TỪ HỆ THỐNG ĐỒ GỖ THỜ TỰ THỜI NGUYỄN


NGHĨ VỀ KHÔNG GIAN THIÊNG TRONG NGÔI NHÀ VIỆT

                                                                                                                                                                        Nguyễn Thị Hồng Dung

Thờ cúng tổ tiên là phong tục truyền thống của dân tộc, là phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân đất Việt. Thờ cúng tổ tiên không chỉ là sự bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với các thế hệ trước mà còn là mối liên lạc mật thiết giữa người đang sống với người đã khuất. Từ xưa tới nay, trong gia đình người Việt, bất luận giàu nghèo thế nào cũng đặt bàn thờ tổ tiên ở vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà. Khu vực thờ tự đó trở thành không gian thiêng, không gian tâm linh trong ngôi nhà Việt, nơi thông linh tình cảm của con cháu ở trần thế với ông bà tổ tiên ở cõi vĩnh hằng.


Triều Nguyễn rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, coi đó là lòng tôn kính với các thế hệ trước đồng thời gia tăng sức mạnh tinh thần, tình đoàn kết cho triều đại. Các vua Nguyễn cho xây dựng 5 khu miếu trong khu vực Hoàng thành để thờ cúng tổ tiên. Đó là Triệu Tổ Miếu (thờ ông tổ Nguyễn Kim); Thái Tổ Miếu (thờ chúa Nguyễn); Hưng Tổ Miếu (thờ cha Gia Long); Thế Tổ Miếu (thờ vua Nguyễn) và Phụng Tiên Từ là nơi dành riêng cho các bà trong nội cung tới lui lễ cúng tổ tiên vì 4 miếu thờ trên chỉ dành cho nam giới. Thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được coi là tế lớn của nhà nước, gồm 3 bậc: đại tự (tế đàn Nam Giao, tế tôn miếu, tế đàn Xã Tắc); trung tự (tế đế vương các đời, tế Tiên sư Khổng Tử, tế Tiên nông); quần tự (tế bách thần, cúng tế tại các từ đường)Mô thức chung về cách thiết trí gian thờ của triều Nguyễn tính từ ngoài vào trong bao gồm: án thờ, bàn thờ, sập thờ, khám thờ đều được làm bằng quý. Trên án và bàn thờ bài trí bộtam sự, ngũ sự hay thất s(1), kỷ tam sơn, hộp đựng trầm, bộ đồ trà, bộ đồ trầu, đồ đựng rượu... Sập thờ đặt cơi, mâm, khay, dĩa để đựng đồ dâng cúng tại các buổi lễ. Trong khám đặt ngai thờ, trên ngai thiết thần vị của các bậc đế hậu quá cố. Đồ gỗ thờ tự được sơn thếp lộng lẫy, góp phần tạo nên sự trang trọng, tôn kính thiêng liêng cho không gian thờ tự. Có thể phân chia đồ gỗ thờ tự thời Nguyễn thành các nhóm nhỏ như: nhóm đồ trang trí nội thất; nhóm thiết trí tạo thành gian thờ; nhóm bài trí trên bàn thờ, hương án; nhóm đựng đồ dâng cúng và nhóm đồ thờ đặc biệt.


Nhóm đồ trang trí nội thất: Trong không gian thờ tự, ngoài những đồ tự khí cần dùng cho cúng tế còn trưng một số đồ vật trang trí nhằm tăng sự tôn nghiêm và biểu tỏ lòng tri ân của con cháu đối với tiền nhân như bộ binh khíhoành phi, câu đối. Binh khí (lỗ bộ, chấp kích) gồm: long đao, thanh long đao, kích, trường kích, bát xà mâu, đấm vòng lửa, chùy, búa được gắn vào cán gỗ tạo hình cây trúc cắm trên giá gỗ hình vòng cung, được trần thiết trong nội thất các cung điện, tôn miếu, từ đường hoặc đặt trước hương án. Hiện nay, trong gian thờ của các miếu thờ, đình làng, một số nhà thờ họ đều có sự trần thiết các bộ binh khí bằng gỗ hoặc đồng giống lỗ bộ thời Nguyễn. Không gian thờ còn nổi bật bởi hoành phi, câu đối sơn thếp lộng lẫy hoặc cẩn xà cừ tinh tế. Hoành phi treo phía trên, câu đối sóng đôi treo ở hai hàng cột trước gian thờ. Những thứ này vừa có tính trang trí vừa nói lên lòng tôn kính, sự tri ân của con cháu đối với tiền nhân và cũng có thể nói lên công đức của người được thờ phụng.(2)


