BÁT TRÀ GỐM CHÂN CAO VIỆT NAM XUẤT KHẨU SANG NHẬT BẢN
VÀ ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI ĐỒ GỐM NHẬT BẢN
Philippe Truong
1. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong các thế kỷ XVIII -XVI
Kết quả khai quật khảo cổ học ở vùng Daizaifu (Nhật Bản) đã phát hiện một số mảnh gốm mang đặc trưng của gốm hoa nâuthời Trần (1225 - 1400) của Việt Nam, nhưng cho đến nay, các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học vẫn chưa tìm thấy những bằng chứng về mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam vào các thế kỷ XIII - XVI. Trong khi đó, từ năm 1371 đến năm 1567, nhà Minh (Trung Quốc) đã áp dụng chính sách “bế môn tỏa cảng”, hạn chế giao thương với bên ngoài. Về phía Nhật Bản, chính quyền mạc phủ (bafuku) đã duy trì lệnh cấm xuất ngoại đối với dân Nhật cho đến đầu thế kỷ XVII do lo ngại nạn hải tặc (bahan) thường xuyên xảy ra. Các lệnh cấm của Minh triều ở Trung Hoa và của chính quyền mạc phủ ở Nhật Bản đã gây nên tình trạng khan hiếm hàng hóa ở Nhật Bản. Vì vậy, các thương gia Nhật Bản phải tìm kiếm nguồn cung cấp hàng hóa mới để thỏa mãn nhu cầu củathị trường quốc nội. Trong bối cảnh đó, nhờ vào vị trí thuận tiện (không quá xa Nhật Bản so với Thái Lan hoặc Philippines), Việt Nam có thể trở thành một nơi cung cấp hàng hóa cho thị trường Nhật Bản, với các mặt hàng chính như tơ lụa, đồ gốm…, trong khi vẫn có thể giao thương với Trung Hoa nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi mà lệnh “bế môn tỏa cảng” của Minh triều không đủ sức kiềm tỏa. Cũng từ đó, một mối liên hệ thương mại giữa Đàng Trong của Việt Nam với Nhật Bản được chính thức khởi sự vào những năm 1590.
Nước Nhật thời kỳ này xuất hiện một nhân vật kiệt xuất là Toyotomi Hideyoshi (1536 - 1598), vốn xuất thân từ một gia đình nghèo, rồi trở thành hầu cận của tướng quân (shogun) Nobunaga. Sau những thắng lợi trong các chiến dịch quân sự và nhờ vào những toan tính chính trị, Toyotomi Hideyoshi đã leo dần đến chức tể tướng (kanpaku) vào năm 1586. Sau chiến thắng tại Nagoya (1592), Toyotomi Hideyoshi thống nhất được toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản. Qua năm sau, ông trao quyền lực cho người con nuôi là Toyotomi Hidetsugu. Tuy nhiên trước khi chết (1598), Hideyoshi đã phong người con thứ là Toyotomi Hideyori, vừa tròn 6 tuổi làm người thừa kế ngôi vị và giao quyền nhiếp chính cho một hội đồng gồm 5 người. Tokugawa Ieyasu (1542 - 1616), một thành viên lỗi lạc trong hội đồng nhiếp chính và nguyên là môn đệ của tướng quân Nabunaga Oda, nhờ sự ủng hộ của đa số lãnh chúa (daimyo) đã trở thành tổng tư lệnh của quân đội Nhật Bản. Sau chiến thắng ở Sekigahara (1600), Tokugawa Ieyasu được Thiên Hoàng Nhật Bản phong làm shogun (1603) và trở thành nhân vật quyền lực số 1 ở nước Nhật lúc bấy giờ. Tokugawa Ieyasu đã thiết lập ở Nhật Bản một sự thống trị bằng chế độ quân sự, được biết đến với tên gọi là chế độ mạc phủ, bắt đầu bởi mạc phủ Tokugawa (1603 - 1868) trong thời kỳ Edo.
