TỪ CHƠI “CỔ VẬT BÁT QUÁI” TÌM ĐẾN KINH DỊCH
Đào Phan Long
Giới sưu tập cổ vật ở Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc… có một số người thích thú tìm kiếm những hiện vật thể hiện 08 quẻ Dịch cơ bản (gọi là Bát quái) gồm:
Đây là các danh từ và biểu tượng chính của KINH DỊCH (gọi tắt là Dịch), một giá trị văn hóa rất đặc trưng của người Phương Đông. KINH DỊCH là một tập sách cổ của người Trung Hoa giảng giải về mối quan hệ mang tính quy luật giữa “Thiên, Địa, Nhân - tức giữa Trời, Đất và Người”.
Sách Dịch đã được lưu truyền và được các bậc trí giả Trung Hoa cổ đại hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Nội dung sách Dịch chỉ ra mối quan hệ giữa 3 ngôi Trời, Đất và Người và chỉ ra cho con người một triết lý sống cần biết thích ứng trong mọi hoàn cảnh của xã hội. Cũng chính vì với giá trị văn hóa phương Đông đặc sắc ấy mà 08 Quẻ dịch đã được người xưa thể hiện trên các đồ vật sinh hoạt hàng ngày của mình để giờ đây chúng trở thành cổ vật.
Đọc và hiểu được nội dung KINH DỊCH là việc không dễ, vì phải hiểu được các thuật ngữ cổ dùng trong sách. Việt Nam kể từ khi chuyển sang dùng chữ quốc ngữ hồi đầu thế kỷ XX đã có những tập sách quý giảng giải về nội dung KINH DỊCH của các Cụ Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Hạnh Cẩn…, nhưng khi đọc những sách KINH DỊCH viết bằng chữ quốc ngữ ấy của các tác giả trên vẫn rất khó hiểu.
Là người chơi cổ vật tôi sưu tập được một số hiện vật thể hiện 8 Quẻ Dịch (xem ảnh) và rồi từ đó tôi suy nghĩ mình cần tìm hiểu tại sao người xưa lại thể hiện việc này? Thế là tôi tìm đọc và tự học hỏi để hiểu về ý nghĩa của Kinh Dịch. Thật thú vị khi hiểu ý nghĩa tuyệt vời của Kinh Dịch, đặc biệt hiểu được chữ THỜI thì có thể tự dùng Dịch để xem xét và chủ động xử lý tốt nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc sống đời thường hiện tại.
Sau 10 năm tự học, năm 1997 tôi viết xong bản thảo và đến năm 2007 thông qua NXB Văn Hóa Thông Tin của Bộ Văn Hóa tôi đã xuất bản một cuốn sách nhằm diễn giải tóm tắt theo cách “phổ thông hóa” ý nghĩa và nội dung chính của Kinh Dịch (tập sách có tên đầy đủ là DIỄN GIẢI KINH DỊCH-TỨ TRỤ- TRẠCH CÁT) để giúp bạn đọc dễ dàng hơn khi tiếp cận với DỊCH HỌC.
Xin trích lại Lời Tự Bạch và Phần Sơ lược về suất xứ của Kinh Dịch trong cuốn sách đã xuất bản.
“…
TỰ BẠCH
Khi tôi hoàn thành những trang sách này là thời điểm chúng ta đang sống ở những năm cuối Thế kỷ XX, chuẩn bị bước sang Thế kỷ XXI. Giờ đây con người sống trên hành tinh đã có nhiều nơi được sử dụng cũng như hưởng thụ các thành tựu khoa học công nghệ hết sức cao của nhân loại. Công dân của nhiều quốc gia đang thừa hưởng kết qủa của công nghệ thông tin và máy tính điện tử siêu việt, công nghệ sinh học, công nghệ chế tạo vật liệu mới....
Chúng ta đã biết, nguyên tắc khởi thủy để con ngươì thiết kế chế tạo các máy tính điện tử là cho tín hiệu “Đóng và Mở ”, được ký hiệu là “+ và -“ , ngôn ngữ toán học gọi là “dương và âm”. Chính nhờ những thành tựu khoa học công nghệ cao nêu trên mà con người đã thu hẹp khoảng cách địa lý giữa các quốc gia trên trái đất. Liệu điều này có liên quan gì đến việc cách đây vài ngàn năm người Trung Hoa cổ đại đã coi “lưỡng nghi”, tức “âm dương” là căn cốt để hình thành nên mọi sự vật tồn tại và biến hóa theo thời gian trong vũ trụ bao la thần bí này?
