Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập vào ngày 24.8.1923, theo một chỉ dụ do vua Khải Ðịnh ký, được đặt tên là Bảo tàng Khải Định (Musée Khải Định), “có nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Ðại Nam”. Tọa lạc tại điện Long An, một trong những cung điện đẹp nhất của Huế xưa, Bảo tàng Khải Định là một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất Việt Nam và xứ Ðông Dương trước đây. Qua nhiều lần thay đổi, đến tháng 7 năm 2007, bảo tàng đổi tên là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trực thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Đây là một điểm đến không thể bỏ qua với những ai yêu thích lịch sử, văn hóa và cổ vật triều Nguyễn (1802 - 1945).

Bảo tàng hiện đang lưu giữ và trưng bày khoảng 9.000 cổ vật cung đình triều Nguyễn, gần 100 cổ vật Champa và quản lý gần 3.000 cổ vật khác đang trưng bày tại các cung điện, lăng tẩm, miếu vũ… thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Bảo tàng có những sưu tập cổ vật giá trị như: sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn, sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, sưu tập pháp lam Huế, sưu tập trang phục cung đình triều Nguyễn, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng thời Nguyễn, sưu tập nhạc cụ của Nhã nhạc cung đình Huế, sưu tập súng thần công…, trong đó có nhiều cổ vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

Tuy nhiên, có sưu tập cổ vật xuất xứ từ hoàng cung Huế, lẽ ra phải được bảo quản và trưng bày ở tòa bảo tàng dành riêng cho vương triều Nguyễn này, nhưng do những thăng trầm của lịch sử nên đã không hiện diện nơi đây. Đó là sưu tập bảo vật làm bằng vàng bạc, đá quý, châu báu, ngọc ngà…, từng là quốc bảo của nước Đại Nam và vương bảo của triều Nguyễn ở Huế nhưng hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội.

Ngày 30.8.1945, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam đã làm lễ thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện của chính quyền Việt Minh tại lầu Ngũ Phụng trên Ngọ Môn. Trước đó, trong buổi hội kiến chuẩn bị cho lễ thoái vị, vua Bảo Đại đã thống nhất bàn giao toàn bộ tài sản của triều Nguyễn cho chính quyền cách mạng lâm thời quản lý. Việc kiểm đếm tài sản để bàn giao diễn ra trong hai ngày 27 và 28.8.1945, do Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe tiến hành. Người thay mặt chính quyền cách mạng lâm thời tiếp nhận là ông Lê Văn Hiến. Sau lễ thoái vị, toàn bộ những tài sản này đã được chuyển về Hà Nội cất giữ. Trong đó có những kim bảo, ngọc tỉ, bảo kiếm, cùng nhiều bảo vật quý hiếm khác.

Ngày 17.12.1959, Bộ Tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bàn giao sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn nói trên cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tiền thân của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện nay, cất giữ. Bộ sưu tập này gồm khoảng 2.500 hiện vật, phần lớn do các ngự xưởng của triều Nguyễn ở Huế chế tác, vốn chỉ dành riêng cho vua và hoàng gia sử dụng và thưởng lãm. Đây là những di sản lịch sử, văn hóa, nghệ thuật “có giá trị đặc biệt của quốc gia, là bộ sưu tập cung đình duy nhất, đầy đủ nhất còn tồn tại, phản ánh diện mạo đời sống hoàng cung của vương triều phong kiến cuối cùng ở Việt Nam”.1

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn cho những bảo vật này, nên gần 2.500 bảo vật triều Nguyễn đã không được đưa ra trưng bày cho công chúng thưởng ngoạn trong suốt mấy chục năm qua. Phải đến giữa những năm 2000, sau khi đã hội đủ các điều kiện chính trị, an ninh, và chính sách đối với di sản văn hóa của dân tộc có những điều chỉnh tiến bộ, cởi mở hơn, thì những bảo vật của triều Nguyễn mới được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đưa ra trưng bày trong các cuộc triển lãm chuyên đề như: Kim ngọc bảo tỉ triều Nguyễn, Cổ ngọc Việt Nam, Trang sức cung đình triều Nguyễn, Báu vật hoàng cung… Những cuộc triển lãm chuyên đề này chỉ diễn ra ở Hà Nội, trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng, nên những người yêu thích cổ vật triều Nguyễn ở những nơi khác, trong đó có người Huế, rất khó có cơ hội thưởng lãm những bảo vật vô giá này.

