VÀI NÉT VỀ CỔ VẬT NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM
Lan Phong
Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử hình thành đất nước Việt Nam hôm nay, do vị trí địa chính trị quan trọng của khu vực nên có thể thấy nước ta ngay từ xa xưa đã có sự giao lưu giữa văn hóa bản địa với nhiều dòng văn hóa ngoại nhập đến từ Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Âu, Mỹ, Đông Nam Á…Dấu ấn của các nền văn hóa ngoại nhập giao thoa với truyền thống văn hóa bản địa thể hiện từ chữ viết từ tượng hình đến la tinh, đổi mới từng bước nền giáo dục học đường, truyền bá kiến thức khoa học kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, ăn mặc, phong tục, phong cách giao tiếp, kiến trúc, công cụ sản xuất, phương tiện giao thông vận tải, đồ dùng sinh hoạt, sử dụng hàng hóa… Thông qua các cổ vật còn tồn tại đến nay ở Việt Nam đã chứng minh rất rõ dấu ấn văn hóa nước ngoài đã tồn tại ở Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước.
Các cổ vật chất liệu đồng, gốm sứ, gỗ… Trung Hoa có lẽ còn nhiều nhất ở nước ta so với cổ vật của các nước khác bởi nhà nước phong kiến Trung Hoa là nước lớn kề liền biên giới nước ta, có thời gian đế chế ấy đã đô hộ vùng đất này sớm nhất từ đầu công nguyên và kéo dài hàng ngàn năm. Còn với các nước khác, thông qua các nhà truyền giáo, các hãng buôn châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản đã mang hiện vật đến nước ta muộn hơn nhiều so với Trung Quốc. Ngày nay ở Việt Nam có một số người thích thú sưu tập cổ vật nước ngoài là đồ gốm sứ, đồ đồng, đồ gỗ, ngọc… Trung Quốc; các loại đồng hồ dùng cót hoặc qủa lắc, đền thắp sáng dùng dầu hỏa, chân nến bạc, tượng chúa, tượng thánh trong nhà thờ, vũ khí… châu Âu; gốm, sứ, kiếm Nhật…
Cổ vật nước ngoài phong phú về loại hình và chất liệu, được nhiều người Việt Nam hiện nay đam mê sưu tập, đó là đồ “sứ ký kiểu Trung Hoa & Châu Âu”, đồng hồ các loại, đèn dầu, chân nến thắp sáng, quạt điện, xe đạp, môtô, ôtô cổ ...
Trong khuôn khổ của bài viết chỉ xin nói sơ lược về một số cổ vật nước ngoài hiện có giá trị cao ở Việt Nam, đó là “sứ ký kiều Trung Hoa” và “đồng hồ đeo tay dùng cót, đòng hồ cót, quả lắc treo tường, đặt đứng hoặc có trang trí kèm các pho tượng của châu Âu chế tạo  mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong các số Tạp chí CVTH xuất bản trước đây, trong số báo này chỉ xin tóm tắt giới thiệu hai loại cổ vật, đó là đồ“sứ ký kiểu châu Âu” và “đèn thắp sáng bằng dầu hỏa Âu-Mỹ
ĐỒ “SỨ KÝ KIỂU CHÂU ÂU”
Việt Nam ngay từ thời LÊ - TRỊNH - NGUYỄN kéo dài từ cuối thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19 nổi lên một dòng cổ vật “Đồ sứ ký kiểu Trung Hoa” do vua, chúa Việt Nam đặt các lò gốm sứ nổi tiếng Trung Hoa làm theo mẫu mã, ghi hiệu đề riêng để mang về dùng trong cung phủ. Mở đầu là các chúa Trịnh ở mền Bắc Việt Nam cho đặt làm các bát điã mang hiệu đề “Nội phủ Thị Trung, Thị Bắc, Thị Nam, Thị Đoài; Khánh Xuân Thị tả…”, sau đó các chúa Nguyễn đằng trong cũng cho đặt làm tại Trung Hoa đề về dùng và chưa giám đặt hiệu riêng mà thường lấy tên lò sản xuất ghi ở mặt dưới trôn món bát, đĩa... Đến khi Vua Gia Long lên ngôi năm 1802 thì triều Nguyễn bắt đầu cho đặt làm các bát điã, điếu, ông nhổ, thống, chậu…bằng sứ ở Trung Hoa và có ghi hiệu đề phía dưới trông các món đồ như “Gia Long, Chữ “Nhật”, Thiệu trị, Tự Đức…”. Khi nghiên cứu về gốm sứ cổ Vịêt Nam thời Lê,Trịnh, Nguyễn người Pháp gọi chung là đồ sứ “Bleu de Hue” - tức đồ sứ men xanh trắng Trung Hoa do vua chúa Việt Nam mà nay có kinh đô ở Huế đặt mua về dùng trong cung, phủ - để chỉ đó là các đồ sứ ngự dụng của vua chúa Việt Nam đặt làm ở các lò sứ cao cấp của Trung Hoa bao gồm kể từ thời Lê - Trịnh chứ không phải chỉ đến thời Huế là kinh đô mới có.
Nhiều người buôn bán cổ vật ở ta đã lợi dụng từ “Bleu de Hue” để bịp bán những đồ sứ xanh trắng giả cổ do các lò sứ Trung Quốc mới sản xuất ra sau này cho những người thiếu hiểu biết về “đồ sứ ký kiểu Trung Quốc”. 
