VỀ BA KHẨU SÚNG THẦN CÔNG HÀ LAN
Ở BẢO TÀNG CỔ VẬT CUNG ĐÌNH HUẾ
Philippe TRUONG
Trong sưu tập súng thần công hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (BTCVCĐ Huế) có 3 khẩu súng có nguồn gốc từ Hà Lan. Đó là các khẩu súng mang các số đăng ký: BTH-TB KL2 52, BTH-TB KL53 và BTH-TB KL54  
Trong những lần về Huế, ghé thăm BTCVCĐ Huế, tôi rất quan tâm đến nguồn gốc, lai lịch của 3 khẩu thần công này nhưng chưa có điều kiện khảo cứu kỹ. Dịp may ấy đã đến khi tôi có cơ hội tiếp cận với những tài liệu lưu trữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan(VOC) và đã tìm được lai lịch của 3 khẩu súng đặc biệt này. Những tài liệu này đã ghi nhận mối quan hệ thương mại giữa Hà Lan, thông qua Công ty Đông Ấn Hà Lan, với chính quyền của các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đặc biệt là việc trao đổi và cung ứng vũ khí cho chúa Trịnh, cũng như lý do vì sao các khẩu thần công này lại xuất hiện ở Huế và trở thành cổ vật của BTCVCĐ Huế.
1. Khẩu thần công mang số đăng ký BTH-TB KL2 52
Ảnh 1: Súng thần công do ông Gerard Koster Bé đúc năm 1661 đang trưng bày tại BTCVCĐ Huế.
Đây là khẩu thần công bằng đồng, dài 207cm, đường kính miệng 10cm, do ông Gerard Koster đúc tại Amsterdam (Hà Lan) năm 1661(nh 1). Thông tin này được thể hiện bởi dòng chữ “GERARD KOSTER ME FECIT AMSTELREDAMI A° 1661” đúc nổi ở vành chuôi súng. Dưới dòng chữ này là con số 1364, cho biết súng có trọng lượng 1364 livre (khoảng 682 kg). Mặt trên và mặt bên của chốt súng, có dòng chữ Hán, được khắc thêm về sau: (tứ xích bát nhị thốn nhị: dài 4 thước 82 tấc 2 phân). Tuy nhiên, chữ bát khắc ở mặt trên chốt súng là , trong khi chữ bát ở mặt bên chốt súng lại là .
Thân súng hình trụ, gồm 3 phần: nòng súng, bầu súng và chuôi súng. Chuôi súng lớn, càng về phía đầu nòng thì thân súng càng nhỏ dần, đến miệng súng thì loe rộng. Phía trên thân súng có 2 quai cách điệu thành hình 2 con cá heo, mỏ và đuôi cá gắn vào thân súng. Hai bên vị trí của quai súng có hai chốt súng hình trụ tròn, dùng để gắn súng vào giá đỡ hoặc bệ súng. Phần trên chuôi súng có lỗ châm ngòi hình tròn. Phần cuối chuôi súng là núm súng thể hiện hoa văn hình nón thông với lá cây ô rô. Kiểu hoa văn này là kiểu hoa văn đặc trưng trên những khẩu súng thần công sản xuất tại Hà Lan vào thế kỷ XVII.
Trang trí trên thân súng khá cầu kỳ: một hoa dây lá ô rô, một thuyền buồm, trên chữ A và chữ VOC (ảnh 2). Dấu hiệu VOC là chữ viết tắt của Vereenigde Oost-Indische Compagnie (Công ty Liên hiệp Đông Ấn, thường gọi tắt là Công ty Đông Ấn), còn chữ A tượng trưng cho Phòng Amsterdam.
Ảnh 2: Biểu tượng của Công ty Đông Ấn Hà Lan trên khẩu súng thần công đúc năm 1661 ở BTCVCĐ Huế.
Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, các công ty tư nhân Hà Lan khởi sự hoạt động thương mại với Ấn Độ (1597), Nhật Bản (1600) và Trung Quốc (1601). Để bảo vệ quyền lợi và cạnh tranh với người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, Công ty Đông Ấn Hà Lan được thành lập tại Amsterdam vào năm 1602, tập hợp các công ty thương mại tư nhân ở các tỉnh thành của Hà Lan. Công ty Đông Ấn Hà Lan mở 6 phòng đại diện thương mại ở 6 tỉnh thành (Amsterdam, Delft, Enkhuisen, Hoorn, Rotterdam và Zederland)1. Phòng Amsterdam có thế lực mạnh nhất vì họ đóng góp hơn 50% số vốn của công ty nên được bổ nhiệm 8 đại diện. Đây là công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng cổ phiếu. Ngoài hoạt động thương mại, được sự thỏa thuận với Quốc hội Hà Lan, Công ty Đông Ấn Hà Lan còn có quyền thay mặt cho Chính phủ để sở hữu tài sản ở hải ngoại, quyền thương lượng hiệp ước, tham gia chiến tranh, đúc tiền (ảnh 3), thành lập bộ máy ở thuộc địa và bổ nhiệm Toàn quyền ở hải ngoại.
Ảnh 3: Một đồng tiền Hà Lan do Công ty Đông Ấn Hà Lan phát hành năm 1753.
Hình chiếc thuyền buồm ba cột có treo cờ Hà Lan trên khẩu thần công này (ảnh 4) chính là loại thương thuyền mà Công ty Đông Ấn Hà Lan sử dụng trong hoạt động mậu dịch giữa Hà Lan với các nước Đông Nam Á. Đồng thời, đây cũng là hình ảnh biểu tượng của Công ty Đông Ấn Hà Lan, thường được thể hiện trên các dấu triện của các Toàn quyền. Trên bức tranh “Vinh quang của VOC”, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Rijskmuseum ở Amsterdam (ảnh 5) do họa sĩ Jeroninus Becx le Jeune vẽ năm 1650, có hình một chiếc thuyền lướt trên sóng biển trong một hình vuông, chứng tỏ đây là biểu tượng của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Phía trên hình cái khiên trong bức tranh này còn có một quả địa cầu và nhiều thứ vũ khí (súng thần công, súng trường, gươm, giáo, cờ, kèn) và các dụng cụ hàng hải (la bàn, bánh lái, địa bàn) bao quanh. Hai bên có hai vị thần nâng đỡ biểu tượng này, bên trái là thần Neptune, bên phải là nữ thần Fortuna. Theo huyền thoại Hy Lạp và La Mã, Neptune là thần đại dương, còn nữ thần Fortuna là biểu tượng của cơ nghiệp. Như vậy, bức tranh này ngụ ý rằng vinh quang và cơ nghiệp của Công ty Đông Ấn Hà Lan nhờ vào hàng hải và sự hiện diện của các vật dụng mang tính biểu tượng trên bức tranh này chứng tỏ rằng Công ty Đông Ấn Hà Lan không chỉ có các quyền hành trong lĩnh vực thương mại mà còn có thể sử dụng vũ lực. Hình ảnh chiếc thuyền buồm và chữ VOC ở trên khẩu thần công ở BTCVCĐ Huế chứng tỏ rằng khẩu thần công này được đúc riêng cho một chiếc thuyền rất quan trọng của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Loại súng này cũng có trong các thuyền của Hà Lan hoạt động ở Batavia.
Ảnh 4: Tran trí trên khẩu súng thần công đúc năm 1661 ở BTCVCĐ Huế
Ảnh 5: Bức tranh "Vinh quang của VOC" do Jeronimus Becx le Jeune vẽ. Hiện vật của Bảo tàng Rijskmuseum ở Amsterdam.
Gerard Koster (1627-1679) ở Amsterdam, còn được gọi là Gerard Koster The Younger (Gerard Koster Bé), là thợ đúc khẩu súng này. Ông xuất thân từ một gia đình nổi tiếng về nghề đúc chuông và súng thần công. Ông nội của ông là Gerard Koster The Elder (Gerard Koster Lớn), đã qua đời năm 1618, là người đã lập một xưởng đúc đồng ở ngoại ô thành phố Amsterdam từ trước năm 1606. Mẹ ông, Trinje, là con gái của thợ đúc đồng nổi tiếng Willem Wegeweart The Elder (Willem Wegeweart Lớn) ở Deventer. Gerard Koster Lớn khởi sự học nghề đúc đồng tại xưởng Deventer trước khi ra mở xưởng riêng. Sau khi thợ cả Cornelis van Ammelrooy qua đời (1606), Gerard Koster Lớn được cử là người đúc chuông và súng thần công chính thức của thành phố Amsterdam. Năm 1614, ông dọn xưởng về bên bờ kênh Lijnbaansgracht trong thành phố Amsterdam. Hiện nay, nơi này còn giữ được mấy khẩu thần công do ông đúc vào các năm 1614, 1616 hoặc 16172 (ảnh 6). Trên vành chuôi súng của khẩu thần công này có dòng chữ đúc nổi “CARHARDUS KOSTERUS ME FECIT AMSTERDAM”. Hình dáng của khẩu súng tương tự với các khẩu thần công của Hà Lan vào thế kỷ XVI - XVII, cũng như khẩu thần công ở BTCVCĐ Huế.
