Về bộ tượng thập điện minh vương tại

Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế

                                              Trương Quý Mẫn

 

Trong kho tàng văn hóa cổ truyền Việt Nam, ngôi chùa là loại văn hóa vật thể ra đời sớm nhất và gắn bó sâu sắc nhất với nhân dân ta. Đó là không gian thiêng, là nơi hành lễ của Phật tử, cũng là nơi truyền dạy những kiến thức xã hội, nhất là đạo đức làm người. Việc giáo dục, truyền giảng ở chùa không chỉ dựa vào kinh sách mà còn được thể hiện bằng hình ảnh. Nếu phật điện là nơi thiết trí tranh tượng chư vị Phật và các vị Bồ Tát và La Hán, thì nơi tả, hữu chính điện, vốn gần gũi với khách thập phương, thường bài trí những tranh ảnh, phù điêu hay các bộ tượng Thập Điện Minh Vương để mọi người tự nhận ra lẽ báo ứng.





I. Vài nét về thập diện minh vương:

Trong quan niệm dân gian ảnh hưởng từ triết lý nhân - quả của nhà Phật, thì Thập Điện Minh Vương là 10 ông vua của cõi âm ty, có nhiệm vụ xét công, luận tội của những người vừa chết, trên cơ sở đó mà ban thưởng hay trừng phạt và cho đầu thai ở kiếp tương ứng. Thập Điện Minh Vương gồm :

1. Tần Quảng Vương.                       6. Biến Thành Vương.

2. Sở Giang Vương.                          7. Thái Sơn Vương.

3. Tống Đế Vương.                           8. Bình Đẳng Vương.

4. Ngũ Quan Vương.                         9. Đô Thị Vương.

5. Diêm La Vương.                           10. Chuyển Luân Vương.

Bảy vị đầu, mỗi vị có nhiệm vụ xét xử 7 ngày (7 x 7 = 49). Vì thế mà thân nhân của người chết tổ chức lễ cúng 49 ngày, gọi là thất tuần hoặc tứ cửu. Vị thứ 8 xét xử trong 51 ngày kế tiếp, nên thân nhân người chết phải tổ chức lễ cúng 100 ngày, gọi là bách nhật. Vị thứ 9 xét xử trong 265 ngày tiếp theo, nên có lễ cúng tròn năm ngày mất, tức ngày giổ đầu, gọi là tiểu tường. Vị thứ 10 xét xử trong một năm kế tiếp. Đây là vị quan trọng nhất, sẽ trực tiếp chuyển linh hồn của người chết qua cõi khác, vì thế vị này mới có tên là Chuyển Luân Vương sau, khi xem xét thật tỉ mỉ những lần xét xử trước đó và xem lại những công tội của linh hồn đang được xét qua một cái gương thần có thể thấy được quá khứ được đặt trong phòng đó. Lễ cúng dành cho người chết vào lúc này được gọi là đại tường, dân gian quên gọi là giỗ hết hay hết khó. Sau đó, tất cả những đồ tang chế sẽ được đốt đi.

Do nhiều yếu tố khác nhau, các bộ tượng Thập Điện Minh Vương được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như: đắp vữa, vẽ màu (chùa Trăm Gian, Hà Tây); chạm trổ, sơn thếp (chùa Huyền Kỳ, Hà Tây), tượng gỗ, sơn thếp (chùa Qui Thiện, Huế); đúc đồng, sơn màu (các chùa Thuyền Tôn và Quốc Ân, Huế). Riêng bộ tượng đang trưng bày ở Bảo tng MTCĐ Huế thì được làm bằng gỗ và đất nung.

 

II. Bộ tượng thập điện MINH VƯƠNG ở BTMTCĐ HUế:

Bộ tượng Thập Điện Minh Vương này nguyên được thờ tại Khương Ninh Các, bên trong Hoàng Thành Huế. Sau trận bão tháng 10 - 1985, Khương Ninh Các bị hư hỏng nặng, các đồ thờ cúng ở đây được chuyển về bảo quản tại BTMTCĐ Huế, trong đó có bộ tượng này. Bộ tượng gồm 10 pho, trong đó có 7 pho được làm bằng gốm và 3 pho được làm bằng gỗ. Từ khi đưa về trưng bày ở BTMTCĐ Huế, mỗi pho tượng được đánh số từ 1 đến 10 bằng chữ Hán theo thứ tự từ trái qua phải (đối với người xem). Toàn bộ tượng đều bị hư hỏng nhẹ. Ngoài pho thứ 2, các pho còn lại đều bị mất râu, hoặc mất các vật cầm trên tay (các pho 4, 5 và 8). Riêng pho thứ 5 bị gãy mất mấy đốt ngón tay trái.

