TỪ CÁC SƯU TẬP GỐM SỨ Ở PHÚ YÊN,
NGHĨ VỀ “DÒNG CHẢY GỐM SỨ” Ở NAM TRUNG BỘ
Trân Huyền
Ở Phú Yên từ xưa tới nay đều có người đam mê thú sưu tầm và thưởng ngoạn cổ vật. Theo lời anh Đoàn Phước Thuận, một nhà sưu tầm cổ vật ở thành phố Tuy Hòa thì từ trước năm 1975 ở Phú Yên đã có những người chơi đồ cổ danh tiếng. Điển hình như ông Phó Hai Võ Thượng Triết (Hòa Thắng, Phú Hòa), là người có sưu tập đồ sứ, đồ gỗ rất phong phú. Trong sưu tập của ông Phó Hai có những món đồ gỗ quý giá, như bộ tràng kỷ gỗ bằng cẩn xà cừ, nguyên là bảo vật của quan Tổng đốc Thanh Hóa thời Nguyễn. Hay cụ Hương Bộ Ngưu (Bình Kiến, Tuy Hòa), cũng là người chơi đồ sứ tầm cỡ. Trong sưu tập đồ sứ của cụ Hương Bộ, nay đang được con trai trưởng của cụ gìn giữ, có những món đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh đáng giá, như chiếc tô hiệu đề Nội phủ thị hữu… rất được giới sưu tầm cổ vật ở Phú Yên quan tâm.
Truyền thống sưu tập đồ xưa ở Phú Yên, đặc biệt là cổ vật gốm sứ, nay vẫn được duy trì, tiếp nối bởi các nhà sưu tầm như Đoàn Phước Thuận, Trần Thanh Hưng, Trần Đắc Lực, Trần Anh Dũng, Phạm Như Khoa, Nguyễn Văn Bính… Đa phần những người này đều tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ UNESCO sưu tầm và nghiên cứu cổ vật Phú Yên và là chủ nhân của những sưu tập cổ vật rất có giá trị, được giới sưu tầm và nghiên cứu cổ vật trong và ngoài nước biết đến. Những sưu tập này đã góp phần bảo lưu những di vật gốm sứ quý giá, đồng thời cung cấp những nguồn sử liệu vật thật, giúp ích cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử văn hóa tỉnh Phú Yên và cả vùng đất Nam Trung bộ.
Khuôn gốm hình lá đề ở Bảo tàng Phú Yên
1. Từ những sưu tập gốm sứ tiêu biểu ở Phú Yên
Trong số các sưu tập gốm sứ hiện hữu ở Phú Yên, đáng chú ý là 4 sưu tập sau:
1.1. Sưu tập gốm Champa ở Bảo tàng Phú Yên
Bảo tàng Phú Yên có một sưu tập gốm sứ phong phú về cả số lượng lẫn loại hình, với khoảng 2.000 tiêu bản, gồm các dòng gốm sứ như: gốm Quảng Đức, gốm Gò Sành, gốm sứ mậu dịch của Trung Hoa, và đặc biệt là đồ gốm Champa.
Bình vôi gốm Quảng Đức
Đồ gốm Champa ở Bảo tàng Phú Yên bao gồm các loại hình như ngói ống, kendy, nồi, vò, tượng, tấm đất nung (Phật bản)… Trong đó, đầu ngói ống và tấm đất nung là hai loại hình đáng chú ý nhất. Bảo tàng Phú Yên hiện đang lưu giữ khoảng 100 tiêu bản đầu ngói ống, đường kính khoảng 15 - 17cm, niên đại khoảng thế kỷ II - III, được thu thập qua các đợt khai quật khảo cổ học ở Thành Hồ, Núi Bà, Hồ Sơn… Những đầu ngói ống này tương tự với những tiêu bản đầu ngói ống được phát hiện ở Trà Kiệu (Duy Xuyên, Quảng Nam), Châu Sa (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), Bang Kheng (Krôngpa, Gia Lai)… Bảo tàng Phú Yên cũng là nơi sở hữu những tấm đất nung (Phật bản) rất độc đáo, gồm hai loại kích cở: một loại cao khoảng 10cm, loại kia cao khoảng 20cm. Các tấm đất nung này có những đặc điểm nhận dạng giống với các tiêu bản tương tự được phát hiện ở di chỉ núi Chối (Quảng Ngãi). Theo GS. Trần Quốc Vượng, những tấm đất nung này là những Phật bản, do các thương nhân hoặc tín đồ dâng cúng lên các đền thờ của người Chăm và có niên đại vào khoảng thế kỷ VII. Đây là loại hình đặc biệt của gốm Champa cổ đại, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ trong và ngoài nước.
