VỀ PHO TƯỢNG ĐỒNG PHÁT HIỆN NĂM 1978 Ở ĐỒNG DƯƠNG

 

                                                      Ngô Văn Doanh*
Có lẽ sau Mỹ Sơn, khu di tích Đồng Dương (ở làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là một quần thể kiến trúc tôn giáo lớn nhất và đặc biệt nhất mà chúng ta hiện được biết. Lớn nhất là vì, những kết quả điều tra và khai quật năm 1902 của H. Parmentier đã cho thấy toàn bộ khu di tích là những cụm kiến trúc kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330m theo hướng từ tây sang đông; trong đó, quần thể kiến trúc tôn giáo nằm trong một vành đai hình chữ nhật dài 326m và rộng 155m, có tường bao quanh. Còn đặc biệt nhất là vì, Đồng Dương là một di tích nghệ thuật Phật giáo Đại thừa lớn nhất không chỉ của Champa mà còn của cả khu vực Đông Nam Á trong những thế kỷ cuối của thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên (CN). Dù rằng, các dấu tích kiến trúc chỉ còn lại rất ít, nhưng Đồng Dương đã để lại cả một di sản phong phú và đặc sắc với hàng trăm tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Phật giáo lớn nhỏ bằng đá, đồng và các kim loại quý khác. Các tác phẩm điêu khắc độc đáo này đã tạo thành cả một phong cách nghệ thuật lớn của Champa: phong cách Đồng Dương. Thế nhưng, cho đến nay, do chưa phát hiện được tượng thờ chính của tu viện xưa, nên xung quanh di tích Phật giáo quan trọng vào bậc nhất này của Champa còn những vấn đề chưa sáng tỏ. Mà, một trong những vấn đề lớn đó là đối tượng thờ tự của di tích.
Nếu theo ghi chép của chính bia ký Đồng Dương (bia ký của Indravarman II khắc năm 875), thì tu viện Đồng Dương thờ Laksmindra Lokesvara. Trong bài bia ký của mình, Indravarman II, người sáng lập ra vương triều Indrapura, có nói tới việc xây dựng tu viện Phật giáo này: “Và, trong khi tạo dựng đấng Lokesvara siêu phàm và nổi tiếng này, người được sinh ra từ sự thừa kế của đức Phật, ta sẽ góp phần vào sự giải thoát của thế giới. (Bảng liệt kê các cánh đồng) Tất cả những cánh đồng này đức vua dâng cho Lokesa. Giờ đây vua Sri Indravarman đã dâng những cánh đồng này cùng với hoa lợi, các nô lệ nam và nữ, các vật dụng khác như vàng, bạc, đồng, sắt... cho Sri Laksmindra- Lokesvara, để tăng đoàn sử dụng và để tuyên truyền Đạo Pháp (Dharma)... Ai là những vị thần mà tính chất linh hồn của họ đầy lòng trắc ẩn, trí tuệ của họ rộng lớn, đã thức dậy trong những loài vật được cứu vớt? Với ước vọng tìm hiểu xem Dharma là gì và rất khéo trong việc tìm hiểu bản chất của sự thật, từ trong thâm tâm của mình, thông qua công việc này, đức vua đã tự tay tạo dựng Lokesa này1. Thế nhưng, cả hai nhà khoa học là L. Finot, người mà vào năm 1901 đã phát hiện được 229 hiện vật (trong đó có pho tượng Phật đứng bằng đồng nổi tiếng) và H. Parmentier, người phụ trách cuộc khai quật lớn năm 1902, đều không phát hiện ra tượng thờ chính của khu đền thờ - tu viện Sri Laksmindra - Lokesvara. Do vậy, trên cơ sở những hiện vật đã phát hiện được, đặc biệt là đài thờ lớn bằng đá trong gian thờ của tháp thờ trung tâm, các nhà nghiên cứu đã cố suy đoán ra tượng thờ chính của khu đền thờ - tu viện Phật giáo Đồng Dương.
Người đầu tiên đi tìm bí ẩn của pho tượng thờ là H. Parmentier. Sau khi nghiên cứu kỹ lượng cấu trúc gồm ba yếu tố là hậu bệ, bệ lớn và bệ nhỏ của đài thờ, H. Parmentier cho rằng mặt cắt phần đáy của bệ nhỏ trên cùng khép trong một hình vuông mỗi cạnh dài 0,25m phù hợp với một linga hoặc một pho tượng đứng. Ngoài ra, do vật thờ này đã biến mất hoàn toàn nên H. Parmentier nghĩ rằng pho tượng đứng giả định này có thể là pho tượng được làm bằng kim loại quý và có thể là ngẫu tượng Lokesvara, tượng thờ vị bồ tát mà tu viện mang tên2. Sau này, J. Boisslier cũng ủng hộ suy nghĩ của H. Parmenrier cho rằng đài thờ của tháp chính Đồng Dương đã mang một pho tượng Lokesvara bằng kim loại, chứ không phải để chứa một linga (vì không có một cấu trúc chiếc chậu thiêng)3. Chắc hẳn, nếu không có phát hiện năm 1978, thì vật thờ của đài thờ tháp chính Đồng Dương vẫn còn là một ẩn số đầy lý thú.
