VÔ LÝ MÀ CÓ THẬT

 

                                                                                                Lý Đức Gia

 

          Đã lâu tôi mới có dịp ghé thăm con phố ngoài đê ở Hà Nội có tên Nghi Tàm. Không biết có ai ghi chép về sự hình thành đoạn phố có nhiều cửa hàng bán cũ, đồ cổ, đồ giả cổ, đồ mới này không? Chỉ biết sau khi chính quyền thủ đô cho phép thành lập Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội ra mắt hoạt động vào năm 1999, tiếp đến năm 2000 nhà nước ban hành Luật Di Sản nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể của Đảng, thế là ở Hà Nội nổi lên phong trào sưu tập, trao đổi, mua bán tự do cổ vật trong nước khác hẳn thời trước đã coi hoạt động này là phi pháp. Dính vào là tù như chơi! Nếu Sài Gòn có phố nhỏ Lê Công Kiều, Quận nhất chuyên mua bán đồ xưa ra đời từ trước 1975 thì nay Hà Nội cũng có đoạn phố hoạt động tương tự.

         Nhớ lại thủ đô Hà Nội đã đi đầu cả nước thực hiện hoạt động xã hội hóa và khuyến khích nhân dân tham gia bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc, cho nên CẦU về cổ vật tăng, dĩ nhiên liền có CUNG đáp ứng. Khi cổ vật là hàng hóa - loại hàng hóa đặc biệt bí hiểm - thì dĩ nhiên cũng đươc lưu thông theo quy luật Thị trường. Được pháp luật thừa nhận, dân buôn bán ngầm loại hàng hóa đặc biệt này trước đây đã bảo nhau thuê nhà để hình thành một đoạn phố bán đồ cổ thật, đồ giả cổ và cả đồ mới trên đoạn đê Nghi Tàm này. Cách nay 15, 20 năm nơi đây có tới vài chục cửa hàng hoạt động rất sầm uất để phục vụ người chơi Hà Nội, dân chơi các tỉnh và nhiều khách nước ngoài sống, làm việc, du lịch đến thăm thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó là một hoạt động đáp ứng nhu cầu văn hóa có thật của nhân dân khi đất nước hòa bình, kinh tế xã hội phát triển.

        Là người chơi cổ vật có thâm niên nên khi tôi ghé chơi Nghi Tàm chỉ còn gặp được vài người quen cũ còn toàn người mới không quen. Thấy tôi họ vẫn nhiệt thành í ới gọi nhau để vào một cửa hàng để cùng trò chuyện, uống chén trà ôn cố tri tân.

-  Bây giờ tụi em bảo nhau nên gọi đọan phố này có tên mới cho oách để khách thập phương vui và dễ nhớ.

-  Tên gì vậy?

-  Tên mới là phố Đế Vương vì mua bán đồ cổ chơi phần lớn trước đây là những bậc đế vương. Nhưng thực chất tên gọi Đế Vương là nói lái của Vướng đê ông anh ạ. Sau khi Nghi Tàm mở rộng đường, làm cầu vượt thì phía đê được xây cao lên nên chả ai nhìn thấy cửa hàng bán đồ đâu nữa. Buồn không ông anh?

- Giỏi. Phố Đế Vương có nghĩa hay thật đấy. Phần vì các cậu cũng có thời làm ăn đế vương, buôn toàn đồ lạch xạch mà vẫn có lời.

- Anh ơi thời ấy qua lâu rồi, từ lâu buôn đồ giả cổ trúng hơn nhiều nếu gặp khách xộp. Lấy đâu ra đồ cổ nhiều mà sống hả ông anh? Ở Lê Công Kiều Sài Gòn cũng vậy thôi. Sống tốt chính nhờ bán đồ giả cổ Tầu cho khách. Anh biết từ lâu rồi còn gì?

- Khối đại gia ở Việt Nam có 3, 4 tầng lầu bầy toàn đồ sứ Tầu, gỗ Tầu rất tinh xảo, đẹp lung linh buốt mắt nhưng tòan là đồ Ơ kìa cả. Họ nhiều tiền thật nhưng do không hiểu sâu về đồ nên vẫn tưởng mình đang lưu giữ toàn cổ vật nhiều tiền. Bọn em chỉ biết phục vụ chu đáo để kiếm thôi. Mua ý thích mà anh.

- Trước đây anh biết báo chí đã ca ngơi một số nhà sưu tập có được toàn đồ thời Thương, Chu từ bình đồng, quan tài ngọc, đồ đá, tước uống rượu, những cặp chóe, bình sứ, thống, vẽ người vẽ cảnh men xanh trắng thời Minh, Thanh đời vua Khang Hy, Càn Long, Ung Chính, bộ Tam Đa to đùng… với giá vài chục ngàn USD.