Thế nhưng cho tới ngày nay nhân loại hiện vẫn đang tồn tại một nghịch lý là : Con người càng tiến hoá văn minh cao hơn bao nhiêu do không ngừng tìm kiếm
mọi phương cách để tạo nên sự phát triển cao cho chính mình, thì cũng chính con người lại tạo ra mức độ tàn phá các loài sinh vật, môi trường thiên nhiên cùng với tiêu diệt chính đồng loại do các cuộc chiến tranh cướp bóc tài nguyên, xâm chiếm thị trường. Nhân loại đã thừa nhận: Chính con người càng văn minh cao lên thì càng góp phần tàn phá thiên nhiên môi trường sống và gây nên bất công đau khổ cho đồng loại của mình cao lên bấy nhiêu?
Vậy với tư cách là con người, chúng ta sẽ có trách nhiệm cắt nghĩa điều nghịch lý đã xẩy ra nêu trên như thế nào đây? Rất đáng lo ngại cho tương lai nhân loại nói chung và cho mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia nói riêng khi nghịch lý nêu trên ngày càng phát triển mạnh. Có thể thấy rõ: Nếu trong mỗi con người chúng ta, do không hiểu biết, hoặc có hiểu biết cao nhưng lẽ sống lại ích kỷ, vụ lợi trước cộng đồng, thì chắc chắn hậu họa là cái ác sẽ thắng cái thiện từ trong suy nghĩ cho đến hành động ở mỗi con người, đó sẽ là nguyên nhân tạo nên những thảm họa !
Chúng ta đều biết : Mỗi một đứa trẻ khi mới chào đời đều có sẵn “tính bản thiện” , song nếu chúng được gia đình và cộng đồng chăm sóc, dậy bảo, đào tạo bồi dưỡng những kiến thức cơ bản của cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học công nghệ, thì chắc chắn chúng sẽ có đủ điều kiện để phần lớn trở thành những con người lương thiện , sống có văn hóa, biết lấy cái thiện chế ngự cái ác và luôn biết sống để làm người có ích cho xã hội và cộng đồng.
Trong qúa trình tiến hóa, nhân loại đã liên tục xem xét sự phát triển và xây dựng triết lý sống cho mình. Ngay từ thời cổ đại cách đây nhiều ngàn năm, khi con người mới sinh ra chữ viết, ở Phương Tây đã hình thành và xây dựng nền triết học Hy - La để cắt nghĩa sự vật và hiện tượng tồn tại luôn gắn với những quy luật tự nhiên. Còn ở Phương Đông, cũng vào khoảng thời gian xa xưa đó, con người lại xây dựng nền triết học luôn gắn con người với vũ trụ, để tạo thành thể thống nhất “Thiên - Địa - Nhân”, đó là nền triết học Trung Hoa; hay lại luôn gắn con người với với tôn giáo, đó là triết học ấn Độ.
Các nền triết học của nhân loại với nhiều trường phái khác nhau, trải qua các giai đoạn từ Cổ đại(thời chiếm hữu nô lệ) đến Trung cổ (TKỷ 4 - 15), rồi chuyển sang Cổ điển (TKỷ 16 - 19) và Hiện đại như hôm nay, bao gồm Duy vật sơ khai, Duy tâm khách quan, chủ quan, Siêu hình, Nhị nguyên, Duy vật biện chứng ....., vô cùng phức tạp, song có lễ chúng ta đều nhất trí đó là tài sản văn hóa vô gía của nhân loại đã sáng tạo và để lại đến hôm nay. Mọi thế hệ kế tiếp cần hiểu và giữ gìn, cần tiếp tục nghiên cứu để khắc phục những điều hạn chế và khai thác những tư tưởng nhân bản của các nền triết học, văn hóa nêu trên.
Để giúp Bạn đọc có thêm một số kiến thức về triết lý sống Phương đông cổ, tiêu biểu là văn hóa Trung Hoa, chúng tôi xin giới thiệu một cách khái lược và phổ thông nội dung cơ bản của ba nhánh văn hóa Trung Hoa, đó là Kinh Dịch - Trạch Cát và Tứ Trụ. Ba nhánh văn hóa Trung Hoa này đã có ảnh hưởng cũng như tồn tại khá phổ biến, lâu đời, gắn với tiến trình lịch sử phát triển của đất nước, con người Việt nam.
Nội dung tư tưởng và triết lý làm người của Kinh Dịch -Trạch cát - Tứ trụ đã góp phần giúp cho con người ở các thế hệ luôn sống hướng thiện, biết tự giác ngộ để đón nhận cái lành và tránh đi cái ác luôn tồn tại song trùng ở khắp mọi nơi trên cõi đời này. Do vậy nên Kinh Dịch - Trạch Cát - Tứ trụ đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác tại Trung Quốc và nhiều quốc gia phương đông khác, trong đó có Việt Nam.
Là thế hệ người Việt Nam hiện nay, tôi xin cảm tạ các Học giả tiền bối là các cụ Phan Bội Châu, Ngô Tất Tố, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Hạnh Cẩn… đã dịch và giảng khá kỹ về Kinh Dịch để truyền bá ở nước ta; Cám ơn Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin của Bộ Văn hóa nước ta đã xuất bản những tập sách của của các tác giả nổi tiếng Trung Quốc viết và giảng về “Trạch cát thần bí” , “Dự đoán theo Tứ trụ”, “Chu Dịch với Dự đoán học”.....vào những năm thuộc thập kỷ 90 của TK XX để giúp cho các thế hệ người Việt Nam tiếp sau hiểu được nội dung cơ bản của Kinh Dịch - Trạch Cát và Tứ Trụ.