Rất tình cờ, vào năm 1978, trong khi làm việc, nhân dân địa phương đã phát hiện được ở Đồng Dương một pho tượng nữ thân bằng đồng tuyệt đẹp và hầu như còn nguyên vẹn. Ngay lập tức, sau khi được phát hiện, pho tượng đồng Đồng Dương không chỉ đã trở thành một kiệt tác điêu khắc của nghệ thuật Champa mà còn được Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng gìn giữ và trân trọng như một báu vật (ký hiệu: 530 KL 103). Đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, pho tượng đồng Đồng Dương này trở thành pho tượng bằng đồng đầu tiên và duy nhất. Còn nếu nhìn rộng ra, thì đây cũng là pho tượng đồng lớn nhất hiện được biết của nghệ thuật Champa (cao 114cm). Tượng thể hiện một người phụ nữ đứng thẳng, đưa hai tay ra phía trước một cách cân xứng và mỗi tay đều cầm một vật gì đó đã bị mất. Qua những dấu tích còn lại, có ý kiến cho rằng, có thể là bông sen ở tay phải và lọ nước ở tay trái (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tìm thấy bông sen, tù và ốc ở khu vực dân cư quanh đó)4. Toàn bộ đôi tay và phần trên của tượng để trần, thể hiện một thân hình phụ nữ đẹp với cổ cao ba ngấn; bộ ngực mẫm với đôi vú hình bán cầu và gần nhau; bụng hơi phệ và cách vùng lồng ngực bởi một nếp nhăn đẹp và sâu; mông nở, vai rộng, đôi tay trần khỏe mạnh cùng đưa đôi bàn tay xòe to đang cầm một vật gì đó bằng ngón cái và ngón trỏ một cách cân xứng và duyên dáng. Thân dưới mặc một chiếc váy quấn (sarong) có những đường nếp dọc bó sát mình và buông dài đến mắt cá chân. Chạy dọc chính giữa sarong, bên trong là các nếp xếp chạy dọc theo thân sarong. Tuy chỉ thấy phần bên dưới phía trước, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy chiếc sarong bên trong của tượng đồng Đồng Dương thuộc kiểu sarong mà một loạt pho tượng Phật giáo của phong cách Đồng Dương mặc, như tượng Avalokitesvara Mỹ Đức, Quảng Bình (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, ký hiệu: 14.1); tượng Prajnaparamita Đại Hữu, Quảng Bình (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng); tượng Laksmi (?) Phú Nhẫn, Quảng Ngãi (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: 8. 2); tượng Prajnaparamita trong sưu tập của David - Weil (theo J. Boisslier, Sđd., chú thích 3, hình 64)... Thế nhưng, ngoài chiếc sarong bên trong, pho tượng nữ Đồng Dương còn mặc thêm ra bên ngoài một chiếc sarong nữa. Chiếc sarong bên ngoài được vận rất khéo: sau khi đã choàng và ôm sát lấy hai chân ở phía sau, hai mép dưới được kéo chéo lên để vấn vào thành một dạng cạp váy trước bụng. Kiểu sarong choàng ngoài này cũng đã có mặt ở các tượng của phong cách Đồng Dương, như pho tượng đồng Avalokitesvara Đại Hữu (hiện ở Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh), tượng Uma Đông Phúc, Quảng Ngãi (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: ký hiệu 4.1), tượng nữ thần Uma Bích La (hiện thuộc Bảo tàng Guimet, nước Pháp) (theo J. Boisslier, Sđd., chú thích 3, hình 65). Chỉ khác một điều là, ở các tượng thuộc phong cách Đồng Dương, như tượng Uma giết quỷ đầu trâu (Bảo tàng Guimet, Pháp) và Avalokitesvara Đại Hữu, thân giữa dài của sarong được vắt ra ngoài; còn của tượng đồng Đồng Dương lại vắt vào trong và áp vào chiếc sarong bên trong. Điều đặc biệt nữa là, phần cơ thể phía trên để trần của của các tượng nữ (như Uma, Prajnaparamita) vừa kể ở trên đều được thể hiện rất giống thân thể của nữ thần Đồng Dương: vú to, vai rộng, bụng phồng, mông nở, cổ cao ba ngấn, các ngấn dưới ngực... Như vậy là, chỉ cần qua đối chiếu so sánh cách thể hiện thân thể và đồ mặc đã thấy rõ sự gần gũi của phong tượng đồng Đồng Dương với các bức tượng bằng đá và bằng đồng của phong cách Đồng Dương.