Ảnh 6: Súng thần công do Gerard Koster the Elder đúc năm 1617.
Con trai của Gerard Koster Lớn là Assuérus Koster (1604-1661) tiếp tục công việc của cha. Năm 1626, sau khi ông Arent van der Put chết, Assuérus Koster được cử làm người đúc chuông và vũ khí chính thức của thành phố Amsterdam. Chuông do ông đúc rất được đánh giá cao và từ năm 1633 đến 1650 xưởng của ông đã đúc rất nhiều chuông, như chuông nhà thờ Westertoren tại Amsterdam nặng đến 7.500 kg. Sau khi ông François Hermony được cử làm người thợ đúc kế tiếp của thành phố thì lượng chuông đặt cho ông đúc đã giảm bớt. Nhưng vũ khí do ông đúc thì vẫn còn được hoan nghênh và tiếp tục được đặt hàng. Ông cung ứng súng thần công cho Công ty Đông Ấn Hà Lan, cho thành phố Amsterdam, cho Bộ tư lệnh hải quân của Amsterdam và Rotterdam. Nhiều bảo tàng ở Hà Lan còn lưu giữ các sản phẩm của ông. Năm 2007, trong một cuộc đấu giá tạiLondon, một khẩu thần công có trang trí huy hiệu của Bộ tư lệnh hải quân Amsterdam, dài 318,6 cm, có đúc dòng nổi chữ “ASSUERUS. KOSTER. ME. FECIT. AMSTELREDAMI. ANNO. 1650”, đã được mua với giá 36.000£.
Năm 1661, sau khi Assuérus Koster qua đời, Gerard Koster Bé, còn có tên là Gerry, đã giành lại xưởng đúc của người cha và mặc dù có sự cạnh tranh với Hermony, nhưng Gerard Koster Bé vẫn được tiến cử làm thợ đúc chuông và vũ khí bằng đồng của thành phố Amsterdam. Công việc làm ăn của ông rất phát đạt và ông trở thành một người giàu có của thành phố. Súng thần công của ông được đánh giá cao và được lưu giữ trong các bảo tàng và sưu tập tư nhân, như trong bộ sưu tập Visser nổi tiếng.
Em của Gerard Koster Bé là Assuerus Koster The Younger (Assuerus Koster Bé), di cư đến Copenhaguen (Đan Mạch) và trở thành là một thợ đúc súng thần công nổi tiếng ở xưởng đúc Copenhaguen của vua Christian V (1670 - 1699).
Vậy là, khẩu thần công mang số hiệu BTH-TB KL2 52 hiện đang trưng bày ở BTCVCĐ Huế là một cổ vật có giá trị, do ông Gerard Koster Bé, nghệ nhân đúc súng chính thức và danh tiếng của thành phố Amsterdam chế tác năm 1661, cho một thương thuyền của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Đáng chú ý là các khẩu súng có đúc hình chiếc thuyền buồm, biểu tượng của Công ty Đông Ấn Hà Lan là rất hiếm, vì phần lớn các khẩu súng có trên thương thuyền của công ty này chỉ được ghi tắt 3 chữ VOC.
Trong bài viết về các khẩu súng thần công của VOC tại Huế, ông Cosserat3 cho biết khẩu súng hiện đang trưng bày tại BTCVCĐ Huế nguyên được đặt trong sân tòa Khâm sứ Pháp tại Huế. Đây là vũ khí mà quân Pháp đã tịch thu được khi đánh chiếm kinh đô Huế vào tháng 7.1885 và được đem ra Hà Nội để đúc thành đồng. Tuy nhiên, vẫn có một số súng thần công thoát khỏi sự phá hủy, nhờ các mối liên hệ lịch sử và được trả lại cho triều đình Huế. Chúng được giữ lại nơi các tôn miếu, tại dinh của Thống đốc hoặc dinh Khâm sứ hay được chuyển về Pháp.