Trong thời kỳ Tokugawa cầm quyền, Nhật Bản được yên hưởng một thời kỳ hòa bình bền vững. Để bảo đảm sự toàn trị, Tokugawa Ieyasu đã nhường chức tướng quân (1605) cho người con thứ ba là Hidetada (1579 - 1632), nhưng trên thực tế, ông vẫn tiếp tục nắm quyền cai trị Nhật Bản cho đến năm 1616. Sau khi tiêu diệt dòng dõi Toyotomi (1615), Tokugawa đã chia lãnh thổ Nhật Bản thành 265 lãnh địa (han) và phong cho các con và đồng minh của ông thành những lãnh chúa (daimyo) cai trị các lãnh địa này. Tokugawa cũng phong cho ba người con thứ của ông là: Tokugawa Yoshinao, cai quản vùng Owari (nay là tỉnh Nagoya); Tokugawa Yorinobu, cai quản vùng Kii (nay là tỉnh Wakayama); và Tokugawa Yorifusa, cai quản vùng Mito (nay là tỉnh Ibaraki). Ba vị quý tộc này nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính trường Nhật Bản lúc bấy giờ, và trong trường hợp dòng trưởng của nhà Tokugawa không có người thừa kế thì một trong ba người con thứ nói trên sẽ được chọn làm người kế vị.
Theo sách Đại Nam thực lục tiền biên do Quốc sử quán nhà Nguyễn biên soạn thì từ năm 1585, một toán hải tặc người Nhật do Shirahama Kenki cầm đầu, đã liên tục đến đánh cướp ở Đàng Trong nhưng mãi đến năm 1601 thì mới bị quan quân của chúa Nguyễn bắt giữ. Chúa Nguyễn Hoàng (1525 - 1613), nhân cơ hội này đã cho thuyền đưa Kenki về giao trả cho chính quyền Nhật Bản, đồng thời gửi cho Tokugawa Ieyasu một bức thư đề nghị thiết lập quan hệ giao thương giữa hai nước. Việc chúa Nguyễn Hoàng không xử tử Kenki mà giao trả cho Nhật Bản đã tạo cho Tokugawa Ieyasu mối thiện cảm. Vài tháng sau, trong văn thư hồi đáp, Tokugawa Ieyasu thông báo cho chúa Nguyễn biết rằng từ đây về sau chỉ có các thương thuyền mang các “châu ấn trạng” (shuinjo), sử sách Nhật Bản gọi là “châu ấn thuyền” (shuinsen), do chính quyền mạc phủ cấp phép mới được phép giao thương mua bán với Đàng Trong. Các thương nhân được phép buôn bán với Đàng Trong lúc bấy giờ đều xuất thân từ những gia đình quý tộc như Chaya, Araki, Phuramoto hay Suminnokura.
Qua năm sau (1602), chúa Nguyễn Hoàng cử một sứ bộ1 mang theo nhiều món quà quý giá như hổ, voi… đến Nagasaki. Kể từ đó, quan hệ thương mại giữa hai quốc gia ngày càng phát triển. Hàng năm tướng quân Tokugawa và chúa Nguyễn thường trao đổi quà tặng thông qua các thuyền buôn của Nhật Bản. Theo ông Iwao Seiichi, từ 1604 đến 1635, có 87 thuyền buôn Nhật Bản cập bến Hội An ở Đàng Trong và 37 thuyền buôn Nhật Bản đến Đàng Ngoài. Hàng năm, từ tháng Giêng đến tháng Ba, thuyền buôn Nhật Bản chở tiền đồng, đồng nguyên liệu và bạc đến bán ở Đàng Trong và mua các loại lụa, trầm hương, quế, gỗ quý... mang về Nhật. Tiền đồng Nhật Bản được dùng để lưu thông ở Đàng Trong (vì Đàng Trong bấy giờ chưa khai khoáng các mỏ kim loại và không dùng tiền nhà Lê nữa), còn đồng thì được dùng để đúc vũ khí chống quân đội của họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Chúa Nguyễn tiếp đãi các thương nhân Nhật Bản một cách chu đáo, cho phép họ cư ngụ và mở cửa hàng buôn bán ở Hội An. Chúa Nguyễn Hoàng còn nhận một người Nhật tên là Hunamoto Yabeiji làm con nuôi. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 -1635) thì gả con gái là công chúa Ngọc Khoa cho một thương nhân quý tộc người Nhật tên là Araki Shaturo, lại cho lấy tên Việt là Nguyễn Đại Lương (hoặc Nguyễn Taro), hiệu là Hiển Hùng.2
Đối với Đàng Ngoài, liên hệ thương mại với Nhật Bản tuy kém hơn, nhưng hàng năm người Nhật cũng đến Phố Hiến (Hưng Yên) để mua lụa3 và đồ gốm.