Xuất phát từ suy nghĩ trên, tôi đã thực hiện việc “phổ thông hóa một cách đại cương nội dung chính của Kinh Dịch - Trạch Cát và Tứ Trụ” để giúp các bạn trẻ khi trưởng thành sẽ có thêm kiến thức bổ ích cho cuộc sống, đồng thời không bị lẫn lộn giữa nội dung thâm cao của Đạo Dịch, của Trạch Cát và Tứ Trụ với các kiểu “Phán” mang tính mê tín dị đoan!
Với kiến thức hạn hẹp của một người tự nghiên cứu không chuyên, chắc chắn nội dung tập sách này còn nhiều khiếm khuyết.
Chúng tôi rất mong được Bạn đọc lượng thứ ./.
Hà nội, tháng 1 năm 1997.
KINH DỊCH
1- Sơ lược về xuất xứ:
Bàn về nguồn gốc và thời gian ra đời chính xác của Kinh Dịch để rồi khẳng định thì điều đó qủa là điều không tưởng. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu Dịch học khi nói về nguồn gốc và thời gian ra đời của Kinh Dịch ở Trung Quốc thường mọi người đều thừa nhận chỉ dựa trên cơ sở của truyền thuyết.
Theo các nhà nghiên cứu, Kinh Dịch là một trong 3 bộ sách cổ nhất Trung Hoa, sau Kinh thi và Kinh thư, nhưng nguồn gốc của nó - tức bát quái - thì có thể có sớm hơn, khoảng vào cuối đời nhà Ân, 1200 năm trước Công nguyên(TrCN).
Thủa ban đầu nội dung sách Dịch chỉ dùng để bói. Đến cuối đời nhà Chu (khoảng TKỷ 3 - 4 TrCN) nội dung sách Dịch đã chứa đựng nhận thức gắn con người với Trời, Đất làm một thể thống nhất, nâng triết lý tổng hợp về Vũ trụ quan, Nhân sinh quan của người Trung Hoa thời đó lên mức cao hơn.
Cho đến đời nhà Hán (TKỷ 2 TrCN), nội dung sách Dịch bắt đầu dùng hình thức biểu tượng kết hợp với số học thông qua hình tượng Hà Đồ (Long mã - ngựa thần - đội tấm bản đồ của Trời xuất hiện trên sông Hoàng Hà để trao cho vua Phục Hy trị quốc) và Lạc Thư(Vua Vũ nhà Hạ trị thủy thấy trên sông Lạc - một chi nhánh của sông Hoàng Hà - xuất hiện Rùa thần của Trời sai xuống, trên lưng Rùa cũng có những nét chấm từ 1 đến 9). Theo lịch sử Trung Quốc, đời các Vua trên là các triều đại tồn tại trong khoảng thời gian từ năm 2205 - 2197 TrCN - Hình tượng Hà Đồ và Lạc Thư dùng để giải thích quan hệ giữa con người với vũ trụ.
Nhưng theo sách sử Trung Quốc thì mãi đến thời Hán Vũ Đế (năm 140 - 86 TrCN), một người cháu đời thứ 12 của Khổng Tử là Khổng An Quốc làm đại thần của Vũ Đế và là học giả lớn đã lập nên 2 hình vẽ thể hiện Hà Đồ và Lạc Thư để truyền lại cho đời sau. Thề nhưng mãi đến thời nhà Tống, vào khoảng TKỷ 12 sau CN - tức 12 thế kỷ sau thời Khổng An Quốc - thì hai hình vẽ như trình bầy trên các sách Dịch hiện nay mới được in thành sách.
Như vậy có thể khẳng định nội dung Kinh Dịch là do nhiều người của nhiều đời viết mà hình thành như ngày nay.
Kinh Dịch đã phản ánh tư tưởng triết học cổ đại của người Trung quốc để giải thích vũ trụ, con người và xã hội, được nêu khá sâu sắc thông qua các quy luật Âm Dương.
Sách đầu tiên nói về Kinh dịch là cuốn Chu Quan, chép về quan chế đời nhà Chu(năm 1222 - 221 TrCN), đây là triều đại kéo dài và rực rỡ nhất trong 3 Nhà Tam Đại: Hạ, Thương, Chu của Trung Quốc. Theo các nhà Dịch học thì sách này xuất hiện nhiều sau đời Khổng Tử(năm 551 - 479 TrCN) và Mạnh Tử. Sách được dùng khá phổ biến vào đời Chiến Quốc (năm 479 - 221 TrCN) và kéo dài cho đến nhà Hán(từ TKỷ 2 TrCN đến TKỷ 3 sau CN). Đến triều Hán Ai Đế và Vương Mãng thì sách Chu Quan được đổi tên thành Chu Lễ. Như vậy: theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, có thể nội dung Chu Lễ đã được chép vào đời nhà Chu và đã được dùng cho 3 loại dự đoán(tức để bói) và trong triều đình. Nhà vua đã cắt cử chức quan Thái bốc để giữ 3 loại Dịch, đó là Liên Sơn Dịch; Quy Tàng Dịch và Chu Dịch.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học Trung Quốc nêu ra khi nêu về quê hương sinh ra Kinh Dịch thì từ đời Thương trở về trước chưa hề có hình vẽ bát quái và chỉ thịnh hành bói bằng cỏ thi, mặt khác lại chỉ thấy Chu Dịch có vào thời nhà Chu, do vậy phần lớn đã chấp nhận rằng Văn Vương nhà Chu là người đầu tiên có công với Chu Dịch. Lúc đầu, Ông mới chỉ đặt ra Thoán từ để giải thích cho toàn quẻ, còn người đặt ra Hào từ để giải thích cho mỗi Hào của từng qủe lại là người con thứ hai của Văn Vương, đó là Chu công. Khổng Tử rất phục và trọng Chu Công. Như vậy có nghĩa: Tới lúc này thì Chu Dịch mới thành một cuốn sách có văn từ, nội dung, ý nghĩa viết trên sách tre (vì con người chưa làm ra được giấy viết).
Tiếp theo nhiều thế kỷ, người Trung Hoa gọi Sách Dịch là Kinh Dịch.
Kinh Dịch được chia làm hai Thiên: Thiên Thượng cho 30 Quẻ đầu, Thiên Hạ cho 34 Quẻ sau.
Người đời sống ở các thế kỷ tiếp sau lại thêm vào nhiều lời chú giải, có thể thấy không có quyển sách nào lại có nhiều người phụ chú, giải thích như Sách Dịch, tức Kinh Dịch. Nếu tính đến đời Nhà Thanh, TK 17 –19, hiện Trung Quốc còn giữ lại được tới hơn một trăm bảy chục bản chú giải. Có điều rất thú vị, ngoài người Trung Quốc chú giải Kinh Dịch ra, cón có cả sách chú giải của Người Nhật, Pháp, Anh, Đức.... và người Việt nam !.
Quan trọng nhất vẫn là lời chú giải được coi là đầu tiên, tức Thập Dực, hay còn gọi là Thập Truyện. Nhưng lời Thóan (phán) của toàn Quẻ và của từng Hào trong mỗi Quẻ buổi xa xưa còn qúa đơn giản, ít ai hiểu, do đó đời sau phải chú giải thêm cho bản Thập Dực. Người xưa gọi chữ "Truyện" khác ngày nay. Truyện là những lời để giải thích cho Kinh (tức nội dung của sách) .
Trong Thập truyện thì Truyện quan trọng và cần thiết hiểu biết nhất là: "Hệ Từ Truyện" hay còn gọi là" Đại Truyện". Đa số các học giả Trung Hoa thời xưa cho rằng: Thập Dực là công trình của Khổng Tử.
Người Trung Hoa cho rằng Đạo của Dịch rất thâm cao, có được là do công của ba vị Thánh, trải ba đời mới xong và hoàn chỉnh như hiện nay. Ba vị Thánh đó là Phục Hy (đời Thượng cổ đại), Văn Vương (đời Trung cổ đại), Khổng Tử (đời Hạ cổ đại). Nhưng các Thày xin hỏi Dịch ngày nay khi lắc 3 đồng chinh để tìm quẻ đều Khấn cả 4 vị Thánh là Phục Hy, Văn Vương, Chu Công và Khổng Tử.
Cũng có một số ý kiến lại cho rằng tới đời Khổng Tử thì chưa thể hoàn thành Thập Dực (tức nội dung chú giải) mà phải tới cuối đời Chiến Quốc, đầu đời Hán thì một phái Dịch học đã mang cả tư tưởng Khổng gia lẫn Lão gia - do kẻ trước người sau - xây dựng nên nội dung Thập Dực như ngày nay.
Như đã nói trên, vào cuối đời nhà Ân (1401 - 1122 TrCN) đầu đời Chu (1222 - 221 TrCN) tạo ra Chu Dịch, đó chỉ là sách bói, nếu chỉ xét phần Kinh. Phải đợi bảy trăm năm sau kể từ cuối đời Xuân Thu (722 - 479 TCN) đến hết thời Chiến Quốc (479 - 221 TrCN), mới có các triết gia, học giả lần lượt viết nên phần Truyện để giải thích phần Kinh và sang đời Hán (từ TKỷ 2 TrCN) thì phần Truyện mới có hình thức như ngày nay.
Những tiếp các đời sau, có nhiều tác giả đem tư tưởng của Nho, Lão "gài cột" vào phần Kinh, làm cho Chu Dịch thời Tiền Tần trở thành một tác phẩm triết lý có đủ Vũ trụ quan và Nhân sinh quan, tổng hợp các tư tưởng phổ biến của Trung Hoa và được coi là Kinh Dịch lưu truyền đến hiện tại.
*
* *
2 - Cơ sở và quy tắc để lập ra 64 Quẻ Dịch
Điều kỳ dị nhất của cả môn “Dịch học “là chỉ dựa trên quan hệ của 2 nguyên khí Âm & Dương (Được thể hiện bằng ký hiệu – và - - ) gọi là Lưỡng Nghi.
Đem hai vạch liền và đứt đó (tức lưỡng nghi) chồng lên nhau sẽ tạo ra Tứ Tượng.
Người Trung Hoa cổ lấy Tứ tượng để tượng trưng cho: mặt trời, mặt trăng, trái đất và các hành tinh thuộc hệ.
Tiếp tục lấy các vạch dương và âm (Lưỡng nghi) lần lượt chồng lên Tứ tượng sẽ tạo ra Bát quái.
Bát Quái - tức Tám Qủe đơn - được cho sắp thành hàng theo thứ tự nhất định như trên. Song cũng có cách sắp xếp thứ tự theo vòng tròn do Chu Hy định ra: cho bố trí thứ tự Bát quái theo vòng tròn và lấy xuất phát điểm từ vị trí số 6 của mặt đồng hồ để xếp thứ tự theo hai chiều quay Thuận, Nghịch :
- Chiều ngược kim đồng hồ: Quẻ Càn 1, Đoài 2, Li 3, Chấn 4.
- Chiều thuận kim đồng hồ: Quẻ Tốn 5, Khảm 6, Cấn 7, Khôn 8.
Từ Bát Quái (là 8 Quẻ đơn cơ bản) nêu trên, thực hiện lấy từng Quẻ đơn cho lần lượt chồng lên tất cả đủ 8 quẻ đơn khác sẽ lập được 64 quẻ mới (8 x 8=64), gọi là Quẻ Trùng (vì cấu tạo của Quẻ này bao gồm có 2 Quẻ đơn tạo thành). Quẻ Trùng có tên gọi là Trùng quái.
Trong cấu tạo của một Quẻ trùng (tức Trùng qúai) thì Quẻ đơn nằm dưới gọi là Nội quái, Quẻ đơn nằm trên gọi là Ngoại quái.
Chính các Trùng quái đã tạo nên 64 Quẻ Dịch để biểu hiện cho 64 Thời vận. Tổng cộng 64 Qủe Dịch có chứa tổng số 384 Hào, và chính mỗi Hào sẽ thể hiện cho một trong ba trăm tám mươi bốn hoàn cảnh khác nhau trên đời (vì mỗi Qủe Trùng gồm 6 Hào, lấy 64 Quẻ nhân với 6 Hào sẽ được tổng số 384 Hào).
Như vậy có thể thấy: Với cách sắp xếp cấu tạo Quẻ và Hào như trình bầy nêu trên đã thể hiện phương pháp tư duy rất khoa học và tài tình của người Trung Quốc xưa khi xây dựng môn học Kinh Dịch.
Sự diệu kỳ của môn Dịch học thể hiện:
Kinh Dịch đã được người Trung Quốc xưa quan niệm là Đạo Dịch bởi ý nghĩa cao cả lý giải về triết lý cuộc sống trên cơ sở có căn cứ khoa học chặt chẽ. Đã bao đời nay, rất nhiều người Trung Hoa và cũng như một số người nước khác có kiến thức do hiểu được nội dung Kinh Dịch đã thường tự răn mình sống theo tư tưởng triết lý của Kinh Dịch và biết sử dụng phương thức dự đoán của Kinh Dịch để hỏi “Trời và Đất” cho mình lời khuyên hoặc dự báo kết qủa của những điều gì sẽ xẩy ra trong từng hoàn cảnh và thời điểm khi muốn thực hiện công việc gì đó quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Có điều khá lý thú thấy rằng khi khấn hỏi Trời Đất bằng phương pháp của Kinh Dịch tất nhiên liền nhận được câu trả lời chứa đựng ý nghĩa triết lý hết sức sâu xa, thông qua 1 trong 64 Quẻ Trùng của Dịch.
Chúng ta cần hiểu rõ: Quan niệm Âm Dương là quan niệm đặc biệt của người Trung Hoa. Nó được coi là gốc căn bản của nền Triết học, Khoa học cũng như có ảnh hưởng to lớn tới đời sống Người Trung Hoa suốt mấy ngàn năm đã qua cho đến ngày nay.