Theo tôi, khẩu súng thần của của Gerard Koster Bé đúc năm 1661 đã hiện diện ở Huế vào thời nhà Nguyễn. Vì theo hồ sơ lưu trữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan thì công ty này không bao giờ tặng hoặc buôn bán súng thần công với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Các khẩu súng thần công Hà Lan có ở Đàng Trong là những khẩu súng bị tịch thu từ các tàu thuyền của Hà Lan bị đắm. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1633, khi thuyền Kemphaan bị mắc cạn và số vũ khí trên thuyền đã bị chiếm đoạt. Năm 1636, Công ty Đông Ấn Hà Lan cử ông Abraham Duijcker đến Phú Xuân yết kiến chúa Nguyễn, trước tiên là để khiếu nại, nhằm đòi lại số tiền 23.580 réaux mà Đàng Trong đã chiếm đoạt khi chiếc tàu Grootenbroek bị đắm ở gần quần đảo Hoàng Sa và đòi lại các khẩu súng thần công của tàu Kemphaan, sau đó, mới bàn chuyện ký kết các hiệp định thương mại. Chúa Nguyễn Phúc Lan cho rằng những điều mà Abraham Duijcker khiếu nại là việc đã xảy ra dưới triều của tiên vương (chúa Nguyễn Phúc Nguyên), nay không nên thảo luận nữa. Chúa chỉ đồng ý là từ nay trở đi, Công ty Đông Ấn Hà Lan có quyền tự do thương mại ở Đàng Trong, được miễn thuế bến bãi và trong trường hợp có thuyền của Hà Lan bị đắm thì hàng hóa sẽ không bị đánh thuế hoặc tịch thu. Trong thư gửi cho Toàn quyền Hà Lan tại Batavia, ông Duijcker cho biết rằng 18 khẩu súng của thuyền Kemphaan hiện đang được bài trí trong phủ chúa. Ban lãnh đạo của Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Batavia không chấp thuận quyết định của chúa Nguyễn, nên cử ông Couckebacker đến Phú Xuân để khiếu nại lần nữa. Chúa Nguyễn Phúc Lan kiên quyết không trả số tiền trên, mà chỉ giao lại hai khẩu súng. Lần cuối cùng có thuyền của Hà Lan bị đắm là lần chiếc thuyền Der Gooes bị đắm dọc bờ biển Đàng Trong vào tháng 3.1661và chúa Nguyễn đã tịch thu được 62 khẩu thần công từ chiếc thuyền này. Sau sự kiện này, thư tịch của Công ty Đông Ấn Hà Lan không còn ghi chuyện thuyền Hà Lan bị đắm tại Đàng Trong nữa. Như thế khẩu súng thần công của Hà Lan ở BTCVCĐ Huế không thể là vũ khí do chúa Nguyễn tịch thu từ tàu của Hà Lan, mà là hiện vật có mối liên quan với Đàng Ngoài. Vả lại, ông Le Breton4 cho biết rằng một khẩu súng tương tự (chỉ khác các hoa văn trang trí ở trước chốt súng) cũng do ông Gerard Koster Bé đúc cùng năm 1661, trước kia được đặt trong sân tòa Khâm sứ Pháp tại Vinh. Điều này chứng tỏ các khẩu súng của ông Gerard Koster Bé đúc, trước đây là vật sở hữu của Đàng Ngoài.