1.2. Sưu tập Trần Thanh Hưng
Nhà sưu tập Trần Thanh Hưng đang giới thiệu hiện vật gốm Quảng Đức
Trần Thanh Hưng là một trong những người tiên phong sưu tầm và quảng bá giá trị dòng gốm Quảng Đức trên đất Phú Yên và là người có bộ sưu tập gốm Quảng Đức phong phú nhất hiện nay.
Bắt đầu đến với gốm Quảng Đức từ năm 1992 khi anh phát hiện một chóe rượu màu xanh lá mạ rất độc đáo trong nhà của một đồng bào thiểu số ở huyện Sơn Hòa, miền tây Phú Yên. Qua tìm hiểu, anh được biết chiếc chóe rượu này là sản phẩm của làng gốm Quảng Đức (Tuy An, Phú Yên) mà nghề làm gốm của làng gốm này nay đã thất truyền. Vậy là Trần Thanh Hưng bắt đầu dành thời gian tìm hiểu về nghề gốm ở Quảng Đức, bỏ nhiều công sức và tiền của để sưu tầm những hiện vật độc đáo và kỳ thú của dòng gốm quê nhà. Đến nay, Trần Thanh Hưng đã sưu tầm được hơn 100 hiện vật gốm Quảng Đức, chủ yếu đến từ địa bàn Phú Yên và các tỉnh miền Trung.
Sưu tập gốm Quảng Đức của Trần Thanh Hưng khá phong phú về loại hình, bao gồm các loại: vò, chậu, ché, bình vôi, ống nhổ, đèn dầu, hỏa lò… cùng nhiều sản phẩm đất nung khác. Anh dành hẳn gian phòng lớn nhất trong ngôi nhà của mình (194 Nguyễn Công Trứ, Tuy Hòa, Phú Yên) để trưng bày sưu tập gốm Quảng Đức. Trong số đó, có cặp bình vôi vốn là vật sở hữu của “lãnh chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn mà anh may mắn mua được. Đặc biệt, Trần Thanh Hưng còn sưu tầm được một khuôn in hình chữ nhật, đắp âm bản chữ công () ngay tại làng Quảng Đức, quê hương của dòng gốm này. Đây là chiếc khuôn mà những người thợ làm gốm xưa dùng để tạo hồi văn chữ công trên các sản phẩm, một dạng hồi văn đắp nỗi thường gặp trên gốm Quảng Đức xưa. Trong sưu tập của Trần Thanh Hưng còn có những chiếc bình vôi sưu tầm được ở Lâm Đồng, có trang trí hoa văn bát bửu và các chữ thọ () với nước men hình thành từ vỏ sò nung chảy rất độc đáo.  
Không chỉ chuyên tâm sưu tầm gốm Quảng Đức, Trần Thanh Hưng còn dày công quảng bá giá trị của dòng gốm này với anh em bằng hữu trong giới sưu tầm cổ vật và với công chúng ở trong và ngoài tỉnh. Tháng 7.2008, nhân Festival Tây Sơn - Bình Định, Trần Thanh Hưng đưa sưu tập gốm Quảng Đức của mình ra Quy Nhơn, phối hợp với nhà sưu tập gốm Gò Sành Nguyễn Vĩnh Hảo mở cuộc triển lãm chuyên đề Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức tại Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành (173 Lê Hồng Phong, Quy Nhơn, Bình Định). Tháng 6.2009, Trần Thanh Hưng lại phối hợp với nhà sưu tầm Nguyễn Vĩnh Hảo (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) và nhà sưu tập Lâm Dzũ Xênh (Châu Ổ, Bình Sơn, Quảng Ngãi) mở cuộc triển lãm chuyên đề Con đường đất nung tại Nhà lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ (03 Tản Đà, Tuy Hòa, Phú Yên), giới thiệu những hiện vật gốm thuộc ba dòng gốm cổ: Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Gò Sành (Bình Định) và Quảng Đức (Phú Yên).
