TỰ HÀO NHƯNG… BUỒN!
Gia Lân
Vài tháng trước tôi được một người bạn ở Hà Nội cho mượn xem quyển sách giới thiệu các hiện vật Gốm Việt cổ trưng bầy tại Triển lãm ở một Bảo tàng của một thành phố ở Nhật Bản mà anh ta có được do một người Nhật mang sang tặng. Cuốn sách giới thiệu các hiện vật gốm Việt cổ do một nhà sưu tập tư nhân người Nhật đến công tác lâu năm ở Việt Nam mua được kể từ thời nước ta mới “Mở Cửa” cuối thập niên 90 của thế kỷ 20. Nay người Nhật mê gốm Việt cổ ấy đem tặng một số hiện vật cho 02 Bảo tàng ở nước họ lưu giữ và trưng bầy cho công chúng xem. Trong Tạp chí CVTH số 44, tháng 9 năm 2013 tôi đã giới thiệu sự kiện này.
Vì tôi đã có một số cuốn sách do các nhà nghiên cứu cổ vật nổi tiếng người Mỹ, Pháp, Nhật xuất bản giới thiệu về gốm và cổ vật Việt Nam mà họ có được, do vậy nên tôi rất muốn có được quyển sách ấy cho hoàn thiện thêm bộ sách về cổ vật Việt của mình. Từ đó tôi tha thiết nhờ một người bạn thường làm du lịch với Nhật Bản tìm mua giúp một cuốn để lưu giữ trong nhà, phần cốt để khoe với bạn bè về việc người chơi cổ vật nước ngoài đã quý trọng gốm Việt cổ của chúng ta như thế nào, phần lại được thường xuyên xem nhiều món đồ cổ đẹp của Việt Nam mà hiếm người Việt Nam chúng ta kể cả các bảo tàng trong nước có được. May anh bạn làm nghề du lịch biết tôi thích sách cổ vật và quý mến tôi nên đã không quản công sức và tốn kém nhờ tìm mua bằng được cho tôi một cuốn. Và thế là đầu năm 2014 tôi đã có trong tay cuốn sách quý này.
Để chia sẻ với quý vị niềm tự hào về Gốm Việt cổ trong tôi cùng một số không nhiều những bạn chơi cổ vật mà tôi biết, tôi xin ken lại vài ảnh các hiện vật in trong cuốn sách để mọi người có điều kiện cùng được xem cho biết người Nhật đã quý trọng và đánh giá cao dòng Gốm Việt cổ của nước ta như thế nào, trong khi ngay dân chơi cổ vật ở Việt Nam thì lại ít người quan tâm.
Cách đây khoảng hai chục năm, thời đó nước ta còn nghèo khó, dân tình ăn ở còn thiếu thốn nên tiền đâu mà nghĩ đến cổ vật. Một số người Thái, người Nhật, người châu Âu, Việt Kiều đã vào nước ta tìm mua đồ cổ Việt Nam, tranh của các họa sĩ mỹ thuật Đông Dương có tiếng mang về chơi và bán kiếm lời. Riêng dân sưu tập cổ vật người Nhật thường chỉ thích tìm mua đồ gốm Việt cổ thời Lý, Trần, Lê và tất nhiên các món đồ phải sạch sẽ, lành tít, men bóng đẹp. Nhìn chúng họ chỉ tìm mua các món đồ gốm cổ Việt Nam độc đáo, toàn hảo mà chúng tôi gọi đùa là theo tiêu chuẩn Japan. Chính vì vậy mà một số cổ vật gốm Việt đẹp họ đã có được từ những ngày ấy. Còn giờ đây khi người Việt Nam ta có tiền thì chính họ khó đọ nổi về giá mua những món đồ cổ đẹp với dân chơi cổ vật người Việt Nam chúng ta nữa. Đó là sự thực.
Thời gian qua đi, nay nhìn ảnh chụp một số món gốm Việt cổ lưu lạc ở nước ngoài giới thiệu trong các cuốn sách đã xuất bản ở Mỹ, ở Nhật… so với các món đồ bầy ở các bảo tàng nhà nước ta mới buồn làm sao? Tôi nghĩ các bảo tàng trong nước ta, kể cả Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Hà Nội hiện cũng không có các hiện vật gốm Đại Việt như thế này. Có trong nghề mới hiểu, các nhà quản lý văn hóa, bảo tàng ở ta nói về giá trị, về xã hội hóa trong lĩnh vực cổ vật thì rất hay, nhưng kết qủa số lượng và chất lượng các cổ vật Việt trưng bầy cho công chúng trong, ngoài nước chiêm ngưỡng thì quá khác với những lời nói ấy. Nhìn chung bao năm các bảo tàng ở nước hầu như vẫn chỉ có những hiện vật nghèo nàn vậy, có chăng chỉ thay đổi tủ giả, ánh sáng, cách bài trí…
Đúng là có vào cuộc chơi cổ vật nghiêm túc mới ngộ ra rằng:
- Ở ta các bảo tàng ở ta đâu có kinh phí nhiều để thường xuyên cho người lùng mua đồ cổ quý, có muốn mua được món đồ hiếm cũng đâu có dễ dàng vì cơ chế xét duyệt phức tạp…Hơn nữa việc đầu tư quảng bá giá trị các cổ vật Việt Nam của các cơ quan có trách nhiệm ở ta còn chưa đủ liều để cộng đồng thấy được sự cần thiết giữ chúng lại trong nước cho các thế hệ người Việt Nam mai sau. Cho nên hiện vật nghèo nàn là phải chịu.
- Bảo tàng nhà nước thì vậy, song lại có thực trạng hiện nay các đại gia, các vị chức sắc có điều kiện tiền bạc ở nhiều tỉnh thành lại đua nhau dồn tiền mua sắm không biết bao nhiêu món đố sứ Trung Quốc “chung chiêng giả cổ” thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh được cánh buôn bán nhập khẩu theo đường phi mậu dịch đem về phục vụ kiếm lời. Chả thấy có ai trong cánh quản lý văn hóa, các nhà nọ, nhà kia lên tiếng góp ý cho họ tỉnh lại đỡ đi cái đà tiếp tục nhập những cái “chung chiêng” không ổn tí nào theo các tiêu chí về cổ vật.
Ngẫm câu châm ngôn xưa: “trông Người mà nghĩ đến Ta” mới thấy đau. Biết trách ai đây? Đúng là rơi vào tâm trạng vừa tự hào vừa… buồn.