Nhóm đồ thiết trí gian thờ: đây là nhóm đồ chính để tạo nên một không gian thờ cúng. Gian thờ thường chia làm ba lớp tính từ ngoài vào: án thờ, bàn và sập thờ, khám thờ được chế tạo công phu, sơn thếp rực rỡ tạo nên sự uy nghi, trang trọng. Án thờ (hương án) nằm ngoài cùng, che cho bàn, sập và khám thờ, thường chỉ để thờ vọng, không đặt bát nhang mà chỉ thiết lư trầm, cặp chân đèn, hai bình hoa. Bàn thờ (kỷ thờ) đặt sau án thờ, là nơi để thiết bát nhang, bộ tam sự, ngũ sự hay thất sự cùng một số các đồ thờ khác như bộ đồ trà, bộ đồ rượu, chén nước cúng... Sập thờ (sập tôn) cao hơn sập ngồi thường, trên thiết cơi đựng đồ cúng, khay đài đựng rượu, cặp mâm xà đựng cỗ cúng mặn và ngọt và đặt các vật phẩm khi dâng cúng. Sập thờ thời Nguyễn là kiểu sập cao hai tầng, 4 chân quỳ thao thiết. Khám thờ là nơi thiết thần vị, tức nơi ở của linh hồn người đã khuất. Khám được chế tạo gần giống như ngôi nhà có mái, trong đặt ngai thờ (cỗ ỷ), trên ngai thiết thần vị. Theo phong tục thờ cúng của người Việt xưa, gian thờ tổ tiên thường có cỗ ỷ để trong cùng vì ỷ là cái ghế ngồi là ý tượng trưng cho sự hiển hiện của người đã khuất.(3) Cỗ ỷ trong dân gian được nâng lên thành ngai thờ tức long ngai (ngai rồng) cho phù hợp với ngôi vị của các bậc đế hậu đã khuất của triều Nguyễn. Thần vị (bài vị, thần chủ) làm bằng gỗ bạch đàn, có mùi thơm rất quý, được viết chữ rõ ràng thiết trên long ngai đặt trong khám để thờ. Thực tế chỉ những nhà khá giả trở lên mới thờ thần vị ghi duệ hiệu của người đã khuất vì thờ thần vị phải qua thủ tục lễ nghi phiền phức, nhà nghèo chỉ thờ cỗ ỷ hay di ảnh của người quá cố. Nhóm đồ bài trí trên bàn thờ, hương án: là những đồ đựng vật phẩm hoặc phục vụ khi cúng tế. Loại đồ thờ này thường được chế tạo bằng đồng hoặc gỗ, mỗi chất liệu thiên về những chủng loại khác nhau. Trong nhóm đồ bài trí trên bàn thờ, đồ gỗ không khi nào tạo nên được một bộ tam sự, ngũ sự hay thất sự hoàn chỉnh như đồ đồng mà chỉ có sự góp mặt của cặp chân đèn, quả bồng, thi thoảng có ống đựng đũa hay ống hạp hương. Nhóm đồ gỗ bài trí trên các bàn thờ, hương án thường gặp nhất là cặp chân đèn, quả bồng đơm hoa quả, kỷ tam sơn, cơi đựng đồ cúng, mâm đựng đồ dâng cúng, khay đựng bộ đồ rượu cúng. Chân đèn cắm nến hình con tiện 2 tầng là một trong những đồ thờ thiết yếu, được đặt đối xứng nhau trên các bàn thờ, hương án. Tùy vào kích thước lớn nhỏ của bàn thờ, vị thế của gian thờ để thiết trí chân đèn đồng hay gỗ, to hay nhỏ cho cân xứng với các đồ tự khí đặt bên cạnh. Kỷ tam sơn (cái tam sơn), là biểu thị của tam tài: thiên, địa, nhân với phần giữa nhô cao, hai bên thấp. Tại các tôn miếu nhà Nguyễn, kỷ tam sơn đặt giữa bàn thờ, phần giữa để đôn cao lư hương có vẻ tôn kính, hai bên hai đài nhỏ đựng chén nước cúng. Loại kỷ tam sơn này hiện được sử dụng khá nhiều trên các bàn thờ của người Việt để đặt cau trầu, rượu, nước cúng.

