CÁC ANH ẤY & TÔI
TS. Phạm Quốc Quân
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam &
 Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
Hiện là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.
Tôi quen anh Đào Phan Long mấy chục năm trước, qua người bạn vong niên - nhà sử học, nhà Văn hóa, nhà báo đã quá cố Đào Hùng (quý danh đầy đủ là Đào Thế Hùng). Anh Đào Hùng là thứ kế sau trưởng nam là Giáo sư Viện sĩ nông học Đào Thế Tuấn là các con cùa nhà bác học tài danh Đào Duy Anh mà Đào Phan Long gọi là bác ruột. Đó là một dòng họ yêu nước có tiếng liệt vào loại danh gia, vọng tộc mà cả ba thế hệ, tôi đều ít hay nhiều biết đến mỗi con người, mỗi thân phận và trên hết là sự đóng góp những công trình khoa học, những việc làm ích quốc lợi dân để đời, khiến tôi phải ngưỡng mộ và tìm hiểu.

Từ trái sang: Đào Phan Long, Phạm Quốc Quân, Đào Hùng
Về học giả Đào Duy Anh nổi tiếng chúng ta đều đã biết. GS Viện sĩ Đào Thế Tuấn là Anh hùng lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng đã ngồi với tôi vài lần đàm đạo cùng các em. Còn với anh Đào Hùng, vì cùng là dân sử nên tôi rất biết và luôn kính trọng bậc đàn anh về kiến thức Đông - Tây, về ngoại ngữ, về mối quan hệ rộng rãi không chỉ với giới sử học mà còn nhiều chính giới khác trong, ngoài nước. Anh là một trong những người sáng lập và làm Phó tổng biên tập tờ Tạp chí Xưa & Nay nổi tiếng của Hội Sử học Việt Nam ngay từ khi thành lập đến những ngày đi xa năm 2013. Đào Hùng ra đi đột ngột ở tuổi ngoài 80 đã để lại cho anh em đồng nghiệp, giới sử học niềm tiếc nhớ và có lẽ ít người sẽ đảm đương tốt việc anh làm ở tờ Xưa & Nay cũng như ở cương vị Trưởng Ban đối ngoại của Hội khoa học Lich sử Việt Nam có mối quan hệ rộng rãi và uy tín đối với các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước.
Về cụ Đào Phan tên thật là Đào Duy Dếnh, thân sinh ra Đào Phan Long, chú ruột của Đào Thế Tuấn, Đào Thế Hùng cũng là một người như thế, bởi khi đọc những chuyên khảo về Nho học, Khổng học rồi những bài viết của cụ được diễn giải bằng ngôn ngữ bình dân dễ hiểu, và trước hết cụ là một chiến sĩ cách mạng lớp tiền bối thập niên 1930, được học hành từ nhỏ nên có kiến thức, rồi được tôi rèn trong hoạt động cách mạng. Cụ từng là Bí thư Thành ủy Huế năm 1937, rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội 1941,đã trải qua các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và từ Côn Đảo trở về khi Cách mạng tháng 8-1945 thành công.Tiếp xúc với họ, đặc biệt là từ Đào Phan Long trở về trước, tôi cảm nhận có một cái gì đó gần và xa, cởi mở và kín cạnh, kẻ sĩ và bình dân... đã hòa trộn trong mỗi một con người, khiến tôi luôn giữ khoảng cách và cẩn trọng trong giao tiếp, ngay cả với người được coi là cởi mở, dân dã như nhà sử học, văn hóa học, nhà báo Đào Hùng và chính Đào Phan Long.
Bởi thế cho nên, những năm đầu quen và biết Đào Phan Long cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi chỉ hay anh là một kĩ sư cơ khí chế tạo máy, một người đầu tiên đã được Hãng xe máy Honda ủy nhiệm làm cơ sở đại lý cung cấp sản phẩm chính thức đầu tiên ở Việt Nam và sau đó là Tổng thư ký của Hội KHKT Cơ khí Việt Nam, kiêm tổng biên tập một tờ Tạp chí cùng tên, mà đôi ba lần anh đã gửi tặng. Khi đọc tôi thấy anh viết, đậm chất xã hội học, nhân văn, chẳng “cơ khí”, “máy móc” chút nào! Do vậy nên tôi bắt đầu mến, vì thấy anh còn giữ được truyền thống nghiên cứu văn hóa và khoa học xã hội của thế hệ dòng họ Đào đi trước để lại. Dẫu vậy, anh và tôi cũng chưa gần vì chẳng có gì dính líu với nhau về chuyên môn, nghề nghiệp và công việc.
