Các bạn tôi thường trêu: Ông này học nghề cơ khí chế tạo máy khô khan chỉ được sai lệch cho phép 1/1000 mm, ấy vậy mà không hiểu sao lại mê chơi cái món cổ vật cho phép sai lệch thời gian đến cả thế kỷ mới lạ? Biết làm sao! Vậy đó.

Chiều thứ ba 7-6 được Đại học Ngoại Thương mời đi dự Hội Thảo TÁI CẤU TRÚC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH… trong đó tập trung giới thiệu về sự cần thiết CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH KINH DOANH TRÊN NỀN TẢNG SỐ…, tôi nhận lời đến tham dự cốt chỉ để nghe ý kiến các diễn giả, vì đột xuất nên chưa chuẩn bị kỹ.

Hội Thảo với tinh thần mọi doanh nghiệp ở ta giờ đây cần nhanh chóng chuyển đổi số là cần thiết và có lợi; Giới thiệu một số kinh nghiệm và hiệu quả của những doanh nghiệp đã sớm chuyển đổi số nên có điều kiện khắc phục khó khăn do đại dịch Covid 19 gây ra… Nhìn chung những người đến dự Hội Thảo (trong đó có cả sinh viên) thấy có ích.

Cuối buổi Hội Thảo Ban tổ chức để nghị tôi có một số ý kiến - lúc này là suy nghĩ của người theo nghề cơ khí. Tôi nói đại ý cám ơn được mời đến dự Hội Thảo để được nghe những ý kiến của các diễn giả và lãnh đạo Trường Đại học Ngoại Thương đã quan tâm tới sự cần thiết của Chuyển đổi Số, sau đó nói thêm:

Cách đây hơn 20 năm đi đến đâu từ Phường, Xã đến Quận, Huyện… đến TW đâu đâu cũng thấy sôi nổi CNH-HĐH. Đầu những năm 2000 tại một Hội Thảo lớn về chủ đề này do ông Trương Tấn Sang khi đó là Trưởng Ban KTTW chủ trì mời lãnh đạo các Bộ ngành, một số Viện nghiên cứu TW, nhà KH… đến dự và được mời phát biểu. Họ đều mô tả bức tranh tươi sáng ngành mình rồi sẽ thế nào? nghe rất hay… Còn tôi chỉ xin nêu mấy ý:

- Hiện thế giới đã phân ra nhóm G7, nước phát triển, nước đang phát triển… vậy tiềm lực kinh tế, sức sản xuất, KHCN và nhiều chỉ tiêu KT-XH nữa đạt đến đâu mới được gọi là nước CN chứ không chỉ có GDP? Thu nhập bình quân đầu người…? Như vậy để chúng ta có định nghĩa cụ thể thế nào là một nước công nghiệp mà phấn đấu.

- Hiện tiềm lực, dân trí, quan trí, nguồn nhân lực, hạ tầng của ta ở đâu cần định rõ để so sánh và chủ động hợp tác quốc tế, lựa chọn sản phẩm cạnh tranh… Khi giải lao ý kiến tôi đã được Chủ tọa khen tốt, nhưng thấy đau, nhưng cần nói để lãnh đạo biết thực tiễn cuộc sống mà tính toán…

Thế rồi thời gian trôi qua và Việt Nam đã thừa nhận mục tiêu đến 2025 trở thành nước CNH là chưa đạt và giờ đây “Củi Lò” ngày càng cháy mạnh, đạo đức xã hội xuống cấp, nguy có mất chế độ… như báo đăng, đài chiếu công khai. Âu đó cũng là bài học để tự xem xét những chặng đường sắp tới thực hiện những mục tiêu Đại Hội XIII đã đưa ra vào 2035, 2045.