Từ thực tế trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã liên lạc với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đề nghị được mượn một phần sưu tập bảo vật triều Nguyễn đang lưu giữ ở Hà Nội, đưa về Huế triển lãm để người dân cố đô có cơ hội thưởng ngoạn những báu vật của Huế xưa.

Những nỗ lực gắn kết của các bên đã thành công. Ngày 23.4.2016, cuộc triển lãm Bảo vật hoàng cung: Kim ấn và kim sách triều Nguyễn, với 3 kim sách và 1 kim ấn triều Nguyễn, đến từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đã khai mạc tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Cuộc triển lãm kéo dài trong 1 tháng đã thu hút đông đảo công chúng và du khách đến tham quan, thưởng lãm. Trong đó có nhiều người là hậu duệ của vương triều Nguyễn, nhưng chưa có cơ hội mục sở thị những báu vật của tổ tiên để lại. Vì thế, họ rất xúc động khi nhìn thấy những kim sách, kim ấn, tưởng chừng đã phôi pha vì hoàn cảnh lịch sử, nhưng nay đã trở lại với Huế sau 70 năm rời xa. Ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc tâm sự: “Là dòng dõi hoàng tộc của triều đình xưa nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy ấn quý và sách quý bằng vàng của vua xưa. Hy vọng sẽ có thêm các cuộc triển lãm như thế này để con cháu các vua ở Huế và người dân tại đây chiêm ngưỡng được di sản được xem là quý giá nhất của cha ông”.2

Mong muốn của ông Tôn Thất Viễn Bào, cũng là mong muốn của nhiều người dân xứ Huế, đã được toại nguyện. Ngày 6.12.2016, 64 bảo vật triều Nguyễn từ Hà Nội tiếp tục hồi hương trong cuộc triển lãm Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tổ chức. Có lẽ đây là lần “xuất kho” quy mô nhất và giá trị nhất những bảo vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đến một bảo tàng khác, để trưng bày cho công chúng cố đô và du khách thăm Huế thưởng ngoạn.

Những cổ vật này bao gồm 4 nhóm:

- Hiện vật biểu trưng quyền lực, gồm: kim ấn, ngọc tỉ, bảo kiếm, kim sách, thẻ bài, mũ miện, hốt ngọc…

- Đồ thờ tự và nghi lễ, gồm: đài thờ, đỉnh trầm, quả bồng, lục bình, chân đèn…

- Văn phòng tứ bảo, gồm: nghiên mực, quản bút, thủy trì, hộp son, gác bút, chặn giấy…

- Đồ sinh hoạt, gồm: bát, đĩa, muôi, thìa, đồ ăn trầu, đồ uống trà, đồ uống rượu, quả hộp, quán tẩy, lồng ấp…

Tất cả đều được chế tác bằng chất liệu quý như vàng, bạc, ngọc, đá quý, ngọc trai, mã não, ngà voi, đồi mồi…

Cuộc triển lãm chỉ diễn ra trong 1 tháng nhưng đã tạo tiếng vang lớn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để tham quan.

Tôi đến thăm triển lãm Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn vào một ngày trung tuần tháng 12, thấy du khách đang say mê chiêm ngưỡng những bảo vật của triều Nguyễn hiện diện ở chốn xưa, lộng lẫy và sang trọng vô cùng. Nhiều sinh viên học các ngành lịch sử, Việt Nam học và mỹ thuật ở Huế cũng tìm đến xem các bảo vật vô giá này. Biết tôi từng làm việc ở đây và có thâm niên nghiên cứu về cổ vật triều Nguyễn, nhiều bạn trẻ đã hỏi tôi về lai lịch, gốc tích, ý nghĩa và giá trị của từng cổ vật, coi đây là một nguồn sử liệu quý để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật Việt Nam.