Đối với “đồ sứ ký kiểu” thời Lê - Trịnh - Mạc - Nguyễn mặc dầu là sản phẩm của người Trung Quốc đã làm ra rất tuyệt vời tại các lò “Quan Diêu”, nhưng cho đến ngày nay chính các nhà sưu tập chơi cổ vật Trung Quốc lại không quan tâm tìm giữ những loại cổ vật này. Ngay cả các bảo tàng Âu, Mỹ cũng không coi đây là cổ vật của Việt Nam, trong khi đó chỉ người Việt Nam lại quý và mua bán với nhau với giá rất cao vì chúng là đồ ngự dụng thời Lê -Trịnh - Nguyễn.
Các số Tạp chi CVTH trước đây chúng tôi đã có nhiều bài viết và hình ảnh giới thiệu về dòng cổ vật này.
*
*      *
Còn dòng cổ vật “sứ ký kiểu châu Âu” do triều đình nhà Nguyễn đặt lò sứ sản xuất ở nước Pháp xuất hiện từ thời vua Khải Định đầu thế kỷ 20. Thời Khải Định, Bảo Đại Việt Nam đã bị Pháp đô hộ, lúc này triều đình bù nhìn nhà Nguyễn cho đặt làm bát, đĩa, âu, liễn, thìa…bằng sứ theo kích thước, kiểu dáng châu Âu làm ra từ các lò sứ nổi tiếng của Pháp để mang về trong cung phủ dùng khi tổ chức tiệc tùng đãi khách người Âu và dùng khi ăn các món Tây.
Bên cạnh Khải Định, Bảo Đại cho đặt làm, các nhà tư sản, điền chủ, công chức cao cấp người Việt Nam cũng mua đồ sứ châu Âu về dùng. Ngoài đồ sứ ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 còn có nhưng mặt hàng châu Âu cao cấp như ô tô, xe máy, xe đạp, đèn dầu, đồng hồ, máy khâu, bàn ghế, tủ gường gỗ kiểu dáng, họa tiết châu âu... Hiện nay số lượng cổ vật “sứ ký kiểu” và những đồ dùng khác Việt Nam đặt làm ở châu Âu thời kỳ đó còn giữa lại ở Việt Nam không nhiều vì chiến tranh li tán, nước mất nhà tan, triều đình thoái vị…

CHƠI ĐÈN DẦU CỔ
Từ xa xưa nhân loại dùng dầu thực, động vật để thắp sáng bằng các đĩa đèn, chân đèn, giá nến. Về sau khoảng thế kỷ 17 người Mỹ tìm ra dầu mỏ và chế biến thành dầu hỏa để thắp sáng, do vậy họ đã chế tạo ra các cây đèn chứa dầu để đốt thay cho các đĩa chứa dầu thời trước. Thế là đền dầu ra đời từ thời đó và người ta đặt tên là “đèn Hoa kỳ”.
Trải qua thời gian, các cây đèn dâu hỏa được các nhà sản xuất Âu-Mỹ nghiên cứu chế tác rất tinh xảo và mỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp xã hội. Vật liệu làm đền dầu chủ yếu là đồng, hợp kim đồng. Đèn cao cấp còn kết hợp dùng đá mầu làm chân đền và thủy tinh (mầu hoặc mờ) cao cấp làm chóa để trang trí và chống nóng. Tất nhiên đến khi nhân loại phát minh ra dòng điện để thắp sáng thì dần dần ở những nơi có điện người ta không còn thường xuyên dùng đèn dầu hỏa nữa. Ở nước ta do lạc hậu nên hiện vẫn còn có nơi còn dùng đèn dầu để thắp sáng vì chưa có điện hoặc hay bị mất điện.
Do lịch sử ra đời và tồn tại của đền dầu gắn với cuộc sống của con người - đặc biệt ở Việt Nam - như vậy nên một số người Việt hiện tại vẫn muốn trong nhà có cây đèn dầu cổ đẹp do các nước Âu - Mỹ sản xuất để bầy trang trí trong nhà hoặc trên bàn thờ gia tiên nhằm cầu mong gia đình luôn được “tỏ tường” trong cuộc sống. Tất nhiên ở một số nước khác cũng có nhu cầu chơi đèn dầu cổ.
Chúng tôi biết hiện ở Việt Nam đã có một số người đi công tác nước ngoài mang đèn dầu cổ châu Âu về chơi và cũng có một số người nhập khẩu đèn dầu về để đáp ứng nhu cầu chơi, sưu tập đèn dầu trong nước. Tất nhiên cũng như đồng hồ cổ, đèn dầu hỏa cũng bị làm giả không ít ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu thị trường theo quy luật cung - cầu. Mà theo công nghệ hiện đại thì làm giả đền dầu, đồng hồ cót, quả lắc cổ không khó như làm giả đồ gốm sứ, do vậy chơi sưu tập đèn dầu cổ cũng không hề dễ! Nếu có nghề sẽ phân biệt được đâu là thật và đâu là giả cổ.
Ở Hà Nội có một nơi trưng bầy khá nhiều đèn dầu cổ, giá nến, tượng đẹp, giá trị được mua về từ châu Âu. Xin giới thiệu hình ảnh một số đèn dầu, giá nến, tượng đồng để những ai ưa thích sưu tập loại hình cổ vật này đến chiêm ngưỡng.