1.3. Sưu tập Trần Đắc Lực
Trần Đắc Lực là Giám đốc doanh nghiệp Đắc Tín. Tuy là doanh nhân nhưng anh đã rất say mê sưu tầm cổ vật, đặc biệt là những cổ vật thuộc dòng gốm Quảng Đức. Khác với Trần Thanh Hưng vốn quan tâm nhiều đến những món đồ gốm Quảng Đức có dáng kiểu độc đáo, chủ yếu là đồ gốm kích thước nhỏ, Trần Đắc Lực lại thích sưu tầm những món đồ gốm kích thước lớn như chậu, chóe, ang… Trước khi gốm Quảng Đức thu hút sự chú ý của dân chơi cổ ngoạn ở Phú Yên thì Trần Đắc Lực đã lưu tâm dòng gốm này. Anh đã âm thầm sưu tập gốm Quảng Đức cả chục năm trời nên đã tuyển lựa được nhiều món đồ gốm Quảng Đức rất có giá trị. Vì thế, sưu tập gốm Quảng Đức của Trần Đắc Lực được giới chuyên môn đánh giá là phong phú và có giá trị nhất ở Phú Yên hiện nay, nhất là những món đồ có kích thước lớn.
Trong sưu tập gốm Quảng Đức của Trần Đắc Lực có những cái thống rất lớn, đường kính lên đến 1m, cao 1,2m, có họa tiết, hoa văn phủ kín toàn thân, bao quanh đồ án kỳ lân đắp nỗi làm chủ đạo. Anh là người sở hữu 10 hiện vật gốm Quảng Đức có kích thước lớn nhất. Bộ sưu tập gốm Quảng Đức của Trần Đắc Lực đã được đưa đi trưng bày tại Festival Nghề truyền thống Huế vào tháng 6.2009 và tham gia triển lãm tại Lễ hội văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên tổ chức tại Tuy Hòa vào mùa hè năm 2009.
Chậu gốm Quảng Đức thuộc sưu tập Trần Đắc Lực
Ngoài niềm đam mê dành cho gốm Quảng Đức của quê nhà, Trần Đắc Lực còn dày công sưu tầm đồ sứ Trung Quốc, nhất là dòng đồ sứ thanh hoa (men trắng vẽ lam) của các lò gốm ở Nam Trung Hoa như lò Phúc Kiến, lò Quảng Đông, lò Chương Châu... Sưu tập đồ sứ thanh hoa của Trần Đắc Lực chủ yếu là những món đồ có niên đại từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ XIX. Trong đó có những hiện vật quý hiếm như chiếc bình sứ vai vuông cao 70cm; đôi lọ trang trí đồ án “phù dung - trĩ” cao 80cm, độc bình vẽ tích “Lã Bố hí Điêu Thuyền” theo lối trang trí “tam lam” rất sắc sảo…Đặc biệt, Trần Đắc Lực là người rất say mê sưu tầm các bộ đồ trà và đồ uống rượu bằng gốm sứ. Trong sưu tập của anh có hơn 20 bộ đồ trà toàn hảo và hơn 10 củ tỏi, hồ lô đựng rượu…Các hiện vật gốm sứ của anh đều đã được bộ phận giám định cổ vật thuộc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn Cổ vật Việt Nam giám định và cấp chứng chỉ công nhận. Không chỉ say mê sưu tầm cổ vật, Trần Đắc Lực cũng dành nhiều tiền của và công sức để giới thiệu những cổ vật do mình sưu tầm được cho bằng hữu và công chúng tham quan, thưởng ngoạn. Anh đã dành hơn 3.000mtrong khuôn viên doanh nghiệp ở phía nam thành phố Tuy Hòa để phục dựng một ngồi nhà cổ làm thành nơi trưng bày cổ vật gốm sứ. Nhờ đó mà sưu tập gốm sứ của Trần Đắc Lực được nhiều người biết đến và giá trị của sưu tập được phát huy và lan tỏa ở cả trong và ngoài tỉnh Phú Yên.