Sau triển lãm, những bảo vật hoàng cung triều Nguyễn sẽ trở lại Hà Nội, nơi có điều kiện tốt hơn, đảm bảo hơn để lưu giữ và trưng bày. Nhưng, như những người Huế khác, tôi ước mong 2.500 cổ vật triều Nguyễn đang thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cứ đến hẹn thì lại về với Huế, trong từng sưu tập, từng chủ đề thích hợp, để người dân cố đô có thêm nhiều dịp thưởng lãm những di sản quý báu của tiền nhân, để họ thấy rằng quá khứ vàng son của Huế vẫn đang còn, vẫn tỏa sáng muôn đời cho dù vật đổi sao dời, trời đất đổi thay.

Huế, một ngày tháng Chạp.

T.Đ.A.S.

Chú thích

1. TS. Nguyễn Văn Cường (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), “Lời nói đầu”, Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2016, tr.13)

2. Dẫn theo: Đại Dương, “Kim ấn và kim sách thời Nguyễn “hồi cố hương” sau hơn 70 năm”, Báo điện tử Dân Trí. Ngày 24.4.2016.

Chú thích ảnh




BVHC 01: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Số 3, đường Lê Trực, thành phố Huế)




BVHC 03: Trưng bày Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế




BVHC 04: Ấn Hoàng thái hậu bảo, vua Tự Đức cho đúc vào năm 1849 để tấn tôn mẹ của vua là bà Phạm Thị Hằng làm Nghi Thiên Chương hoàng hậu (bên trái); và ấn Hoàng hậu chi bảo, do vua Bảo Đại cho đúc để ban cho Nam Phương hoàng hậu trong lễ cưới (bên phải)




BVHC 05: Từ phải qua trái: Ấn Hoàng thái tử bảo, ấn Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỉ, ấn Quốc gia tín bảo




BVHC 06: Mũ thượng triều (hiện vật phục nguyên)




BVHC 07: Mũ bình thiên (hiện vật phục nguyên)




BVHC 08: Đỉnh trầm bằng bạc, niên hiệu Khải Định nguyên niên (1916)




BVHC 09: Kim sách khắc bài thơ Đế hệ thi, gồm 20 chữ bộ Nhật, dùng để đặt tên cho các vua triều Nguyễn




BVHC 10: Sưu tập đồ tự khí bằng vàng và ngọc




BVHC 11: Bộ ấm, chén và khay rượu bằng vàng dùng trong hoàng cung




BVHC 12: Bộ khay vàng và chén ngọc bọc vàng đời Khải Định




BVHC 13: Đỉnh thờ bằng vàng




BVHC 14: Bộ đồ ăn trầu bằng vàng, gồm cối, chày giã, sêu, đinh xoáy trầu, hộp thuốc




BVHC 15: Quán tẩy bằng ngọc, miệng bị vàng cẩn đá quý (phía trước) và đài thờ làm bằng vàng, ngọc, đá quý và san hô




BVHC 16: Đài thờ làm bằng vàng, ngọc, đá quý và san hô




BVHC 17: Bộ ấm chén và khay trà bằng ngọc, miện bịt vàng đời Thiệu Trị (1841 - 1847)




BVHC 18: Hốt ngọc (phía sau) và các thẻ bài bằng vàng và ngọc của các quan đại thần




BVHC 19: Bộ bình và các lọ đựng hương liệu bằng ngọc




BVHC 20: Nghiên mực bằng ngọc, hộp bọc bằng vàng, niên hiệu Thiệu Trị lục niên (1846) (bên trái) và nghiên mực bằng ngọc (bên phải)