2. Đồ gốm Việt Nam dùng trong văn hóa trà đạo của Nhật Bản
Trong các loại hàng mà người Nhật mua tại Việt Nam, đồ gốm chiếm một phần quan trọng. Tuy vào thế kỷ XVI, kỹ nghệ làm gốm Nhật Bản đã tiến triển mạnh mẽ với việc phát hiện mỏ kaolin tại vùng Izuminaya (Arita) và đồ sứ hoa lam (sometsuke) đã được chế tác trong các lò sứ ở Arita và Karatsu, nhưng đồ gốm vẫn được đánh giá cao nhất trong giới trà đạo.
Nghi thức trà đạo (chanoyu) của Nhật Bản vào thế kỷ XVI được thực hành theo trường phái wabi, thừa kế của tinh thần Thiền của Phật giáo. Thuần phát, thận trọng, giản dị, điều độ và khiêm tốn là những khái niệm nghệ thuật của wabi. Trà sư danh tiếng ở Sakai là Takeno Joo (1502 - 1555) thưởng thức trà trong một túp lều tranh, dùng các dụng cụ thô sơ chế tác bằng tre hoặc bằng gốm một. Chiếc hũ dùng đựng nước lạnh (mizusaschi) của ông là một hũ gốm nhập từ Việt Nam (ảnh 1), hình quả trứng (imogashira), gốm màu nâu không phủ men ở mặt ngoài chỉ có một lớp men sắc mỏng bên trong. Loại gốm này được gọi là namban, danh từ dùng để gọi các dân tộc “ngoại lai phương Nam” như người Việt, người Chăm, người Thái, người Mã Lai... Như vậy, chiếc hũ gốm này đã có mặt ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ XVI. Về sau, hũ này thuộc về tài sản của tướng quân Tokugawa Ieyasu, rồi lại được tặng cho gia tộc dòng thứ là Owari-Togukawa và hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya.
Ảnh 1: Bình đựng nước lạnh immogashira, gốm Việt Nam, thế kỷ XV - XVI, Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya, Nhật Bản.
Với Sen no Rikyuu (1522 - 1591), thầy dạy trà đạo của hai tướng quân là Oda Nobunaga (1534 - 1582) và Toyotomi Hideyoshi (1536 - 1598) thì nghi thức trà đạo đã được nâng thành một nghệ thuật tinh tế, một trải nghiệm tinh thần, kết hợp với hội họa và nghệ thuật cắm hoa (ikebana) để tạo thành văn hóa trà đạo (Chado). Rikyuu khuyên nên điều hòa các tương phản, kết hợp sử dụng các trà cụ chế tạo ở Nhật Bản với các trà cụ nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc Triều Tiên; sử dụng những món đồ đơn giản, mộc mạc dân dã với các bảo vật tinh xảo; sử dụng gốm độc sắc cùng với các loại gốm đa sắc có nhiều gam màu đối chọi nhau. Tinh thần trà đạo theo phong cách của Rikyuu còn được áp dụng dưới thời các tướng quân đầu tiên của dòng họ Tokugawa. Trong nghi thức trà đạo, tướng quân Tokugawa Ieyasu đã sử dụng những chiếc bát gốm Việt Nam có chân cao và trang trí các hoa văn bằng men đỏ và men lục. Hai bát loại này đã được ghi chép trong biên bản kiêm kê tài sản của Tokugawa Ieyasu vào năm 1616 và được xếp vào danh mục bảo vật. Đó là những chiếc bát sâu lòng, vành đế rộng và cao, thân bát thon, rất hợp với nghi thức trà đạo Nhật, vốn sử dụng bột trà, cho vào bát và chế nước sôi, rồi dùng một dụng cụ làm bằng cật tre để hòa tan bột trà. Do bát trà này có loại men màu đỏ nhạt nên người Nhật gọi màu đỏ nhạt đó là beni Annam do chữ beni trong tiếng Nhật có nghĩa là cây nghệ.
Chiếc bát thứ nhứt4 (ảnh 2) thuộc sở hữu của Tomugawa Ieyasu từ năm 1616, có hoa văn vẽ bằng men đỏ và men lục, thành ngoài bát ở sát chân đế vẽ hoa văn hình cánh sen, phía trên vẽ hoa cúc xen kẻ với một nhánh cây bạch quả, dưới đáy có phủ men nâu. Trong khi đó, các kiểu thức hoa văn trang trí trên đồ gốm men tam thái của lò Mỹ Xá hoặc gốm men trắng vẽ lam của lò Chu Đậu hoặc lò Ngói (đều thuộc tỉnh Hải Dương, Việt Nam) thường rất thống nhất: khoảng phân nửa hay hai phần ba thành ngoài vẽ cánh sen to, bên trong có hình móc xoắn, phía trên vẽ hoa dây (cúc, sen, mai) hoặc văn vạch chéo chữ X, như chiếc bát5 thuộc sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Tokyo (ảnh 3). Trang trí trên chiếc bát thuộc sưu tập Tokugawa đã thể hiện một phong cách khác biệt và đặc thù, vẽ theo sở thích người Nhật với hoa văn rất giản dị. Sự hiện diện của cây bạch quả hay hình móc xoắn ở trong cánh sen hoàn toàn vắng mặt trong trang trí Việt Nam nhưng lại rất thông dụng trong trang trí Nhật Bản thời kỳ này. Điều này chứng tỏ chiếc bát uống trà gốm Việt Nam thuộc sưu tập của Tokugawa là hàng đặt làm (ký kiểu). Vả lại, khác với các những món đồ gốm Việt Nam thuần túy do các lò ở Hải Dương chế tác, trên những chiếc bát gốm chân cao do Việt Nam sản xuất phát hiện ở Nhật Bản có những vùng không phủ men. Theo quan niệm của người Nhật và nhất là trong giới trà đạo, chính sự không hoàn hảo này là một tiêu chuẩn của cái đẹp. Họ thích các đồ vật có hình dáng không đều đặn, chẳng hạn bị méo mó ở trong lò, cũng như chuộng lối trang trí có nét vẽ tự nhiên và linh hoạt.
Ảnh 2: Bát trà chân cao, gốm Việt Nam, thế kỷ XVI, do tướng quân Tokogawa Ieyasu đặt làm. Sưu tập cá nhân.
Ảnh 3: Bát trà chân cao, men tam thái, gốm Việt Nam, lò Mỹ Xá, thế kỷ XVI. Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật Bản.
Gia tộc dòng thứ Owari-Tokugawa còn lưu giữ một bát trà gốm chân cao6 (ảnh 4) của Việt Nam, nguyên thuộc sở hữu của tướng quân Tokugawa Ieyasu và hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya. Hoa văn trang trí trên chiếc bát này được vẽ bằng men lam nhạt trước khi được tô điểm thêm bởi men đỏ và lục. Trang trí trên thành ngoài chiếc bát gồm ba phần: ở sát chân đế là một dải chấm lớn màu xanh viền đỏ, giữa hai đường men lam có các chấm nhỏ màu đỏ và lục; sát vành miệng vẽ hoa cúc dây; và ở phần giữa trang trí một dải hoa mai cách điệu. Trong lòng bát cũng được trang trí rất tỉ mỉ. Nhìn vào lối trang trí độc đáo và riêng biệt này, cả về kỹ thuật thể hiện lẫn kiểu thức hoa văn, có thể nhận định rằng chiếc bát trà Owari-Tokugawa cũng như bát trà Tokugawa nói trên là những hàng đặt riêng cho tướng quân và gia tộc. Cũng vì lẽ đó mà hiện nay chiếc bát trà Owari-Tokugawa được xếp vào danh mục các tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản.
Ảnh 4a
Ảnh 4b
Ảnh 4a, 4b: Bát trà chân cao, gốm Việt Nam, thế kỷ XVI, do tướng quân Tokogawa Ieyasu đặt làm. Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa ở Nagoya, Nhật Bản.
Do rất được quý chuộng, nên chiếc bát trà chân cao này đã được lãnh chúa Owari-Tokugawa dùng làm mẫu để chế tác bát trà trong lò gốm của họ. Năm 1616, Tokugawa Yoshinao (1601 - 1650), con thứ 7 của tướng quânTokugawa Ieyasu và là tộc trưởng của dòng Owari-Tokugawa, đã mời hai thợ gốm tại làng Akazu (vùng Seto) là Nihei và Tosaburo, đến lập một lò gốm ofuke-maru trong khu vườn Honmaru nằm trong thành Nagoya. Vài năm sau, một thợ gốm khác là Tahei, đã đến đây và hợp tác với hai đồng hương để chế tác nên loại gốm bishu oniwa-yaki. Oniwa-yaki, nghĩa là đồ gốm chế tạo từ lò gốm cung đình, chỉ dành riêng cho gia đình các lãnh chúa phong kiến, với các dòng sản phẩm như okuke-yaki cho ngành Owari-Tokugawa, kairakuen-yaki dành cho Kii-Tokugawa,korakuen-yaki dành cho Miro-Tokugawa, rakuraken-yaki dành cho gia đình Ikeda hoặc osaki oniwa-yaki dành cho dòng họ Matsudaira tại Izumo (nay thuộc tỉnh Shimane).
Năm 1638, một người Trung Quốc là Trần Nguyên Bình (1587-1671) đã tiếp quản chức vụ quản đốc lòofuke-maru. Trần Nguyên Bình là một viên quan triều Minh, đến Nhật Bản trong một phái bộ cầu viện Nhật Bản giúp chống lại quân Mãn Thanh vào 1638. Chuyến đi không đặt được kết quả, Trần Nguyên Bình ở lại Nhật Bản và trở thành công dân Nhật vào năm 1659, lấy tên là Chin Gempin. Là một người tài ba, ông đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hóa và văn chương Trung Hoa ở Nhật Bản. Ông dịch nhiều chuyên luận triết học của Khổng giáo và các tác phẩm thơ văn của tác gia Trung Quốc. Có truyền thuyết còn cho rằng Trần Nguyên Bình là người đã đưa kỹ thuật chiến đấu kempo vào Nhật Bản. Tại tu viện Kokushoji, ông đã dạy cho ba võ sĩ (Fukumo Hichiroemon, Miura Yojiemon và Isogai Jirozaemon), chưởng môn của ba trường phái ju-jutsu. Trong thời gian quản lý lòofuke-maru, Chin Gempin đã sáng chế ra hai loại gốm: ofuke-yaki là gốm lam nhạt, phủ men tro, khi nung lửa theo kỹ thuật khử oxy và nếu có vẽ hoa văn bằng men lam thì gọi là Annam-gosue, còn khi nung theo kỹ thuật oxy hóa và phủ men màu làm thì gọi làAnnam-de.
Khi đến thăm Freer Gallery of Art tại Washington (Mỹ), tôi được bà Louise Cort mời xuống kho để nghiên cứu bát trà7 ofuke-yaki (ảnh 5). Hình dáng bát trà này sap chép kiểu bát trà chân cao của Việt Nam. Thành ngoài bát trà này có nền màu trắng ngà vẽ cành hoa cách điệu và cụm mây bằng màu lam xám (ảnh 6). Cành hoa vẽ theo phong cách của đồ gốm men lam Việt Nam cuối thế kỷ XIV nhưng đơn giản hơn, theo sở thích của người Nhật. Men lam chưa tinh lọc nên sau khi nung trở thành màu xám còn hình dáng không cân đối là tùy theo ý muốn của thợ gốm.
Ảnh 5: Louise Cort, quản đốc Freer Galery of Art, Viện Smithsonian ở Washington, Mỹ cùng Philippe Truong nghiên cứu bát trà ofuke-yaki.
Ảnh 6: Bát trà chân cao, gốm Nhật Bản, lò Ofuke, thế kỷ XVII. Freer Gallery of Art, Viện Smithsonian, Washington, Mỹ.
Bảo tàng Mỹ thuật Boston còn lưu giữ một bát trà8 Nhật thế kỷ XVI - XVII, vẽ bông cúc lam xám trên nền trắng ngà rạn (ảnh 7). Ảnh hưởng của gốm Annam và của lò Hải Dương, có thể nhìn thấy trên hoa văn bông cúc, vẽ theo lối bát trà Tokugawa Ieyasu, dưới đáy có phủ men nâu. Đáy chiếc bát này có dán một mảnh giấy đã cũ, cho biết người làm ra chiếc bát này là Chin Gempin tại lò Owari.
Ảnh 7: Bát trà chân cao, gốm Nhật Bản, lò Seto, thế kỷ XVI - XVII. Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ.
Ngoài hai chiếc bát trà của gia tộc Tokugawa, còn có nhiều bát trà gốm chân cao vẽ lam của lò Chu Đậu hoặc lò Ngói, trang trí cánh sen và hoa cúc dây, cũng có mặt tại Nhật vào thế kỷ XVI - XVII, như bát trà thuộc sở hữu của Freer Gallery of Arts, đáy phủ men nâu và trong lòng viết chữ Phúc.10 (ảnh 8). Khi ông Charles Lang mua chiếc bát trà này ở Nhật vào năm 1902 thì nó được xác định là đồ gốm Nhật do lò Seto chế tác. Về xuất xứ của bát trà này9, do thành ngoài của bát phủ men trắng, có các đường kẻ màu lam chính là đặc trưng của gốm Hợp Lễ. Chiếc bát này nguyên thuộc sở hữu của Katagiri Sekishu (1605 - 1673), một võ sĩ và là trà sư trong chính quyền Tokugawa vào nửa sau thế kỷ XVII. Loại gốm này được người Nhật gọi là muji-Annam, muji nghĩa là “trơn, không có hoa văn”.
Ảnh 8: Bát trà chân cao, gốm Việt Nam, thế kỷ XVI. Freer Gallery of Art, Viện Smithsonian, Washington, Mỹ.
Vào thế kỷ XVII, có một loại gốm được đặt làm riêng cho thị trường Nhật Bản tại lò Hải Dương. Loại gốm này trang trí theo phong cách gốm Chu Đậu và gốm Ngói (hoa văn hình cánh sen có móc xoắn bên trong và hoa cúc dây), nhưng có kỹ thuật tạo dáng hợp với sở thích của người Nhật: men không phủ toàn bộ sản phẩm (gần đáy có vùng có không men) và sử dụng kỹ thuật men chảy như một hình thức trang trí. Chẳng hạn như chiếc bát trà11 (ảnh 9) trong Bảo tàng Nezu ở Tokyo, hay những chiếc bát tương tự, vẽ hoa sen, hoa cúc, hoa mai dây do ông Hiromu Honda sưu tập, hiện đang trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Fukuoka. Căn cứ vào kỹ thuật men chảy, người Nhật gọi loại này là wabi (“mờ”) hay shibori-de (vì giống loại vải bông shobori của Nhật). Số lượng của các bát men lam chảy rất lớn và đây là vật dụng của các thương gia chứ không dành cho các lãnh chúa phong kiến. Cuốn sách Bampo Zenshu (in năm 1694), khi đề cập đến những món đồ gốm Việt Nam này, có ghi: “Gốm này phẩm chất kém vì màu sắc của hoa văn màu lam... Có thể cảm thấy sự khác biệt giữa vật xưa và nay: các đồ vật mới nhập khẩu với số lượng lớn này không quý như các đồ vật xưa, là những bảo vật của trà đạo”.
Ảnh 9: Bát trà chân cao, gốm Việt Nam làm cho Nhật Bản, thế kỷ XVII. Bảo tàng Nezu, ở Tokyo, Nhật Bản.
Vào nửa sau thế kỷ XVII, nghi thức trà đạo đã thay đổi do ảnh hưởng của Kobori Enshuu (1579 - 1647), người chắt của trà sư Sen no Rikyuu và người sáng tạo phương pháp “trà daimyo” (daimyo cha). Nghi thức trà đạo trở nên tinh tế, xa hoa và kiểu cách để phục vụ các lãnh chúa phong kiến, các chư hầu của tướng quân Tokugawa. Kobori Enshuu đã hình thành nên thói quen sử dụng trà cụ bằng vàng, bằng đồ sứ nhập từ Trung Quốc hoặc Triều Tiên...
Nhưng ảnh hưởng của các bát gốm chân cao của Việt Nam ở Nhật Bản còn kéo dài đến thế kỷ XIX như trường hợp chiếc bát chế tạo năm 1830 (ảnh 10) hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Boston.12 Chiếc bát vẽ cúc dây theo kiểu gốm Chu Đậu và gốm Ngói, với những cánh sen có hình xoắn tròn lớn ở giữa, là kiểu trang trí do thợ gốm Nhật Bản sáng tạo nên.
Ảnh 10: Bát trà chân cao, gốm Nhật Bản, sản xuất năm 1830, Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ.
Như vậy, bát gốm chân cao do Việt Nam sản xuất giữ một vai trò quan trọng trong nghi thức trà đạo ở Nhật Bản trong các thế kỷ XVI - XVII. Các bát gốm chân cao này có thể phân biệt thành ba loại:
a. Bát chân cao do các thương nhân Nhật Bản mua tại Việt Nam và nhập vào Nhật trong các thế kỷ XVI - XVII cho các lãnh chúa phong kiến và các môn đệ trà đạo sử dụng, như: bát men tam thái của lò Mỹ Xá, bát men trắng, bát thành ngoài để trắng nhưng bên trong có các đường kẻ màu lam của lò Hợp Lễ và bát men trắng vẽ lam của lò Chu Đậu hoặc lò Ngói.
b. Bát chân cao làm riêng cho tướng quânTokogawa Ieyasu vào thế kỷ XVI, với hoa văn mang đặc trưng riêng biệt theo sở thích tướng quân. Kỹ thuật trang trí và màu men trên hai bát Tokugawa này hoàn toàn khác với bát men tam thái của lò Mỹ Xá. Như vậy các bát chân cao của Tokugawa Ieyasu có thể xem là những món đồ gốm do Nhật Bản ký kiểu tại Việt Nam lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XVI.
- Nửa sau thế kỷ XVII, người Nhật lại đặt làm một đợt đồ gốm tại lò Hải Dương. Lần này số lượng nhiều hơn vì dành cho tầng lớp thương nhân sử dụng. Hàng đặt lần này gồm các bát trà chân cao và chén trà nhỏ. Bát trà vẽ hoa văn tương tự với sản phẩm gốm Hải Dương đương thời (cánh sen với hình móc xoắn bên trong và hoa dây) nhưng có kỹ thuật sử dụng men màu khác với đồ gốm Hải Dương, đó là kỹ thuật trang trí bằng men chảy, phù hợp với sở thích và thẩm mỹ của người Nhật. Các chén trà nhỏ đặt làm trong thời kỳ này có hai loại hoa văn, một loại như hoa văn trên đồ gốm Hải Dương đương thời, một loại vẽ chuồn chuồn hay hoa cúc theo thị hiếu của người Nhật. Bảo tàng Nezu ở Tokyo lưu giữ một chén trà có ghi hai chữ 大 越(Đại Việt).
Ngoài việc là những chứng cứ không thể chối cãi về việc người Nhật Bản từng đặt làm đồ gốm tại Việt Nam trong các thế kỷ XVI - XVII, sự hiện diện của các bát gốm chân cao này đã tạo nên những ảnh hưởng đối với kiểu dáng và trang trí cho những món đồ gốm sản xuất tại Nhật Bản trong thế kỷ XVII. Sự ảnh hưởng này còn kéo dài cho đến thế kỷ XIX với những hiện vật gốm Nhật có niên đại thế kỷ XIX được tìm thấy ở Nhật Bản và một số nơi trên thế giới.
(Trần Đức Anh Sơn biên tập và hiệu đính)
Chú thích
1 Theo tài liệu ghi trong Tsuko Ichiran, sưu tập tài liệu ngoại giao dưới thời mạc phủ Tokugawa.
2 Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 412-413.
3 Theo bách khoa toàn thư của Nhật Bản, cuốn Wakan Sasai Zue, in năm 1712, thì lụa you, một loại lụa dệt tại Đàng Ngoài được xem là thượng hạng.
4 Bát trà chân cao, gốm Việt Nam thế kỷ XVI, trang trí men đỏ và lục, cao 9,50cm, đường kính miệng 14,6cm, nguyên thuộc sở hữu của tướng quân Tokugawa Ieyasu (1542 - 1616). Sưu tập cá nhân.
5 Bát trà chân cao, gốm Mỹ Xá (Việt Nam) thế kỷ XVI, trang trí men tam thái, cao 8,9cm, đường kính miệng 11cm. Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật Bản.
6 Bát trà chân cao, gốm Việt Nam thế kỷ XVI, trang trí men lam đỏ và lục, cao 8,9cm, đướng kính miệng 13,3 cm, nguyên thuộc sở hữu của quý tộc Owari-Tokugawa. Bảo tàng Nghệ thuật Tokugawa, Nagoya, Nhật Bản.
7 Bát trà chân cao, gốm Nhật Bản, lò Ofuke, thời kỳ Edo, thế kỷ XVII, trang trí men lam xám, cao 8,9 cm, đường kính miệng 14,1cm. Freer Gallery of Art, Viện Smithsonian, Washington, Mỹ.
8 Bát trà, gốm Nhật Bản, lò Seti, thời Edo, thế kỷ XVI - XVII, trang trí men lam xám, cao 6,5cm, đường kính miệng 8cm. Bảo tàng Mỹ thuậtBoston, Mỹ.
9 Bát trà chân cao, gốm Việt Nam thế kỷ XVII, trang trí đường chỉ màu lam ở trong lòng, cao 11,5 cm, nguyên thuộc sở hữu của trà sư Katagiri Sekishu (1605 -1673). Sưu tập tư nhân.
10 Bát trà chân cao, gốm Việt Nam thế kỷ XVI, trang trí men lam, cao 10,4cm, đường kính miệng 13,2cm. Freer Gallery of Art, Viện Smithsonian, Washington, Mỹ.
11 Bát trà chân cao, gốm Việt Nam thế kỷ XVII, trang trí men lam chảy, đường kính miệng 11,4cm. Bảo tàng Nezu, Tokyo.
12 Bát trà chân đế cao, gốm Nhật Bản, 1830, trang trí men lam, đường kính miệng 12,7cm. Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ.