CỔ VẬT THỜI VĂN HÓA ĐÔNG SƠN
(Cách nay 2000-2500 năm) & THỜI HÁN - VIỆT (ngàn năm Bắc thuộc)
Trích cuốn sách “Tìm chơi cổ vật Việt” – Tác giả Đào Phan Long
Theo sử sách, thời gian trước và đầu Công nguyên vùng đất miền Nam Trung Hoa rộng lớn và trù phú bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, Bắc Việt Nam ngày nay là vùng đất của cư dân “Bách Việt”- tức gồm nhiều bộ tộc Việt - sinh sống. Giữa các bộ tộc Việt cũng luôn xảy ra các cuộc chiến để tranh giành, thôn tính nhau nhằm mở rộng lãnh địa. Trên vùng đất Bắc bộ nước ta ngày nay là nơi định cư của các bộ tộc Lạc Việt và Âu Việt.
Các Lạc Hầu, Lạc Tướng hùng mạnh nhất trong các bộ tộc Việt ở giai đoạn này là Triệu Việt Vương (tức Triệu Đà cai trị trên vùng đất Quảng Đông Trung Quốc ngày nay). Chính ông là người đã đem đội quân của mình đánh chiếm thành Cổ Loa (Đông Anh Việt ngày nay) của An Dương Vương nhằm mở rộng cương vực của mình. Dã sử còn để lại câu chuyện tình bất hủ Mị Châu - Trọng Thủy giữa các bộ tộc Việt xưa để răn dạy con dân Việt Nam chúng ta hãy luôn luôn cảnh giác trước mọi thủ đoạn thâm độc của các thế lực ngoại xâm. Nhưng cũng chính Triệu Đà thời ấy là người tập hợp lực lượng đứng lên chiến đấu chống lại sự xâm lăng hung hãn của người Hán phương Bắc do Hoàng đế tàn bạo Tần Thủy Hoàng phát động. Sau khi Triệu Đà thất bại, nhà Tần bị phế, nhà Hán lên ngôi nghiễm nhiên quân Hán đã tiến xuống chiếm đóng vùng đất Bắc bộ nước ta và đặt vùng đất này là Quận - Huyện của nhà Hán. Vào nửa đầu thế kỷ I sau Công nguyên, Hai Bà Trưng đã tập hợp quân dân Nam Việt sống trên vùng đất Bắc bộ khởi nghĩa đánh đuổi quân Hán để giành lại chủ quyền, cương vực. Mặc dù bị thất bại, nhưng đây là tấm gương, là bài học mở đầu cho hàng loạt cuộc nổi dậy của người dân Việt chúng ta chống lại sự thống trị tàn bạo của các triều đại phong kiến Trung Hoa trong suốt ngàn năm “đêm trường Bắc thuộc”.
Với 10 thế kỷ đô hộ, văn hóa Hán đã rắp tâm đồng hóa văn hóa Việt, cho nên về cổ vật thời này ta thấy có những ngôi mộ vòm nằm dưới lòng đất các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa…, trong mộ có những món đồ tùy táng (chôn theo người chết) bằng đồng và gốm. Đã nhiều năm trước đây rất ít người sưu tập cổ vật Việt Nam (ngay cả các bảo tàng) quan tâm đến các cổ vật thời này, nhưng kể từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, do chính sách “mở cửa” của Nhà nước ta nên những cổ vật thời này đã bắt đầu được quan tâm nghiên cứu, sưu tập để khẳng định những giá trị của chúng. Một số nhà nghiên cứu gọi tên cổ vật gốm và đồng thời này là các cổ vật mang phong cách Hán, còn tôi thì gọi là cổ vật Hán - Việt vì chúng được tìm thấy dưới lòng đất Việt. Tôi cũng rất thích sưu tập các cổ vật Hán - Việt vì chúng có hình dáng rất độc đáo mà tôi vẫn nói vui với mọi người đó là “chúng dáng các đĩa bay, dáng tầu vũ trụ thời nay”. Chúng ghi lại dấu ấn văn minh cổ rất độc đáo.