Nhóm đồ thờ đặc biệt: Ngoài 5 khu miếu thờ, trong khu vực Hoàng Thành còn có một nơi thờ tự khá đặc biệt nhằm phục vụ nhu cầu thờ cúng tổ tiên, thần phật của các bà trong cung, đó là Khương Ninh Các và Phước Thọ Am thuộc cung Diên Thọ. Nơi đây thờ Phật, thờ thần linh của nhiều tôn giáo, thờ một số công chúa, phi tần của triều Nguyễn. Nơi thờ này đã để lại cho hậu thế biết về kiểu thờ tổ tiên kết hợp với thờ thần phật cùng một nhóm đồ thờ tự đặc biệt như tượng Phật, tượng thần thánh, mõ…

Người Việt bắt đầu văn hóa sống, trong đó có văn hóa thờ cúng, bằng việc xây một ngôi nhà. Ngôi nhà của người Việt mang thật nhiều ý nghĩa: vừa là đời sống thường nhật trong cõi trần, vừa là nơi cất cánh thành đời sống tâm linh trong cõi thiêng. Nhà người Việt xưa, dù giàu nghèo thế nào thì nơi trang trọng nhất vẫn dành để đặt bàn thờ tổ tiên. Nơi đó trở thành một không gian thiêng, nơi diễn ra các hoạt động tâm linh của các thành viên trong gia đình. Đối với người Việt, việc thờ cúng tổ tiên không chỉ là chuẩn mực luân lý mà còn là tấm lòng hướng về cội nguồn, mong tổ tiên phù hộ cho con cháu. Do coi trọng tổ tiên nên trong ngôi nhà Việt, phần không gian dành cho người chết lại thường được tập chung nhiều công sức, tiền bạc và nhiều nỗ lực trang trí, điêu khắc mỹ thuật hơn phần dành cho người sống.

Theo phong tục xưa, bàn thờ gia tiên thường được bố trí ở gian giữa của ngôi nhà. Những gia đình khá giả thường trang hoàng đồ thờ sơn thếp choán hết gian giữa theo mô thức: ngoài cùng là chiếc hương án cao gần ngang vai; sau hương án kê một sập tôn; trong cùng là bàn thờ trên đặt khám thờ. Trên hương án đặt bát hương, bộ tam sự, ngũ sự hay thất sự bằng đồng cùng chiếc kỷ tam sơn bằng gỗ trên thiết đài đựng nước, trầu, rượu. Một số nhà còn có lư xông trầm và đôi hạc nhỏ cũng bằng đồng. Trên mặt sập phía trong để một cái khay lớn chân cao với ba đài rượu gọi là khay đài, phía trước để hai mâm xà mặt 80 x 60 phân, một mâm để bày cỗ đồ mặn, một mâm để xôi chè đồ ngọt.(4) Bên trong khám thờ thiết bài vị hoặc cỗ ỷ để thờ. Bàn thờ trong các gia đình quyền quý của người Việt xưa thường thiết bốn đời thần chủ để thờ là cao, tằng, tổ, khảo, đến đời thứ năm trở lên được phối hưởng ở nhà thờ họ hay nhà thờ các chi phái trong họ tộc. Gian thờ của người Việt xưa còn nổi bật bởi hoành phi, câu đối bằng gỗ sơn đỏ, đen hoặc cẩn xà cừ. Ngoài ý nghĩa trang trí, những thứ bày biện ở nơi đây còn nhằm tăng sự tôn nghiêm, biểu tỏ lòng tri ân của con cháu đối với tiền nhân. Đối với nhà bình dân thì gian thờ không khám cũng chẳng hương án sơn thếp lộng lẫy, chỉ có bàn thờ đặt phía trong trên để cỗ ỷ, bên ngoài đặt chiếc án cao hơn trên thiết bát hương, chén nước, bình hoa cùng cặp đèn, cặp mâm bồng, ống đựng hương đều bằng gỗ tiện sơn son. Với gia đình nghèo không sắm nổi chiếc bàn gỗ để thờ thì đóng một chiếc chõng lớn bằng tre cao ngang ngực, mặt chõng bằng nan tre, dân gian thường gọi là giường thờ. Trên giường thờ thiết bát hương đặt trên chiếc khay hoặc chiếc mâm xà bằng gỗ sơn đen hoặc để mộc cùng với 3 chiếc chén để cúng rượu. Nếu không sắm được cặp chân đèn bằng gỗ tiện thì trên giường thờ bao giờ cũng có cây đèn bằng sành để dĩa đựng dầu thắp, ống đựng hương bằng gỗ thì khi có khi không. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sự xâm nhập của kinh tế thị trường và văn hóa phương Tây làm cho hiện tượng đô thị hóa ngày càng rõ nét ở Việt Nam. Bên cạnh những ngôi nhà ba gian thuần Việt thì những ngôi nhà hiện đại theo kiến trúc châu Âu, thường gọi là nhà Tâycủa các quan chức, nhân viên làm việc cho Pháp đã xuất hiện nhiều ở thành phố, thị trấn và một vài vùng quê. Ở những ngôi nhà này, không gian thờ cúng được bố trí trong những gian phòng không phải lúc nào cũng đủ lớn để thiết trí trọn bộ đồ của gian thờ truyền thống. Do đó, đã ra đời một loại tủ thờ cách tân từ tủ đứng của Pháp kết hợp với chiếc hương án và bàn thờ cổ truyền của người Việt Nam mà thành. Tủ có mặt trước cùng 4 chân quỳ tương tự hương án, còn mặt tủ phía bên trên tạo thành bàn thờ. Dần dần, kiểu tủ thờ này được dân tộc hóa thêm bằng những ô hộc chạm nổi hình ảnh mai, lan, cúc, trúc và khảm cẩn xà cừ. Từ khi xuất hiện cho đến nay, do sự tiện lợi và model của mình nên loại tủ thờ này ngày càng được nhiều gia đình người Việt ưa chuộng, dùng thay cho bàn thờ và hương án.