Giờ đây khắp nơi lại nói về SỐ. Mà đúng với tốc độ phát triển KHCN SỐ nhanh như vũ bão của thiên hạ hiện tại, rồi kinh tế VN đã mở tối đa để tham gia toàn cầu hóa kinh tế, thương mại tự do thông qua các FTA… thì VN không có cách nào khác muốn còn tồn tại, phát triển không thể không nhanh chóng SỐ HÓA kinh tế xã hội đất nước trong thời gian tới. Thiết nghĩ đó là điều bắt buộc, ví như hiện Hải Quan, Cấp phép, Căn cước công dân… ở ta mà ta không nhanh chóng thay đổi theo hướng Số Hóa như hiện nay thì rất khó chơi với thế giới và khu vực… Từ bài học thực hiện CNH-HĐH đất nước cách nay hơn 20 năm đã không thành công thì nay VN muốn Số Hóa được bắt nhịp với quốc tế thì Nhà nước phải có chính sách mới, nguồn tài lực mới để mua sắm hệ thống máy móc, xây dựng hệ thống hạ tầng, hệ thống dữ liệu, hệ thống đảm bảo an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực, và ban hành chính sách, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số…; Với doanh nghiệp cần nhanh chóng tái cấu trúc một số nội dung chính, đó là Tái cấu trúc sản phẩm có thị trường cạnh tranh; Tái cấu trúc quản trị SXKD; Tái cấu trúc đổi mới trang thiết bị công nghệ; Tái cấu trúc nguồn nhân lực; Tái cấu trúc nguồn tài chính. Nhưng doanh nghiệp muốn làm được vậy chắc chắn phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước; Còn với người dân chắc chắn cũng phải tự học hỏi để vươn lên sống và làm việc thời Số Hóa. Chúng ta cần rất cụ thể, tránh chung chung như nhiều năm trước và cần chú trọng: Nguyên nhân thành bại của mọi việc vẫn đều do công tác cán bộ của nhà nước quyết định. Ví như ngành CN Cơ khí VN mấy chục năm qua đì đẹt vì ông Bộ trưởng Bộ thì bị vào Lò, ra khỏi TW, còn 2 ông Thứ trưởng phụ trách quản lý ngành CK quốc gia thì đã dính vào 12 Đại Dự Án bị Ban KTTW kỷ luật… nên công nghiệp CKVN là hạ tầng kỹ thuật quan trọng cho độc lập tự chủ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng chỉ có hết hơi và ngày càng tụt hậu… Đó là câu chuyện của hôm nay.

Tiếp đến xin sang câu chuyện về những NGƯỜI GIỮ BÓNG THỜI GIAN.

Nhận được Thư mời của Lãnh đạo Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế mời vào dự Lễ Kỷ Niệm 40 năm ngày thành lập (10-6-1982- 10-6- 2022) tôi bay vào Huế ngày 9-6. Với tôi Huế đã quen thuộc và có nhiều bạn GIỮ BÓNG THỜI GIAN làm văn hóa. Riêng Trung Tâm nay là đời Giám đốc thứ 7 thì tôi chơi với 4 đời lãnh đạo Trung Tâm từ thời KTS Phùng Phu đến nay thông qua quan hệ hợp tác giữa Tạp Chí Cổ Vật Tinh Hoa và Hội Cổ vật Thăng Long Hà Nội. Với Sở Văn Hóa tỉnh Thừa Thiên Huế thì chơi với 3 ông Giám đốc Nguyễn Xuân Hoa, Phan Tiến Dũng và hiện nay là Phan Thanh Hải cũng chỉ vì hợp nhau cái thú, cái nghiệp GIỮ BÓNG THỜI GIAN. Vào đây ngoài một số bạn trẻ sống, làm việc ở Huế lần này tôi còn được gặp mặt một bạn quen cũ có hiến tặng hiện vật quý cho Trung Tâm dịp Lễ này như anh Nguyễn Văn Zòng ở Tp HCM ra tặng 3 cổ vật triều Nguyễn, anh Trần Độ Nghệ nhân nhân dân làm gốm Bát Tràng chế tác 32 Phiên bản Kim Ấn triều Nguyễn để trưng bầy cho công chúng chiêm ngưỡng và rất vui khi gặp lại Nhà thơ đồng niên Nguyễn Duy cũng từ Tp HCM bay ra sau bao năm cách mặt kể từ ngày cùng Nhà thơ Trần Ninh Hồ khề khà ở Hà Nội.

Do Giám đốc KTS Hoàng Việt Trung và P. GĐ Nguyễn Hải Trung cùng Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên Trung tâm chuẩn bị nội dung tổ chức Lễ và Hội khá chu đáo, ngắn gọn, đầy đủ sách, hình ảnh, tư liệu cần thiết, công phu nên Lễ kỷ niệm đã diễn ra trọng thể nhưng khá ấm cúng, vui vẻ. Đại diện lãnh đạo Tỉnh, thành phố Huế, các Cựu lãnh đạo Bộ VH các thời kỳ, các nhà khoa học, Trưởng UNESCO tại VN, Giáo Sư Nhật Bản, một số người nước ngoài có công và yêu Huế, yêu văn hóa VN… đã đến tham dự Buổi Lễ. Tôi được nghe các bài phát biểu của lãnh đạo Tỉnh, Cục Di Sản, Cục Lưu Trữ, Trưởng UNESCO VN và ý kiến của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nguyên UVBCT, Nhà thơ Nguyễn Duy rất xúc tích nên mới ngộ ra được công sức của nhà nước, của bao người đã góp công của, trí tuệ để khôi phục lại hình hài cố đô Huế xưa được như hôm nay sau 40 năm đã qua. Giờ đây Huế đã có 5 Di Sản Thế giới thuộc Triều Nguyễn được UNESCO vinh danh làm rạng rỡ dấu ấn văn hóa Việt trên bản đồ thế giới. Xin chúc mừng và cám ơn những NGƯỜI GIỮ BÓNG THỜI GIAN HUẾ XƯA.