Các cổ vật đồng và đặc biệt cổ vật gốm thời này (thế kỷ I-III sau công nguyên) đã được người xưa tìm ra cách làm một lớp men mỏng (gọi là men giấy) phủ bên ngoài hiện vật để tạo độ bền và chống thấm nước, khác hẳn với cổ vật gốm chưa có men được trang trí bằng các ô hình quả trám, ô vuông nổi thời trước công nguyên (gọi là gốm bao tải). Sưu tập gốm cổ mang dấu ấn văn hóa Hán - Việt thường phân hiện vật theo một số giai đoạn. Loại có tuổi sớm trong khoảng thế kỷ I-III, rồi tiếp đến là thời Lục triều và muộn hơn là thời nhà Đường, nhà Tống.
Từ nhiều năm trước tôi đã nghĩ: Mặc dầu đây là giai đoạn lịch sử đau thương của dân tộc ta, nhưng dẫu sao các cổ vật do con người thời đó đã sáng tạo ra trong giai đoạn lịch sử ấy vẫn cần được đánh giá khách quan và trân trọng lưu giữ, do vậy tôi đã sưu tập chúng cùng các cổ vật Đông Sơn, gốm Đại Việt thời phong kiến tự chủ (thế kỷ XI-XVII) ngay từ những ngày đầu bước vào “cuộc chơi” này bởi vì một lẽ thường tình là trong cuộc chơi cổ vật giới sưu tập ít chú ý đánh giá nhiều đến tiêu chí TỐT - XẤU của thời đại đã sản sinh ra cổ vật ấy, mà lại nhận xét, đánh giá trình độ chế tác ra chúng đã ghi lại dấu ấn tư duy thẩm mỹ, sự sáng tạo nghệ thuật của con người thời đó. Đồng thời qua các cổ vật sẽ đọc lại dấu ấn văn hóa của thời sản sinh ra chúng. Càng về sau tôi ngẫm ra điều đó rất thực tế và có lý trong cuộc sống. Dẫn chứng như thời nhà Nguyên Trung Hoa tồn tại ngắn, nhà Mạc Việt Nam cũng vậy, đây là những nhà nước phong kiến chẳng vẻ vang gì trong lịch sử, nhưng gốm sứ cổ các thời ấy nay lại rất được ưa chuộng và quý vì chúng được làm ra còn lại đến ngày nay rất ít. Hoặc thời Vua Lê, Chúa Trịnh nước ta chiến tranh liên miên, dân tình cực khổ, nhưng “Sứ ký kiểu” của thời này hiện lại có giá rất cao. Hoặc như hiện nay ở Trung Quốc những tác phẩm của các nghệ nhân, họa sỹ, nhà điêu khắc tài ba nhưng cuộc đời khốn đốn, thậm chí đã tử nạn do bị quy kết, đấu tố, đầy ải trong cuộc “Đại cách mạng văn hóa” nổ ra năm 1964 như sử sách ghi lại (đưa đất nước rơi vào thảm họa, nhiều triệu người là cán bộ chiến sỹ cách mạng trung kiên, trí lực, đạo đức, là người dân lương thiện đã chết và chịu nhiều cực khổ…) lại được người Trung Quốc hiện nay tầm mua với giá rất cao.
Cổ vật Hán - Việt thường có ấm với vòi hình đầu gà, vòi voi, các nồi đồng, gốm có 3 chân, các bình dáng con tiện... Đồ gốm thường có lớp men mỏng (men giấy) và có “hỏa biến” (thường gọi chơi là có đờm, dãi trên món đồ). Khi đã có kinh nghiệm chơi cổ vật rất dễ nhận ra các cổ vật thời này. Cổ vật đồng, gốm thời này không còn dấu vết đồng văn hóa Đông Sơn nữa mà mang phong cách Hán thể hiện qua các bình, lư đốt trầm, ấm, tước, bát, đĩa, tượng, vũ khí.