Thế rồi, do tình hình đổi mới, tôi nhớ một hôm vào đầu năm 1999 các anh Đào Phan Long, Phan Đình Nhân, Phạm Dũng, Bùi Hoài Mai đã đến cơ quan tôi để bàn về việc thành lập một Hội riêng cho giới chơi cổ vật ở Hà Nội. Hội có tên là Hội nghiên cứu sưu tầm gốm và cổ vật Thăng Long - Hà Nội. Mặc dầu chưa có Luật Di sản văn hóa ra đời nhưng các anh và tôi đều nhận định giờ đây đã có Nghị Quyết về Văn hóa của Đảng ban hành thì cứ chủ động hợp sức trình lãnh đạo Hà Nội cho thành lập Hội nghề nghiệp rất đặc thù và nhậy cảm này. Nhờ việc thành lập Hội cổ vật mà tôi đã gần cận với anh hơn. Vào thời điểm ấy, việc thành lập một tổ chức Hội dính líu tới cổ vật, vốn được coi là nhậy cảm, bởi có sự việc vừa “tan tành qua một trận siêu bão Z83 ở Hà Nội”, làm chocả hai phía, từ những người sưu tập chơi cổ vật ngầm và cả chính quyềnđều chẳng “mặn mà” gì nghĩ đến chuyện lập hội. Nhưng, với sự hiểu biết, quyết tâm và hối thúc đến nóng bỏng từ các anh mà mọi chuyện đều xuôi chèo, mát mái.Kết quả giữa năm 1999 Hội nghiên cứu sưu tầm gốm & cổ vật Thăng Long - Hà Nội đã ra đời giúp giới chơi cổ vật thủ đô có tổ chức hoạt động công khai, được luật pháp bảo vệ. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp “nhậy cảm” đầu tiên trong cả nước Việt Nam ta.
Từ năm 1999, năm năm Đào Phan Long là phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, rồi mười năm tiếp sau làm chủ tịch Hội Nghiên cứu sưu tầm gốm và cổ vật Thăng Long, đây là quãng thời gian anh gần gũi tôi nhất, vì tôi là ủy viên Ban chấp hành và phó chủ tịch giúp việc. Chẳng những thế, nhiều công việc về trưng bầy triển lãm, về ý tưởng xây dựng và phát triển Hội, in sách và tiếp xúc với giới nghiên cứu khoa học xã hội …vốn anh đã từng quen thân, nhưng có tôi bên cạnh đã làm cho hoạt động hội rôm rả hơn, không khí vui vẻ hơn, dẫu trong bia rượu chưa bao giờ Đào Phan Long coi tôi là “chiến hữu” bởi tôi kém về khoản uống này.
Nhớ một lần khi còn làm giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tôi mời anh đi cùng với thầy tôi - nhà khảo cổ học, nhà Sử học quá cố tài danh Trần Quốc Vượng vào Lam Kinh, Thanh Hóa vì họ khá thân thiết lâu nay. Suốt dọc đường, họ tâm sự và hồi cố với nhiều chuyện đời, chuyện xã hội, chính trị, xa lắc xa lơ, liên quan tới những tên tuổi cũng lắc lơ thời tiền chiến, tôi mời hay rằng, Đào Phan Long có mẫn cảm của một nhà chính trị, nhưng dường như mệnh trời hay lời nguyền đã khiến cho dòng họ và chính anh, trên lĩnh vực này, dẫu nổi danh, nhưng vẫn dang dở. Có lẽ điều này đã khiến cho thế hệ họ Đào của anh, rẽ sang ngả khác, xem ra thành công hơn thì phải.
Đúng như mệnh trời và lời nguyền, Đào Phan Long khi ở tuổi tráng niên, với bao ý tưởng và dự liệu, có vị trí công tác thuận lợi trong cơ quan một Bộ Công nghiệp, nhưng rồi anh tặc lưỡi buông xuôi khi phải luồn lụy cho hợp thời, phải phép.
Đào Phan Long có tư chất báo chí và vốn anh là một nhà làm Tạp chí từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nên đã nung nấu ra một tờ báo riêng chuyên về cổ vật. Anhđã gặp tôibàn về chuyện xin xuất bản một Tạp chí chuyên về cổ vật, trực thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mà vốn Hội này đã có một Tạp chí Xưa Nay đang nổi như cồn, dưới sự điều dẫn của người anh họ là Đào Hùng. Tôi lưỡng lự vì sợ khó xin được cấp phép, nhưng anh nhất quyết nói với tôi: "Mọi việc để tôi làm, ông giúp tôi làm Phó Tổng biên tập, chỉ vậy thôi." Với cái tên Cổ vật tinh hoa, Đào Phan Long đã vận hành trôi chảy, cho dù bộn bề khó khăn về tài chính, bài vở và phát hành, trong khi, tôi giúp anh chẳng được bao nhiêu. Đến nay, kể từ những số đầu tiên ra lò vào 2002,Cổ vật tinh hoa đã xuất bản gần năm chục số. Do nội dung, hình thức giữ uy tín được với bạn đọc trong và ngoài nước, nên đã có nơi gạ "bán cái", nhưng nhất quyết không nghe, vì anh sợ không đúng với tôn chỉ của tờ báo, được xây đắp từ tâm huyết của mình và bè bạn đam mê cổ vật chúng tôi. Trên cơ sở đó, anh còn làm Website mangcovat.com.vn nay mới xin đổi tên là tapchicovat.vn để hợp với làm báo chí của thời đại mới. Đào Phan Long là con người không vụ lợi, không nhiều so đo, tính toán kinh tế, mà tất cả phục vụ cho sự đam mê trong cuộc đời xê dịch, rong chơi.
Làm việc, tiếp xúc, du hí với Đào Phan Long, tôi thấy anh đôi lúc thất thường. Khi nhiệt huyết, lúc trầm lắng suy tư. Có tình huống anh nóng như hổ lửa, khiến cho chẳng ít người vừa lòng, nhưng lại có lúc anh là kẻ sĩ, lãnh đạm đến xa lạ, ngay cả đối với những người thân quen, nhiều phần anh tỏ ra dân dã, bình đẳng với tất cả mọi người. Đào Phan Long là vậy, nên chỉ có hiểu và cảm thông mới có thể làm bạn bền được với nhau. Nhưng, tất cả những điều đó, cũng là một phần tạo nên tính cách của một con người của dòng họ Đào, theo như tôi hiểu và biết.
Tôi thích Đào Phan Long ở cách chơi và sưu tầm cổ vật có cá tính. Anh thờ ơ với cổ vật nước ngoài và đặc biệt ham thích di sản văn hóa Việt Nam, dường như đây là sự đồng điệu giữa tôi và anh. Là một kỹ sư cơ khí, nhưng có phông văn hóa, theo đó, bộ sưu tập gốm Việt, đồng Đông Sơn của anh khá tinh tế và đặc sắc, được toát lên từ bên trong, dưới những lớp men và trong từng nét vẽ, kiểu dáng lạ… chứ không hiển lộ, phơi bày bố cục và sắc màu. Lối chơi và thưởng ngoạn như thế, không phải ai cũng thích, nên cũng có người bảo rằng, Đào Phan Long không chơi tinh túy và sành điệu trong lĩnh vực này. Riêng tôi thì nể trọng.
Đi với anh, mới biết Đào Phan Long là người quảng giao, nhiều bè bạn ở mọi giới, mọi cấp. Anh cũng là người biết nhiều và có nhiều ý tưởng nên đã xây dựng những tác phẩm văn chương theo lối diễn đạt khá thâm thúy, đặc sắc của riêng mình. Tất cả những điều anh dự liệu cho tương lai, tưởng như chưa đến tuổi thất thập, còn trẻ trung và sắc sảo và trên hết, những điều anh đã viết, mới chỉ là một phần trong bộn bề những ý tưởng nơi anh. Tôi biết anh đang dự định làm riêng một cuốn sách về cổ vật của mình, nhưng do mải nhiều việc và vui chơi nên chưa thấy sách xuất hiện. Viết đến đây, tôi chạnh nghĩ đến buổi thụ giảng với thầy Cao Xuân Huy, vị túc Nho đầy danh tiếng đã quá cố, rằng "lập ngôn chỉ nên bằng 1 phần trong 10 phần kiến thức mình có". Đào Phan Long đã làm được như vậy, dẫu rằng, bè bạn, trong đó có tôi, thúc giục anh viết nữa và viết tiếp.
Mấy chục năm nay, tôi cứ mong muốn nói một cái gì đó về Đào Phan Long để kỷ niệm những năm tháng cùng nhau "vác tù và hàng tổng" chỉ vì để tạo nên và giữlấy một sân chơi “văn hóa nhậy cảm” cho mọi người. Chúng tôi là những người phải “chịu trận” nhiều nhất vì cái chung, nhưng chẳng có dịp để giãi bầy với nhau, có lẽ một phần bị lãng quên do công việc bộn bề.
Năm Ất Mùi này, tôi có đôi dòng động viên nhau tuổi già với người bạn quý, mong sao sắp sang tuổi đầu bảy, tất cả vẫn vui, khỏe, vẫn hoạt động có ích cho đời trước mọi điều đều có thể xẩy ra, không thể nào định trước./.