Và, không chỉ phần cơ thể và đồ mặc, mà toàn bộ khuôn mặt, đầu tóc và đồ trang sức của pho tượng đồng phát hiện năm 1978 ở Đồng Dương cũng đều mang những đặc trưng của phong cách Đồng Dương rất rõ: mặt rộng với một cái cầm rất ngắn; trán hẹp, dẹt và bị hạn chế bởi hai mũi tóc kéo gần tới chỗ gập nhau của đôi hàng lông mày được vẽ ra bằng một đường liên tục, quanh co và rất nổi chạy tới hai thái dương (trong trường hợp tượng đồng của Đồng Dương thì được khắc lõm sâu xuống để khảm đá quý); miệng rộng, môi dày có vành môi sắc nét, mũi cao, hai cánh mũi rộng, đôi mắt lớn hình hạnh nhân, bên trong có đồng tử được khảm bằng một loại đá quý, mắt có mí mỏng, hàng lông mày to và dài liền nhau được khắc lõm sâu xuống (để khảm đá quý), hình thoi đứng trên trán cũng được khắc sâu xuống (để khảm đá quý), hai tai có trái tai rất dài. Tóc của nữ thần Đồng Dương được tết làm nhiều tết tóc nhỏ búi ngược cao lên trên và được chia làm hai tầng bằng một tết tóc quấn ngang. Tầng tóc bên trên có hình Phật Amitabha nhỏ ngồi xếp bàn tròn. Trên trán, nơi tiếp giáp với chân tóc, có một dải băng bao quanh theo đường lượn của chân tóc... Tóm lại, có thể rất dễ dàng nhận thấy sự giống nhau giữa đầu tóc và khuôn mặt của tượng đồng Đồng Dương với gần như tất cả đầu tóc và khuôn mặt của các pho tượng Phật giáo điển hình của phong cách Đồng Dương5.               
Ngay sau khi được phát hiện, chúng tôi đã vào tận nơi để trực tiếp nghiên cứu pho tượng này. Trong một thông báo khoa học năm 1979, chúng tôi đã xác định pho tượng nữ bằng đồng ở Đồng Dương mang những yếu tố của phong cách Đồng Dương và, vì vậy, có niên đại 875 (niên đại của bia ký Đồng Dương). Ngoài ra, trong bài thông báo năm 1979, chúng tôi còn cho rằng, pho tượng đồng mới phát hiện chính là tượng Lakmindra - Lokesvara. Và, qua nghiên cứu và nhận thấy chuôi cắm dưới chân tượng khớp với ô thủng hình vuông trên bệ nhỏ của đài thờ, chúng tôi cho rằng pho tượng đồng mới phát hiện năm 1978 chính là pho tượng của đài thờ chính Đồng Dương6.
Giờ đây, sau hơn 30 năm nhìn lại, chúng tôi thấy những ý kiến mà mình đưa ra từ năm 1979 về pho tượng nữ thần bằng đồng phát hiện năm 1978 ở Đồng Dương, đặc biệt là những phân tích để xác định phong cách và niên đại, về cơ bản là đúng và đã được chấp nhận. Chỉ còn một vấn đề liên quan đến việc xác định tên gọi của pho tượng là có những ý kiến khác với của chúng tôi. Trong những năm qua, có ý kiến cho rằng pho tượng đồng Đồng Dương là bồ tát Tara7 hoặc nghi là Tara8.
Giờ đây, sau hơn 30 năm, khi nhìn và cân nhắc lại để viết bài viết này, chúng tôi một lần nữa vẫn khẳng định lại ý của mình đã đưa ra trước đây: tượng đồng Đồng Dương được phát hiện năm 1978 chính là pho tượng Lokesvara được thờ chính ở đền thờ - tu viện Laksmindra - Lokesvara (kết hợp tên của vua là Laksmindra với tên bồ tát Lokesvara).
Như các nhà nghiên cứu đã cho biết, ở khu vực Đông Dương thời cổ, trong nghệ thuật Champa và Campuchia, Lokesvara thường được thể hiện với phần trên cơ thể để trần, búi tóc trên đầu có hình Phật Amitabha, có hình con mắt thứ ba trên trán, thường cầm những vật biểu trưng là hoa sen, lọ nước, tù và ốc, tràng hạt, vỏ sò,...9 Do vậy, xét theo những biểu hiện đặc trưng nhất: hình Amitabha trên đầu, các vật cầm tay là hoa sen và tù và ốc và cách thể hiện mình trần, thì pho tượng Đồng Dương chính là Avalokitesvara. Thế nhưng, vấn đề ở đây là, tượng Avalokitesvara bằng đồng này của Đồng Dương lại là tượng nữ, trong khi đó thì ở khu vực Đông Dương phần lớn tượng Lokesvara lại là tượng nam.  