*
* *
3- Ngữ và nghĩa chính của chữ “Dịch”
Như trên đã nói sơ lược về ngữ nghĩa của từ Kinh Dịch. Có thể hiểu nghĩa từ “Kinh” hàm chứa là “tập Sách”, còn từ “Dịch” thì hàm chứa ý chính dưới đây.
Dịch có nhiều nghĩa, song người Trung Hoa định và nêu ra 3 ý nghĩa chính:
Thứ nhất - Dịch là Giao Dịch âm dương: tức Trong âm có dương, trong dương có âm; âm thịnh thì dương suy và ngược lại. Âm Dương ở đây không phải chỉ là hai cái khí, hay hai nguyên lý, không phải là những năng lực, những đặc tính ... mà bao gồm tất cả những cái đó.
Thứ hai - Dịch là Biến dịch: Âm dương đều động và biến hoá. Âm Dương có động thì mới giao nhau, mới biến mà sinh sinh hoá hoá thiên nhiên, sinh vật và con người. Nếu "cô dương" không thể sinh, "độc âm" không thể thành; lúc này Âm Dương sẽ bị tiêu diệt .
Thứ ba - Dịch là Bất dịch: Sự tiến hoá của mọi sinh vật trong vũ trụ diễn tiến theo một quy luật bất di bất dịch. Quy luật đó Trung Hoa gọi là Thường hoặc là Phản phục. Vậy Quy luật Thường là gì? Là âm dương thay lẫn nhau, cứ cái này tiến thì cái kia lùi. Biến hóa chỉ là sự tiến lui của âm dương mà thôi!
Có thể nói: Xét về tư tưởng, với lý lẽ căn cốt nêu trên, Kinh Dịch đã trở thành Đạo học răn dậy con người biết cách sống (tức biết ứng xử) sao cho có ích cho xã hội. Chính vậy nên Kinh Dịch đã có sức sống trường tồn trong nhiều thiên niên kỷ qua.
*
* *
4 - Quan niệm đạo lý căn cốt của Kinh Dịch
Thứ nhất : Dịch lấy quan niệm Trung, Chính là quan niệm căn bản, cho nên có nhà Dịch học cổ điển Trung quốc đã nói: "Dịch là gì? Chỉ là sự Trung Chính mà thôi. Đạo lý sống làm người trong thiên hạ chỉ cốt sao khiến cho việc không Trung trở về Trung, việc không Chính trở về Chính ".
Thứ hai : Dịch coi Thiên đạo và Nhân đạo là một thể thống nhất và do Luật Âm Dương chi phối. Thế giới đều nhận thấy nét đặc trưng của Triết học Trung Quốc đã quan niệm: "Vũ trụ và Vạn vật là một thể thống nhất". Đại biểu cho Vũ trụ là Trời, Đất - đại biểu cho Vạn vật là con Người. Đó chính là "Ba Ngôi" Thiên, Địa, Nhân luôn luôn tương cảm, tương ứng cho nhau. Luật biến hóa của Trời, Đất (Thiên đạo) sẽ là luân lý để chỉ ra cho con Người (Nhân đạo) những hành vi cần ứng xử ở đời. Chính do cảm ứng chặt chẽ giữa 3 Ngôi nêu trên, cho nên Người Trung Hoa rất coi trọng Phép Bói (từ các phương pháp sơ khai như Bói bằng bốc Cỏ Thi đến Mai Rùa, rồi rút Thẻ tre, tiếp đến dùng xu tiền gieo lấy Quẻ ...)
Thứ ba : Dịch khuyên con người biết tùy thời mà sống, mà hành động đối nhân xử thế. Con người cần biết “chữ thời” để khi thì vững vàng tiến lên, lúc cần bình thản lui tránh để giữ “Trung chính”, “Tín nghĩa”, “Nhân bản” ... trước khi suy xét ứng xử mọi việc lớn trong đời mình. Kinh Dịch còn giúp con người sống biết cách chế ngự buồn vui trong đời thường, không tha hóa, tự ty, an phận và giúp con người sống lạc quan, điềm tĩnh trước mọi sự việc xẩy ra trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Chữ “Thời” của Kinh Dịch
Tiếp thụ được nội dung Kinh Dịch sẽ thu nhận được rất nhiều bài học để tùy thời, có thể nói nội dung của cả bộ Kinh Dịch chỉ tóm lại trong một chữ Thời. Tùy thời mà giữ được Trung Chính, biết lúc nào Cương, lúc nào Nhu; lúc nào nên Tiến, lúc nào nên Thoái; lúc nào nên Tĩnh, nên Động; lúc nào nên nhường, lúc nào nên tấn công. Cần phải biết khi nào nên Tốt, Tốt cho Ai và Tốt vì cái gì thì mới phải. Tổn không phải là luôn Xấu, khi mà Tổn để giảm đi cái hư, cái xấu của bản thân thì lại là có lợi; Tổn của người giầu mà lợi cho kẻ nghèo thì là có ích. Biết tuỳ thời là điều rất khó, phải bình tĩnh vô tư, sáng suốt và có trí lự. Dịch trọng cả Đức lẫn Trí, giống Khổng khác Lão.
