Vui Chuyện Đồ Cổ Nói Chuyện Thánh Thần
                                                                                                         

Nguyễn Bằng Giang

Một chiều đông cuối năm khi cùng người bạn ngắm chiếc bình cổ vẽ mấy vị Tiên đằng vân, bạn tôi hỏi: Người chơi cổ vật biết Tiên, Phật, Thánh, Thần qua trang trí trên đồ vật, tranh ảnh và các tác phẩm điêu khắc, người đi lễ thì tôn nghiêm, thành kính khi đứng trước các ngài nhưng sự khác biệt giữa các cõi giời thì dựa vào đâu để phân biệt? Câu hỏi đặt ra phải trả lời bằng “thiên kinh vạn quyển” mới thấu được. Trộm nghĩ nếu chỉ bằng vài trang giấy thì chắc bạn tôi và mọi người thích chơi cổ vật chẳng nghe đâu? Nhưng dẫu sao vui ngày Tết vẫn xin mạo muội giãi bầy góp vui.

Bát tiên quá hải


Trước hết xin nói về Thần:

Thần sử Hy Lạp cổ đại coi cả vũ trụ là nơi cư ngụ của các vị thần: Thần Dớt, Thần chiến tranh, Thần tình yêu…; Đạo Balamôn là một cổ giáo ở Ấn Độ có trước Phật Giáo thì coi các vị tối thượng là Thần Visnu, Thần Siva… Người Nhật Bản có Sinto (Đa thần giáo)… Ở Phương Đông thuyết vạn vật hữu linh đã làm cho mọi thứ trở nên thần bí.

Với người Việt, Thần được thờ ở đền gắn với người có công cho đất nước. Không chỉ vậy người Việt quan niệm rất rộng mở trong việc thờ cúng, hễ “thiêng là thờ”. Trên thực tế đã có nhiều nơi thờ những người ăn mày chết thiêng trở thành thần Thành hoàng làng. Đôi khi việc thờ thần còn gắn với những loài vật thiêng như: Bạch Mã, Long Đỗ (Hàng Buồm - Hoàn Kiếm - Hà Nội). Cũng có lúc Thần gắn với thiên nhiên như Tản Viên Sơn Thần, Thần sông - Hà Bá, thậm chí dân gian nói “Thần cây đa, ma cây gạo”…Thế giới Thần là vậy,

Còn với các Thánh thì sao? Đạo Hồi với Thánh Ala , Đạo Thiên Chúa với cả hệ thống Thánh: 12 Thánh Tông Đồ của Chúa, 118 vị cổ Thánh tử vì đạo. Ở Châu Âu, mỗi một quốc gia lại có một số thánh vị riêng có tên khác nhau…

Với người Việt, Thánh được thờ ở Đền, ở Phủ: Thánh Gióng, Thánh Tản, Thánh Trần, Thánh Mẫu…

Chuyện Thánh Gióng gắn với việc người Việt cổ xuống khai phá đồng bằng Bắc Bộ sử dụng và cải tiến công cụ đồ sắt (ngựa sắt, nón sắt, gậy sắt…bị gẫy phải làm lại…). Còn giặc Ân trong truyện như một thứ thiên tai mà con người cần khắc phục (Không có giặc Ân trong cổ sử). Hình tượng Thánh Gióng đã trở thành vị Thánh giúp dân chống thiên tai (Giặc Ân).

Đức Thánh Tản được nảy sinh từ việc người Việt cổ mong muốn gửi ước nguyện của mình lên tầng trên. Họ nhìn thấy núi có chân và có ngọn chỉ có thông qua núi là “gạch nối” trời, đất mới giao hoan tạo nên cuộc sống viên mãn ở trần gian.

Thánh Trần, một vị tướng tài thời Trần đã trở thành Thánh hiển linh giúp các việc khúc mắc, rối ren trong nhân gian

Còn ở người xứ ta, việc thờ Mẫu được coi là tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ là cư dân nông nghiệp lúa nước, họ gắn điều thờ cúng đó với việc thờ các lực lượng tự nhiên.      

Còn một thuật ngữ nữa là  “Tứ phủ Công Đông” mang ý nghĩa sau:

  “Tứ Phủ” gồm:

-          Thiên Phủ (Mẫu Thiên) thờ trời để mong mưa thuận gió hoà.