Tôi chỉ biết một số năm gần đây nhà nước ta đã cho đặt tên đường phố một số vị Chúa Nguyễn và cho xuất bản sách báo viết về công lao mở cõi của họ, nhưng khi Nhà Thơ Nguyễn Duy phát biểu ngắn gọn tại buổi Lễ kể về câu chuyện Việt Nam khôi phục và xác nhận công lao mở cõi, thống nhất đất nước của Nhà Nguyễn mà kể từ sau 1945 đã bị lãng quên thì tôi mới rõ nguồn cơn. Nguyễn Duy phát biểu đại ý: Tháng 8-1998 sau khi nghỉ điều hành, cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt có cho mời Nguyễn Duy đi thăm một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đi trên Kênh đào Vĩnh Tế Cố Thủ Tướng đã suy ngẫm và nhất trí việc cần công bằng đánh giá công lao Nhà Nguyễn đối với người dân Nam Bộ nói riêng và đất nước nói chung sau khi mở cõi và thống nhất. Cụ thể nêu lại các Vua Nhà Nguyễn đã ban hành chính sách khuyến khích dân lập ấp an cư làm ăn, định ra quan chế, tăng cường bảo vệ biên cương... Cố Thủ tướng nêu ý kiến: Chúng ta cần bàn để sớm tổ chức được một Hội thảo quốc gia mang tầm quốc tế với nội dung “CHÚA NGUYỄN VÀ VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN”. Theo ông Hội Thảo mà làm ở miền Nam không tiện, làm ở Huế cũng không được, theo ông chỉ có thể bàn với tỉnh Thanh Hóa là nơi phát tích Vương triều Nguyễn chắc hợp lý. Cố Thủ tướng hứa sẽ ủng hộ việc này bằng cách vận động và làm việc với Hội KH Lịch Sử VN do Cố GS Phan Huy Lê là Chủ tịch để lo nội dung. Còn giao Nguyễn Duy đến vận động Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đồng ý đăng cai. Ông còn hứa sẽ vận động một số địa phương tài trợ Hội Thảo này. Thế nhưng để thực hiện được việc tổ chức Hội Thảo không hề đơn giản mặc dầu các vị lãnh đạo Thanh Hóa thời đó rất nhiệt tình đăng cai. Sự việc là vậy, nhưng vì kể từ sau khi kết thúc triều đại Nhà Nguyễn, vua Bảo Đại thoái vị vào những ngày tháng 8-1945 và tư tưởng xóa bỏ tàn dư thực dân phong kiến ở ta theo mô hình Đảng cộng sản lãnh đạo, quản lý nhà nước của mẫu Liên Xô, Trung Quốc đang chiếm đa số nên không hề dễ. Nhưng rồi do nhận thức lãnh đạo ở ta có đổi mới theo thời gian, nhưng mãi 10 năm sau kể từ ý kiến ban đầu của Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt thì Hội KH Lịch Sử VN và Tỉnh Thanh Hóa mới có thể tổ chức được Hội Thảo trong hai ngày 18-19/10/2008 nhân kỷ niệm 450 năm Chúa Nguyễn Hoàng (558-2008) đi mở cõi. Hội Thảo đã được tổ chức trọng thể ở Xứ Thanh mở đầu cho sự nhận thức lại về công lao, tinh thần yêu nước, mở cõi cũng như tội lỗi với đất nước Việt Nam của các đời vua Vương Triều Nguyễn, nhưng rất đáng tiếc lúc này Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã mất xấp xỉ một năm trước vì mắc bệnh lạ.

Kết thúc lời phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập TT BT DT CĐ Huế 10-6-2022 Nhà thơ Nguyễn Duy đọc mấy vần thơ của mình nhân được tin ở Huế làm Lễ cải táng di hài nhà vua yêu nước Duy Tân.

Mặt trời vẫn mọc đằng đông

Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người

Bao triều vua phế đi rồi

Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ…

Những ai có ý thích GIỮ BÓNG THỜI GIAN cần hiểu sự thực thời nào cũng cần có độ lùi của năm tháng mới dần sáng tỏ được và điều đó đã là quy luật muôn đời. Chúng ta hãy bình tâm, thản nhiên với điều này để thêm yêu cuộc sống./.