1.4. Sưu tập Đoàn Phước Thuận
Nhà sưu tập Đoàn Phước Thuận và sưu tập cổ vật của ông
Đồ sứ ký kiểu, mà nhiều người vẫn thường gọi là đồ sứ men lam, hay đồ lam Huế, luôn có sức thu hút đặc biệt với giới chơi cổ ngoạn ở Việt Nam. Dường như bất kỳ ai có dính dáng đến thú chơi đồ cổ, cũng có vài ba món đồ lam Huế trong sưu tập của mình. Đó có thể là những chiếc chén trà kiểu “mắt trâu - lật đật” hiệu đề Nội phủ, vài ba chiếc dĩa vẽ mai hạc đề thơ hai câu thơ Nôm, mấy cái chén vẽ viên long hiệu đề Thiệu Trị niên tạo… Tuy nhiên, để có được một sưu tập đồ sứ ký kiểu đồ sộ như của nhà sưu tập Đoàn Phước Thuận ở Tuy Hòa thì khó có người theo kịp, kể cả những “đại gia” chuyên về đồ sứ ký kiểu ở Huế hay Sài Gòn.
Đoàn Phước Thuận là một võ sư Vovinam nổi tiếng ở Phú Yên. Từ nghiệp võ, anh tình cờ đi lạc sang nghiệp “đồ xưa” và trở thành một người sưu tầm đồ sứ ký kiểu danh tiếng. Thoạt tiên, Đoàn Phước Thuận mua tất cả những gì “lọt” vào tay anh: đồ lam Huế, đồ sứ Tàu, đồ gốm Gò Sành, đồ gốm Champa, kể cả đối liễn và sắc phong của các triều đại phong kiến… Vừa sưu tầm, vừa học hỏi, anh đã tích cóp cho mình gần một ngàn món cổ vật gốm sứ các loại và một kho kiến thức phong phú về thú chơi đồ.
Khi đã tích nạp đủ kiến thức và kinh nghiệm, Đoàn Phước Thuận bắt đầu chuyên tâm sưu tầm đồ sứ ký kiểu, từ đồ thời Lê - Trịnh, đồ thời chúa Nguyễn cho đến những món đồ sứ ngự dụng của các vua triều Nguyễn. Ngoài việc tìm mua những đồ sứ ký kiểu đang lưu lạc trong dân gian, Đoàn Phước Thuận còn trao đổi, chuyển nhượng những món đồ Tàu, đồ Champa… mà anh đã dày công sưu tầm cho các nhà sưu tập khác để thu về cho mình những món đồ sứ ký kiểu ưng ý. Nhờ thế mà sưu tập đồ sứ ký kiểu của anh ngày càng phong phú về số lượng, đặc sắc về kiểu dáng và đa dạng về hiệu đề.
Trong sưu tập của anh có đủ các dòng đồ sứ ký kiểu: ngự dụng, quan dụng và dân dụng, có dòng đồ Nội phủ - Khánh xuân thời Lê - Trịnh, có những chiếc tô đề thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu, những chiếc dĩa trà đề thơ Nôm thời Tây Sơn. Riêng dòng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Đoàn Phước Thuận có đủ các hiệu đề từ đời Gia Long đến đời Khải Định với các đề tài trang trí: tứ linh, hoa điểu, thảo mộc, phong cảnh nhân vật... Đặc biệt, Đoàn Phước Thuận là người đam mê những món đồ vẽ mai hạc đề thơ Nôm. Trong sưu tập của anh có hơn 20 món mai hạc, nhưng đặc sắc nhất là chiếc dĩa trà vẽ mai hạc, đề 2 câu thơ chữ Nôm theo thể “bát - lục”. Đây là món đồ mai hạc “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, bởi lẽ 2 câu thơ Nôm đáng ra phải được viết là: “Nghêu ngao vui thú yên hà / Mai là bạn cũ hạc là người quen”, thì lại được viết thành: “Nghêu ngao vui thú yên hà mai là / bạn cũ hạc là người quen”, do thợ gốm Trung Hoa không biết đọc chữ Nôm. Ngoài ra, anh còn có một chiếc dĩa mai hạc khác, cũng ghi 2 câu thơ trên nhưng viết thành 4 dòng và… sai trật lấc: “là bạn cũ hạc là / đắc quen / nghêu ngao vui thú yên / hà mai”. Chính những sai sót kiểu này đã khiến cho những món đồ này trở nên độc đáo và người sở đắc món đồ ấy thì vô cùng trân quý và hãnh diện.
Sưu tập cổ vật Đoàn Phước Thuận
Ngoài đồ sứ ký kiểu, Đoàn Phước Thuận còn sở hữu nhiều món sứ thanh hoa của các triều Minh - Thanh (Trung Quốc) và một số tiêu bản gốm Champa, trong đó đó có một Phật bản bằng gốm có khắc chữ Chăm ở mặt sau, rất độc đáo và quý hiếm. Anh đã thiết trí tầng hai căn nhà của mình (54 Duy Tân, Tuy Hòa, Phú Yên) như một bảo tàng mini, chuyên trưng bày đồ sứ ký kiểu. Đây cũng là nơi anh đón tiếp bạn bè gần xa đến tham quan và thưởng ngoạn sưu tập đồ sứ ký kiểu mà anh đã dày công sưu tầm và tinh tuyển trong hàng chục năm qua.
2. Nghĩ về những “dòng chảy gốm sứ” ở Nam Trung bộ
Có dịp tham quan, thưởng lãm những sưu tập gốm sứ tiêu biểu ở Phú Yên và tiếp nhận, trao đổi thông tin với chủ nhân của các sưu tập gốm sứ này, tôi nhận thấy rằng Phú Yên là một trong những địa bàn  kết nối của những “dòng chảy gốm sứ” ở vùng đất Nam Trung bộ. Những “dòng chảy gốm sứ” ấy được thể hiện trên các chiều thời gian và không gian, với những dòng chuyển lưu trong nội địa và những dòng giao lưu với bên ngoài.
2.1. Những dòng chuyển lưu trong nội địa
Sự phong phú của các hiện vật gốm Sa Huỳnh, gốm Champa và gốm Quảng Đức trên đất Phú Yên đặt trong bối cảnh phát triển của các dòng gốm đất nung ở miền Trung, gợi mở cho chúng ta những “dòng chảy” sau:
* Về thời gian: Đó là “dòng chảy Sa Huỳnh - Champa” và “dòng chảy Gò Sành - Quảng Đức.
- “Dòng chảy Sa Huỳnh - Champa”: Nhiều nhà nghiên cứu gốm sứ Việt Nam đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa gốm Sa Huỳnh (có niên đại sớm, chủ yếu phát hiện trong các di chỉ ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định) và gốm Champa (có niên đại muộn hơn gốm Sa Huỳnh, được phát hiện trên hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Trung và Nam Trung bộ), trên các phương diện: chất liệu, màu sắc, kiểu dáng và kỹ thuật tạo hình.1 Phú Yên là một trong những địa bàn mà “dòng chảy Sa Huỳnh - Champa” đã chảy qua.