Kích thước và hình dáng các tượng giống nhau: chiều cao tổng thể là 21cm. Đế ngai hình khối chữ nhật, rộng 13cm; sâu 11cm. Phần trên được phân rõ lưng và tay ngai. Phần chân, lưng và tay ngai được sơn màu đỏ. Lưng ngai được trang trí hình một tấm vải phủ lên. Họa tiết trang trí trên tượng rất tinh xảo, phần lớn được đắp nổi, với màu vàng là màu chủ đạo. Các họa tiết được gọt tỉa tỉ mỉ, rất sống động và mềm mại.

Tượng được đặt ngồi trên ngai, lưng thẳng, hai chân mang hài, đặt trên bệ ngai. Mũi hài trang trí những họa tiết giống như chiếc khánh hoặc những đường sứa dọc. Các pho tượng đều đội trên đầu chiếc mũ, kiểu mũ bình thiên (hay bình đính) của các bậc vua đời Hán (202 trước CN - 220 sau CN). Phía trước mũ có trang trí các hình hoa: đào, chanh, hải đường cúc (?). Phía sau mũ là các họa tiết hình nửa cánh hoa các loại hoa như ở phía trước. Riêng các pho thứ 6, 9 và 10, là những tượng được làm bằng gỗ, thì mặt sau trang trí các hình bông hoa nguyên vẹn. Khuôn mặt các tượng đều được được sơn phủ một lớp men màu hồng, có gắn 5 hay 7 chòm râu. Mặt hình trái xoan, hơi bầu, mắt xếch; mũi to; tai to, dái tai dài và dày. Trang phục của các tượng đều giống nhau. Theo quan niệm, đây là những vị vua của cõi địa phủ nên các tượng đều mặc áo vua. Ngực áo có hình hổ phù (rồng mặt nạ). Tay áo trang trí một phần thân và đuôi rồng. Ngoài ra, trên trang phục các tượng còn có nhiều họa tiết mây, hỏa châu, đồng tiền, văn thủy ba, tam sơn... Đây là nét khác biệt giữa bộ tượng Thập Điện Minh Vương ở BTMTCĐ Huế so với các bộ tượng Thập Điện Minh Vương đang thiết trí tại một số ngôi chùa ở Huế như Thuyền Tôn, Quốc Ân, vì những bộ tượng ở các chùa thường không có hoa văn trang trí trên áo. Tuy nhiên, số lượng họa tiết hoa văn, cũng như màu sắc, tư thế tay của mỗi tượng thì khác nhau.

Khi đối chiếu so sánh với những chùa có thờ Thập Điện Minh Vương tại Huế như Thuyền Tôn, Quốc Ân, Qui Thiện, chúng tôi thấy các bộ tượng đã được sơn thếp lại. Theo lời kể của các thầy trụ trì các chùa trên thì các tượng chỉ được sơn lại theo những gì tượng vốn có trước kia. Bộ tượng Thập Điện Minh Vương tại chùa Qui Thiện, một ngôi chùa được thành lập vào đầu thế kỷ XX, là bộ tượng có nhiều nét tương đồng so với bộ tượng tại BTMTCĐ Huế về kiểu dáng, trang phục và màu sắc. Riêng ở các chùa Thuyền Tôn, Quốc Ân, là những chùa được lập cách đây 200 - 300 năm, các bộ tượng Thập Điện Minh Vương thường có trang phục và màu sắc đơn giản hơn. Từ đặc trưng này, chúng tôi cho rằng, bộ tượng Thập Điện Minh Vương tại BTMTCĐ Huế có niên đại muộn hơn so với các bộ tượng đang trần thiết ở các chùa Thuyền Tôn và Quốc Ân. Niên đại của bộ tượng này vào khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Hiện diện cùng với các bộ sưu tập cổ vật khác tại BTMTCĐ Huế, bộ tượng Thập Điện Minh Vương, ngoài các giá trị văn hóa, thẩm mỹ, cổ vật, trên một khía cạnh khác, chúng còn là biểu tượng của sự giáo dục, của đạo đức Phật giáo, nhằm giáo dục con người tránh xa điều ác, hướng đến điều Thiện và cái đẹp trên cuộc đời này.

 

 

Người viết xin chân thành cám ơn thầy Hồng Liên (trụ trì chùa Từ Phong), đã cung cấp tư liệu cho bài viết này.