Đối với Đàng Ngoài, thì từ năm 1649, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã mua giúp súng thần công từ Hà Lan cho chính quyền chúa Trịnh. Tháng 11.1649, Công ty Đông Ấn Hà Lan giao cho chúa Trịnh Tráng 2 khẩu thần công bằng gang và 10 khẩu thần công bằng đồng. Chúa rất hài lòng về việc này. Năm 1651, ông Jan de Groot biếu cho chúa 2 khẩu thần công bằng gang mà ông Keijser đã hứa tặng nếu thương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan được duy trì tại Kẻ Chợ (Hà Nội). Từ năm 1652 đến năm 1654, theo quyết định của chúa Trịnh, hàng năm Công ty Đông Ấn Hà Lan nộp 3 khẩu thần công và 10.000 lượng bạc thay cho tiền thuế bến bãi. Năm 1655, thuyền Cabo de Jasquis mua giúp chúa Trịnh 9 khẩu súng, mặc dù vậy, chúa vẫn tịch thu thêm 7 khẩu súng của thuyền này. Tháng 7.1657, thuyền Hà Lan lại cập bến, mang theo súng thần công mua theo yêu cầu của chúa. Năm 1661, chúa lại đòi thêm 6 khẩu thần công có trên thuyền Meliskerken và người Hà Lan phải chấp nhận. Mùa hạ năm 1662, 3 chiếc thuyền: Klaverskerke, Roode Vos và Bunschoten, đã đem đến Kẻ Chợ 10 khẩu súng thần công bằng đồng để đổi lấy tơ lụa. Trong thời gian này thì những khẩu thần công do Gerard Koster Bé đúc năm 1661 chưa thể gửi đến Batavia trước năm 1662 hoặc 1663.
Năm 1667, để chuẩn bị chiến tranh với Đàng Trong, chúa Trịnh Tạc nhờ Công ty Đông Ấn Hà Lan mua thêm súng thần công bằng đồng vì súng bằng gang quá nặng cho thuyền của Đàng Ngoài. Ba năm sau, chúa yêu cầu một lần nữa, nhưng phải đến năm 1674 thì Công ty Đông Ấn Hà Lan mới cho thuyền Papegaai và Voorhout chở thần công và đạn đại bác sang Đàng Ngoài cho chúa Trịnh. Đây là lần sau cùng Công ty Đông Ấn Hà Lan chuyển giao súng thần công cho chính quyền chúa Trịnh. Như thế, hai khẩu súng do Gerard Koster Bé đúc năm 1661 chỉ có thể được bán cho chúa Trịnh vào năm 1674. Lý do của việc buôn bán các khẩu súng đồng này là từ năm 1650 trở đi, người Hà Lan thích dùng súng bằng gang do chúng bền hơn, trong khi các chúa Trịnh lại chuộng súng bằng đồng nên người Hà Lan đã mang các khẩu súng đồng cũ sang Đàng Ngoài bán cho chúa Trịnh.
2. Khẩu thần công mang số đăng ký BTH-TB KL2 53
Đây là khẩu thần công bằng đồng, dài 197cm, đường kính miệng 10cm (ảnh 7), do ông Kylianus Wegewaert thực hiện tại Kampen (Hà Lan) năm thứ 15 (1640). Thông tin này được thể hiện bởi dòng chữ “KYLIANUS. WEGEWART. ME. FECIT. CAMP. 15. A°” đúc ni ở vành chuôi súng (nh 8). Phía dưới có khắc con số 1355, cho biết súng nặng 1355 livre (khoảng 677,5 kg). Mặt trên và mặt bên của chốt súng, có dòng chữ Hán, được khắc thêm về sau: 四 尺 六 二 寸 三 (tứ xích lục nhị thốn tam: dài 4 thước 62 tấc và 3 phân). Khẩu súng này được BTCVCĐ Huế đăng ký số hiệu là BTH-TB KL2 53.
Ảnh 7: Súng thần công do Kylianus Wegewaert đúc năm 1640 đang trưng bày tại BTCVCĐ Huế.
Ảnh 8: Dòng chữ đúc nổi trên vành chuôi súng.
Kylianus Wegewaert cũng xuất thân từ một gia đình nổi tiếng về nghề đúc chuông và súng thần công ở Hà Lan. Ông nội của Kylianus Wegewaert là Wolter Wegewaert (1548 - 1592), quê gốc tại Münster (Đức), cùng với người anh là Willem Wegewaert The Elder (Willem Wegewaert Lớn), di cư đến Deventer (Hà Lan) và mở một xưởng đúc đồng ở đó vào trước năm 1554, năm mà ông trở thành công dân của thành phố Deventer.Là một thợ đúc súng trứ danh, Wolter được giao nhiệm vụ đúc súng để phòng thủ thành Deventer, trong khi người anh của ông được cử làm thợ đúc chuông chính thức của thành phố này vào năm 1547. Con gái của Willem Wegewaert Lớn là Trinje, chính là bà nội của Gerard Koster Bé, người đã đúc khẩu súng được đề cập trong phần đầu bài viết này.