Thời hiện đại, việc thờ cúng tổ tiên trong các gia đình người Việt ít nhiều có khác xưa, nhất là vị trí đặt bàn thờ. Tại các ngôi nhà ba gian truyền thống, bàn thờ tổ tiên vẫn đặt ở gian giữa song cách sắp đặt gian thờ có phần giản lược hơn xưa. Lớp ngoài là bộ phận phản để mọi người đến làm lễ hoặc để trống, khi cần có thể bày thêm bàn ghế, hay trải chiếu. Tiếp đến là hương án hoặc tủ thờ, trên đặt chén nước cúng cùng bộ tam sự, ngũ sự. Trong cùng mới thực sự là bàn thờ người đã khuất, trên để bài vị hay ảnh chân dung người quá cố, hộp đựng gia phả, khay đựng đồ cúng, đài rượu, cơi trầu. Một số gia đình, nhà thờ họ thay bàn thờ gỗ bằng các bàn thờ cách tân được đúc kiên cố bằng bêtông. Phía trước gian thờ trang trí hoành phi, câu đối. Riêng đồ thờ thì chỉ những nhà khá giả mới dùng đồ đồng trang trọng, gia đình không có điều kiện thì dùng đồ thờ bằng gỗ tiện sơn đỏ, đen. Từ khu vực miền Trung trở vào Nam, cách sắp đặt để thờ Phật tại gia chung trong không gian thờ cúng tổ tiên được nhiều gia đình thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu thờ cúng tổ tiên và thực thi tín ngưỡng tôn giáo. Thờ Phật thường thiết trí tại tủ thờ phía trước, bàn thờ tổ tiên nằm lùi về phía sau của gian thờ.