Chữ “Thời” của Dịch được thể hiện qua vị trí của mỗi Hào trong một Qủe. Hào 1 là sơ thời và hào 3 là mạt thời của Nội quái, hào 4 là sơ, hào 6 là mạt thời của Ngoại quái và cũng là mạt thời của Trùng quái.
Các Nhà Dịch học Trung Quốc đã khái quát: "64 Quẻ chỉ là một Lẻ, một Chẵn (Dương Âm) nằm vào các Thời khác nhau, Cái Vị (Trí) không giống nhau, cho nên mới có vô số sự biến. Cũng như con Người chỉ có Động với Tĩnh, nhưng vì Thời và Địa (Vị) khác nhau cho nên cái Đạo lý sống sẽ rất vô cùng, vì thế mới gọi là Dịch (tức là biến dịch) ".
*
* *
5 - Quan niệm về Cát - Hung; Thịnh - Suy; Phúc - Họa của Kinh Dịch
Như trên đã nói về “luôn có sự tồn tại và giao cảm giữa ba ngôi Thiên, Địa, Nhân” là quan niệm của người Trung Quốc đã có từ xa xưa. Sự giao cảm đó được thể hiện qua Cát - Hung (điều tốt lành hay là giữ, xấu), Thịnh - Suy (tức phát triển hay suy yếu). Song Cát- Hung, Thịnh - Suy, Phúc - họa ... đều diễn ra theo một quy luật mang tính chu kỳ nhất định, được thể hiện trong Kinh Dịch gọi là Luật Thường hóa (hay Phản phục).
5 - 1. Quan niệm về Cát - Hung của Dịch
Dịch học cho rằng :
"Cát và Hung luôn luôn thắng lẫn nhau theo một quy luật nhất định" Việc đời không Cát thời Hung thay phiên nhau. Cát Hung đó nên hiểu là Âm và Dương, là Trời và Đất, Là mặt Trời, mặt Trăng, là Ngày và Đêm...
Đạo Trời Đất chỉ bảo cho Ta luật đó, mặt trời, mặt trăng sáng tỏ theo luật đó .
Dương thịnh cực thì dần suy để rồi âm lại thịnh lên và âm thịnh cực thì lại cũng bị suy dần để dương thịnh lên.
Kinh Dịch quan niệm: Khắp vũ trụ không đâu và không thời nào không có quy luật Thịnh Suy. Luật đó được biểu hiện qua sự vận hành của mặt trời, mặt trăng, ngày và đêm, bốn mùa, thịnh suy của một dân tộc, một quốc gia, một dòng họ, một cá nhân... không cái gì không theo quy luật Thịnh - Suy và Luật Phản phục.
5 - 2. Quan niệm về Phúc - Họa
Dịch học quan niệm:"Hoạ là chỗ dựa của Phúc và Phúc là chỗ nấp của Họa, Vì vậy trong Phúc có Họa và ngược lại trong Họa có Phúc”. Nắm biết được Luật Thường hóa (tức Phản phục) theo giao cảm Thiên, Địa, Nhân thì sẽ sáng suốt, tránh được nhiều điều không hay. Âm, Dương thay thế nhau được do một quy luật bất biến, gọi là Luật Thường tức: “Thịnh cực tắc suy, vật cùng tắc biến”, mà biến là phản phục. Luật phản phục cũng là một luật Thường và bất Dịch của Kinh Dịch. Như vậy: Cứ một lần Phản, lại một lần Phục ; Phục rồi lại Phản và tuần hoàn theo chu kỳ nhất định.
Tóm lại Kinh Dịch cho rằng: Luật âm dương (vũ trụ) lúc nào cũng động, mà động sinh ra biến, biến tới cùng thì quay trở lại để được thông, để lại cân bằng tồn tại được.
Quy luật: "Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tác cửu tồn" là Luật Thường bất dịch, hay còn gọi là Luật Phản phục và đó là ý nghĩa thứ ba của Dịch.
Có Người (đặc biệt phương Tây) cho rằng Thuyết Phản phục là phản tiến bộ vì không có ý thức về sự phát triển. Đó là ý thức hệ bảo thủ. Phương Tây cho rằng vũ trụ, xã hội được phát triển theo vòng xoáy trôn ốc, mỗi ngày vòng mỗi mở rộng ra thì mới phát triển được. Nhưng có lẽ qua thực tiễn đời sống của xã hội loài người đã cho thấy thời đại nào, dù phát triển đến đâu cũng vẫn theo quy luật tiến hóa. Sự tiến hóa là đòi hỏi sinh tồn, phát triển của con người, nhưng tiến hóa, văn minh vẫn luôn gắn theo một thực tế, đó là sự tiến hóa, sự phát triển vừa mang tính tốt, tích cực để đưa con người văn minh lên, nhưng lại luôn mang tính tiêu cực, thậm chí tính ác độc tạo ra đối với ngay chính mỗi con người. Con người càng văn minh thì có một bộ phận trở nên tàn ác, tàn ác với chính đồng loại, tàn phá thiên nhiên, môi trường sống.