Về sau, Henrick Wegewaert The Elder (Henrick Wegewaert Lớn, 1580 - 1624), con trai của Wolter, chuyển đến Kampen và lập ra xưởng đúc chuông đồng ở đây vào năm 1596. Ông đã làm ra nhiều chuông đồng và hiện nơi đây vẫn còn lưu giữ 60 chuông đồng, có cái nặng đến 3750 kg, và nhiều bộ chuông hòa âm, chẳng hạn như chiếc chuông đúc năm 1612 cho nhà thờ Deventer. Ông đã thành một công dân đáng kính, thẩm phán và là ủy viên hội đồng thành phố Kampen.
Sau khi Henrick qua đời (1624), do con của ông còn nhỏ nên vợ ông đứng ra quản lý xưởng đúc cho đến 1626, khi Kylianus Wegewaert trưởng thành thì lên thay thế. Cũng như người cha, Kylianus tiếp tục sự nghiệp đúc chuông và các bộ chuông hòa âm (như bộ chuông cho nhà thờ Walonie tại Rotterdam). Song chuyên môn chính của Kylianus Wegewaert là đúc súng thần công. Nhiều khẩu thần công do ông đúc hiện nay còn lưu giữ trong các bảo tàng, như Bảo tàng Guildhall (Boston, Lincolshire, Anh Quốc, đúc năm 1631), Bảo tàng Rotterdam (Hà Lan, đúc năm 1636). Ông qua đời ngày 04.12.1640 và được mai táng trong nhà thờ Bovenkerk ở Kampen (Hà Lan).
Theo nội dung thể hiện trong dòng chữ đúc trên vành chuôi khẩu súng, thì súng này được đúc vào năm thứ 15, kể từ khi Kylianus Wegewaert bắt đầu khởi nghiệp nghề đúc. Vì trên cái chuông xưa nhứt mà Kylianus Wegewaert đã đúc có ghi năm 1626, nên Cosserat cho rằng khẩu súng thần công ở BTCVCĐ Huế này được đúc vào năm 1640.5
Trang trí trên khẩu súng rất phong phú và tỉ mỉ, với dây lá ô rô cách điệu và những dải hồi văn hoa lá liên hoàn và hình mặt nạ người rất kỳ dị (ảnh 9), tiêu biểu cho các kiểu thức trang trí của châu Âu vào đầu thế kỷ XVII. Sự hiện diện của hoa văn, vòng nguyệt quế bao quanh đồ án lưỡng long tranh châu (ảnh 10) là rất đáng ngạc nhiên, bởi lẽ kiểu trang trí này chưa hề xuất hiện ở Hà Lan lúc bấy giờ. Như vậy có thể xem khẩu súng này sản phẩm đặt hàng của vua chúa Việt Nam thông qua Công ty Đông Ấn Hà Lan. Vả lại, khẩu súng không có quai, giống như các khẩu súng được đúc tại Việt Nam dưới thời vua Lê chúa Trịnh.
Ảnh 9: Hoa văn dây là hình mặt nạ người trang trí trên súng thần công do Kylianus Wegewaert đúc năm 1640.
Ảnh 10: Hoa văn vòng nguyệt quế bao quanh đồ án lưỡng long tranh châu trên súng.