- “Dòng chảy Gò Sành - Quảng Đức”: Có một mối liên hệ mật thiết giữa gốm Gò Sành ở Bình Định (mà nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản cho là gốm do người Chăm tạo tác trong các thế kỷ XIII - XIV)2 với gốm Quảng Đức (tồn tại từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX) ở Phú Yên. Nhà sưu tầm Trần Thanh Hưng và nhà nghiên cứu Nguyễn Danh Hạnh đã dày công tìm hiểu lai lịch, gốc tích của dòng gốm Quảng Đức và đã chứng minh rằng gốm Quảng Đức ở Phú Yên là hậu thân của dòng gốm Gò Sành của Bình Định và những chứng nhân của dòng gốm này là các cụ Nguyễn Dần và Nguyễn Thịnh hiện vẫn còn sống ở làng Quảng Đức (An Thạch, Tuy An, Phú Yên), vốn là hậu duệ của những người thợ gốm đến từ Bình Định.3 Ở đây còn có một chi tiết thú vị cần được tiếp tục nghiên cứu là chủ nhân của dòng gốm Gò Sành là người Chăm như khẳng quyết của một số nhà nghiên cứu4, trong khi chủ nhân của dòng gốm Quảng Đức lại là người Việt. Vậy thì, vì sao người Việt học kỹ nghệ chế tác gốm Gò Sành để tạo ra gốm Quảng Đức? Và vì sao các thế hệ người Chăm sau này không duy trì kỹ nghệ chế tác gốm Gò Sành của tổ tiên họ, vốn dùng kỹ thuật bàn xoay, kết hợp kỹ thuật đổ khuôn để tạo thai gốm, mà lại chuyển sang dùng kỹ thuật “bắt con chạch” trong dòng gốm Chăm Bàu Trúc?    
Về không gian: Đó là sự chuyển lưu của gốm Gò Sành từ Bình Định ra Quảng Ngãi và vào Phú Yên; là sự lan tỏa của gốm Quảng Đức trong nội vùng Phú Yên, từ miền xuôi lên miền ngược, vào tận Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
- “Dòng chảy gốm Gò Sành”: Gốm Gò Sành được phát hiện chủ yếu ở các di tích thuộc tỉnh Bình Định, nhưng phạm vi lan tỏa của gốm Gò Sành trong lịch sử không chỉ giới hạn trong phạm vi tỉnh Bình Định, vốn là kinh đô của vương triều Vijaya (được nhiều người cho là chủ nhân của dòng gốm này). Gốm Gò Sành còn được phát hiện ở Quảng Ngãi5, ở trên bán đảo Calatagan và trên con tàu đắm gần đảo Panadan (Philippines)6 chứng tỏ gốm Gò Sành là một dòng gốm thương mại, có phạm vi trao đổi, sử dụng không chỉ ở Nam Trung bộ mà lan sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
- “Dòng chảy gốm Quảng Đức”: Theo lời cụ Nguyễn Thịnh, một chứng nhân ở làng gốm Quảng Đức xưa, thì “ngày trước, cả tỉnh Phú Yên đều dùng gốm Quảng Đức, từ cái trã kho cá, cái lu, bọng giếng... đến những sản phẩm cao cấp đòi hỏi kỹ thuật cao, thể hiện tinh túy của nghề gốm như bình, lọ, nậm rượu... Không chỉ trong tỉnh, gốm Quảng Đức còn có mặt ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cả Nam Bộ”.7 Điều này được xác nhận khi phần lớn các sản phẩm gốm Quảng Đức, với đủ loại hình được phát hiện ở hầu khắp các miền quê của Phú Yên, từ đô thị cho đến nông thôn, từ nơi đình chùa, miếu mạo tôn nghiêm cho đến những chạn bếp, góc nhà của những người dân quê.