Đúng là, các tài liệu thành văn cũng như các tác phẩm nghệ thuật có cho biết, bồ tát Avalokitesvara thường được mô tả và thể hiện cùng với người vợ của mình là Tara Trắng và với tính nữ của mình là Tara Xanh. Thế nhưng, việc thể hiện và thờ phụng các Tara thường phổ biến ở vùng Bắc Ấn Độ và vùng Tây Tạng thời xưa. Tại khu vực Đông Nam á, thì trong nghệ thuật và tôn giáo của miền Trung đảo Java thế kỷ VIII - IX, bồ tát Tara có được nhắc đến là có được thờ trong một ngôi đền dựng năm 779 ở Prambanan. Thế nhưng, ở Champa, trong tôn giáo cũng như trong nghệ thuật, nữ thần Tara chưa bao giờ xuất hiện. Hơn thế nữa, trong nghệ thuật, các Tara được thể hiện và xuất hiện với những biểu hiện không hoàn toàn giống của Avalokitesvara. Theo các nhà nghiên cứu, các Tara thường được thể hiện ngồi và thường cùng với các hiện hình của mình hay với các vị thần khác. Chỉ trong trường hợp được thể hiện cùng hay bên cạnh Avalokitesvara như người vợ hay như tính nữ, thì Tara mới được thể hiện đứng. Rồi thì, dù có được thể hiện ngồi hay đứng, Tara thường ngồi hay đứng trên đài sen và cầm trong tay một bông sen (Tara Trắng cầm bông sen trắng nở cánh; Tara Xanh cầm bông sen xanh khép cánh). Điều này liên quan đến những truyền thuyết nói về nguồn gốc của Tara. Một trong những truyền thuyết rất phổ biến kể rằng, một giọt nước mắt của đấng từ bi Avalokitesvara rơi xuống đất và biến thành một hồ nước. Từ trong hồ nước, mọc lên một bông sen. Bông sen nở ra và nữ thần tinh khiết Tara xuất hiện10. Do vậy, theo chúng tôi, với tất cả những biểu hiện (có hình Phật Amitabha trên đầu, hai tay cầm hoa sen và tù và ốc) và cách thể hiện (mình trần và đứng) của mình, tượng đồng Đồng Dương chính là Avalokitesvara dưới dạng nữ chứ không phải là tính nữ hay vợ của bản thân Bồ tát. Mà, theo các nhà nghiên cứu, Avalokitesvara đã được thờ phụng dưới dạng phụ nữ ở Ấn Độ trước khi vị bồ tát này được truyền vào Trung Quốc (Vallee Poussin) và vào Trung Quốc từ thế kỷ VII (Foucher) chứ không phải xuất hiện vào thời nhà Đường hay muộn hơn11.
Như vậy là, sau khi nghiên cứu và phân tích kỹ, một lần nữa, chúng tôi cho rằng, pho tượng đồng được phát hiện năm 1978 tại Đồng Dương chính là tượng Laksmindra - Lokesvara, pho tượng thờ chính của khu đền thờ - tu viện Phật giáo Đồng Dương.
 
 
Chú thích
Karl-Heinz Golzio, Inscriptions of Campa, (Shaker Verlag Aachen, 2004), 71.
2 H. Parmentier, Inventaire descriptif des monuments Cams de l’Annam (I.M.C.A), (Paris: Tome 1, Ernest Leroux, 1909), 466.
3 J. Boisslier, La statuaire du Champa, (Paris: E.F.E.O, 1963), 109.
4 Huỳnh Thị Được, Điêu khắc Chăm và thần thoại Ân Độ, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2005), 131, ảnh 65 d.
5 J. Boisslier, La statuaire du Champa, (Paris: E.F.E.O, 1963), 128-133.
6 Ngô Văn Doanh, “Về pho tượng đồng phát hiện năm 1978 tại Đồng Dương (Quảng Nam)”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1979, (Hà Nội: Viện Khảo cổ học, 1980), 195-196.
7 Huỳnh Thị Được, Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ, (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2005), 131.
8 Trésors d’art du Vietnam - La sculpture du Champa, (Guimet, 2006), 210/11.
9 L. Finot, “Lokesvara en Indochine”, Etudes Asiatiques, 1925, 237.
10; 11 Alice Getty, The gods of northern Buddhism, (Tokyo: Charles E. Tuttle Company, 1962), 119-127; 79-80.


* PGS.TS., Viện Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.