Trong hồ sơ lưu trữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan đều có ghi chép về các vật biếu tặng của công ty này cho các vị chúa Nguyễn nhưng không hề có khẩu súng thần công nào được ghi lại. Ngược lại, trong số quà biếu của ông Hartsinck cho chúa Trịnh vào năm 1637 có 2 khẩu thần công. Chúa Trịnh rất hài lòng với món quà này và cho phép Công ty Đông Ấn Hà Lan quyền tự do thương mại ở Đàng Ngoài và được phép lập một thương điếm tại Phố Hiến. Thái độ này của chúa Trịnh là nhằm khuyến khích Công ty Đông Ấn Hà Lan cung cấp vũ khí để chống lại Đàng Trong. Ngược lại, Công ty Đông Ấn Hà Lan thì muốn mở rộng hoạt động giao dịch tơ lụa với Đàng Ngoài để thu lợi nhuận, đồng thời muốn dùng hành động thương mại này để gây áp lực với Đàng Trong trong vụ đòi bồi thường 23.580 đồng réaux và các súng thần công mà chúa Nguyễn đã tịch thu trên conthuyền của Hà Lan bị đắm ở Hoàng Sa. Song người Hà Lan lại chưa muốn tham gia vào cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn. Năm 1639, chúa Trịnh Tráng cử một sứ giả sang Batavia để thương lượng với Công ty Đông Ấn Hà Lan. Phái đoàn trở về Kẻ Chợ cùng với Couckebacker, thông báo cho chúa rằng Công ty Đông Ấn Hà Lan có thể cung cấp vũ khí để đổi lấy tơ lụa và trong trường hợp chúa cấm hẳn hoạt động thương mại của người Bồ Đào Nha ở Đàng Ngoài thì Công ty Đông Ấn Hà Lan có thể gửi thêm 3 chiến thuyền và 200 quân lính tham gia vào cuộc chiến chống lại Đàng Trong. Tuy nhiên, do quan hệ thương mại không được suôn sẻ vì giá tơ lụa do chúa Trịnh nắm quyền định hoạt và do chúa buộc Công ty Đông Ấn Hà Lan phải ứng trước 50.000 lượng bạc. Ngày 24.7.1639, Couckebacker thay mặt cho Toàn quyền Hà Lan tại Batavia ký liên minh với Đàng Ngoài nhưng cuộc đàm phán thất bại. Năm sau, Hartsinck mang thư của Toàn quyền Hà Lan tại Batavia chấp nhận những điều kiện do chúa Trịnh đặt ra và tỏ ý sẵn sàng tham gia chiến tranh, nhưng chúa Trịnh Tráng lại từ chối. Năm 1641, Công ty Đông Ấn Hà Lan lại gửi thêm 2 bức thư cho chúa Trịnh, và ngày 15.5.1641, ông Paulus Tradenius, Toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan, đã báo cho Toàn quyền Hà Lan tại Batavia rằng chúa Trịnh đã chấp nhận và sẽ cử một phái đoàn đến Batavia.
Như vậy là khẩu thần công mang số hiệu BTH-TB KL2 53 của BTCVCĐ Huế là khẩu súng do Kylianus Wegewaert đúc năm 1640 và là quà Công ty Đông Ấn Hà Lan tặng cho chúa Trịnh để lấy lòng chính quyền Đàng Ngoài. Toàn quyền Paulus Tradenius ở Đài Loan đã thay mặt Công ty Đông Ấn Hà Lan gửi tặng cho chúa Trịnh khẩu thần công này vào tháng Giêng năm 1642 để chúa Trịnh sử dụng trong cuộc chiến chống lại chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
3. Khẩu thần công mang số đăng ký BTH-TB KL2
Ngoài 2 khẩu súng có gốc tích, lai lịch rõ ràng trên đây, BTCVCĐ Huế còn lưu giữ một khẩu súng Hà Lan (ảnh 11) không đề tên người đúc và năm đúc. Trên chốt súng này chỉ bảy chữ Hán được khắc thêm về sau: 五 尺 四 二 寸 三 一 (ngũ xích tứ nhị thốn tam nhất: dài 5 thước 42 tấc 31 phân).
Ảnh 11: Khẩu súng thần công do chúa Trịnh đặt làm vào khoảng các năm 1677-1678.
Hoa văn trang trí trên thân súng là những kiểu thức tiêu biểu của Việt Nam lúc bấy giờ như hoa cúc, hoa thị hoặc hay hồi văn hoa mai liên hoàn (ảnh 12). Ngoài ra, phía trên phần thân sau của súng, có đúc nổi một bông sen trong một hình oval cách điệu như một búp hoa (ảnh 13). Kiểu thứ búp ho cách điệu này lấy ý từ một kiểu hoa văn trang trí của phương Tây nhưng cách thể hiện có phần hơi khác. Điều này cho thấy có sự sao chép các kiểu thức trang trí theo motif châu Âu.
Ảnh 12: Hoa văn Việt Nam trang trí trên khẩu súng do chúa Trịnh đặt làm.
Ảnh 13: Hình hoa sen trang trí trên khẩu súng do chúa Trịnh đặt làm.