Cho nên Luật của Dịch có lẽ không có gì mâu thuẫn và tạo nên sự trì trệ, bảo thủ cả. Luật của Dịch chỉ có lợi cho con người trong qúa trình tìm kiếm sự phát triển và tồn tại.
5 -3. Quan niệm về Định mệnh của Dịch.
Người phương Đông cổ quan niệm:
"Dịch làm rõ cái đã qua mà xét cái sắp tới, làm sáng tỏ cái kín đáo, mở cái bí mật"
“Dịch không nghĩ ngợi gì cả, không làm gì cả, yên lặng không động, nó chỉ cảm mà thấu được các biến cố trong thiên hạ. Nêu nó không phải là cái thần diệu tột bực trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy?"
Cho nên : “Người chân chính sắp làm hay tiến hành việc gì thì dùng lời (Khấn) mà hỏi Dịch. Dịch nhận được lời hỏi sẽ trả lời nhanh như âm thamh. Không kể xa gần, sâu tối, Dịch cũng biết được cái gì sẽ xẩy ra. Nếu Dịch không phải là cái gì rất tinh vi trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy?".
Nghiên cứu Kinh Dịch cần nhận thức ý nghĩa sâu xa và bao trùm của Dịch là biết vận dung chữ Thời, gắn thời vận của con người với thời cuộc và biết giữ Đạo sống để làm người tốt có ích cho xã hội.
Có thể thấy tốt hay xấu, hoạ hay phúc tuy do cái Thời nó sẽ tới hay không tới, nhưng nếu tự biết được thời vận gắn với thời cuộc thì phần lớn sẽ biết cách tự ứng phó. Người hiểu được chữ Thời của Kinh Dịch la người sáng suốt. Khi đã hiểu Dịch, chúng ta sẽ áp dụng thường xuyên trong đời sống, biết và nhận ra cái tự nhiên nó sắp thay đổi mà đón nhận hoặc tránh nó, như vậy là biết Biến hóa chế tài.
Có thể khẳng định: Đã có nhiều Học giả sống ở các đời từ xa xưa đến nay đã thống nhất gọi Dịch là Đạo, tức đạo làm người. Chính vì Kinh Dịch có nội dung trở thành Đạo, cho nên nó giúp cho con người sống có Đạo lý, sống có ích cho xã hội, trở thành những Người Chính danh Quân tử.
Triết lý trên đây chính là Nhân sinh quan, là lẽ sống đã trải qua vài ngàn năm của người Trung Hoa. Chính họ đã quan niệm Dịch là Đạo sống, mới đầu được hình thành chỉ là một phép bói dựa trên thuyết âm dương và những lịch duyệt của người xưa từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc, sau định hình vào đời Hán và phát triển tiếp vào các đời sau. Tư tưởng của Dịch dựa nhiều vào tư tưởng của Khổng hơn Lão, nó bao gồm một vũ trụ quan giống Lão mà không phải Lão và một nhân sinh quan rất giống Khổng mà lại không hoàn toàn giống Khổng.
Vậy Đạo Dịch sẽ giúp ích gì cho cuộc sống?
1 - Giúp chúng ta luôn sống gắn với thực tiễn và luôn suy nghĩ, hành đông mang tính thiết thực, vì Kinh dịch đã chỉ ra những quy luật thiên nhiên mà mọi người có thể nhận thấy được hàng ngày.
2 - Giúp chúng ta không bàn viển vông cao xa, siêu hình như linh hồn, kiếp trước, kiếp sau ... mà chỉ xem xét đến những việc xẩy ra trong đời sống hàng ngày và xem xét rất đầy đủ.
3 - Giúp chúng ta luôn tự tin, biết kiên nhẫn, không lúc nào quên việc tu thân, luyện tài đức cho mỗi ngày thêm nhuần nhuễn để gặp thời thì giúp đời. Không bao giờ từ bỏ trách nhiệm và mưu cầu danh lợi.
4 - Gíup chúng ta biết rõ việc thành bại trong cuộc đời, bại rồi thành, thành rồi bại là vòng quay không bao giờ hết. Lúc xong việc lại là lúc có việc mới bắt đầu, sinh là bắt đầu tử và tử lại là bắt đầu sinh ....., biết nó sẽ là như vậy để chúng ta không chán nản và sống làm người Trung - Chính.
5 - Giúp chúng ta sống có niềm tin và lạc quan: Tinh thần lạc quan hiện rõ trong cách sống và chiến đấu của những người chân chính với lũ tiểu nhân, đó là cuộc chiến giữa Thiện và ác trong mỗi con người và cộng đồng.
…”