-          Địa Phủ (Mẫu Địa) thờ đất để có đất đai phì nhiêu.

-          Thoải Phu (Mẫu Thoải) thờ nước để mong có nhiều nước cày cấy.

-          Nhạc Phủ (Mẫu Thượng Ngàn) Bà Mẫu cai quản của cải , chăm lo hạnh phúc cho cả người sống lẫn người chết (được tái sinh về thế giới của Mẫu).

Còn “Công Đồng” có ý nghĩa mọi Thánh, Thần trong trời đất tụ hội lại.

Tóm lại, sơ lược về Thánh-Thần có hai điểm khác biệt chính:

-          Thứ nhất: Thần có thể là nhân thần, có thể là loài vật thiêng như Thần Bò, Thần Rắn có thể là Sông, Núi, Cây Cỏ…v.v. Nhưng Thánh chỉ gắn với hình tượng con người mà thôi .

-          Thứ hai: Thần có thể là thiện nhưng cũng có hung thần và ác thần còn Thánh luôn gắn với điều thiện cứu vớt khổ đau giúp đời, cho nên nhân gian thường dùng câu “thánh thiện” là vậy .

Chuyển qua thế giới Phật Giáo: Tôi không dám mạo muội bàn về triết lý cao siêu của Đạo Phật, chỉ xin nhắc qua một số pháp danh và sơ lược ý nghĩa của tượng pháp ta thường gặp ở chùa.

Trên cùng của toà Tam Bảo là bộ tượng: Tam Thế Phật hay Tam Thế. Tam Thiên Phật, Tam Thế thường trụ diệu pháp thân. Ba cách gọi trên với ý nghĩa: hăng hà xa số Phật ở ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai, với pháp thân đẹp, màu nhiệm, tồn tại thường hằng trong vũ trụ.

Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều xây dựng lên những hình ảnh tối thượng để làm tôn giáo của mình thêm màu nhiệm, Tam Thế trong đạo Phật không nằm ngoài ý nghĩa đó.

Tiếp theo từ trên xuống là bộ Di Đà Tam Tôn gồm: A Di Đà  ở giữa hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Trí Bồ Tát. Hai ngài là biểu hiện của tám Phật tính hội tụ vào ngài A Di Đà ở giữa. Tám Phật tính gồm: Đại Hùng-Đại Lực, Đại Trí-Đại Thiện, Đại Từ-Đại Bi, Đại Hỷ-Đại Xả.

Hàng thứ ba tuỳ theo từng chùa là cặp tượng: Văn Thù Bồ Tát cưỡi Thanh sư và Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi Bạch Tượng ở hai bên tả hữu: Hai vị này tượng trưng cho lý và trí cùng một thể cùng một cội nguồn.

Hàng tiếp theo gần với người hành lễ nhất là toà Cửu long, bên trong là tượng Thích Ca  sơ sinh, hai bên toà Cửu long có thể là cặp tượng Nam Tào-Bắc Đẩu là hai vị vua giữ sổ sinh và sổ tử của nhân gian.

Ngoài ra trong một số chùa ta còn gặp tượng của một số vị La Hán  (chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Tây). Nếu lấy tháp cửu phẩm để hình dung thế giới Phật giáo ta thấy như sau: Tầng 1 – 3 của sư; tầng 3 - 5 La Hán; tầng 5- 7 Bồ Tát; tầng 7 – 9 của các vị Cổ phật như: Như Lai Đa Bảo, Bích Chi Phật, A Di Đà Phật.

Mỗi tầng tháp biểu hiện một cấp chứng quả trong đạo Phật. Có đôi điều cần bàn ở đây là : Các vị La Hán đờu có pháp danh riêng với hình danh sắc tướng cụ thể.

Nhưng khi người tu hành chứng quả Bồ Tát thì được hiểu như sauBồ Tát không phải tên một vị nào cụ thể, có tới 500 pháp danh khác nhau của Bồ Tát.Ở Ấn Độ Bồ Tát thường được thể hiện với khuôn mặt Nam, nhưng ở Trung Quốc và Việt Nam, nơi của cư dân nông nghiệp lúa nước theo nghi lễ mặt trăng thì Bồ Tát được thể hiện với mặt Nữ hay còn được quan niệm là Phật Mẫu, đó là những bà mẹ che chở và cứu vớt chúng sinh khổ đau: ( Quan Âm toạ sơn; Quan Âm Tống Tử độ trì cho trẻ nhỏ; Quan Âm Nam Hải phù hộ cho dân sông nước; Quan Âm Chuẩn Đề với ấn chuẩn đề cao nhất trong vạn pháp, thể hiện sức mạnh vô lượng, vô biên của Phật Pháp mà cứu vớt chúng sinh ...)

Tiên ông (gốm Bát Tràng)

Tiên ông trên bình đồng cổ


zCuối cùng nói tới cõi giới của các vị TiênĐây là những hình tượng được nảy sinh từ tư duy Lão giáo (Tu tiên đắc đạo). Trên đồ sứ Trung Hoa cổ ta thường bắt gặp những đồ hoạ sau: Bát Tiên quá hải ; Bát Tiên du lâm với một số vị:

-          Trương Quả Lão với sênh phách thần.

-          Tào Quốc Cữu với gậy thần.

-          Hàn Tương Tu với sáo thần.

-          Lý Thiết Quài với bầu rượu thần.

-          Lâm Thái Hoà với lãng hoa thần.

-          Hà Tiên Cô với tay cầm sen và lãng hoa thần .

-          Hán Trung Ly với kiếm thần.

Đôi khi trên đồ sứ cổ Trung Hoa cũng gặp một vài trang trí về Tây Vương Mẫu (Bà tiên cai quản bầu trời phía Tây với các tiên nữ ), thi thoảng ta gặp tranh và tượng sứ thể hiện Lư Hải Lí Thiền Thừ, tranh vẽ Quần Tiên Khánh Hội...v.v

Ở một số ngôi chùa Việt Bắc bộ đôi khi chúng ta cũng gặp hình tượng một số vị tiên Lão giáo. Những ngôi chùa dạng này được gọi là “Quán cổ chùa” .

Trung Quốc thời Đường có chủ trương “Tam giáo đồng nguyên”. Nho - Phật - Lão cùng tồn tại và hoà hợp dưới một mái nhà. Trong lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo của người Việt thời kỳ nào xuất hiện hiện tượng đó cũng được gọi như vậy. Dấu tích tìm thấy sớm nhất của những ngôi “Chùa Quán ”chủ yếu vào các thế kỷ XVI – XVII. Đây là giai đoạn xã hội đầy nhiễu nhương một số trí sĩ đương thời chán cảnh quan trường đã tìm về ở ẩn tu tiên lánh đời, đó là nguồn căn ra đời những ngôi quán Lão giáo, từ đó Hội Linh Quán được gọi là chùa Sở (Hà Tây); Lâm Dương Quán – Chùa Đa Sĩ - Hà Đông đời Chính Hoà 6 (1685 ), rồi Chùa Quán Huyền Thiên ( Hàng Khoai – Hà Nội...) Trong những ngôi Quán cổ này ta có thể gặp tượng các vị tiên Lão Giáo, ví như bộ tượng Tam Thanh; ba pho trên cùng trong Phật điện của Lâm Dương Quán gồm: Nguyên Thuỷ Thiên Tôn; Linh Bảo Đạo Quân; Thái Thượng Lão Quân. Ba vị tiên tối thượng của Tam Thanh Cung trên trời .

Tại Quán Huyền Thiên - Hà Nội với tượng Huyền Thiên là vị Tiên ở cõi huyền diệu Bắc phương...v.v

Tóm lại: Điều khác biệt căn bản của Tiên giới với Thánh – Thần – Phật ở chỗ: Tiên chỉ ngao du mây gió ở chốn bồng lai tiên cảnh không màng đến chuyện nhân gian nữa. Trong khi đó Phật – Thánh  - Thần  vẫn còn lo cứu vớt cho những chúng sinh khổ đau.

Như vậy bằng những hiểu biết hạn xin được cố bày tỏ cùng các bạn chơi cổ ngoạn, những người yêu đời sống tâm linh về những gợi mở nhỏ về thế giới siêu phàm.

Âu là có “ Hiểu có thấu, tấu mới tới ” !

 

Ngai vàng

 

 

Tượng phật Việt bằng đá

Tượng thần Chămpa