Kỹ thuật đúc và chất liệu đồng của khẩu súng này không tốt bằng hai khẩu thần công do Wegewaert đúc năm 1640 và Kosterđúc năm 1661. Theo tôi, đây là khẩu thần công do chúa Trịnh đặt mua của Hà Lan.
Theo hồ sơ lưu trữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan thì vào năm 1671, chúa Trịnh có đặt đúc súng thần công thông qua thương điếm của công ty tại Batavia và chúa đã gửi mẫu súng làm bằng gỗ để thợ Hà Lan theo đó mà đúc lại bằng đồng. Mãi đến năm 1677, Toàn quyền Batavia mới đồng ý cho đúc tại Batavia các khẩu súng mà chúa Trịnh đã đặt hàng và đến tháng 5.1678, thuyền Experiment và Croonvogel mới chở súng sang Đàng Ngoài để bàn giao cho chúa Trịnh Tạc 6 khẩu. Chúa Trịnh rất hài lòng nhưng ông Besselman, người phụ trách thương điếm Hà Lan tại Kẻ Chợ đã gặp nhiều khó khăn khi thu hồi tiền trả cho việc đúc 6 khẩu súng này. Trong thương vụ này, Công ty Đông Ấn Hà Lan thua lỗ 6.000 đồng florin, do đó họ quyết định ngưng việc đúc súng cho chúa Trịnh.
Ba khẩu thần công này là những bằng chứng cho việc mua bán vũ khí giữa chính quyền Đàng Ngoài của chúa Trịnh với Công ty Đông Ấn Hà Lan. Tuy nhiên, 3 khẩu súng này lại là biểu tượng của ba hoạt động tách biệt với nhau:
- Khẩu súng mang số hiệu BTH-TB KL2 53 do ông Kylianus Wegewaert đúc tại Kampen năm 1640 là một món quà do Công ty Đông Ấn Hà Lan đặt làm riêng cho chúa Trịnh, vì thế hoa văn trên súng có hoa văn kiểu Việt Nam, vừa có hoa văn của Hà Lan;
- Khẩu súng mang số hiệu BTH-TB KL2 52 do ông Gerard Koster Bé đúc tại Amsterdam năm 1661 là một bảo vật có trên một thương thuyền quan trọng của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Về sau do lỗi thời nên mới được bán lại cho chúa Trịnh;
- Khẩu súng BTH-TB KL2 52 được đúc vào khoảng các năm 1677 - 1678, là vũ khí do chúa Trịnh đặt làm tại Batavia theo mẫu định sẵn làm bằng gỗ. Vì thế, tuy hình dáng của súng chịu ảnh hưởng của súng thần công Hà Lan, nhưng trang trí trên súng lại mang đặc trưng của văn hóa thời Lê-Trịnh.
Sau cùng, tôi cho rằng, sự hiện diện của những khẩu súng thần công của Hà Lan này ở Huế có ý nghĩa rất lớn trong việc làm mẫu cho để sau này các vua triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiều Trị dựa vào đó để cho đúc súng thần công của triều Nguyễn.
Chú thích
Mỗi văn phòng dùng một chữ cái làm biểu trưng: A biểu trưng cho Phòng Amsterdam, D biểu trưng cho Phòng Delft, E biểu trưng cho Phòng Enkhuisen, H biểu trưng cho Phòng Horn, R biểu trưng cho Phòng Rotterdam và Z biểu trưng cho Phòng Zederland.
2 Hai khẩu súng thần công của Gerard Koster, đúc năm 1616 và 1617 (dài 339 cm), đã đưa ra đấu giá tại London ngày 30.4.2010 và được bán với giá 14.400£.
3 Cosserat H., “Au sujet du monogramme de la Compagnie Néerlandaise des Indes Orientales - Les canons de la Résidence Supérieure” (Về chữ viết tắt của Công ty Đông Ấn Hà Lan - Súng thần công trong tòa Khâm sứ”, BAVH, Oct - Dec/1916, pp. 390-391.
4 Le Breton H., “Le vieux An Tinh”, BAVH, July-Sep/1934, pp.185-186.
5 Cosserat H., “Au sujet du monogramme de la Compagnie Néerlandaise des Indes Orientales - Les canons de la Résidence Supérieure” (Về chữ viết tắt của Công ty Đông Ấn Hà Lan - Súng thần công trong tòa Khâm sứ”, BAVH, Oct - Dec/1916, pp. 392-393.