Ngày nay, do tác động của nếp sống mới, gia đình có gian thờ và bàn thờ cổ không còn nhiều. Tuy nhiên, không gian tâm linh, thờ cúng trong những ngôi nhà hiện đại vẫn chiếm vị trí hết sức quan trọng. Đó chính là hồn Việt trong ngôi nhà. Trong thiết kế nhà hiện đại, khó khăn lớn đối với gia chủ là làm sao để đạt được sự hài hòa cần thiết giữa không gian tâm linh bên cạnh không gian sinh hoạt. Một căn nhà chỉ có phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ… mà thiếu hẳn một không gian thích hợp để thiết kế gian thờ thì đó là một thiếu sót. Nhà hiện đại thường thiết kế dành hẳn một gian thờ hoặc kết hợp gian thờ với phòng khách. Đồ để thiết trí không gian thờ tự phổ biến nhất vẫn là bàn hay tủ thờ. Gia đình diện tích rộng, có gian thờ riêng thường chọn tủ, bàn thờ để thiết lập không gian thờ cúng. Gia đình có diện tích nhà nhỏ hẹp, giải pháp ban thờ nhỏ là sự lựa chọn số một. Người ta thường lập ban thờ bằng gỗ, nhôm đóng trên tường, có khi là trên nóc tủ... để đặt bát hương, khung ảnh thờ người quá cố. Trong các ngôi nhà hiện đại, vị trí thiết lập không gian thờ có nhiều khác biệt so với phong tục cổ truyền song bàn thờ tổ tiên vẫn luôn hiện diện trong mọi gia đình người Việt. Đó chính là nơi vật thể hóa những tình cảm, tránh nhiệm của người sống với các thế hệ trước của gia đình. Việc thờ cúng đó không chỉ là cách biểu lộ tình cảm, tưởng nhớ tiền nhân mà còn là văn hóa Việt, là sợi dây tinh thần nối kết các thế hệ với nhau. Trong không gian thiêng của ngôi nhà, ngoài việc tưởng nhớ tổ tiên, mọi vui buồn trong gia đình đều được gia chủ báo cáo để ông bà về chứng giám; giàu có thì mâm cỗ, khá chút thì hoa quả, đĩa xôi, chén rượu… nghèo thì nén hương, chén nước sạch. 

Khi còn nhỏ, chúng ta thường thấy cha mẹ nghiêm trang, kính cẩn khấn vái trước bàn thờ và làm cơm cúng trong các ngày giỗ ông bà tổ tiên hai bên nội ngoại. Lớn lên, bản thân chúng ta lại thành kính nối tiếp cha mẹ để thờ phụng ông bà tổ tiên. Và mỗi khi chắp tay quì trước bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương, trong một không gian thiêng liêng thành kính là lập tức trí tưởng tượng lại được khơi dòng. Ta có thể tưởng tượng thấy đâu đây vóc dáng lực lưỡng cầm dao phát rừng khai hoang của ông cha xưa; thấy mẹ trầm mình cấy lúa trong mưa lạnh để nuôi ta nên hình nên vóc... Và cứ thế, một nhân cách, một tâm hồn hình thành hồi nào không biết trong mỗi không gian thiêng của những ngôi nhà Việt. Đó là nhân cách, là tâm hồn của những con người biết trước biết sau, tỏ tường công lao trời biển của ông bà cha mẹ. 

Văn hóa tâm linh là loại hình văn hóa tinh thần đặc thù của dân tộc Việt Nam, là sự bày tỏ tình cảm linh thiêng, sự tri ân của những người đang sống đối với những người đã mất. Thờ cúng tổ tiên chính là một phần quan trọng, là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt xưa và nay. Trong tâm thức người Việt, những người thân yêu đã khuất núi luôn sống trong tình cảm tôn kính, yêu thương gần gũi của người hiện tại. Không nhất thiết phải  mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên trong ngày kỵ giỗ, lễ tết, hiếu hỷ thì con cháu trong gia đình cũng đã thể hiện được tấm lòng thành kính, về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất. Trong cái không gian thiêng và thời gian thiêng đó, từ sâu thẳm trong tâm hồn của con người, quá khứ và hiện tại bỗng giao hòa vào nhau rất gần gũi, rất hiện hữu, không có cái cảm giác cách biệt. Chính sự rung cảm thiêng liêng đó đã góp phần tu chỉnh ý thức và hành vi của người đang sống sao cho tốt hơn, hoàn thiện hơn, có tính nhân văn hơn. 

           (1) Bộ tam sự gồm lư hương và cặp chân đèn, ngũ sự là bộ tam sự cộng thêm bình hoa và quả bồng, thất sự là bộ ngũ sự cộng thêm ống hạp hương và lư trầm

           (2) Phạm Côn Sơn, Văn hóa phong tục Việt Nam ABC, nxb Văn hóa dân tộc, 2002, tr.1127-1128

           (3) Nhất Thanh – Vũ Văn Khiếu, Phong tục lng xĩm Việt Nam, nxb tr.267

           (4) Phạm Côn Sơn, Văn hóa phong tục Việt Nam ABC, nxb Văn hóa dân tộc, 2002, tr.1126.

 Một số không gian thờ tự của người Việt: