ĐÍNH CHÍNH VỀ HAI ĐỒ GỐM MÀU
Phạm Quốc Quân
Trong cuốn sách “Thú chơi cổ ngoạn của người Hà Nội”(1) xuất bản năm 2012 do Câu lạc bộ những người yêu cổ ngoạn thực hiện, có rất nhiều vấn đề cần được quan tâm, liên quan tới nội dung, như tên gọi của cuốn sách, thì sự lưu tâm đầu tiên của tôi là hai đồ gốm màu, được in ở trang 61, của nhà sưu tập Trần Ngọc Việt, với chú thích ngắn gọn: Đồ gốm tam thái màu thế kỷ VII - VIII (xem ảnh 1).
Ảnh 1: Đĩa gốm Tam Thái màu TK7-8 - D23cm
Đây là hai chiếc đĩa nông lòng, viền miệng cắt khấc cánh hoa, được trang trí ba màu: xanh lục, đỏ nâu và trắng. Tuy nhiên, đỏ nâu, trắng là hai màu chủ đạo, làm nền. Màu xanh lục chỉ là điểm xuyết, phối hợp, để tạo các hoa văn trang trí.
Đồ án hoa văn trên hai chiếc đĩa có đôi chút khác biệt, nhưng đại thể, ở thành miệng là 6 cụm hoa dây, phân bố đều nhau. Giữa lòng đĩa vẽ cổ đồ, trong và trên là những bó hoa và cành hoa, khá ấn tượng và sinh động. Đây là đồ gốm vẽ màu trên men, nung nhẹ lửa, nên dễ bị bong tróc, đặc biệt khi bị ngâm dưới nước biển. Người Trung Quốc, Việt Nam hay Nhật Bản.... thường gọi là đồ gốm tam thái. Người Phương Tây, dù tam thái hay hay ngũ thái đều gọi là đa sắc (Polycrome ceramic). Xương gốm mảnh, xốp lại nung ở nhiệt độ thấp, nên trọng lượng nhẹ, khiến người sưu tập ngỡ đây là gốm thời Đường, thế kỷ VII-VIII của Trung Quốc. Thời Đường, gốm tam thái, nung nhẹ lửa phát triển khá mạnh và là một trong những mặt hàng xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, theo con đường tơ lụa, nhưng ở Việt Nam, ít thấy loại gốm này. Gốm tam thái Đường cũng có màu đỏ nâu, xanh lục và trắng, nhưng được bố cục theo kiểu hoà sắc từ các mảng của ba màu trên, chứ không được vẽ theo đồ án như hai chiếc đĩa này.
Vậy, hai chiếc đĩa trên được tìm thấy ở đâu, niên đại thế nào? Trong cuốn sách Tầu Cổ Cà Mau (The Ca Mau ShipWreck)(2) xuất bản năm 2002, Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, tìm thấy cùng rất nhiều đồ gốm khác, có niên đại tuyệt đối thời Ung Chính, nhà Thanh, Trung Quốc (1723-1735). Trong sưu tập được ông gọi là đồ gốm men nhiều màu, tiêu bản số 333 và 341, giống tới 90% hai chiếc đĩa chúng ta đang bàn. Chắc chắn rằng, hai chiếc đĩa trong sưu tập của Trần Ngọc Việt được tìm thấy trong tàu Cổ Cà Mau, nhưng tình trạng bảo quản tốt hơn, do vùi sâu trong lòng cát biển. Như thế, niên đại và địa điểm phát hiện đã được giải quyết.
Về lò gốm sản xuất loại sản phẩm này, kể cả cuốn sách Tàu Cổ Cà Mau và sau này, là cuốn sách Kho báu từ con đường tơ lụa trên biển - Đồ gốm sứ khai quật từ những con tàu đắm dưới biển Việt Nam (Hritage of Maritime Road ShipWreck China wares in Viet Nam)(3), do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, phối hợp với Bảo tàng Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đều không đề cập tới, cho dù phần Index được làm khá công phu, kỹ lưỡng của những chuyên gia gốm sứ Quảng Tây.
Tôi cho rằng, nhóm gốm men nhiều màu nặng lửa, nhẹ lửa với rất nhiều loại hình: bát, đĩa, lâu thuyền, tượng người, tượng thú.... trong đó có hai chiếc đĩa của sưu tập Trần Ngọc Việt tìm thấy trong tàu Cổ Cà Mau là sản phẩm của lò gốm Thạch Loan, Quảng Đông, Trung Quốc. Chính thợ thủ công của lò gốm này đã di chuyển xuống phía Nam, vào cuối thế kỷ 19 để lập nên những lò gốm như Hưng Ký (Hà Nội), Cây Mai (Thành phố Hồ Chí Minh) và Lái Thiêu (Sông Bé trước đây). Những sản phẩm ấy còn lại đến hôm nay, hao hao chất men, phong cách tạo hình, xưởng và kỹ thuật nung, nếu đặt chúng bên cạnh những đồ gốm nhiều màu trong tàu Cà Mau. Thợ thủ công ở các lò gốm Biên Hoà (Đồng Nai) thời Mỹ - Ngụy vẫn lưu giữ được truyền thống ấy và cố giáo sư Nguyễn Văn Y đã có lý khi gọi gốm Dona Biên Hoà là sành xốp (Fayence) - dẫu thuật ngữ ấy không nhận được nhiều sự tán đồng.
*
*              *
Đính chính sai sót là việc làm bình thường, cũng giống như vô vàn những sự sai sót khác khi kiến thức nhân loại là mênh mông, vô bờ bến. Và, cũng có thể sai sót ấy cũng sẽ sẩy ra trong bài viết ngắn này, khi tôi giả thiết về trung tâm sản xuất lô hàng, trong đó có hai chiếc đĩa trong tàu Cổ Cà Mau của nhà sưu tập Trần Ngọc Việt.
Tài liệu dẫn:
(1). Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Câu lạc bộ những người yêu cổ ngoạn Hà Nội: Thú chơi cổ ngoạn Hà Nội, Hà Nội, 2012. tr.61 (Ảnh trên).
          (2). Nguyễn Đình Chiến. Tàu Cổ Cà Mau (The Ca Mau Shipwreck 1723-1735), Hà Nội, 2002. tr. 45. Các bản ảnh tr. 220-226 (Ấn phẩm do Sở Văn hoá – Thông tin Cà Mau phối hợp với Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện).
          (3). Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: Kho báu từ con đường tơ lụa trên biển - đồ gốm sứ khai quật từ những con tàu dưới biển Việt Nam (chữ Việt, chữ Trung Quốc và chữ Anh), Quảng Tây, 2007.