- Bây giờ chắc vẫn thế?

- Vẫn vậy mới vui anh ạ. Tất nhiên bây giờ kinh tế, du lịch xuống nên chậm hơn… Móm! Nhiều người đã chuyển kinh doanh. Ít người phần vì yêu nghề, phần vì vẫn còn chân hàng gắn bó lâu với nhau nên mới trụ được ông anh ạ.

- Dạo này đồ vớt còn dễ kiếm và rẻ hơn đồ đào như trước không?

- Lấy đâu ra. Đồ đẹp hiếm và đắt vàng mắt. Bao giờ lại được như trước. Qua lâu rồi và chắc chắn không bao giời diễn ra như cách nay hơn 15 trước. Có mà mơ.

- Mình nể phục cánh buôn đồ các vị thạt đấy. Giá mua bán cổ vật do các vị bảo nhau cùng nâng lên hạ xuống để tạo thị trường. Chỉ khổ cho nhưng người chơi nhưng không am hiểu bản chất của từng loại hình cổ vật.

- Mấy ai chơi mà hiểu được giá trị thật như ông anh. Cả Làng đồ thừa nhận tà lưa được ông anh là khó nhất đấy. Vì vậy mà bọn này biết hiện ở ta chỉ có vài người do có trình nên nay mới giữ được bộ sưu tập đồ gốm Việt vớt biển vẽ đẹp, công nghệ chế tác cao, quý hiếm vào loại nhất so với gốm cổ của các nước Châu Á. Dân Kiều họ hiể giá trị nên chọn khênh đi hết. Giờ đây họ lại rao bán trên mạng với giá cao gấp nhiều lần khi họ mua cách nay trên 10 năm.

        Tôi cười và tiếp: Mình nhớ thời trước các vị muốn nâng giá trị đồ đào cao lên vì bắt đầu hiếm thì tung ra chiêu “Đồ vớt biển nhiều, sẵn và sẽ mất men theo thời gian nên đồ đào mới quý”, thế là đồ đào lên giá ầm ầm, còn đồ vớt biển rẻ thế là các vị thay nhau ôm cất chờ thời.

-  Ông anh thâm hậu nên mới nhận ra để mua và nay mới có được nhiều món gốm Việt là ấm, bình, đĩa, tượng vẽ cá, lân, phượng, rồng…đẹp thế chứ.

- Mình còn biết chiến dịch đẩy giá mua bán đồ sứ, gỗ trắc, gỗ xưa… mà các vị đã phối hợp với cánh buôn người Tầu để hai bên cùng thu lợi. Bao nhiêu đồ sứ, đồ gỗ cổ thời Thanh, một số ít thời Minh ở Việt Nam các vị gom lại để bán cho khách Tầu với giá cao ngất. Ngược lại các vị lại sang tận các lò Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến …, sang cả Bankoc, Hongkong, các nước châu Âu, Mỹ tìm mua thống, bình, Tam Đa… non tuổi, thậm chí cả đồ giả cổ được người Trung Quốc làm rất tinh xảo rồi đem bán ở đó về phục vụ khách đại gia Việt. Các vị ăn lời cả hai đầu. Quá giỏi… Bây giờ chắc mua bán qua mạng chắc dễ làm ăn hơn phải không?

- Chỉ có công nghệ cao mới mua bán kiểu ấy. Với cổ vật theo chào trên mạng là toi ông anh ạ. Xem để biết thôi. Vẫn phải xem tận mắt, sờ tận tay mới quyết có rơi tiền hay không chứ.  

        Vui vẻ đàm tiếu ôn cố tri tân với nhau một lúc, chia tay ra về tôi cứ tiếc Hà Nội không duy trì được nơi này để mỗi ngày một sầm uất hơn mà lại bị lụi dần đi. Tôi ngẫm đã có vài nguyên nhân tạo ra sự lụi tàn như hiện tại, đó là:

       Về phía quản lý của thành phố đã để sự tự phát sinh ra hoạt động này mà thiếu quy hoạch kéo dài suốt từ năm 2000 đến nay. Còn về phía những người kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt này lại chỉ biết lao vào kiếm lời bằng mọi cách, không tập hợp được với nhau để xây dựng cơ sở tốt cho hoạt động kinh doanh dài lâu như các nước văn minh họ đã làm trong nhiều năm qua. Không biết hoạt động này ở ta rồi sẽ ra sao để Nghi Tàm thành một địa chỉ kinh doanh đồ cũ, đồ xưa như các nước.

Tiếc! Vô lý mà có thật./.