Đĩa sứ ký kiểu đề 2 câu thơ Nôm viết theo thể "bát - lục" của Đoàn Phước Thuận
Nhưng gốm Quảng Đức không chỉ xuất hiện ở các miền quê Phú Yên. Theo lời nhà sưu tầm Trần Thanh Hưng, trong các chuyến điền dã và sưu tầm cổ vật ở Tây Nguyên, anh đã phát hiện nhiều hiện vật gốm Quảng Đức trong các buôn làng của đồng bào thiểu số ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đaklak… Tại nhà truyền thống của Tòa Giám mục Kon Tum có rất nhiều nậm rượu, chóe, chum… bằng gốm Quảng Đức. Hay tại nhà bà NgLar ở thành phố Pleiku (Gia Lai) có chiếc chóe gốm Quảng Đức có vết tên bắn xuyên thủng đã được bít lại, do ông ngoại của bà mua từ một người ở Sở Trà, giá một con bò, bốn bộ chiêng, một con heo to, một cái gak và hai váy dệt. Hoặc tại Plơi Kon Dững (Sa Thầy, Kon Tum) cũng có những chiếc chóe gốm Quảng Đức mà đồng bào đã từng đổi của người Kinh với giá mười con trâu từ hàng chục năm trước.8 Nhà sưu tầm Trần Đình Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết một số bình vôi gốm Quảng Đức có khắc thơ chữ Nôm đã được phát hiện khi người ta nạo vét con sông Lạch Tra chảy từ Củ Chi đến Hóc Môn qua Sài Gòn. Còn nhà sưu tầm Nguyễn Anh Kiệt (Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang lưu giữ một chiếc bình vôi gốm Quảng Đức được phát hiện từ một con sông ở miền Tây Nam bộ.9 Điều này chứng tỏ dòng chuyển lưu của gốm Quảng Đức không chỉ giới hạn trong khu vực Nam Trung bộ mà vươn lên tận Tây nguyên và vào tận đồng bằng Nam bộ.
2.2. Những dòng giao lưu với bên ngoài
Những sưu tập gốm sứ hiện có ở Phú Yên ngoài việc phản ánh sự chuyển lưu của các dòng gốm Gò Sành và Quảng Đức trong nội vùng Nam Trung bộ, còn phản ánh sự giao lưu với bên ngoài theo 2 hướng: từ trong xuất ra và từ ngoài nhập vào.
Dòng từ trong ra: Điển hình là dòng gốm Gò Sành “chảy” từ Bình Định đến Philippines qua các di vật gốm Gò Sành được phát hiện tại bán đảo Calatagan, phía bắc đảo Luzon và trên con tàu đắm gần đảo Panadan10; hay dòng gốm Quảng Đức qua việc phát hiện các tiêu bản gốm Quảng Đức (và cả gốm Gò Sành) trong con tàu đắm ở ngoài khơi tỉnh Bình Thuận vào năm 2001, vốn là một con tàu cổ chở các sản phẩm gốm của các lò Chương Châu, Phúc Kiến (Trung Quốc) có niên đại vào nửa đầu thế kỷ XVII.11 Việc phát hiện gốm Gò Sành và gốm Quảng Đức nói trên chứng tỏ các dòng gốm địa phương ở Nam Trung bộ đã sản xuất ra những sản phẩm gốm thương mại, không chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Dòng từ ngoài vào: Đó chính là dòng đồ sứ ký kiểu từ Trung Hoa. Đồ sứ ký kiểu không khởi nguồn từ Phú Yên mà từ Bắc Hà (thời Lê - Trịnh), từ Thuận Hóa (thời chúa Nguyễn) và từ Huế (thời Nguyễn). Tuy nhiên, Phú Yên là nơi mà giới sưu tầm cổ vật phát hiện được rất nhiều hiện vật sứ ký kiểu. Anh Đoàn Phước Thuận, chủ nhân bộ sưu tập gốm sứ ký kiểu lớn nhất Phú Yên hiện nay cho biết phần lớn đồ sứ ký kiểu trong sưu tập của anh được sưu tầm ngay trên mảnh đất Phú Yên này, kể cả chiếc dĩa trà mai hạc đề hai câu thơ Nôm, viết theo thể “bát - lục” đã được đề cập trên đây. Điều thú vị là phần lớn những món đồ sứ ký kiểu mà anh Đoàn Phước Thuận sưu tập được là những món đồ “gia bảo” của các gia đình sở tại, có gốc tích rõ ràng và được lưu truyền từ đời này sang đời khác, chứ không phải là đồ do các lái buôn đồ xưa nhập từ Huế, Hà Nội hay từ Thành phố Hồ Chí Minh về Phú Yên như xu thế hiện nay.
Phật bản bằng đất nung thuộc sưu tập cổ vật Đoàn Phước Thuận
Tiếp cận với những món đồ sứ ký kiểu có trong sưu tập Đoàn Phước Thuận và một số sưu tập khác ở Phú Yên, tôi nhận thấy đa phần những đồ sứ ký kiểu này thuộc về dòng đồ quan dụng và dân dụng, có niên đại từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, khác với dòng đồ sứ ký kiểu ở Huế, vốn là đồ sứ do vua chúa chính thức ký kiểu từ Trung Hoa nên đa phần là đồ ngự dụng, có chất lượng xương đất hoàn hảo, nét vẽ tinh xảo, đề tài trang trí mang các yếu tố cung đình đậm nét hơn và có niên đại sớm hơn, chủ yếu là đầu thế kỷ XIX. Phải chăng từ dòng đồ sứ ký kiểu chính thống của vương triều Nguyễn ở Huế, những người chế tác đồ sứ ở Trung Hoa đã lấy mẫu để làm nên các sản phẩm ký kiểu thứ cấp, nhập vào vùng đất Nam Trung bộ để phục vụ cho nhu cầu của các tầng lớp quan lại, hào phú ở vùng này? Phải chăng vì là đồ sứ ký kiểu hạng quan dụng và dân dụng nên chất lượng các món đồ sứ ký kiểu phát hiện ở Phú Yên và các tỉnh Nam Trung bộ không cao, nét vẽ không tinh xảo và đề tài trang trí trên những món đồ sứ này có ít thuộc tính cung đình hơn những món đồ sứ ký kiểu chính thống của vương triều Nguyễn? Đây chính là những gợi mở thú vị cần được đào sâu nghiên cứu để có lời giải đáp thỏa đáng.
Tóm lại, từ việc tham quan, khảo cứu một số sưu tập gốm sứ tiêu biểu ở Phú Yên, đã gợi mở cho tôi ý tưởng về những “dòng chảy gốm sứ” ở ngay chính mảnh đất này và trong phạm vi khu vực Nam Trung bộ. Xin được chia sẻ ý tưởng này với quý vị độc giả và mong nhận được sự quan tâm trao đổi của các nhà nghiên cứu và các nhà sưu tầm gốm sứ để vấn đề thêm phần sáng tỏ.
Chú thích
[1] Xem thêm: PGS.TS. Trịnh Sinh, Người Sa Huỳnh và tầm nhìn hướng biển, Lao động Cuối tuần, Số 30, ngày 26.7.2009.
2 Lê Viết Thọ, Minh định về một dòng gốm,
 http://baotanglichsu.vn/detailNews.aspx?id=2551&lang=vi&Cate=117.
3 Xem thêm: Trần Kim Tường, Gốm Quảng Đức - Một dòng gốm cổ bị thất truyềnhttp://www.gomquangduc.com-/?show=news&catid=13&contentid=53;
Nguyễn Danh Hạnh, Làng Quảng Đứchttp://www.gomquangduc.com-/?show=news&catid=13&contentid=33
4 Ý kiến của PGS.TS. Trịnh Cao Tưởng (Viện Khảo cổ học Việt Nam), của Nguyễn Vĩnh Hảo (Bảo tàng gốm cổ Gò Sành), của Lê Viết Thọ (Bảo tàng Bình Định)…
5 Huỳnh Văn Mỹ, Bất ngờ gốm cổ Gò Sành Quảng Ngãi, Tuổi trẻ Cuối tuần, Số ra ngày 08.10.2010.
6 Lê Viết Thọ, Minh định về một dòng gốm, http://baotanglichsu.vn/detailNews.aspx?id=2551&lang=vi&Cate=117.
7 Phan Xuân Luật, Độc đáo gốm cổ Quảng Đức,
 http://covattinhhoa.com/diendan/showthread.php?t=379.
8 Lâm Vy, Gốm Quảng Đức ở Tây Nguyên,
9 Đình Nguyên, Duyên ngầm gốm cổ Quảng Đức, Thông tin Di sản, Số 2.2009.
10 Lê Viết Thọ, Minh định về một dòng gốm, http://baotanglichsu.vn/detailNews.aspx?id=2551&lang=vi&Cate=117.
11 Thanh Hưng, Gốm Quảng Đức - Những thông điệp từ quá khứ, http://www.baophuyen.com.vn/tabid/93/GId/93/-itemIndex/-1/NId/1295/Default.aspx