xác thịt để đạt đến bất tử và xua đuổi bệnh tật. Xem vậy thì thấy những tập quán đã ra đời từ hơn hai nghìn năm vẫn còn có tiếng vang đến thời hiện đại. Và trong tư tưởng của những nhà Đạo giáo thì thuật phòng trung giữ một vị trí đáng kể nhằm duy trì sức khỏe và đời sống.
Không biết đường lối tu đạo của Trung Quốc có ảnh hưởng đến nước ta ở mức độ nào, chỉ biết đến thế kỷ XVIII ta thấy có một trường hợp tu tiên theo phương pháp của các nhà đạo học Trung Hoa. Căn cứ vào Nguyễn gia thế đức phổ ở mục Tiên khảo đạo tu lục (do Hoàng Xuân Hãn trích dẫn trong cuốn La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp), thì dưới thời nhà Hậu Lê có Nguyễn Hoãn là người đã thực hành phép tu tiên, nhằm tìm cuộc sống trường sinh. Ông là người huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, làm quan đến thượng thư bộ Lại, tước Quận công, làm Quốc sư quốc lão đứng đầu triều. Từ năm 33 tuổi (1745) bắt đầu đọc sách Đạo Đức kinh của Lão tử và quyết chí tu đạo. Năm 39 tuổi viết giấy dưỡng sinh, năm 44 tuổi lập tĩnh thất trong nhà. Xây tháp 12 tầng để làm chỗ hấp bóng mặt trời mặt trăng, trên tháp có cắm cờ lụa để xem giờ. Theo giờ đó mà luyện khí, luyện thân, giáng long, phục hổ. Theo bát tiết mà làm phép đạo dẫn như thác thi, khai cung. Thường đêm đọc sách Đạo kinh, năm 74 tuổi góp được 34 quyển. Nhờ các phép tu luyện nên ông già mà tóc bạc, mặt trẻ. Hơn 60 tuổi còn sinh bốn con. Thọ 80 tuổi. Sau lúc mất một ngày một đêm người vẫn mềm nóng. Ba mươi hai năm sau cải táng, xương thịt vẫn như thường.
Về phương pháp tu tiên, gia phả Nguyễn Hoãn chép rằng: “Năm 70 tuổi (1782) nhân đọc sách thấy phép mật truyền, biết rằng kim đan đại dược là ở nữ đỉnh, nên không quản tốn, tìm con gái 15 tuổi. Giờ tuất, giờ hợi (tức khoảng từ 7 đến 9 giờ tối) lúc âm khí thịnh, làm phép thái thủ. Trên cho hấp khí trời, dưới lấy tinh. Nếu đỉnh lực kém thì thay liền. Trong khuê phòng thường có ba bốn người. Người ở lâu được một vài năm, người ở chóng được tám chín tháng. Cả thảy có hơn trăm, không thể kể hết.”
Ta không biết các phương pháp đạo dẫn, thác thi, khai cung, thái thủ kể trên là gì, nhưng có thể hiểu rằng đó là những việc làm liên quan đến phụ nữ và tình dục. Như vậy có thể thấy các học thuyết về dưỡng sinh và tình dục của Trung Quốc xưa, tuy không được phổ biến rộng rãi ở nước ta, nhưng vẫn có tác động đến một bộ phận trong tầng lớp nho sĩ quan lại. Năm 1782 Nguyễn Hoãn còn bảo em là Nguyễn Viên viết thư gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đang ẩn dật tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, mời phu tử ra Kinh để trao đổi về thuật tu tiên. Thư viết bằng chữ nôm, có đoạn như sau:
“Kỳ này tôi vâng quan lớn Quốc sư quốc lão tôi, nghe rằng anh nhập sơn tu đạo cũng đã lâu ngày. Quan lớn tôi tiết nầy cao thọ, di dưỡng, khi nhàn hạ muốn xem Đạo kinh. Vậy dạy tôi thủ thư để trình các hạ. Xin anh tạm phó Kinh, giản lưu tại bản dinh để quan lớn tôi hỏi han đôi điều.
Kỳ như cáng võng, hành lý, lộ phí, đường sá xa xôi, dù hết bao nhiêu xin hãy ứng tạm. Nữa, quan lớn tôi sẽ nhưng hoàn nguyên.
Vả tu dưỡng chi gia, thì cũng phải lấy nữ đỉnh làm yếu dược. Mà trong bản xứ ta thì đất sơn cước cũng khó tìm được giống mỹ hảo. Ra ngoài này, dù có muốn lấy giống ấy để thái luyện tu chân cho thành đạo, thì quan lớn tôi sẽ tìm ngoài nầy cho, ắt cũng thanh kiểu hơn trong điền dã.
Tạm trú một đôi tháng, dù muốn đệ hồi sơn cũng nên. Đến ngày về, sự các việc, mặc quan lớn tôi, chẳng phải lệ chi…” (dẫn theo La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp của Hoàng Xuân Hãn).
Nhưng Nguyễn Thiếp là một bậc đại nho, vì không muốn tham gia triều chính vào lúc chính sự suy đồi cuối thời Lê, nên đã cáo quan trở về quê ẩn dật, chứ không phải lên núi tu tiên như Nguyễn Hoãn tưởng. Do vậy mà Nguyễn Thiếp đã từ chối, dù đã được Nguyễn Hoãn lấy chuyện “nữ đỉnh” ra làm mồi để lôi kéo. Còn có thể kể ra một số trường hợp tu tiên của người xưa ở nước ta, nhưng những sách họ đã đọc và những phương pháp họ đã làm theo thì không thấy nói đến. Đặc biệt với việc giao hợp thì thư tịch Việt Nam hầu như tránh né, đó cũng là một cách ứng xử quanh co úp mở của các nhà nho ta, khiến cho kiến thức của chúng ta trong lĩnh vực này quả thật là có nhiều khiếm khuyết.